Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 22-27/8/2016

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng

- Hoa Kỳ: Trong quý 2/2016, GDP tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2015 - thấp hơn mức1,2% ước tính trước đó. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế dự báo, kinh tế Hoa Kỳ sẽ phục hồi trong quý 3/2016 do tiền lương được điều chỉnh tăng mạnh sẽ kích thích chi tiêu hộ gia đình. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 26/8)

- Anh: Trong quý 2/2016, tăng trưởng GDP đạt 0,6%, cao hơn mức 0,4% đạt được trong quý 1, chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng tăng. (Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh ngày 27/8)

- Đức: Trong quý 2/2016, GDP tăng 0,4% so với quý 1 - cao gấp đôi so với dự báo trước đó của Tổ chức Nghiên cứu Factset và tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2015 - mức cao nhất trong vòng 5 năm qua,- chủ yếu do kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng cao (1,2%). (Theo Văn phòng Thống kê Đức - Destatis ngày 24/8)

- Indonesia: Dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2016 giảm từ 5 - 5,4% xuống 4,9 - 5,3% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hậu Brexit hồi phục chậm hơn so với dự kiến. Ngoài ra, Chính phủ Indonesia cũng quyết định giảm 184.000 tỷ IDR (14,2 tỷ USD) chi tiêu ngân sách nhằm giữ mức thâm hụt tài khóa ở ngưỡng giới hạn an toàn (dưới 3% GDP). (Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia ngày 29/8)

Bảo hiểm

Những thảm họa thiên nhiên và nhân tạo xảy ra trên thế giới trong 6 tháng đầu năm 2016 đã gây thiệt hại 71 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó chủ yếu là thiệt hại do thiên tai. Ngành bảo hiểm toàn cầu đã phải bù đắp 44% thiệt hại (tương đương 31 tỷ USD) , tăng 51% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó chi phí nhiều nhất cho những thiệt hại do các cơn bão lớn ở Hoa Kỳ (10,1 tỷ USD) và châu Âu (2,8 tỷ USD) gây ra. (Theo Công ty Tái bảo hiểm Swiss Re của Thụy Sỹ ngày 18/8)

Đầu tư

Trong tuần từ 10 - 17/8, quỹ đầu tư chứng khoán của các thị trường mới nổi nhận khoảng 2,7 tỷ USD - tuần thứ bảy liên tiếp những quỹ này nhận thêm vốn; quỹ dành cho các khoản trái phiếu đầu tư (là những trái phiếu có tính rủi ro thấp, được xếp hạng BBB trở lên theo chuẩn của Standard & Poor's và Moody’s) đã nhận được 2,2 tỷ USD; quỹ trái phiếu có chất lượng thấp hơn (xếp hạng BB trở xuống) nhận được 889 triệu USD; quỹ huy động vốn của các thị trường mới nổi nhận 478 triệu USD. Những số liệu trên cho thấy tâm lý của nhà đầu tư đối với các thị trường toàn cầu đã được cải thiện đáng kể. (Theo Hãng tin Thomson Reuters, Anh ngày 22/8)

Ngân hàng

Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) hợp tác với Ngân hàng Deutsche (Đức), Ngân hàng Santander (Tây Ban Nha), Tập đoàn Đầu tư BNY Mellon (Hoa Kỳ) và Nhà điều hành thị trường ICAP (Anh) để khởi động chương trình phát triển và sử dụng “đồng tiền thanh toán hữu dụng (USC)”. USC được sử dụng trong các giao dịch tài chính ứng dụng công nghệ blockchain (mà hệ thống đồng Bitcoin đang sử dụng), qua đó giúp giảm chi phí so với dùng các phương thức thanh toán bù trừ và thanh toán trung gian như hiện nay. (Ước tính các ngân hàng và tổ chức tài chính mỗi năm phải chi phí khoảng 65 - 80 tỷ USD cho các phương thức thanh toán hiện hành). (Theo Ngân hàng UBS - Thụy Sỹ ngày 24/8)

Du lịch

Dự báo chi tiêu cho du lịch toàn cầu trong năm 2016 tăng 3,1%, thấp hơn so với 3,3% dự báo hồi tháng 3/2016, trong đó khu vực Nam Á tăng 5,9% nhờ kinh tế tăng trưởng ổn định, nhất là tại Ấn Độ; khu vực Đông Bắc Á tăng 4,7%; Đông Nam Á tăng 4%; Bắc Mỹ tăng 3,1%; châu Âu tăng 2,2%; trong khi Mỹ La-tinh giảm 0,9% do kinh tế Brazil suy giảm. (Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới - WTTC ngày 22/8)

Lao động

Dự báo tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 - 24 tuổi) trên toàn cầu sẽ tăng từ 12,9% năm 2015 lên 13,1% (tương đương 71 triệu người) năm 2016 - gần bằng mức tăng cao kỷ lục 13,2% của năm 2013, chủ yếu do suy thoái kinh tế tại một số nền kinh tế mới nổi diễn ra trầm trọng hơn dự báo và các nền kinh tế phát triển tăng trưởng chậm lại. (Theo Tổ chức Lao động Quốc tế ngày 24/8)

Chứng khoán

Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều giảm điểm trong tuần qua, chủ yếu do các nhà đầu tư cho rằng nhiều khả năng FED sẽ nâng lãi suất vào tháng 9/2016 trong bối cảnh kinh tế Hoa Kỳ có những triển vọng tích cực. Tính chung cả tuần (22 - 26/8/2016), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 0,85%; 0,68% và 0,37% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước (19/8/2016).Trong ngày giao dịch cuối tuần (26/8/2016) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Dow Jones đạt 18.395,4 điểm, giảm 0,29%.

+ S&P 500 đạt 2.169,04 điểm, giảm 0,16%.

+ Nasdaq Composite đạt 5.218,92 điểm, tăng 0,13%.

Chứng khoán châu Á: Hầu hết các thị trường chứng khoán giảm điểm trong tuần qua, chủ yếu do ảnh hưởng từ sự giảm điểm của thị trường chứng khoán Hoa Kỳ. Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,56% xuống 138,35 điểm.

Các thị trường chính giảm điểm:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) giảm 1% xuống 16.360,71 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) giảm 0,12% xuống 22.909,54 điểm.

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) giảm 1,23% xuống 3.070,48 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) giảm 0,91% xuống 2.037,5 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) giảm 0,26% xuống 5.515,47 điểm.

Dầu mỏ

Trong tháng 6/2016, xuất khẩu dầu thô và sản phẩm lọc dầu của Saudi Arabia tăng thêm 450.000 thùng/ngày lên 8,3 triệu thùng/ngày - mức cao nhất trong 3 tháng qua và là tín hiệu cho thấy nước này đang tăng sản lượng để duy trì thị phần xuất khẩu. Xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia trong 6 tháng đầu năm 2016 bình quân đạt 7,52 triệu thùng/ngày so với 7,46 triệu thùng/ngày của cùng kỳ năm 2015. (Theo Bloomberg ngày 18/8)

Trong 3 tuần đầu tháng 8, giá dầu đã tăng 15% do: (i) Thị trường kỳ vọng các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm nguồn cung dầu mỏ; (ii) Đồng USD mất giá cũng giúp tăng nhu cầu sử dụng dầu do dầu mỏ được giao dịch quốc tế bằng đồng USD. Tuy nhiên, đợt phục hồi này sẽ không kéo dài bởi sự gián đoạn sản xuất tại Nigeria, Irắc và Libya đang được giải quyết, khiến nguồn cung có thể tăng cao trong thời gian tới. Goldman Sachs giữ nguyên dự báo giá dầu Brent ở mức 45 - 50 USD/thùng kéo dài đến mùa hè năm 2017. (Theo Ngân hàng Goldman Sachs - Hoa Kỳ ngày 22/8)

Tuần từ 22 - 26/8/2016, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 3% và 1,9%, do lo ngại lượng dầu và sản phẩm lọc dầu lưu kho thương mại của Hoa Kỳ tăng lên mức kỷ lục khiến tình trạng dư cung toàn cầu sẽ tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, giá dầu chốt phiên giao dịch cuối tuần (26/8/2016) tăng nhẹ sau phát biểu của Chủ tịch FED Janet Yellen (ngày 26/8) về khả năng FED có thể nâng lãi suất trong tháng 9/2016.

- Giá dầu WTI giao tháng 10/2016 trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 31 cent (0,7%) lên 47,64 USD/thùng.

- Giá dầu Brent giao tháng 9/2016 trên sàn ICE Futures Europe tăng 25 cent (0,5%) lên 49,92 USD/thùng.

Châu Âu

EU

Ngày 24/8, EU và Bồ Đào Nha đã đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ trị giá hơn 5 tỷ EUR (5,63 tỷ USD) để tái cơ cấu vốn cho Ngân hàng Caixa Geral de Depositos (CGD) của Bồ Đào Nha. Trong đó, Chính phủ Bồ Đào Nha sẽ chi 2,7 tỷ EUR (3 tỷ USD) cho CGD, còn lại 2,3 tỷ EUR sẽ do EU tài trợ cho CGD. (Theo Ủy ban châu Âu - EC)

Pháp

Trong tháng 7/2016, tỷ lệ thất nghiệp tại nước này giảm 0,5% (tương đương 19.100 người), sau khi tăng nhẹ trong tháng 5 và tháng 6, góp phần làm giảm tổng số người không có việc làm xuống còn 3,5 triệu người - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2016, tỷ lệ thất nghiệp giảm 2,1%, tương đương 73.900 người, cho thấy nền kinh tế Phápđang dần hồi phục. (Theo Bộ Lao động Pháp ngày 24/8)

Anh

Trong tháng 7/2016, các nhà đầu tư đã thoái 5,7 tỷ GBP ra khỏi các quỹ đầu tư chứng khoán tại Anh - mức cao nhất trong vòng 3 năm qua và thoái 438 triệu GBP ra khỏi các quỹ bất động sản, sau khi đã thoái tổng cộng 3,1 tỷ GBP trong tháng 6/2016, do ảnh hưởng của Brexit. (Theo Trung tâm nghiên cứu Morningstar - Anh ngày 24/8)

Châu Á

Hàn Quốc

Tính đến tháng 7/2016, xuất khẩu của Hàn Quốc đã giảm tháng thứ 19 liên tiếp - giai đoạn giảm dài nhất kể từ năm 1970, do ảnh hưởng từ sự giảm sút của thương mại toàn cầu và đồng won tăng giá so với đồng USD làm gia tăng biến động về tỷ giá. Tiếp đó, trong 20 ngày đầu tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc cũng chỉ đạt 22,45 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu sang Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai đối tác thương mại hàng đầu của Hàn Quốc, giảm tương ứng ở mức 3,4% và 4,4%; xuất khẩu sang Liên minh châu Âu giảm 9,1%. (Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc ngày 22/8)

(Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc ngày 22/8)

Singapore

CPI tháng 7/2016 giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2015 - tháng giảm thứ 24 liên tiếp, sau khi giảm 0,3% trong tháng 6. Lạm phát lõi (không bao gồm chi phí ăn ở và chi phí đi lại cá nhân) tăng 1% so với cùng kỳ năm 2015, giảm nhẹ từ mức tăng 1,1% trong tháng 6, do sự sụt giảm của giá hàng hóa bán lẻ. (Theo Bộ Thương mại và Công nghiệp - MTI và Cơ quan Tiền tệ - MAS của Singapore ngày 23/8)

- Sản xuất công nghiệp trong tháng 7/2016 cũng bất ngờ giảm 3,6% - lần giảm đầu tiên kể từ tháng 2/2016, so với mức tăng 0,9% dự báo đưa ra trước đó và mức tăng 0,6% trong tháng 6. Trong đó hầu hết các mặt hàng đều sụt giảm: Hóa chất giảm 3,2%; cơ khí chính xác giảm 4,9%; sản phẩm sinh học giảm 9,7%; kỹ thuật giao thông vận tải giảm 21,8%... (Theo Ban Phát triển kinh tế Singapore ngày 26/8)

Thái Lan

Chính phủ Thái Lan đã phân bổ khoản ngân sách 2 tỷ THB (57 triệu USD) cho tài khóa 2017 để xúc tiến thương mại tại thị trường các nước Tiểu vùng sông Mekong (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam - CLMV), tăng 25% so với năm 2016. Ngoài ra, ngân sách xúc tiến thương mại 2017 cũng được phân bổ cho các thị trường khác: 25% cho thị trường Đông Á và châu Đại Dương; 20% cho Tây Âu; 10% cho châu Mỹ; 5% cho thị trường Nam Á, châu Phi, Trung Đông và Đông Âu. Các nước CLMV là bạn hàng chủ yếu của Thái Lan - chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của nước này cho toàn khu vực Đông Nam Á. (Theo Cục Xúc tiến thương mại Thái Lan ngày 22/8)

Indonesia

Dự báo tỷ lệ lạm phát của Indonesia trong năm 2016 sẽ đạt dưới mức 3,5%, tạo điều kiện cho Ngân hàng Trung ương Indonesia thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích tăng trưởng kinh tế. (Theo Ngân hàng Trung ương Indonesia ngày 25/8)

Châu Mỹ

Mexico

Trong quý 2/2016, nền kinh tế Mexico tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm 2015 - mức tăng cao nhất trong một quý kể từ năm 2012, cao hơn mức 2,4% dự báo trước đó, do các hoạt động kinh tế thuộc lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, nghề cá, khai thác mỏ, khai thác lâm sản tăng 3,4% và hoạt động dịch vụ tăng 3,3%. (Theo Viện Địa lý và Thống kê quốc gia Mexico - NEGI ngày 22/8). Dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2016 đạt khoảng 2,2 - 3,2% (Bộ Tài chính Mexico); khoảng 2 - 3% (Ngân hàng Trung ương Mexico). Các chuyên gia kinh tế nhận định, tốc độ tăng trưởng GDP của Mexico khá tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn.

Brazil

Chính phủ Brazil sẽ không gia hạn chính sách miễn thuế bán ethanol (được áp dụng từ năm 2013 và sẽ kết thúc vào tháng 12/2016). Đây được coi như một biện pháp nhằm thúc đẩy việc tái cân bằng các nguồn thu ngân sách của Chính phủ. (Theo Reuteurs ngày 24/8)

Hoa Kỳ

Trong tuần từ 8 - 13/8, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Hoa Kỳ đã giảm 4.000 đơn xuống còn 262.000 đơn, so với mức 265.000 đơn dự báo của các chuyên gia kinh tế, do tỷ lệ sa thải thấp và tốc độ tuyển dụng tăng đều của các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong những tháng gần đây. Lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ đạt dưới ngưỡng 300.000 đơn trong 76 tuần liên tiếp - giai đoạn dài nhất kể từ năm 1973, được cho là nhân tố quan trọng khiến FED có thể tăng lãi suất trong thời gian tới. (Theo Bộ Lao động Hoa Kỳ ngày 18/8)

Trung Quốc

Từ ngày 22/8 Trung Quốc dỡ bỏ các loại thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng thép ống không gỉ nhập khẩu từ Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU), đã được áp dụng từ ngày 09/11/2012 với mức thuế khoảng 9,2 - 14,4%. (Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 22/8)

PBoC ngày 24/8 đã bơm tiền vào thị trường tiền tệ thông qua các giao dịch mua lại trái phiếu có kỳ hạn: 50 tỷ CNY (7,5 tỷ USD) kỳ hạn 14 ngày - lần đầu tiên kể từ tháng 02/2016, lãi suất 2,4%; 90 tỷ CNY (13,55 tỷ USD) kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 2,25%, sau khi có dấu hiệu bán tháo trên thị trường trái phiếu. (Theo Hãng tin Bloomberg)

Nhật Bản

Thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) của Nhật Bản đang có nguy cơ tăng trưởng quá nóng, số thương vụ M&A tăng nhanh và khoảng cách trung bình giữa giá mua doanh nghiệp và giá trị thị trường trong các thương vụ là 24,8% - cao nhất kể từ năm 2009 (sau khi xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu). Nguyên nhân do chính sách kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản khiến các khoản vay mới của doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm tăng mạnh lên 250 tỷ USD (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015). (Theo Bloomberg ngày 23/8)

Nội các Chính phủ Nhật Bản ngày 24/8 đã thông qua việc gia hạn thời điểm tăng thuế tiêu dùng (từ 8% lên 10%) từ tháng 4/2017 sang tháng 10/2019. Ngoài ra, Chính phủ sẽ gia hạn các chương trình miễn thuế cho vay thế chấp, miễn thuế khi nhận tiền mua nhà từ bố mẹ hoặc ông bà đến cuối năm 2021. Trước đó, ngày 01/6, Thủ tướng Nhật Bản thông báo hoãn tăng thuế tiêu dùng, tạm dừng kế hoạch cải cách tài chính trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn suy yếu.

CPI tháng 7/2016 của Nhật Bản giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2015 do tiêu dùng yếu, giá dầu thấp và đồng yên mạnh khiến giá hàng nhập khẩu giảm. Trong đó CPI lõi (không bao gồm thực phẩm tươi sống) giảm 0,5% - tháng giảm thứ 5 liên tiếp và là mức giảm cao nhất trong 3 năm, cao hơn so với mức giảm 0,4% của tháng 6; CPI lõi (không bao gồm năng lượng và thực phẩm) tăng 0,3%, thấp hơn mức dự báo tăng 0,4%. (Theo Chính phủ Nhật Bản ngày 26/8)

Nhận định
chuyên gia

Ông Long Guoqiang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc hội Trung Quốc ngày 19/8 nhận định:

Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong năm 2016 có thể giảm mạnh hơn mức giảm 1,8% của năm 2015, do nhu cầu tiêu dùng của thị trường thế giới thấp và các chương trình bảo hộ chống hàng hóa Trung Quốc gây áp lực đến tăng trưởng xuất khẩu của nước này. Ngoài ra, việc tăng chi phí lao động cũng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc.