Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 01-06-10/2018

Theo Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Trong 9 tháng năm 2018, GDP tăng khoảng 6,98% so với cùng kỳ năm 2017, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 8 năm qua.

Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, đóng góp 48,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,89%, đóng góp 42,5%.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, GDP quý IV cần tăng trưởng 6,11%. Đây là mục tiêu có thể hoàn thành vì từ năm 2015 đến nay, tăng trưởng quý IV luôn cao hơn mức này. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/9)

Công ty Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSC, ngày 01/10) đưa ra giả định tăng trưởng GDP quý IV/2018 khoảng 6,1 - 6,8%, trong khi đó tăng trưởng cả năm sẽ đạt khoảng 6,7- 6,9%; cũng có thể vượt mục tiêu lên 7% hoặc 7,1%.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC ngày 01/10) dự báo tăng trưởng cả năm quanh mức 7%, giúp Việt Nam là nước có mức tăng GDP cao thứ hai ở châu Á, sau Ấn Độ.

Trong 9 tháng đầu năm 2018, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018, với mức tăng 3,65%, đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung.

Trong đó, khu vực sản xuất nông nghiệp tăng 2,78%; thủy sản tăng 6,37%; khu vực sản xuất lâm nghiệp tăng 5,9%.

Giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 02/10)

PMI

PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam đã giảm từ 53,7 điểm trong tháng 8 xuống còn 51,5 điểm trong tháng 9, chủ yếu do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng chậm hơn. Mặc dù tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đã giảm trong tháng 9 nhưng nhìn chung vẫn ở mức tích cực. (Theo Nikkei ngày 01/10)

Dịch vụ

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III/2018 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 18% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 14%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 20%.

Ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 27%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/9)

Trong 9 tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 11,6 triệu lượt khách, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, lượng khách đến bằng phương tiện đường không đạt 9.407.391 lượt (tăng 17,4%); khách đến bằng phương tiện đường biển đạt 190.805 lượt (tăng 0,5 %); khách đến bằng phương tiện đường bộ đạt 2.018.294 lượt (tăng 62,1%).

Các thị trường nổi bật của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm phần lớn vẫn là nhóm thị trường châu Á như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Malaysia… Bên cạnh đó, khách du lịch nội địa cũng đạt 62,1 triệu lượt, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng Cục Du lịch ngày 02/10)

Doanh nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 2.845.331 tỷ đồng, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2017, bao gồm 936.411 tỷ đồng của doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,7% và 1.881.920 tỷ đồng thông qua 32.144 lượt đăng ký tăng vốn của các doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 16,6%.

Trong đó, ngành nghề có số vốn đăng ký lớn nhất vẫn là kinh doanh bất động sản với 282.100 tỷ đồng, chiếm 29,3% tổng số vốn đăng ký.

Xét về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên 1 doanh nghiệp, một số ngành có tỷ trọng cao như sản xuất, phân phối điện, nước, gas đạt 57,4 tỷ đồng/doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản đạt 56,8 tỷ đồng/doanh nghiệp; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 18,8 tỷ đồng/doanh nghiệp; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 18,7 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Xét về nhóm quy mô vốn, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất ở nhóm quy mô vốn 50 - 100 tỷ đồng và thấp nhất là ở nhóm quy mô vốn 0 - 10 tỷ đồng.

(Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 03/10)

Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) vừa công bố danh sách 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lớn nhất quý III/2018. Theo đó, 6 công ty dẫn đầu thị trường không có sự thay đổi so với quý III/2017.

Cụ thể, SSI tiếp tục thống trị với thị phần 15,79%; thứ hai là HSC với 11,51% thị phần; thứ 3 VCSC với 8,88% thị phần, VNDS ở vị trí thứ 4 với 7,71% thị phần; thứ 5 và thứ 6 là MBS và SHS với thị phần lần lượt 5,93% và 4,47%; BVSC vị trí thứ 7 với thị phần 3,47%; ACBS thứ 9 với thị phần 3,21%; thứ 10 là BSC với 3,09% thị phần.

Như vậy, 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất sàn HOSE đã chiếm tới 67,31% thị phần toàn thị trường. Trong đó top 3 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất là SSI, HSC và VCSC chiếm 36,18%.

Về thị phần trái phiếu, trong quý III/2018, TCBS tiếp tục khẳng định vị trí số 1 với thị phần 77,44%, bỏ xa các tên tuổi xếp sau như VPBS (4,61%), BVSC (4,56%), VCBS (3,7%), BSC (3,26%)…

(Theo vneconomy.vn ngày 03/10)

Sản xuất công nghiệp

Trong 9 tháng năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% so cùng kỳ năm 2017; trong đó, nông nghiệp tăng 2,81% (trồng trọt tăng 3%, chăn nuôi tăng 2,41%); lâm nghiệp tăng 6%; thủy sản tăng 6,46%. Tốc độ tăng GDP nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản 9 tháng đầu năm đạt 3,65%.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành quý IV và cả năm 2018, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng sản lượng chăn nuôi và trồng trọt đối với từng ngành cụ thể trong tháng 10, đồng thời phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,65 tỷ USD, đưa kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của năm 2018 đạt khoảng 33,2 tỷ USD và bằng 82% mục tiêu cả năm 2018.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/9)

Trong 3 tháng cuối năm 2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN sẽ không tăng giá theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổng chi phí phát sinh năm 2018 trong cơ cấu tính giá điện của EVN là khoảng 5.483 tỷ đồng. Năm 2019, tổng chi phí tăng thêm của các khoản chi phí khoảng 15.252 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện còn treo của năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng (theo Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg về khung giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2016 - 2020).

Như vậy, tổng chi phí tăng thêm của EVN trong năm 2019 bao gồm các chi phí của năm 2018là khoảng 20.735 tỷ đồng. (Theo Bộ Công Thương ngày 28/9)

Tổng cầu


Ngân sách nhà nước

Tính đến hết tháng 8/2018, ước giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương đạt 45,57% kế hoạch Quốc hội giao. Trong đó, vốn trong nước đạt 48,63%, vốn nước ngoài chỉ đạt hơn 27%.

Tình hình giải ngân vốn đầu tư công đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ ba năm liên tiếp không đạt kế hoạch là hiện hữu (năm 2017, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước chỉ đạt 83,9% kế hoạch, năm 2016 là 82,5% kế hoạch).

(Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư ngày 01/10)

Xuất - nhập khẩu

Trong 9 tháng năm 2018:

- Cán cân thương mại hàng hóa của tiếp tục xuất siêu 5,39 tỷ USD, trong đó khu vực trong nước nhập siêu 18,26 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,65 tỷ USD:

+ Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt khoảng 178,91 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,07 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 127,84 tỷ USD (chiếm 71,5% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,6%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 14,2% so cùng kỳ năm 2017.

+ Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt khoảng 173,52 tỷ USD, tăng 11,8% so cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,34 tỷ USD, tăng 11,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 104,18 tỷ USD, tăng 11,9%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 9 tháng tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2017.

- Nhập siêu dịch vụ là 2,7 tỷ USD, bằng 24,2% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ. Cụ thể:

+ Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ đạt khoảng 11,1 tỷ USD, tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2017, trong đó dịch vụ du lịch đạt 7,6 tỷ USD (chiếm 68,3% tổng kim ngạch), tăng 15%; dịch vụ vận tải đạt 2,2 tỷ USD (chiếm 19,4%), tăng 16%.

+ Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ đạt khoảng 13,8 tỷ USD, tăng 8,1%, trong đó dịch vụ vận tải đạt 6,5 tỷ USD (chiếm 47,3% tổng kim ngạch), tăng 8,9%; dịch vụ du lịch đạt 4,4 tỷ USD (chiếm 31,6%), tăng 11,5%.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/9)

Xuất khẩu thủy sản có xu hướng phục hồi từ tháng 8/2018 đến nay và tăng trưởng khả quan với mức tăng gần 8% đạt 847 triệu USD trong tháng 9/2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 9 tháng đạt 6,42 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Đây là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh giá tôm xuất khẩu sụt giảm liên tục trong nhiều tháng qua và hải sản Việt Nam bị cảnh cáo thẻ vàng về IUU ở thị trường EU cùng nhiều rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá mà các thị trường nhập khẩu đặt ra.

Với mức tăng trưởng hiện nay cùng với những yếu tố thuận lợi từ thị trường, dự báo xuất khẩu thủy sản quý IV đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm 2017 với kim ngạch khoảng 2,5 tỷ USD.

Theo đó, ngành thủy sản Việt Nam sẽ cán đích năm 2018 với doanh số xuất khẩu khoảng 8,9 - 9 tỷ USD, tăng 7% so năm 2017.

(Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP ngày 03/10)

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng của ngành nông nghiệp đạt khoảng 29,54 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 73% kế hoạch năm và vượt 1,3% mục tiêu quý III/2018 đã đề ra.

Một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2017 là gạo, rau quả, sản phẩm từ cao su, cà phê… Xuất khẩu thủy sản, lâm sản chính và chăn nuôi đều tăng.

Các thị trường xuất khẩu tăng trưởng mạnh là Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Quốc… (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 02/10)

Đầu tư

Trong 9 tháng năm 2018, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài có 99 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 286 triệu USD. Ngoài ra, có 23 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 44,9 triệu USD.

Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Lào là quốc gia nhận được đầu tư nhiều nhất, chiếm 28,8% tổng vốn. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (cấp mới và tăng thêm) trong 9 tháng năm 2018 đạt 330,9 triệu USD.

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư nhiều nhất, đạt 105,8 triệu USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 02/10)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng giá; 1 ngày giảm giá và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 06/10 so với ngày 05/10, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,40 - 36,54 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng không thay đổi ở chiều bán ra.

- Doji: 36,40 - 36,50 triệu đồng/lượng, tăng 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 6 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng giá, 1 ngày giảm và 2 ngày không thay đổi.

Trong phiên giao dịch ngày 06/10, tỷ giá trung tâm là 22.720 VND/USD không thay đổi so với tỷ giá ngày 05/10; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại ổn định so với ngày 05/10 như sau:

- Vietcombank và BIDV: 23.310 - 23.390 VND/USD, không thay đổi.

- Techcombank: 23.290 - 23.390 VND/USD, không thay đổi.

Lạm phát

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so tháng 8. CPI của 10 trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với 5,07% (dịch vụ giáo dục tăng 5,75% làm CPI chung tăng 0,3%), do trong tháng có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí và nhu cầu mua sắm cho năm học mới tăng cao.

CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57% so bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 9/2018 tăng 3,2% so tháng 12/2017 và tăng 3,98% so cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 28/9)

Lao động

Tình hình lao động, việc làm trong 9 tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động 15 tuổi trở lên đạt khoảng 55,2 triệu người, tăng 581,5 nghìn người so với cùng kỳ năm 2017 và tăng chủ yếu ở khu vực nông thôn.

Trong đó lực lượng có việc làm đạt khoảng 54,1 triệu người, tăng 1,1%. Thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương 9 tháng qua là 5,8 triệu đồng, tăng 381.000 đồng, mức tăng này thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 (tăng 444.500 đồng)…

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 03/10)

Tín dụng

Tính đến ngày 20/9/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,74% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 9,59%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 9,15% (cùng kỳ năm 2017 tăng 10,08%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52% (cùng kỳ năm 2017 tăng 11,02%).

So với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra khoảng 17% năm nay, mức thực tế triển khai qua 9 tháng nói trên cho thấy dư địa cho 3 tháng cuối năm còn khá lớn. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/9)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Trong tuần từ ngày 01 - 05/10/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index giảm 15,23 điểm (-1,49%) xuống 1.008,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 254,1 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 6.693,07 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 1,6 điểm (-1,37%) xuống 114,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 41,49 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 771,4 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,51 điểm (-0,94%) xuống 54,04 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 33,87 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 584,76 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 105.781.084 đơn vị, trị giá 10.739,93 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 ngày mua ròng và 2 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 105,29 triệu đơn vị, trị giá 10.745,65 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 18,97 triệu đơn vị, trị giá 468,29 tỷ đồng).

- HNX: Khối ngoại thực hiện 2 ngày mua ròng và 3 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 569.668 đơn vị, trị giá bán ròng 9,07 tỷ đồng (trong khi tuần trước bán ròng 4,81 triệu đơn vị, trị giá 39,56 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 78.584 đơn vị, trị giá mua ròng 3,35 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 534.683 đơn vị, trị giá 15,87 tỷ đồng).

Trái phiếu

Trong tháng 9/2018:

- Trên thị trường sơ cấp: Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 31 phiên đấu thầu, huy động được tổng cộng 20.800 tỷ đồng trái phiếu, tăng 19,9% so với tháng 8.

Trong đó, Kho bạc Nhà nước đã huy động 15.700 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động 5.100 tỷ đồng. Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu trong tháng đạt 57,3%.

Lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước đã tăng trên tất cả các kỳ hạn, 10 năm (tăng 0,17%/năm), 15 năm (tăng 0,05%/năm).

- Trên thị trường thứ cấp: Khối lượng giao dịch TPCP giao dịch theo phương thức thông thường đạt hơn 620 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 68.900 tỷ đồng, tăng 0,27% o với tháng 8.

Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch theo phương thức mua bán lại cũng đạt hơn 821 triệu trái phiếu, tương đương 81.900 tỷ đồng và giảm 3,1% về giá trị.

- HNX đã tổ chức 4 phiên đấu giá 497,2 triệu cổ phần của doanh nghiệp, tổng số cổ phần trúng giá đạt 13,9 triệu cổ phần, tổng số tiền thu được đạt hơn 205 tỷ đồng và chênh lệch so với giá khởi điểm 34,4 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần đạt 66 tỷ đồng.

Trong tháng có 3 phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công ty Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi, Công ty Cấp nước Kon Tum và một phiên đấu giá thoái vốn của Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam tại Ngân hàng Phương Đông…

Trong 9 tháng, HNX đã tổ chức 27 phiên đấu giá, trong đó có 16 phiên đấu giá thoái vốn, 10 phiên IPO và 1 phiên đấu giá quyền mua với tỷ lệ thành công đạt 44%.

Cụ thể, tổng khối lượng cổ phần đấu giá đạt 1,5 tỷ cổ phần, khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 674 triệu cổ phần, tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 10.800 tỷ đồng.

(Theo HNX ngày 02/10)

Bất động sản

Ngày 29/9/2018, Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) đã có Văn bản số 117/CV-HoREA, gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước kiến nghị tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng được sử dụng tỷ lệ tối đa 45% của nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn trong năm 2019, thay vì 40% theo quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019), do việc điều chỉnh này chưa cần thiết, chưa phù hợp thực tiễn và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định của thị trường bất động sản.

Việc áp dụng tỷ lệ này sẽ làm cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và người tiêu dùng bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. (Theo HoREA ngày 29/9)

Trong 8 tháng đầu năm 2018, dư nợ bất động sản cả nước chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng dư nợ tín dụng, chưa bao gồm một phần tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản.

Nếu thống kê cả phần tín dụng tiêu dùng có liên quan bất động sản thì tỷ trọng tín dụng bất động sản đạt khoảng 14,43%. Trong khi đó, thị trường bất động sản bị sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2018 cả về nguồn cung dự án, sản phẩm và cả về giao dịch trên tất cả các phân khúc thị trường.

Ngoài ra, đã xuất hiện những cơn sốt ảo cục bộ giá đất nền, đất nông nghiệp, đất phân lô trái phép tại một số khu vực trong cả nước đã hút một nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn xã hội không nhỏ, đã tác động tiêu cực đến thị trường. (Theo HoREA ngày 01/10)