Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 10-15/4/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% (năm 2017) và 6,7% (năm 2018), nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn - bán lẻ, ngân hàng, du lịch. (Theo Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB ngày 10/4)

Triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn tiếp tục thuận lợi. GDP dự kiến sẽ tăng dần trong các năm 2017 - 2019, chủ yếu do cầu trong nước tăng mạnh và hoạt động chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu có diễn biến khả quan. Áp lực lạm phát ở mức thấp do giá năng lượng và giá thương phẩm toàn cầu có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là về tăng trưởng tín dụng và nợ công. Tỷ lệ tín dụng trên GDP khoảng 120% (tháng 12/2016) trong khi áp lực nợ xấu chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, bội chi ngân sách cao và kéo dài trong những năm qua, bình quân ở mức 5,5% GDP trong giai đoạn 2011 - 2016, so với 2,2% GDP trong giai đoạn 2006 - 2010, dẫn đến nợ công tăng cao.

(Theo Báo cáo cập nhật Tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương của WB công bố ngày 13/4)

Doanh nghiệp

- 5 ngân hàng lớn của Việt Nam (Agribank, VietinBank, Vietcombank, ACB, MBBank) được hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings giữ nguyên bậc xếp hạng nhà phát hành dài hạn (IDR), cho thấy triển vọng phát triển ổn định; áp lực về chất lượng tài sản và nguồn vốn từ tăng trưởng tín dụng sẽ được bù đắp từ thu nhập lãi và nguồn vốn theo chu kỳ. Agribank, VietinBank, Vietcombank được xếp hạng B+; ACB và MBBank xếp hạng B. (Theo Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings ngày 11/4).

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody's đã xếp hạng tín nhiệm lần đầu tiên cho Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) ở mức B2, mức cao trong các ngân hàng cổ phần ở Việt Nam và chỉ thấp hơn một bậc so với xếp hạng tín nhiệm quốc gia B1 của Việt Nam; đồng thời đánh giá mức tín nhiệm B1 đối với chỉ tiêu khả năng thanh khoản của OCB. (Theo OCB ngày 10/4)

Theo kết quả khảo sát 2.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thực hiện và công bố ngày 07/4, có 85% doanh nghiệp quan tâm đến CMCN 4.0. Trong đó có 55% doanh nghiệp đánh giá CMCN 4.0 sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam; 23% đánh giá tác động bình thường; 11% đánh giá ít tác động; 10% đánh giá không tác động; 6% không đánh giá được tác động như thế nào.

Bên cạnh đó, có 79% doanh nghiệp chưa biết phải làm như thế nào để tiếp cận và ứng dụng CMCN 4.0; 55% đang tìm hiểu, nghiên cứu; 19% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và chỉ có 12% đang triển khai.

67% doanh nghiệp được hỏi không thấy CMC 4.0 có liên quan và ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp; 56% cho rằng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp không bị tác động nhiều; 76% chưa hiểu rõ bản chất của CMCN 4.0; đặc biệt, có 54% doanh nghiệp chưa quan tâm. (Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội ngày 07/4)

Năm 2016, tổng doanh thu của Tập đoàn Bảo Việt đạt 25.675 tỷ đồng, vượt kế hoạch 14,1% và tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2015.Trong đó, doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 13.458 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 52,4% trong tổng doanh thu hợp nhất; doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt 7.192 tỷ đồng (28%); lĩnh vực dịch vụ tài chính và lĩnh vực khác đạt 5.025 tỷ đồng (19,6%). Tính đến ngày 31/12/2016, tổng tài sản hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt đạt 72.996 tỷ đồng, tăng gần 14.500 tỷ đồng (24,7%) so với thời điểm cuối năm 2015. (Theo Tập đoàn Bảo Việt ngày 10/4)

Trong tháng 3/2017, tổng số lượng ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường đạt 26.872 chiếc, tăng 52% so với tháng 2 và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 16.805 chiếc, tăng 67% so với tháng 2; phân khúc xe thương mại đạt 8.278 chiếc, tăng 31%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 1.789 chiếc, tăng 45%.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2017, toàn thị trường tiêu thụ 64.729 chiếc, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, phân khúc xe du lịch đạt 41.600 chiếc, tăng 23%; phân khúc xe thương mại đạt 19.722 chiếc, giảm 10%; phân khúc xe chuyên dụng đạt 3.407 chiếc, giảm 13%.

(Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam - VAMA ngày 11/4)

Trong quý I/2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA đạt trên 4,6 triệu tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiêu thụ ước đạt trên 3,7 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo trong quý II/2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp thành viên VSA đạt khoảng 4,5 triệu tấn, tiêu thụ ước đạt 4,1 triệu tấn. (Theo VSA ngày 13/4)

Giá xăng, dầu

Giá bán lẻ xăng, dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (đứng thứ 44/180 nước). Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường từ 1.000-4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít, nhằm: (i) Chủ động ứng phó với diễn biến giá dầu thế giới, đảm bảo lợi ích quốc gia trong điều kiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế; (ii) Tránh chênh lệch nhiều về giá bán xăng dầu của Việt Nam với các nước có chung đường biên giới; (iii) Khuyến khích sản xuất, sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường; (iv) Thực hhiện cam kết về bảo vệ môi trường. (Theo Bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices ngày 03/4/2017)

Tổng cầu


Đầu tư

Tính đến cuối tháng 3/2017, Nhật Bản là nhà đầu tư đứng thứ hai tại Việt Nam với 3.355 dự án, trị giá 42,49 tỷ USD, được triển khai trong 19 ngành, lĩnh vực gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo, kinh doanh bất động sản, sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa...

Nhật Bản là đối tác cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam với khoảng 200 tỷ JPY/năm (1,8 tỷ USD), chiếm trên 30% tổng vốn cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam.

(Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 11/4).

Các doanh nghiệp Hàn Quốc có xu hướng chuyển hướng đầu tư từ một số thị trường sang Việt Nam, do sự phát triển ổn định của nền kinh tế (tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 6 - 7%); Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách nhằm cải thiện môi trường và thu hút nhà đầu tư; Việt Nam được đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng có dân số gần 100 triệu người. Lũy kế đến ngày 20/3/2017, tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam đạt hơn 54 tỷ USD; trong đó riêng tháng 3/2017 đạt hơn 3,74 tỷ USD.

(Theo Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam - KOTRA ngày 11/4).

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt 3 dự án đầu tư, cải tạo trụ sở cơ quan nhà nước, với tổng mức vốn đầu tư hơn 187 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư Dự án Cải tạo Trụ sở làm việc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tại Hà Nội có tổng mức đầu tư 53 tỷ đồng; Dự án Trụ sở Cơ quan Đại diện phía Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có tổng vốn đầu tư 121,5 tỷ đồng; Dự án Trụ sở các cơ quan của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh có tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng.

Xuất nhập khẩu

Một số nước đã đưa ra các quy định tạo thêm rào cản kỹ thuật gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam như: (i) Chính phủ Australia quy định, tôm chưa qua nấu chín sẽ do Australia cấp phép, còn tôm đã nấu chín do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp phép; (ii) Hàn Quốc quy định những mặt hàng thủy sản khi xuất khẩu vào thị trường nước này phải do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp phép, bao gồm cả tôm đông lạnh và ướp lạnh, ngoại trừ tôm bóc vỏ, bỏ đầu; hàu, nhuyễn thể đông lạnh, kể cả hàng xách tay; (iii) Trung Quốc quy định về giám sát và lấy mẫu xét nghiệm các loại mầm bệnh trên tôm sú sống nhập khẩu vào nước này; (iv) Những thị trường khác như Saudi Arabia, Nga, Brazil, Mehico cũng có quy định về rào cản kỹ thuật đối với mặt hàng tôm nhập khẩu. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 13/4)

Trong tháng 3/2017, khối lượng xuất khẩu cao su đạt khoảng 65 nghìn tấn trị giá 138 triệu USD, khối lượng nhập khẩu đạt khoảng 32 nghìn tấn trị giá 71 triệu USD. Tính chung trong quý I/2017, khối lượng xuất khẩu cao su đạt 249 nghìn tấn, với giá trị 510 triệu USD, tăng 1,9% về khối lượng và 90,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016; khối lượng nhập khẩu cao su đạt 112 nghìn tấn, trị giá 236 triệu USD, tăng 21,2% về khối lượng và tăng 75,2% về giá trị. (Theo Trung tâm Tin học và Thống kê - CIS ngày 13/4)

Trong 2 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của Canada sang Việt Nam đạt 131,1 triệu USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada đạt 586,6 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2016 và tiếp tục dẫn đầu ASEAN về kim ngạch xuất khẩu sang Canada. Như vậy, Việt Nam tiếp tục xuất siêu sang Canada 455,5 triệu USD. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 717,7 triệu USD, tăng 117% so với năm 2016. (Theo Tham tán Thương mại - Đại sứ quán Việt Nam tại Canada Hoàng Anh Dũng ngày 13/4)

Ngân sách Nhà nước

Trong quý I/2017, bội chi ngân sách ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, bằng 2,27% dự toán năm.

- Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khoảng 280.900 tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán năm, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu nội địa 232.000 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2016; thu từ dầu thô đạt khoảng 11.000 tỷ đồng, bằng 28,9% dự toán, tăng 15,9%; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt khoảng 37.900 tỷ đồng, bằng 23,4% dự toán, tăng 18,5%.

- Chi NSNN đạt khoảng 284.960 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó chi thường xuyên đạt hơn 211.000 tỷ đồng.

(Theo Văn phòng Bộ Tài chính ngày 10/4).

Trong quý I/2017, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi khoảng 183,6 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên và khoảng 40,4 nghìn tỷ đồng chi đầu tư phát triển, qua đó đã phát hiện khoảng 2.400 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; từ chối thanh toán khoảng 13 tỷ đồng. (Theo Văn phòng Bộ Tài chính ngày 10/4)

Cân đối vĩ mô


Lãi suất

Trong quý I/2017, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,07 - 0,2%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất cho vay trung và dài hạn tăng khoảng 0,03 - 0,1% so với cuối năm 2016. (Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh ngày 12/4)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 4 ngày tăng, 1 ngày giảm và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (15/4), so với ngày 14/4, giá vàng miếng SJC diễn biến như sau::

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 37,06-37,32 triệu đồng/lượng, tăng 320 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 380 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra .

- Bảo Tín Minh Châu: 37,10-37,24 triệu đồng/lượng, tăng 300 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 380 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 37,05-37,25 triệu đồng/lượng, tăng 250 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 9 đồng với 2 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 3 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 15/4), tỷ giá trung tâm là 22.320 NVD/USD, không đổi so với ngày 14/4, tỷ giá tại một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng nhẹ so với ngày 14/4:

- Vietcombank: 22.655-22.725 VND/USD, tăng 15 đồng ở cả hai chiều.

- BIDV: 22.660-22.730 VND/USD, tăng 20 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.650-22.720 VND/USD, tăng 10 đồng ở cả hai chiều.

Thị trường tài sản


Trái phiếu

Trong tuần từ ngày 10-14/4, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 6.000 tỷ đồng, khối lượng trúng thầu đạt 5.610 tỷ đồng (93,5%), trong đó các loại kỳ hạn 5 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm đều đạt tỷ lệ trúng thầu 100%, riêng kỳ hạn 7 năm có tỷ lệ trúng thầu 63%:

- 5 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,10%/năm, thấp hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu ngày 05/4/2017.

- 7 năm: Huy động được 610 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,43%/năm, bằng lãi suất trúng thầu ngày 5/4/2017.

- 15 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 6,79%/năm, thấp hơn 0,06%/năm so với lãi suất trúng thầu ngày 29/3/2017.

- 20 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 7,36%/năm, thấp hơn 0,09%/năm so với lãi suất trúng thầu ngày 29/3/2017.

- 30 năm: Huy động được 2.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 7,79%/năm, thấp hơn 0,06% so với lãi suất trúng thầu ngày 5/4/2017.

Kể từ đầu năm 2017, Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công hơn 68.307 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ qua đấu thầu tại HNX.

Bất động sản

Trong quý I/2017, tổng nguồn cung bán lẻ trên thị trường bất động sản Hà Nội đạt 1,2 triệu m2 sàn, tăng 1,7% theo quý và 11,5% theo năm. Tuy nhiên, giá thuê bất động sản có xu hướng giảm, ở mức 35 USD/m2/tháng. Trong đó, giá thuê cửa hàng tại khu vực trung tâm khoảng 45 USD/m2/tháng, tại trung tâm thương mại khoảng 35 USD/m2/tháng. Giá thuê văn phòng bình quân đạt khoảng 19 USD/m2/sàn, văn phòng hạng A khoảng 27 USD/m2/sàn, hạng B khoảng 18 USD/m2/sàn, hạng C khoảng 12 USD/m2/sàn. (Theo Công ty Bất động sản Savills ngày 13/4)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 10/4-14/4/2017, thị trường diễn biến tăng/giảm trái chiều.:

- VN-Index có 2 phiên tăng và 3 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index giảm 5,9 điểm (-0,81%) xuống 718,45 điểm.Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt199,57 triệu đơn vị/phiên, tổng giá trị giao dịch đạt 3.904,9 tỷ đồng.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,39 điểm (-0,43%) xuống 89,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt60,71triệu đơn vị/phiên, tổng giá trị giao dịch đạt 614,1 tỷ đồng.

- Upcom-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,43 điểm (-0,74%) xuống 57,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt5,98triệu đơn vị/phiên, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 108,45 tỷ đồng.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 30,75 triệu đơn vị (tuần đó trước bán ròng 2,16 triệu đơn vị), trị giá 1.414,92 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với tuần trước; trong đó cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là VHC với khối lượng 6,12 triệu đơn vị, trị giá 342,04 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là KDH với khối lượng đạt 1,16 triệu cổ phiếu, trị giá 28,08 tỷ đồng.

- HOSE: Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 5 phiên liên tiếp, tổng khối lượng mua ròng 28,52 triệu đơn vị, trị giá 1.337,85 tỷ đồng, tăng mạnh so với tuần trước (mua ròng 179.050 đơn vị, trị giá 203,98 tỷ đồng).

- HNX: Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 5 phiên liên tiếp, tổng khối lượng bán ròng 1,2 triệu đơn vị, trị giá 42,31 tỷ đồng (tuần trước bán ròng 3,18 triệu đơn vị, trị giá 14,15 tỷ đồng).

- UPCoM: Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 5 phiên liên tiếp, tổng khối lượng mua ròng 1,03 triệu đơn vị, trị giá 34,76 tỷ đồng, tăng 21,69% về lượng nhưng giảm 2,88% về giá trị so với tuần trước.

Chính sách

Nghị định số 35/2017/NĐ-CP

Ngày 03/4/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2017/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước trong khu kinh tế, khu công nghệ cao.

- Miễn toàn bộ tiền thuê đất đối với đất thực hiện dự án nhà ở cho chuyên gia, người lao động thuê khi làm việc tại khu công nghệ cao; đất xây dựng công trình sự nghiệp công lập, công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, đất cây xanh, cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ cao…

- Thời gian miễn tiền thuê đất là thời gian xây dựng cơ bản, tối đa 3 năm từ ngày có quyết định cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; sau thời gian này, miễn thêm từ 11 - 19 năm tiền thuê đất, tùy từng loại dự án đầu tư. Không áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước với dự án khai thác tài nguyên khoáng sản.

Nghị định số 32/2017/NĐ-CP

Ngày 31/3/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

- Hạn mức tín dụng đầu tư của Nhà nước với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động).

- Tổng dư nợ cấp tín dụng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam không được quá 15% với 1 khách hàng; 25% với 1 khách hàng và người có liên quan, trừ các trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quy định.

- Thời hạn cho vay không quá 12 năm; riêng với các dự án đầu tư thuộc nhóm A, thời hạn cho vay vốn tối đa là 15 năm.

Đàm phán - Ký kết

Australia, WB và Việt Nam

Ngày 11/4, Đại sứ Australia Craig Chittick và Giám Đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione đã ký thỏa thuận đối tác mới để cùng hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình nghị sự về cải cách kinh tế bền vững và bao trùm. Theo đó, Australia sẽ hỗ trợ 25 triệu AUD để WB triển khai nội dung hợp tác trong 5 năm, nhằm thực hiện những ưu tiên được xác định trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. (Theo TTXVN ngày 12/4)