Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 19-24/9/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát -
Thất nghiệp

- EU và Eurozone: Trong tháng 8/2016, tỷ lệ lạm phát của Eurozone tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2015 và bằng mức tăng trong tháng 7; lạm phát của khu vực EU28 tăng 0,3%, cao hơn mức tăng 0,2% trong tháng 7 và cách xa mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu. (Theo Cơ quan thống kê châu Âu - Eurostat ngày 15/9)

- Hoa Kỳ:

+ Dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2016 của nước này đạt 1,8%, giảm so với mức dự báo 2% (tháng 6/2016); tỷ lệ thất nghiệp đạt 4,8%, tăng so với mức dự báo 3,8%; tỷ lệ lạm phát đạt 1,3%, giảm so với mức dự báo 0,1%. (Theo Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ - FED ngày 22/9)

+ Trong tháng 8/2016, CPI so theo tháng tăng 0,2%, cao hơn mức dự báo tăng 0,1% đưa ra trước đó và 0% trong tháng 7; so theo năm tăng 1,1%, cao hơn mức tăng 0,8% trong tháng 7. CPI lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) so theo tháng tăng 0,3% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 02/2016, cao hơn mức dự báo tăng 0,2% đưa ra trước đó và mức tăng 0,1% trong tháng 7; so theo năm tăng 2,3% - cao hơn mức tăng 2,2% trong tháng 7. CPI tháng 8 tăng cao hơn dự kiến chủ yếu nhờ chi phí chăm sóc y tế tăng 1% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 02/1984; viện phí tăng 1,7% - mức tăng cao nhất kể từ tháng 10/2015; giá các loại thuốc theo toa tăng 1,3%. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 16/9)

- Tây Ban Nha: Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha trong năm 2016 đạt 3,1%, cao hơn mức dự báo 2,9% đưa ra vào tháng 7/2016 và giữ nguyên dự báo năm 2017 là 2,3%; tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2016 và 2017 lần lượt đạt 19,6% và 17,8%. (Theo Liên đoàn Doanh nghiệp Tây Ban Nha - CEOE ngày 20/9)

- Malaysia: CPI của nước này trong tháng 8/2016 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn mức dự báo tăng 1,3% của Reuters và mức tăng 1,1% trong tháng 7, do giá lương thực, đồ uống có cồn và thuốc lá tăng. (Theo Chính phủ Malaysia ngày 21/9)

Thị trường
tài chính

8 tháng đầu năm 2016, lượng trái phiếu phát hành trên toàn cầu đạt tổng giá trị 4.880 tỷ USD, xấp xỉ mức cao kỷ lục 4.910 tỷ USD của cùng kỳ năm 2007, do các công ty và quốc gia trên thế giới tích cực phát hành trái phiếu trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp kỷ lục. (Theo Công ty Dealogic, Anh ngày 19/9)

Tín dụng

Trong quý I/2016,dư nợ các khoản vay bằng đồng USD trên toàn thế giới (trừ Hoa Kỳ) giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2015 - lần giảm đầu tiên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2009. Tuy nhiên, tín dụng thông qua thị trường trái phiếu tăng 4%, nâng tổng tín dụng bằng đồng USD lên 7,9 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2016. Riêng tại thị trường mới nổi, dư nợ tín dụng bằng đồng USD (tính đến cuối tháng 3/2016) là 3,2 nghìn tỷ USD, giảm 137 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2015. (Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS ngày 18/9)

Thị trường vàng

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dự trữ vàng thêm khoảng 2.800 tấn (10%), cho thấy sức hấp dẫn của vàng trong vai trò là phương tiện tích trữ và đầu tư an toàn trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn kinh tế, chính trị và lãi suất cơ bản ở mức thấp. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, nhu cầu vàng thế giới trong quý II/2016 tăng 15%, đẩy giá vàng trong 6 tháng đầu năm 2016 tăng 25% - mức cao nhất trong 35 năm.(Theo Diễn đàn các Viện Tiền tệ và Tài chính - OMFIF ngày 19/9)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Sau kết thúc cuộc họp chích sách của Fed và BoJ, chỉ số công nghệ Nasdaq chốt phiên ngày 21/9 và 22/9 tăng mạnh, xác lập mức kỷ lục mới, lần lượt là 5.295,18 điểm và 5.339,52 điểm.Tuy nhiên, đến phiên cuối tuần (23/9), giá dầu giảm kéo giá cổ phiếu của các công ty năng lượng đồng loạt đi xuống làm thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm điểm. Tính chung cả tuần (19 - 23/9/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,76%; 1,19% và 1,17% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (16/9/2016). Trong ngày giao dịch cuối tuần (23/9/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.261,45 điểm,giảm 0,7%.

+ S&P 500 đạt 2.164,69 điểm, giảm 0,6%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.305,75 điểm, giảm 0,6%.

- Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán chính tăng điểm trong trong hai phiên ngày 21/9 và 22/9 sau thông tin Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) công bố điều chỉnh các chính sách kích thích để vực dậy nền kinh tế và FED cũng quyết định giữ nguyên lãi suất, tuy nhiên vào phiên cuối tuần (23/9) thị trường đã bắt đầu bình ổn trở lại. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 3,54% lên 141,99 điểm.

Các thị trường chính tăng điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 1,42% lên 16.754,02 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 1,04% lên 3.033,896 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 1,5% lên 23.686,48 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 2,7% lên 2.54,07 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,03% lên 5.431,297 điểm.

Dầu mỏ

Tuần từ 19 - 23/9/2016, giá dầu WTI và Brent tăng tương ứng 4,07% và 0,26% chủ yếu do đồng USD giảm sau quyết định của Fed trong cuộc họp chính sách và kho dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ giảm mạnh, tuy nhiên giá dầu trong phiên ngày 23/9 giảm mạnh do thông tin về các nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới chưa đạt được thỏa thuận về hợp tác và kiểm soát nguồn cung.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần (23/9/2016), giá dầu kỳ hạn giao tháng 11/2016:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,84 USD/thùng (4,14%) xuống 44,48 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,76 USD/thùng USD (3,84%) xuống 45,89 USD/thùng.

Châu Âu

EU

- Trong tháng 7/2016, thặng dư tài khoản vãng lai của EU28 đạt 8,4 tỷ EUR, thấp hơn mức thặng dư 15,2 tỷ EUR trong tháng 6/2016 và 10,3 tỷ EUR cùng kỳ năm 2015. Lũy kế 12 tháng (tính đến tháng 7/2016), thặng dư tài khoản vãng lai đạt 145,4 tỷ EUR, tăng so với 140,1 tỷ EUR cùng kỳ năm 2015. (Theo Eurostat ngày 19/9)

- ECB đã mua vào 1.200 tỷ EUR trái phiếu thuộc chương trình mua tài sản, được kéo dài đến tháng 3/2017, trị giá 1.740 tỷ EUR (1.950 tỷ USD), trong đó khoảng 60% tổng số trái phiếu được mua từ Đức, khiến các ngân hàng Đức đang dư thừa tiền mặt.(Theo Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB ngày 16/9)

Anh

- Dự báo giá nhà tại London trong năm 2016 sẽ giảm 9% - mức giảm cao nhất kể từ năm 2008 và giá trị thị trường bất động sản chỉ tăng 21,5% trong vòng 5 năm tới (giảm so với dự báo tăng 24,7% đưa ra trước đó) do ảnh hưởng của Brexit. (Theo Công ty Bất động sản Savills Anh ngày 21/9)

- Trong 11 tuần kể từ khi Brexit diễn ra (23/6), có khoảng 707 thỏa thuận về sáp nhập và mua lại liên quan đến các doanh nghiệp Anh với tổng giá trị đạt 87,43 tỷ USD - mức thấp nhất trong hai thập niên qua, trong khi cùng kỳ năm 2015 có 1.060 thỏa thuận, trị giá 125,22 tỷ USD. Điều này cho thấy sự kiện Brexit và những bất ổn kinh tế, chính trị toàn cầu đang chi phối quyết định của các lãnh đạo doanh nghiệp và các chủ ngân hàng, luật sư và nhà tư vấn trong hoạt động mua bán doanh nghiệp.(Theo Reuters ngày 13/9)

- Tỷ lệ thất nghiệp tại Anh từ tháng 5 - 7/2016 ở mức 4,9% - thấp nhất kể từ năm 2005. Trong khi đó, số người có việc làm trong cùng kỳ tăng 174.000 người, nâng tỷ lệ người có việc làm tại Anh lên mức cao kỷ lục 74,5%, cho thấy thị trường lao động Anh đã vượt qua được những “dư chấn” ban đầu của sự kiện Brexit. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh - ONS ngày 14/9)

Nga

- Tháng 9/2016, quỹ khẩn cấp của Nga chỉ còn 32,2 tỷ USD, giảm mạnh so với 91,7 tỷ USD vào tháng 9/2014 (ngay trước khi giá dầu bắt đầu sụt giảm). Các nhà phân tích dự báo, quỹ này sẽ chỉ còn 15 tỷ USD vào cuối năm 2016 và hết vào giữa năm 2017. Quỹ dự trữ của Chính phủ Nga được thành lập nhằm bù đắp thiếu hụt ngân sách quốc gia tại những thời điểm doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt thấp. Ngân sách năm 2016 của Nga được dự toán trên cơ sở giá dầu 50 USD/thùng, tuy nhiên giá dầu trung bình 8 tháng đầu năm chỉ khoảng 43 USD/thùng. (Theo Bộ Tài chính Nga)

- Ba ngân hàng Rosinterbank, Finprombank và RKB (xếp vị trí lần lượt là 68; 94 và 404 trên tổng số 650 ngân hàng tại Nga) đã bị rút giấy phép kinh doanh do tình hình tài chính yếu kém và vi phạm luật pháp về chống rửa tiền. Điều này làm gia tăng rủi ro đối với toàn hệ thống ngân hàng tại Nga trong bối cảnh những khoản nợ không thanh toán được chiếm khoảng 25% vốn của các ngân hàng. Trong ba năm gần đây, đã có 279 ngân hàng của Nga bị rút giấy phép hoạt động, riêng trong đó 8 tháng đầu năm 2016 có 68 ngân hàng. (Theo Ngân hàng Trung ương Nga ngày 21/9)

Hoa Kỳ

Trong tuần từ ngày 12 - 17/9, lượng đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ đã giảm 8.000 đơn so với tuần trước xuống còn 252.000 đơn - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2016 và thấp hơn mức dự báo 262.000 đơn của các chuyên gia kinh tế, cho thấy thị trường lao động Hoa Kỳ đang được cải thiện tích cực. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 22/9)

Trung Quốc

Trong 8 tháng đầu năm 2016, ngành công nghiệp dịch vụ gia công phần mềm của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng mạnh, tổng giá trị các hợp đồng dịch vụ tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2015 lên 629 tỷ CNY (95 tỷ USD). Khu vực dịch vụ gia công phần mềm của Trung Quốc được Quốc hội nước này coi như một ngành “công nghiệp xanh”, tạo động lực phát triển công nghiệp và việc làm. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 20/9)

Giá nhà trung bình tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc trong tháng 8/2016 tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng tăng thứ 11 liên tiếp, cao hơn mức tăng 7,9% trong tháng 7. Giá nhà tăng mạnh tại những thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải với mức tăng lần lượt là 23,5% và 31,2%. Ngoài ra, các khoản vay thế chấp dưới chuẩn trong hoạt động vay mua nhà trong tháng 8 tăng 21% so cùng kỳ năm 2015, dấu hiệu cho thấy bong bóng bất động sản của Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ bùng nổ. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Trung Quốc)

Ngân hàng Thanh toán Quốc tế - BIS (18/9) cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng ngành ngân hàng tại Trung Quốc đang tăng cao, trên mức độ nguy hiểm. Tỷ lệ chênh lệch giữa tổng dư nợ cho vay và GDP trong quý I/2016 là 30,1%, cao hơn mức 25,4% cùng kỳ năm 2015, vượt tỷ lệ cho phép trong độ an toàn (dưới 10%). Do đó, “sức khỏe” của ngành ngân hàng của Trung Quốc đang trở thành mối quan ngại đối với các thị trường tài chính.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - PBoC (21/9) thông báo đã ủy quyền cho chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc - BOC tại New York lần đầu tiên cung cấp dịch vụ thanh toán bù trừ đồng nhân dân tệ tại Hoa Kỳ, ghi dấu bước tiến mới trong nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Chính phủ Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy thương mại hai chiều Trung Quốc - Hoa Kỳ và hợp tác về kinh tế và đầu tư.

Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Trung Quốc thời gian tới sẽ đầu tư 3.000 NDT (450 tỷ USD) thông qua các sản phẩm tài chính ưu đãi với mức lãi suất hấp dẫn nhằm mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững. Đây là khoản đầu tư cho nông nghiệp lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc. (Ngân hàng Phát triển nông nghiệp Trung Quốc ngày 18/9)

Nhật Bản

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất trong tháng 9/2016 đạt 50,3 điểm, tăng so với 49,5 điểm trong tháng 8 - mức tăng đầu tiền kể từ tháng 02/2016 và cao hơn dự báo 49,3 điểm của các nhà kinh tế, do sản lượng sản xuất tăng nhanh và số đơn đặt hàng xuất khẩu tăng lần đầu tiên trong 8 tháng qua. (Theo Công ty Markit Economics ngày 23/9)

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 8/2016 ước giảm 4,8% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng giảm thứ 11 liên tiếp, thấp hơn mức giảm 14% trong tháng 7; kim ngạch nhập khẩu giảm 17,8%; thặng dư thương mại đạt 202,3 tỷ JPY (2 tỷ USD). (Theo Reuters ngày 16/9)

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong tháng 8/2016 đạt 18,71 tỷ JPY (184 triệu USD) - mức thâm hụt đầu tiên sau 3 tháng gần đây. Kim ngạch xuất khẩu giảm 9,6% so với cùng kỳ năm 2015 xuống 5.320 tỷ JPY (52,13 tỷ USD) - tháng giảm thứ 11 liên tiếp do tỷ giá đồng yên mạnh; kim ngạch nhập khẩu giảm 17,3% xuống 5.340 tỷ JPY (52,33 tỷ USD) - tháng giảm thứ 20 liên tiếp. (Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 21/9)

Hàn Quốc

Trong tháng 8/2016, chỉ số giá sản xuất (PPI) so theo tháng tăng 0,1% lên 99,02 điểm, cao hơn mức giảm 0,1% trong tháng 7. Trong đó giá nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản tăng 6,6%, trong đó giá nông sản tăng 13,8%, giá thủy sản giảm 0,2%; giá thực phẩm và đồ uống tăng 3,5%; gia thực phẩm tươi sống như rau và trái cây tăng 16,7%; giá sản phẩm công nghiệp giảm 0,4%, trong đó than đá và dầu giảm 4,5%, sản phẩm hóa học giảm 0,3%. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc ngày 21/9)

Chính sách

- Hoa Kỳ: Ngày 22/9, FED thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0,25 - 0,5% và phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 nếu thị trường lao động được cải thiện hơn và tăng trưởng kinh tế tế Hoa Kỳ đang trên đà hồi phục mạnh, để tránh cho nền kinh tế không phát triển quá nóng và lạm phát cao. Dự báo từ nay đến cuối năm 2016 FED sẽ tăng lãi suất 1 lần và tiếp tục tăng trong năm 2017, 2018; lãi suất dài hạn sẽ là 2,9% (giảm so với mức 3,0% đưa ra trước đó).

- Nhật Bản: Ngày 21/9, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản - BoJ thông báo quyết định chuyển trọng tâm điều hành chính sách từ chương trình “tiền cơ sở” sang“kiểm soát đường cong lãi suất” để đạt mục tiêu lạm phát 2%, thông qua việc mua trái phiếu chính phủ dài hạn với quy mô bình quân khoảng 80 nghìn tỷ JPY/năm (781 tỷ USD/năm). Lãi suất áp dụng cho phần tiền gửi vượt dự trữ của các tổ chức tài chính tại ngân hàng trung ương giữ nguyên ở mức -0,1%.

- Indonesia: Ngày 22/9, Ngân hàng Trung ương Indonesia quyết định cắt giảm lãi suất chủ chốt lần thứ 5 trong năm 2016 thêm 25 điểm phần trăm xuống 5%, nhằm thúc đẩy cho vay trong bối cảnh lạm phát của nước này đang ở mức thấp, đồng thời cho biết chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ được kéo dài tới cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.

Nhận định
chuyên gia

Jens Weidmann - Chủ tịch Bundesbank (19/9) nhận định:

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) không nên kéo dài chương trình nới lỏng tiền tệ và mức lãi suất thấp vô hạn định, do thời gian áp dụng chính sách lãi suất thấp kéo dài sẽ làm tăng rủi ro cho thị trường. Lãi suất tái cấp vốn của ECB thấp kỷ lục ở mức 0%, lãi suất tiền gửi là âm 0,4%.Mặc dù ECB mở rộng chương trình nới lỏng tiền tệ vào tháng 3/2016, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Eurozone vẫn yếu (dự báo tăng trưởng chỉ đạt 1,7% trong năm 2016; 1,6% trong cả hai năm 2017 và 2018).