Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 05-10/06/2017


Kinh tế - tài chính việt nam

Nội dung

Tổng cung


Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu

Quỹ bình ổn giá của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu (15h ngày 5/6) còn dư 2.380 tỷ đồng, tăng 125 tỷ đồng so với lần công bố mới nhất ngày 20/5 (2.255 tỷ đồng). Trước đó, liên bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu trong nước áp dụng từ 15h ngày 5/6, theo đó xăng RON 92 tăng 303 đồng/lít; xăng E5 tăng 283 đồng/lít; dầu diesel 0,05S tăng 225 đồng/lít; dầu hỏa tăng 326 đồng/lít và dầu mazút 3,5S tăng 139 đồng/kg. Như vậy, mức trần mới đối với xăng RON 92 là 17.366 đồng/lít; xăng E5 là 17.154 đồng/lít; dầu diesel 0,05S là 13.485 đồng/lít; dầu hỏa là 12.118 đồng/lít và dầu mazut 3,5S là 11.035 đồng/kg. Đây cũng là lần tăng giá xăng dầu đầu tiên kể từ ngày 20/4. (Theo Petrolimex ngày 05/6)

Doanh nghiệp

Tính đến hết tháng 5/2017:

- Cả nước có 325 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 94,9 nghìn héc-ta. Trong đó, 220 KCN đã đi vào hoạt động và 105 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt 51,5%, riêng các KCN đạt tỷ lệ 73%.

- Có 16 các khu kinh tế (KKT) ven biển đã thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước xấp xỉ 815 nghìn héc-ta. Ngoài ra, còn có 2 KKT (KKT ven biển Thái Bình, tỉnh Thái Bình và KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch nhưng chưa được thành lập.

Các KCN, KKT đã thu hút được 375 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 6,2 tỷ USD và 318 dự án đầu tư trong nước và điều chỉnh tăng vốn cho 115 dự án với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 108.000 tỷ đồng.

(Theo Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 06/6)

Doanh số bán ô tô của toàn thị trường trong tháng 5/2017 đạt 23.232 xe, tăng 6% so với tháng 4, nhưng giảm 11% so với cùng kỳ năm 2016. Tính đến hết tháng 5/2017, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường giảm 1% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA ngày 07/6)

Tính chung 5 tháng đầu năm 2017, tổng sản lượng khai thác quy dầu đạt 11 triệu tấn, vượt 7,7% so với kế hoạch Chính phủ giao và bằng 46,2% kế hoạch năm; khai thác dầu đạt 6,62 triệu tấn, vượt 8% so với kế hoạch 5 tháng và bằng 46,6% kế hoạch năm 2017. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sau 5 tháng đạt 204,8 nghìn tỷ đồng, vượt 13,4% kế hoạch 5 tháng và bằng 47% kế hoạch năm; nộp ngân sách nhà nước 35,6 nghìn tỷ đồng, vượt 13% so với kế hoạch 5 tháng và bằng 48% kế hoạch năm.

Trong quý II/2017, PVN đặt mục tiêu khai thác 6,05 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó dầu thô là 3,55 triệu tấn và khí là 2,5 tỷ m3; doanh thu trong cả quý II/2017 là 102,5 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách 18,9 nghìn tỷ đồng.

(Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN ngày 09/6)

Ngày 06/6/2017, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho Ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sài Gòn - Hà Nội (SHB) góp thêm 25 triệu USD vào SHB Campuchia, nâng mức vốn điều lệ của SHB Campuchia từ 50 triệu USD lên 75 triệu USD theo đề nghị của SHB tại Văn bản số 253/HĐQT ngày 19/10/2016.

SHB có mặt tại thị trường Campuchia từ đầu năm 2012, sau hơn 4 năm hoạt động, SHB khai trương ngân hàng con 100% vốn tại Campuchia (09/9/2016). SHB Campuchia là ngân hàng con 100% vốn thứ hai của SHB tại thị trường Đông Dương sau Ngân hàng SHB Lào.

Tổng cầu


Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Trong năm 2017, Việt Nam đã tăng 5 bậc lên vị trí thứ 6 trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Thái Lan (vị trí 30), Philippines (vị trí 18), Kazakhstan (vị trí 16), Saudi Arabia (vị trí 11)... Một trong những nguyên nhân là nhờ các luật đầu tư thông thoáng đã góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài (như: Từ năm 2015, 100% các nhà bán lẻ nước ngoài có quyền sở hữu và chính sách ưu đãi tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài)…

(Theo khảo sát hằng năm về GRDI của A.T. Kearney công bố ngày 05/6)

Xuất nhập khẩu

Trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 461 triệu USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2016, do bị áp thuế chống bán phá giá, chương trình thanh tra cá da trơn có hiệu lực chính thức từ tháng 9/2017; thị trường tiền tệ “xáo trộn” sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống và chính quyền mới sẽ tăng rào cản kỹ thuật, thuế quan và bảo hộ. (Theo Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP ngày 05/6)

Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đạt gần 250 triệu USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Séc hơn 146 triệu USD, nhập khẩu từ Séc gần 104 triệu USD. Trong giai đoạn 2010 - 2020, Séc được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu chiến lược của Việt Nam; ngược lại, Séc đã lựa chọn Việt Nam là một trong 12 thị trường xuất khẩu chiến lược đến năm 2020. Hai nước đang nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD trong thời gian tới. Hiện nay, Séc có 34 dự án tại Việt Nam với tổng số vốn đạt gần 90 triệu USD. Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực mà Séc có thế mạnh như sản xuất thủy tinh, pha lê, thiết bị điện, vật liệu xây dựng. (Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI ngày 06/6)

Cân đối vĩ mô


Tín dụng

Tính đến ngày 25/5, tăng trưởng tín dụng của ngành Ngân hàng đạt 6,53%, cao hơn so với cùng kỳ những năm 2016 (tăng 5%) và 2015 (tăng 4,5%). Điều này hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là trong điều kiện giải ngân vốn đầu tư công chưa được đẩy mạnh trong những tháng đầu năm.Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản cũng đã chậm lại so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 05/6)

Tính đến ngày 31/12/2016, nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng đạt trên 150.000 tỷ đồng, chiếm 2,52% tổng dư nợ. Nợ xấu mà Công ty VAMC đã mua nhưng chưa xử lý được đạt trên 195.000 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ. Nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được đạt trên 345.000 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ; trong đó, nợ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm gần 64%; nợ của các doanh nghiệp nhà nước khoảng 6,3%; nợ của hộ kinh doanh và cá nhân trên 21%; nợ của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 1,8% tổng dư nợ. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 07/6)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày giảm, 3 ngày tăng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 10/6), so với ngày 09/6, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,22 - 36,46 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,35 - 36,41 triệu đồng/lượng, giảm 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,34 - 36,42 triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 3 đồng với 1 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 4 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 10/6), so với ngày 09/6, tỷ giá trung tâm là 22.406 VND/USD, không đổi, tỷ giá tại một số ngân hàng thương mại như sau:

- Vietcombank: 22.650 - 22.720 VND/USD, không thay đổi.

- BIDV: 22.655 - 22.725 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều

- Vietinbank: 22.655 - 22.725 VND/USD, không thay đổi.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Tính đến ngày 06/6, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 122 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP), với tổng khối lượng trúng thầu đạt 121.016 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Kho bạc Nhà nước huy động được 103.396 tỷ đồng (đạt 56,4% kế hoạch năm), Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được 6.220 tỷ đồng và Ngân hàng Phát triển Việt Nam huy động được 11.400 tỷ đồng. So với cuối năm 2016, lãi suất trúng thầu 5 tháng đầu năm 2017 có xu hướng giảm trên tất cả các kỳ hạn. Kỳ hạn 5 năm giảm 0,23%/năm; kỳ hạn 20 năm giảm 0,71%/năm, kỳ hạn 15 năm giảm 0,56%/năm và kỳ hạn 30 năm giảm 0,43%/năm.

Riêng trong tháng 5/2017, HNX đã tổ chức 28 phiên đấu thầu và huy động được 23.836 tỷ đồng trái phiếu, giảm 4,97% so với tháng 4. Trong đó Kho bạc Nhà nước huy động được 21.816 tỷ đồng và Ngân hàng Chính sách Xã hội huy động được 2.020 tỷ đồng.Tỷ lệ giá trị trúng thầu tại các phiên đấu thầu chỉ đạt 74,5%.

Trên thị trường trái phiếu chính phủ thứ cấp, tổng khối lượng giao dịch theo phương thức thông thường (outright) trong tháng 5/2017 đạt hơn 863 triệu trái phiếu, tương đương 92.400 tỷ đồng, tăng 36,7% về giá trị so với tháng 4.Tổng khối lượng giao dịch theo phương thức mua bán lại (repo) cũng đạt hơn 926 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 90.300 tỷ đồng, tăng 5,03% về giá trị so với tháng trước.

(Theo HNX ngày 07/6)

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 1 phiên đấu thầu TPCP do KBNN phát hành vào ngày 07/6/2017, với tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng cho 4 loại kỳ hạn: 5 năm (1.500 tỷ đồng), 7 năm (1.500 tỷ đồng), 20 năm (1.000 tỷ đồng) và 30 năm (1.000 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.400 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,05%/năm, bằng suất trúng thầu ngày 31/5/2017. Phiên thầu phụ gọi thầu 450 tỷ đồng, huy động thành công 450 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 7 năm: Huy động thành công 1.500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,33%/năm, thấp hơn 0,01%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 31/5/2017. Phiên thầu phụ gọi thầu 450 tỷ đồng, huy động thành công 450 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 20 năm: Huy động thành công 1.000 tỷ với lãi suất trúng thầu 7 %/năm, bằng lãi suất trúng thầu phiên ngày 24/5/2017. Phiên thầu phụ gọi thầu 300 tỷ đồng, huy động thành công 300 tỷ đồng.

- Kỳ hạn 30 năm: Huy động được 728 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 7,5%/năm, thấp hơn 0,05%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 24/5/2017. Phiên thầu phụ gọi thầu 300 tỷ đồng, huy động thành công 300 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm 2017, KBNN đã huy động thành công 109.524,6593 tỷ đồng TPCP qua đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 05/6 - 09/6/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 0,41 điểm (-0,05%) xuống 749,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt211,28 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.603,43 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,11 điểm (0,11%) lên 97,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt74,23triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 696,55 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,16 điểm (-0,28%) xuống 57,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt6,65triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 92,31 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5.532.280 đơn vị, giá trị 323,15 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là HPG với khối lượng 4,68 triệu đơn vị, giá trị 144,05 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là SSI với khối lượng 1,63 triệu cổ phiếu, giá trị 42,1 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 05/6. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 6,08 triệu đơn vị, giá trị 248,59 tỷ đồng, giảm 61,14% về lượng và 51,35% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 08/6. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng hơn 1 triệu đơn vị (tuần trước mua ròng 4,89 triệu đơn vị). Tuy nhiên, xét về giá trị, họ mua ròng 6,63 tỷ đồng, giảm 88,95% so với tuần trước.

- Upcom: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp, tổng khối lượng 524.280 đơn vị, giá trị 67,93 tỷ đồng, tăng 47,85% về lượng và 23,63% về giá trị so với tuần trước đó.

Bất động sản

Lượng giao dịch bất động sản trong tháng 5/2017 có xu hướng tăng nhẹ so với tháng trước và cả bình quân quý I, chủ yếu vẫn là từ các dự án nhà ở phân khúc trung và cao cấp. Trong tháng 5, tại Hà Nội có khoảng 1.200 giao dịch thành công (tăng khoảng 14% so với tháng trước). Lũy kế 5 tháng đầu năm có khoảng 5.400 giao dịch thành công.Tại thành phố Hồ Chí có khoảng 1.300 giao dịch thành công, tăng khoảng 12%; lũy kế 5 tháng đầu năm có 5.870 giao dịch thành công.(Theo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản ngày 05/6)

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và Nhật Bản

- Ngày 05/6/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản. + Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài, với số vốn 4 tỷ USD, nhằm xây dựng một thành phố thông minh hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tại phía Bắc Hà Nội (đoạn hai bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp), thuộc đồ án quy hoạch hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài.

+ Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air), VietJet Air và Công ty Mitsubishi UFJ Lease & Finance (MUL), thuộc Tập đoàn tài chính ngân hàng hàng đầu Nhật Bản Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) đã ký kết thỏa thuận cung cấp tài chính cho 3 tàu bay A321 mới của VietJet Air với tổng giá trị 348 triệu USD.

+ Công ty cổ phần Nafoods Group (NAF) đã ký biên bản ghi nhớ với một đối tác thương mại lớn của Nhật Bản về việc thực hiện chuỗi giá trị nông nghiệp khép kín sản phẩm gừng, với tổng giá trị đầu tư khoảng 20 triệu USD.

- Ngày 06/6, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Công hàm trao đổi vay vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trị giá khoảng 100,3 tỷ JPY (gần 1 tỷ USD) của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong năm tài khóa 2016.

Số vốn trên dành cho 4 dự án: Bảo đảm an toàn và an ninh hàng hải; Quản lý nước ở Bến Tre; Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Biên Hòa (giai đoạn 1) và Phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghệ cao Hòa Lạc (giai đoạn 2). Đồng thời, hai nước cũng công bố 3 dự án viện trợ không hoàn lại trong các lĩnh vực phòng chống thiên tai và đào tạo nguồn nhân lực.

- Ngày 07/6, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Công ty Chuyển tiền quốc tế Uniteller (Hoa Kỳ) đã ký kết hợp đồng hợp tác triển khai dịch vụ chuyển tiền từ Hoa Kỳ về Việt Nam bắt đầu từ ngày 07/6/2017. Theo đó, người chuyển có thể chuyển tiền về Việt Nam tại bất kỳ đại lý Uniteller nào ở nước ngoài, chỉ sau 2 phút, người nhận có thể đến bất cứ điểm giao dịch nào của Sacombank để nhận tiền mà không phải trả phí.

Chính sách

Nghị quyết số 10-NQ/TW

Ngày 03/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, năm 2030 khoảng 60 - 65%; năng suất lao động tăng khoảng 4 - 5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2025. Thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4.

Quyết định số 787/QĐ-TTg

Ngày 05/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 787/QĐ-TTg về việc phê duyệt bổ sung Danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Theo đó, bổ sung thêm 3 sản phẩm quốc gia gồm: Tôm nước lợ (gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng); cà phê Việt Nam chất lượng cao và sâm Việt Nam, nâng tổng số sản phẩm quốc gia chính thức và dự bị lên 12 sản phẩm. Các sản phẩm này sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: Vay vốn tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam tối đa 85% tổng mức vốn đầu tư của dự án; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng; ưu tiên tham gia vào các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại của Nhà nước… (theo Quyết định số 2441/QĐ-TTg ngày 31/10/2010).

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 05/6/2017.

Thông tư số 53/2017/TT-BTC

Ngày 19/5/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTC hướng dẫn Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Tại thời điểm được bổ nhiệm làm quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, người quản lý phải có đầy đủ các giấy tờ sau: Phiếu lý lịch tư pháp; bằng đại học (trở lên) thuộc một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật hoặc lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhận; bản cam kết về việc đáp ứng đầy đủ các quy định liên quan đến năng lực hành vi dân sự, kinh nghiệm làm việc...

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại thời điểm hoạt động phải có quy chế quản lý nội bộ về tổ chức, quy định nội bộ về hoạt động kinh doanh tại điều lệ của doanh nghiệp.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 03/7/2017.