Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 29/5-03/6/2017

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

Kinh tế - tài chính thế giới

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Hoa Kỳ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2017 đạt 1,2%, cao hơn so với mức 0,7% (ước tính lần 1), do chi tiêu tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp tăng mạnh, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ - FED nâng lãi suất trong tháng 6/2017.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IHS Markit, Nariman Behravesh cho biết, chi tiêu tiêu dùng cá nhân và doanh nghiệp tiếp tục tăng mạnh sẽ đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong quý II/2017 vượt mức 3%. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 26/5)

- Tây Ban Nha:

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2017 đạt 3%, cao hơn mức tăng 2,7% (dự báo đưa ra trước đó), do nền kinh tế nước này tăng trưởng tốt hơn dự báo trong những tháng đầu năm, cho thấy kinh tế Tây Ban Nha đang trên đà phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008. (Theo Chính phủ Tây Ban Nha ngày 30/5)

+ CPI tháng 5/2017 tăng 1,9%, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017, tương đương mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) là dưới 2%.(Theo Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha - INE ngày 30/5)

- Canada: Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý I/2017, đạt 3,7%, cao hơn so với mức tăng trưởng 2,7% trong quý IV/2016 và 2,4% của cùng kỳ năm 2016,nhờ sự thay đổi tích cực trong đầu tư, kinh doanh và tăng chi tiêu của hộ gia đình. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế Canada là 3,9%. (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 31/5)

- Brazil: Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I/2017 đạt 1% so với quý trước - mức tăng trưởng đầu tiên sau 2 năm suy thoái liên tiếp, do lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp tăng trưởng cao (lần lượt đạt 13,4% và 0,9%), cùng với lĩnh vực dịch vụ duy trì ở mức ổn định.

Tuy nhiên, GDP của Brazil giảm 0,4% so với cùng kỳ của năm 2016 và giảm 2,3% trong 12 tháng qua. (Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil - IBGE ngày 01/6)

- Ấn Độ: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong quý I/2017 đạt 6,1%, thấp hơn mức tăng trưởng 7% của quý IV/2016 và dự báo 6,9% của các chuyên gia kinh tế. Tăng trưởng GDP trong năm tài khóa 2016 - 2017 đạt 7,1%, giảm so với mức tăng trưởng 8% của năm tài khóa 2015 - 2016.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nguyên nhân khiến kinh tế Ấn Độ giảm tốc là do quyết định loại bỏ 86% tiền giấy của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi vào cuối năm 2016. (Theo Chính phủ Ấn Độ ngày 31/5)

Năng lực cạnh tranh

Viện Phát triển Quản lý Quốc tế - IMD, Thụy Sỹ ngày 01/6 đã công bố chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của 63 nền kinh tế trên thế giới, cụ thể:

- Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) duy trì vị trí đứng đầu danh sách năm thứ hai liên tiếp; Thụy Sỹ và Singapore lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3.

- Năng lực cạnh tranh của Hoa Kỳ ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng - mức thấp trong 5 năm vừa qua. Mặc dù nước này đứng đầu danh sách về hoạt động kinh tế, tuy nhiên hiệu quả của Chính phủ và doanh nghiệp không được đánh giá tốt (lần lượt ở mức 27 và 14).

- Nhật Bản tiếp tục đứng ở vị trí thứ 26, trong khi Trung Quốc tăng 7 bậc lên vị trí thứ 18 trên cơ sở những đóng góp của nước này đối với thương mại quốc tế.

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Hầu hết chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng nhờ sự tăng giá trong các nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng. Tính chung cả tuần (30/5 - 02/6/2017), chỉ số Dow Jones; S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 0,59%; 0,95%; 1,54% so với chốt phiên giao dịch cuối của tuần trước đó.Trong phiên giao dịch ngày 02/6/2017 so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Dow Jones tăng 62,11 điểm (0,29%) lên 21.206,29 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 9,01 điểm (0,37%) lên 2.439,07 điểm.

+ Chỉ số Nasdaq tăng 58,97 điểm (0,94%) lên 6.305,8 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần (29/5 - 02/6), MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 2,67 điểm (0,6%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (02/6/2017) so với phiên giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 2,92 điểm (0,09%) lên 3.105,54 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 317,25 điểm (1,6%) lên 20.177,28 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 27,11 điểm (1,16%) lên 2.371,72 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 114,83 điểm (0,44%) lên 25.924,05 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 50 điểm (0,87%) lên 5.788,1 điểm.

Dầu mỏ

Số giàn khoan dầu tại Hoa Kỳ trong tuần (22 - 27/5) đạt 722 giàn, tuần tăng thứ 19 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2015, làm giảm nỗ lực thắt chặt nguồn cung của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Goldman Sachs dự báo sản lượng dầu của Hoa Kỳ sẽ tăng 785 nghìn thùng/ngày từ quý 4/2016 đến quý 4/2017, chủ yếu do các nhà sản xuất dầu đá phiến Permian, Eagle Ford, Bakken và Niobrara tăng sản lượng. (Theo Công ty Baker Hughes, Hoa Kỳ ngày 26/5)

Tuần từ 29/5 - 02/6/2017, giá dầu WTI và Brent giảm tương ứng 4,3% và 4,9%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (02/6/2017):

- WTI kỳ hạn giao tháng 7/2017 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 0,7 USD (-1,5%) xuống 47,66 USD/thùng.

- Brent kỳ hạn giao tháng 8/2017 trên sàn ICE Futures Europe giảm 0,68 USD (-1,3%) xuống 49,95 USD/thùng.

Châu Âu

EU

- Ba thể chế trong Liên minh châu Âu (EU) gồm Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu (EP) và Ủy ban châu Âu (EC) đã đạt được đồng thuận về “gói tiêu chí” cho việc thành lập một thị trường chứng khoán đơn giản, minh bạch và chuẩn hóa của EU.

Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết, thỏa thuận lần này sẽ cho phép tự do hóa hoạt động cho vay của ngân hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các công ty và hộ gia đình tiếp cận các nguồn vốn.

Thỏa thuận trên đóng vai trò như một trong những nền tảng quan trọng giúp hình thành Liên minh các thị trường vốn chung - CMU - một dự án then chốt của EU và được kỳ vọng sẽ bổ sung 150 tỷ EUR vốn cho nền kinh tế khu vực.(Theo EC ngày 30/5)

- Trong tháng 4/2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các doanh nghiệp phi tài chính của Eurozone đạt 2,4%, cao hơn mức tăng 2,3% của tháng 3/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 6/2009, qua đó các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để tăng chi tiêu, tuyển dụng và đầu tư, thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế, tuy nhiên cũng làm tăng lạm phát. (Theo ECB ngày 30/5)

 Đức

Trong tháng 5/2017, số người thất nghiệp của Đức giảm 9 nghìn người xuống 2,536 triệu người, đưa tỷ lệ thất nghiệp của Đức giảm xuống mức thấp kỷ lục (5,7%), cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu tăng trưởng tốt. (Theo Cơ quan Lao động Liên bang Đức ngày 31/5)

Hoa Kỳ

Trong tháng 5/2017, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã kiến tạo được 253 nghìn việc làm, cao hơn 174 nghìn việc làm của tháng 4/2017 và 185 nghìn việc làm (dự báo của Reuters), do việc làm trong lĩnh vực xây dựng và dịch vụ tăng mạnh (lần lượt tăng 37 nghìn và 205 nghìn việc làm).

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Công ty Phân tích Moody's dự báo, tỷ lệ thất nghiệp của Hoa Kỳ (hiện ở mức 4,4%) sẽ giảm xuống 4% trong thời gian tới. (Theo Công ty ADP và Công ty Phân tích Moody’s ngày 31/5)

Trong tháng 5/2017, chỉ số sản xuất của Hoa Kỳ đạt 54,9%, cao hơn mức 54,8% của tháng 4/2017, cho thấy lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt.

Trong các chỉ số cấu phần, chỉ số đơn đặt hàng mới tăng 2 điểm phần trăm lên 59,5% cho thấy tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định; chỉ số giá giảm 8 điểm phần trăm xuống 60,5%, cho thấy mặc dù giá nguyên liệu thô tăng tháng thứ 15 liên tiếp nhưng tốc độ tăng đã giảm dần. (Theo Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ ngày 01/6)

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Hoa Kỳ trong tháng 5/2017 đạt 52,7 điểm, thấp hơn mức 52,8 điểm của tháng 4/2017 và là mức thấp nhất trong 8 tháng qua do hoạt động kinh doanh mới giảm tốc, sản lượng và việc làm suy yếu, trong khi chi phí đầu vào giảm. (Theo IHS Markit ngày 01/6)

Ngày 01/6, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, giúp ông hiện thực hóa cam kết tranh cử nhưng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của trái đất. Tuy nhiên, ông Donald Trump khẳng định, Hoa Kỳ sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tham gia một thỏa thuận khác công bằng hơn đối với nước này.

Những người ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cảnh báo, quyết định của Tổng thống Donald Trump có thể khiến Hoa Kỳ bị cô lập trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và sự ấm lên của trái đất, đồng thời tạo cơ hội cho các nước khác như Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này.

(Theo TTXVN ngày 02/6)

Trung Quốc

Trong năm 2016, tổng kim ngạch thương mại điện tử của Trung Quốc đạt 26.100 tỷ NDT (3.800 tỷ USD), tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2015 và chiếm 39,2% thị trường bán lẻ thương mại điện tử toàn cầu. Trong đó, doanh thu của ngành dịch vụ thương mại điện tử đạt 2.450 tỷ NDT (355 tỷ USD), tăng 23,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Ông Niếp Lâm Hải, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, ảnh hưởng của thị trường bán lẻ trực tuyến Trung Quốc đối với thế giới tăng liên tục nhiều năm đã khiến nước này trở thành thị trường bán lẻ trực tuyến với quy mô lớn nhất toàn cầu. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 29/5)

Trong tháng 4/2017, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc đạt 5,83 tỷ USD, giảm 70,8% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 4 tháng đầu năm, ODI của Trung Quốc đạt 26,37 tỷ USD, giảm 56,1%, chủ yếu trong các lĩnh vực dịch vụ thương mại, chế tạo công nghiệp, truyền tải thông tin, phần mềm và công nghệ thông tin.

Hoạt động đầu tư tại các nước nằm trên tuyến “Vành đai và Con đường” chiếm 15,1% tổng lượng ODI của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2017, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 27/5)

Trong tháng 5/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đạt 51,2 điểm - tháng tăng thứ 10 liên tiếp; PMI lĩnh vực phi chế tạo đạt 54,5 điểm, cao hơn mức 54 của tháng 4/2017 và là tháng thứ tám liên tiếp đạt trên 54 điểm, cho thấy hoạt động phi chế tạo Trung Quốc tiếp tục duy trì tốc độ phát triển khá nhanh; PMI lĩnh vực dịch vụ (chiếm hơn 50% kinh tế Trung Quốc trong năm 2016) đạt 53,5 điểm, cao hơn mức 52,6 của tháng 4/2017. (Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc - NBS ngày 31/5)

Trung Quốc có kế hoạch thay đổi cách tính tỷ giá tham chiếu hằng ngày của đồng NDT so với đồng USD, với việc thêm “yếu tố điều chỉnh theo chu kỳ”, nhằm làm giảm tác động của những biến động thị trường lớn đến tỷ giá. Ổn định đồng NDT là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong năm 2017 của Trung Quốc, khi chính quyền cố gắng ngăn chặn dòng vốn chảy ra và những cú sốc tài chính. (Theo Thời báo Ngân hàng ngày 26/5)

Trong phiên giao dịch ngày 01/6, tỷ giá trung tâm của đồng NDT tăng 0,8% so với phiên trước đó (31/5) lên 6,809 NDT/USD - mức cao nhất kể từ ngày 10/11/2016 tại thị trường trong nước và đạt 6,7330 NDT/USD - mức cao nhất kể từ giữa tháng 10/2017 tại thị trường nước ngoài.

Đồng NDT tăng giá mạnh trong bối cảnh thị trường nhận định Chính phủ Trung Quốc đang triển khai các biện pháp nhằm nâng giá đồng nội tệ, đáp trả động thái của Moody's (24/5) về việc hạ mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của nền kinh tế nước này.

Đồng NDT đang trên đà trượt giá kéo dài từ giữa năm 2015, khi các thị trường chứng khoán Trung Quốc bùng nổ, đồng USD lên giá và đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc, làm cho các nhà đầu tư chuyển hướng vào các thị trường nước ngoài. (Theo TTXVN ngày 01/6)

 

Nhật Bản

Tính đến cuối năm 2016:

- Tài sản ròng ở nước ngoài do Nhật Bản sở hữu (bao gồm tài sản của Chính phủ,doanh nghiệp và các nhà đầu tư cá nhân) đạt 349.110 tỷ JPY (khoảng 3.120 tỷ USD), tăng 2,9% so với năm 2015. Nhật Bản là nước sở hữu lượng tài sản ròng tại nước ngoài lớn nhất thế giới năm thứ 26 liên tiếp.

- Tổng tài sản tại nước ngoài của Nhật Bản tăng 5% lên mức kỷ lục 997.770 tỷ JPY, năm thứ 8 tăng trưởng liên tiếp, do lượng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài tăng cao, bù đắp được những ảnh hưởng tiêu cực của việc đồng JPY lên giá so với đồng USD và EUR.

- Tổng nợ nước ngoài của Nhật Bản tăng 6,2% lên 648.660 tỷ JPY, do các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường nắm giữ trái phiếu chính phủ Nhật Bản.

Nhật Bản vẫn là chủ sở hữu lượng tài sản ròng tại nước ngoài lớn nhất thế giới năm thứ 26 liên tiếp.

(Theo Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 26/5)

Tại Nhật Bản, trong tháng 4/2017:

- Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản là 2,8%, mức thấp nhất trong hơn hai thập niên qua; tỷ lệ việc làm trên số ứng viên nộp đơn đăng ký tìm việc tăng lên 1,48 (cứ 100 người tìm việc thì có 148 vị trí đang cần tuyển), từ mức 1,45 trong tháng 3/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 02/1974.

Các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng, thị trường việc làm cải thiện sẽ thúc đẩy chi tiêu của các hộ gia đình trong thời gian tới. (Theo Bộ Y tế, Lao động và An sinh Nhật Bản ngày 30/5)

- Doanh số bán lẻ của Nhật Bản tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016, tháng tăng thứ 6 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 4/2015, cao hơn mức 2,3% (dự báo của thị trường), cho thấy Nhật Bản đang lấy lại động lực tăng trưởng kinh tế. (Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 30/5)

- Chi tiêu của các hộ gia đình ở Nhật Bản giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2016, làm cho các nhà hoạch định chính sách gặp khó khăn trong nỗ lực đối phó với tình trạng giảm phát kéo dài tại nước này.(Theo Bộ Nội vụ và Thông tin Nhật Bản ngày 30/5)

- Sản lượng công nghiệp Nhật Bản tăng 4% so với tháng 3 - mức cao nhất kể từ tháng 6/2011, trong đó sản lượng ô tô và phụ tùng xe hơi, thiết bị sản xuất màn hình phẳng và chất bán dẫn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất; chỉ số sản xuất đạt 103,8 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, do nhu cầu tiêu dùng ở nước ngoài tăng mạnh. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 31/5)

Hàn Quốc

Kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang 10 nước thành viên ASEAN năm 2016đạt trên 74 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với 32 tỷ USD của năm 2006, trong bối cảnh các hoạt động thương mại và dòng vốn đầu tư gia tăng mạnh khi Hàn Quốc cùng ASEAN bắt đầu thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào năm 2017.(Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 31/5)

Canada

- Trong năm tài khóa 2016 - 2017, mức thâm hụt ngân sách của Canada là 23 tỷ CAD (17,074 tỷ USD), thấp hơn mức thâm hụt 29,4 tỷ CAD (dự báo của Chính phủ Canada tháng 4/2016), nhưng cao hơn mức thâm hụt 987 triệu CAD của tài khóa 2015 - 2016. (Theo ước tính sơ bộ của Bộ Tài chính Canada ngày 30/5)

- Trong quý I/2017, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa của Canada đạt 204 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 103 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 101 tỷ USD, tăng lần lượt 9,7% và 6,4% so với cùng kỳ năm 2016.Thặng dư thương mại hàng hóa đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 231,4% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 31/5)

Chính sách

Brazil: Ngân hàng Trung ương Brazil - BCB ngày 31/5 đã thông báo quyết định cắt giảm tỷ lệ lãi suất cơ bản (Selic) lần thứ 2 trong năm 2017 xuống còn 10,25% - mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua, trong bối cảnh nền kinh tế nước này có những dấu hiệu phục hồi sau 2 năm suy thoái liên tiếp nhưng phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra, có nguy cơ đe dọa nỗ lực của Chính phủ nhằm giảm thâm hụt ngân sách nước này.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, BCB sẽ cắt giảm Selic xuống còn 8,5% vào cuối năm 2017.

Nhận định
chuyên gia

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu - ECB, Mario Draghi (29/5):

Kinh tế Eurozone đang tăng trưởng tốt nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và có thể tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, nhưng lạm phát tại khu vực này vẫn còn thấp, do đó ECB vẫn cần có biện pháp để kích thích tăng trưởng kinh tế.