Kinh tế - tài chính quốc tế tuần từ 4-9/12/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

- Mỹ La-tinh: Trong năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 2,2%, cao gấp 2 lần so với năm 2017, do những tác động thuận lợi như sự phục hồi của kinh tế thế giới, nhu cầu nội địa tăng và giá nguyên liệu ổn định. (Hãng xếp hạng tín dụng Fitch ngày 06/12)

- Australia: Trong quý III/2017, kinh tế Australia tăng trưởng 0,6% (so theo quý), thấp hơn mức tăng 0,9% của quý II/2017 và 0,7% theo dự báo của thị trường, do nhu cầu tiêu dùng trong nước và kim ngạch trao đổi thương mại quốc tế tăng trưởng chậm. So với cùng kỳ năm 2016, kinh tế của Australia tăng trưởng 2,8%, cao hơn mức tăng 1,9% của quý II/2017 và là mức tăng cao nhất kể từ quý I/2016. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 06/12)

Thương mại

Thương mại quốc tế đang phục hồi mạnh mẽ trong những tháng qua. Từ 15/10/2016 đến 15/10/2017, các quốc gia thành viên đã đưa ra 108 biện pháp giới hạn thương mại, trung bình 9 biện pháp/tháng, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016 (15 biện pháp/tháng); áp dụng 128 biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại như loại bỏ/giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hải quan.

Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, những nguy cơ rủi ro đối với kinh tế thế giới vẫn hiện hữu và có thể tác động tiêu cực đến đà phục hồi thương mại.(Theo Báo cáo của WTO ngày 04/12)

Chứng khoán

- Chứng khoán Hoa Kỳ: Chỉ số thị trường chứng khoán trong tuần qua tăng/giảm trái chiều. Tính chung cả tuần (04/12 - 09/12/2017), chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng lần lượt 0,4%; 0,15%; tuy nhiên chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,11% so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước (01/12/2017). Trong ngày giao dịch 09/12/2017, so với ngày giao dịch hôm trước, các chỉ số:

+ Chỉ số Nasdaq tăng 27,24 điểm (0,4%) lên 6.840,08 điểm.

+ Chỉ số S&P 500 tăng 14,52 điểm (0,55%) lên 2.651,5 điểm.

+ Chỉ số Dow Jones tăng 117,68 điểm (0,49%) lên 24.329,16 điểm.

- Chứng khoán châu Á: Tính chung cả tuần, MSCI châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,79 điểm (-0,46%). Trong ngày giao dịch cuối tuần (08/12/2017), so với ngày hôm trước, các chỉ số:

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 17,94 điểm (0,55%) lên 3.289,99 điểm.

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 313,05 điểm (1,39%) lên 22.811,08 điểm.

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 16,7 điểm (0,28%) lên 5.994,4 điểm.

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 336,66 điểm (1,19%) lên 28.639,85 điểm.

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 2,02 điểm (0,08%) lên 2.464 điểm.

Dầu mỏ

Trong giai đoạn 2018 - 2020, giá dầu thế giới sẽ dao động trong khoảng 50 - 60 USD/thùng, do nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất trong và ngoài Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), sự hưởng ứng của các nhà sản xuất dầu đá phiến Hoa Kỳ và đà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu ở mức 98 triệu thùng/ngày và dự báo sẽ tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2018, trong đó 57% từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. (Theo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petronas của Malaysia ngày 05/12)

Tuần từ 04/12 - 09/12/2017, giá dầu WTI và Brent giảm lần lượt là 1,71%; 0,14%. Chốt phiên giao dịch cuối tuần (08/12/2017), giá dầu kỳ hạn giao tháng 01/2018:

- WTI trên sàn New York Mercantile Exchange tăng 0,67 USD (1,17%) lên 57,36 USD/thùng.

- Brent trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,2 USD (1,89%) lên 63,4 USD/thùng.

Châu Âu

Eurozone

Ủy ban châu Âu - EC (06/12) công bố tầm nhìn về cải tổ khu vực Eurozone, trong đó bao gồm việc thành lập một phiên bản Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) của châu Âu, có thể thay thế IMF trong các chương trình cứu trợ tài chính, hỗ trợ đầu tư trong tương lai của Eurozone. Phiên bản Quỹ Tiền tệ của châu Âu được xây dựng từ Cơ chế bình ổn châu Âu, cơ quan cứu trợ hiện tại của Eurozone.

Hy Lạp

Ngày 02/12, Hy Lạp và các chủ nợ Eurozone đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về các biện pháp cải cách mà nước này cần tiến hành theo yêu cầu của chương trình cứu trợ, bao gồm các cải cách về chính sách tài chính, năng lượng và thị trường lao động, xử lý các khoản nợ quá hạn và cổ phần hóa một số lĩnh vực.

Hy Lạp phải thực hiện các cải cách trên như một phần trong đợt đánh giá thứ ba của chương trình cứu trợ dành cho nước này. Khi các đánh giá được hoàn thành, Hy Lạp sẽ được giải ngân khoản vay 5 tỷ EUR từ gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ EUR. Các quan chức EU cho biết, quá trình đánh giá này có thể hoàn thành trước thời điểm cuối tháng 01/2018.

Theo Bộ Tài chínhHy Lạp, nước này đang bước vào một giai đoạn kinh tế ổn định và mục tiêu chính tại thời điểm này là giành lại quyền tiếp cận các thị trường vốn toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp trong năm 2017 đạt khoảng 1,6%.

(Theo TTXVN ngày 02/12)

Hoa Kỳ

Trong tháng 10/2017, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ là 48,7 tỷ USD, tăng 8,6% so với mức thâm hụt 44,9 tỷ USD của tháng 9/2017 và là mức cao nhất kể từ đầu năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 195,9 tỷ USD, bằng mức của tháng 9/2017; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt kỷ lục 244,6 tỷ USD. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2017, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ ở mức 462,9 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2016.

Tổng thống Donald Trump cho rằng, Hoa Kỳ bị thâm hụt thương mại do các hiệp định thương mại bất lợi cho nước này. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, thâm hụt thương mại là do người dân Hoa Kỳ chi tiêu nhiều hơn so với năng lực sản xuất, buộc nước này phải tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa. (Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ ngày 05/12)

Ngày 02/12, Thượng viện Hoa Kỳ đã phê chuẩn gói cải cách thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm hướng tới mục tiêu cải tổ toàn diện hệ thống thuế của Hoa Kỳ. Tiến trình tiếp theo để luật hóa gói cải cách thuế là hợp nhất văn kiện này với dự luật tương tự đã được Hạ viện thông qua.

Theo dự luật cải cách thuế, số lượng nhóm đối tượng đóng thuế giảm từ 7 nhóm như hiện tại xuống còn 4 nhóm với các mức thuế lần lượt là 12%, 25%, 35% và 39,6%; thuế thu nhập doanh nghiệp giảm từ 35% xuống 20%. Trong khi đó, các điều lệ liên quan đến tiền tiết kiệm lương hưu vẫn được duy trì như hiện tại. (Theo TTXVN ngày 06/12)

Ngày 07/12, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật chi tiêu tạm thời (1 ngày trước thời hạn cuối cùng để tránh việc Chính phủ bị đóng cửa). Dự luật chi tiêu này sẽ cấp ngân sách cho hoạt động của Chính phủ Liên bang đến hết ngày 22/12/2017 để các nghị sĩ có thêm thời gian đàm phán thỏa thuận ngân sách.

Sau khi đạt được thỏa thuận ngân sách này, các nhà lập pháp Hoa Kỳ có thể xây dựng kế hoạch chi tiết, cung cấp ngân sách cho Chính phủ đến hết tài khóa 2018 (kết thúc vào ngày 30/9/2018). (Theo TTXVN ngày 07/12)

Trung Quốc

Trong tháng 11/2017, đồng NDT đã giảm giá so với giỏ các loại tiền tệ chủ chốt khác trên thế giới. Cụ thể, chỉ số tổng hợp tỷ giá hối đoái đồng NDT tại Trung tâm Giao dịch Ngoại hối Trung Quốc - CFETS (CFETS RMB) giảm 0,56% so với cuối tháng 10/2017 xuống 94,37 điểm;chỉ số đo đồng NDT so với giỏ tiền tệ của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) giảm 0,63% xuống còn 95,23 điểm; trong khi chỉ số đồng NDT so với giỏ quyền rút vốn đặc biệt (SDR) giảm 0,28% xuống còn 95,19 điểm.

Chỉ số CFETS RMB so sánh đồng NDT với giỏ 24 đồng ngoại tệ khác trên thế giới, trong đó có đồng USD, EUR, JPY. Trước năm 2016, chỉ số CFETS RMB được giới hạn ở mức độ so sánh với giỏ gồm 13 đồng tiền, nhưng Trung Quốc đã quyết định tăng mức độ so sánh thêm 11 đồng tiền khác nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình đến nhiều đối tác thương mại trên thế giới.

(Theo CFETS ngày 04/12)

Trong tháng 11/2017, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc đạt 51,9 điểm, cao hơn so với 51,2 điểm của tháng 10/2017 và là mức cao nhất kể từ tháng 8/2017. Trong đó, hoạt động kinh doanh mới tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng, khi doanh số bán hàng tăng nhờ sự gia tăng số lượng khách hàng mới cùng các hoạt động quảng cáo.

Các nhà lãnh đạoTrung Quốckỳ vọng tăng trưởng dịch vụ và tiêu dùng sẽ giúp tái cân bằng mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu. Khu vực dịch vụ hiện chiếm hơn một nửa nền kinh tế cả nước.

PMI tổng hợp (bao gồm cả hoạt động chế tạo và dịch vụ) trong tháng 11/2017 đạt 51,6 điểm, cao hơn so với 51 điểm của tháng 10/2017.Giám đốc phân tích kinh tế vĩ mô tại CEBM Group Zhengsheng Zhong nhận định, nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì tính ổn định và không có nguy cơ rủi ro tiềm tàng về việc tốc độ tăng trưởng bị giảm mạnh.

(Theo Reuters ngày 05/12)

Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để trở thành nước nhập khẩu lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới. Xu hướng gia tăng nhập khẩu của Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối với kinh tế toàn cầu, do nước này hiện là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với 41 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi Hoa Kỳ là nhà nhập khẩu lớn nhất đối với 36 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với khả năng nhập khẩu tiếp tục tăng nhanh hơn xuất khẩu trong những năm tới, ngoại thương của Trung Quốc sẽ trở nên cân bằng hơn. Công ty Tài chính Quốc tế Trung Quốc - CICC dự báo, thặng dư thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ chiếm khoảng 1% GDP của Trung Quốc trong năm 2017, mức thấp nhất kể từ năm 1994. (Theo Công ty Tài chính Quốc tế Trung Quốc - CICC ngày 04/12)

Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài chính sách ưu đãi thuế mua ô tô năng lượng mới (NEV) nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xe “xanh”. Theo đó, Trung Quốc sẽ gia hạn chính sách không thu thuế 10% giá trị mua xe đối với NEV (gồm các loại xe hybrid hoặc xe chạy hoàn toàn bằng động cơ điện hay pin nhiên liệu hydro) cho tới năm 2020, thay vìkết thúc vào cuối năm 2017.

Chính sách miễn thuế trên được ban hành vào năm 2014 cùng với các khoản trợ cấp của Chính phủ đã giúp Trung Quốc trở thành thị trường xe điện lớn nhất thế giới với hơn 500.000 chiếc được tiêu thụ trong năm 2016, chiếm hơn một nửa sản lượng xe điện trên toàn cầu.(Theo mạng Caixin ngày 05/12)

Ủy ban Quản lý ngân hàng Trung Quốc (CBRC) đã đưa ra 3 chỉ số mới trong bản dự thảo điều chỉnh quy định quản lý rủi ro thanh khoản, có hiệu lực từ ngày 01/3/2018:

(i) Tỷ lệ quỹ bình ổn ròng (NSFR) được dùng để đánh giá năng lực của các ngân hàng trong việc sử dụng quỹ bình ổn dài hạn để hỗ trợ phát triển kinh doanh. NSFR được áp dụng cho các ngân hàng có tổng giá trị tài sản từ 200 tỷ NDT (30,2 tỷ USD) trở lên.

(ii) Tỷ lệ tài sản thanh khoản chất lượng cao (HQLAAR) dùng để đánh giá xem các ngân hàng có đủ các tài sản thanh khoản chất lượng cao để khắc phục những thiếu hụt thanh khoản ngắn hạn khi phải đối mặt với sức ép về thanh khoản hay không. HQLAAR được áp dụng cho các ngân hàng có tổng giá trị tài sản dưới 200 tỷ NDT.

(iii) Tỷ lệ đối ứng/cân xứng thanh khoản (LMR) dùng để đo lường mức độ đối ứng/cân xứng về kỳ hạn giữa các loại tài sản và các khoản nợ của ngân hàng. LMR được áp dụng cho tất cả các ngân hàng thương mại của Trung Quốc.

Theo dự thảo, các ngân hàng Trung Quốc phải đảm bảo ba chỉ số trên ở mức tối thiểu là 100%.

(Theo TTXVN ngày 07/12)

Nhật Bản

Trong tháng 11/2017, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Nhật Bản tăng 0,4 điểm so với tháng 10/2017 lên 44,9 điểm, cao nhất kể từ tháng 9/2013, do giá cổ phiếu tăng cao và thị trường việc làm ổn định. (Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 04/12)

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Hidenobu Tokuda của Viện Nghiên cứu Mizuho cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng mặc dù đã tăng lên từ năm 2016, nhưng tốc độ hồi phục thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng của hoạt động sản xuất và xuất khẩu, do đó cần tăng lương để thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.

Hàn Quốc

- Trong tháng 11/2017, Hàn Quốc đạt thặng dư thương mại 7,84 tỷ USD, tháng thặng dư thứ 70 liên tiếp. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 49,67 tỷ USD, cao hơn so với 45,3 tỷ USD của cùng kỳ năm 2016 (tăng 9,6%), tháng tăng trưởng thứ 13 liên tiếp do giá dầu trên thị trường thế giới tăng và thương mại toàn cầu phục hồi.

Tổng giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đạt mức cao kỷ lục là 528,4 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 11/2017 đạt 41,83 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 01/12)

- Trong tháng 11/2017, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc tăng 2,79 tỷ USD so với tháng 10/2017, lần tăng đầu tiên trong ba tháng qua, lên mức cao kỷ lục 387,25 tỷ USD, do giá trị đồng USD giảm làm tăng giá trị chuyển đổi của các đồng ngoại tệ khác mà Hàn Quốc đang nắm giữ, đồng thời lợi nhuận đầu tư từ việc nắm giữ ngoại tệ cũng gia tăng. Tính đến cuối tháng 10/2017, Hàn Quốc là quốc gia có lượng dự trữ ngoại hối lớn thứ 9 trên thế giới. (Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - BoK ngày 05/12)

- Ngày 06/12, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự thảo ngân sách năm 2018 trị giá 428,8 nghìn tỷ KRW (394,4 tỷ USD), tập trung vào việc tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong lĩnh vực công, mở rộng các chương trình phúc lợi và nâng mức lương tối thiểu.

Để bù đắp cho phần phát sinh từ các khoản chi tiêu này, dự luật quy định sẽ nâng mức thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp lớn cũng như những người có thu nhập cao. Cụ thể:

+ Thuế suất áp dụng đối với những người có thu nhập vượt quá 500 triệu KRW (460.000 USD)/năm tăng từ 40% lên 42%, cao nhất kể từ năm 1995; nhóm có thu nhập từ 300 - 500 triệu KRW/năm tăng từ 38% lên 40%. Với mức tăng này, nguồn thu thuế của Hàn Quốc sẽ tăng thêm 1.100 tỷ KRW/năm.

+ Thuế suất cao nhất dành cho các doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 300 tỷ KRW trở lên tăng từ 22% lên 25%; các doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế từ 20 - 300 tỷ KRW sẽ chịu mức thuế 22% hiện hành. Bộ Tài chính Hàn Quốc sẽ thu được thêm khoảng 2.300 tỷ KRW/năm từ mức tăng thuế này.

Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ một khoản tiền trị giá 2.970 tỷ KRW trong năm 2018 để giảm bớt gánh nặng, do việc nâng mức lương tối thiểu gây ra và mức chi cho năm 2019 sẽ không vượt quá mức chi của năm 2018.

(Theo TTXVN ngày 06/12)

Canada

Trong tháng 10/2017, thâm hụt thương mại của Canada là 1,4 tỷ CAD, thấp hơn so với mức thâm hụt 3,36 tỷ CAD của tháng 9/2017 và 2,7 tỷ CAD theo kỳ vọng của thị trường.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,7% so với tháng 9/2017 lên 44,5 tỷ CAD, sau 4 tháng giảm liên tiếp; kim ngạch nhập khẩu giảm 1,6% xuống 45,9 tỷ CAD, do nhập khẩu quặng kẽm sụt giảm. (Theo Cơ quan Thống kê Canada ngày 05/12)

Ai Cập

Ngân hàng Thế giới - WB (05/12) đã thông qua khoản vay trị giá hơn 1 tỷ USD trong gói hỗ trợ chương trình cải cách kinh tế và giảm nghèo tại Ai Cập. Đây là khoản vay cuối cùng trong gói hỗ trợ cải cách kinh tế trị giá 3,15 tỷ USD với ba lần giải ngân được khởi động từ năm 2015. Số tiền sẽ hỗ trợ tất cả các lĩnh vực cải cách nhằm củng cố nền kinh tế và tạo thêm việc làm tại Ai Cập.

Hiện tại, WB đang triển khai 19 dự án tại Ai Cập với số tiền cam kết 7,8 tỷ USD, tập trung vào các dự án giúp người dân Ai Cập giảm nghèo thông qua các chương trình thuộc các lĩnh vực an sinh xã hội, giao thông, nước sạch và vệ sinh nông thôn, nông nghiệp và thủy lợi, nhà ở, y tế và tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Australia

Trong tháng 10/2017, thặng dư thương mại của Australia là 0,1 tỷ AUD, thấp hơn so với mức thặng dư 1,6 tỷ AUD của tháng 9/2017 và 1,4 tỷ AUD theo dự báo của thị trường. Đây là mức thặng dư thương mại thấp nhất kể từ tháng 4/2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu giảm 3% so với tháng 9/2017 xuống 31,87 tỷ AUD; kim ngạch nhập khẩu tăng 2% lên 31,77 tỷ AUD. (Theo Văn phòng Thống kê Australia ngày 07/12)

Đàm phán - Ký kết

Trung Quốc và Canada

Ngày 04/12, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã ký 3 thỏa thuận thương mại gồm 1 kế hoạch hành động về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng cùng 2 bản ghi nhớ về các sản phẩm thực phẩm và “Sáng kiến học tập của Canada”, trong bối cảnh Canada đang tìm cách đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí mở rộng quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc cho thịt bò và thịt lợn của Canada, đồng thời tiếp tục thảo luận về các tiêu chuẩn mới cho việc xuất khẩu hạt cải dầu của Canada sang Trung Quốc.

Thủ tướng Lý Khắc Cường nhận định, Trung Quốc và Canada đang bước vào “thời đại hoàng kim” của mối quan hệ song phương. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada (sau Hoa Kỳ) với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 21 tỷ CAD (năm 2016), tăng 4% so với năm 2015.

(Theo TTXVN ngày 04/12)

Chính sách

- Australia: Ngân hàng Dự trữ Australia - RBA (05/12) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 1,5% trong cuộc họp thứ 15 liên tiếp, phù hợp với dự báo của thị trường, đồng thời cho biết không có kế hoạch tăng lãi suất trong tương lai gần.

Thống đốc RBA Philip Lowe cho biết, lãi suất thấp đang tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế Australia, việc không thay đổi chính sách tiền tệ sẽ tạo điều kiện chokinh tế tăng trưởng bền vững và giúp Ausrtralia đạt được mục tiêu lạm phát theo thời gian.

- Brazil: Ngân hàng Trung ương Brazil (06/12) quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 7%. Đây là lần cắt giảm thứ 10 liên tiếp trong bối cảnh lạm phát ở nước này được kiềm chế. CCơ quan này có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất vào tháng 02/2018. Brazil bắt đầu cắt giảm lãi suất cơ bản từ tháng 10/2016, khi lãi suất ở mức 14,25%.

Dự kiến lạm phát của Brazil trong năm 2017 tăng 3,03%, sai số 1,47% so với mục tiêu đầu năm là 4,5%. Chính phủ Brazil dự định giữ lạm phát ở mức khoảng 4% trong năm 2018.

Lạm phát được kiềm chế góp phần kích thích tiêu dùng, giúp nền kinh tế Brazil hồi phục với mức tăng trưởng 0,9% trong 9 tháng đầu năm 2017 (so với cùng kỳ năm 2016).Các chuyên gia dự báo kinh tế Brazil tăng trưởng 0,89% trong năm 2017 và 2,6% vào năm 2018.

- Canada: Ngân hàng Trung ương Canada - BoC (06/12) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1%, phù hợp với dự báo của thị trường. Đây là lần thứ 2 liên tiếp BoC duy trì ổn định lãi suất sau khi đã có 2 lần tăng liên tiếp vào tháng 7 và tháng 9/2017, trong bối cảnh vẫn còn những bất ổn địa chính trị liên quan các chính sách thương mại của Hoa Kỳ và lạm phát của Canada liên tục dưới mức mục tiêu 2% trong nhiều năm.