Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 12-17/6/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

Kinh tế - tài chính Việt Nam

Nội dung

Tổng cung


Dịch vụ

Theo kết quả khảo sát mua sắm trực tuyến mới nhất của Mastercard tại châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, cứ 10 người tiêu dùng Việt Nam thì có 9 người (92%) đã mua sắm qua mạng, đứng thứ 4 trong khu vực, chỉ sau Hàn Quốc (96,7%), Ấn Độ (95,8%), và Nhật Bản (95%).

Yếu tố có vai trò quan trọng nhất trong việc thu hút người tiêu dùng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương mua sắm trực tuyến vẫn là việc mang lại những phương tiên thanh toán an toàn (85,9%), giá cả (85,5%) và sự tiện lợi (85,1%).

(Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 10/6)

Doanh nghiệp

Hiện nay, Hà Nội có số lượng doanh nghiệp bán đấu giá tài sản lớn nhất so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước với 104 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp; trong đó có một trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản của thành phố, 103 doanh nghiệp bán đấu giá tài sản và có 208 đấu giá viên đang hành nghề. (Theo Sở Tư pháp Hà Nội ngày 13/6)

Tính đến hết tháng 5/2017, có 13 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị thực tế là 4.157 tỷ đồng, trong đó phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp là 1.218 tỷ đồng. Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 3.445 tỷ đồng và thu về 14.806 tỷ đồng.

Trong đó, thoái vốn tại 5 lĩnh vực (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng - tài chính, bất động sản và Quỹ đầu tư) đã thu về 46 tỷ đồng, thoái vốn đầu tư ở doanh nghiệp khác (ngoài 5 lĩnh vực trên) thu về 2.534 tỷ đồng. Với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã bán vốn tại 18 doanh nghiệp và thu về 12.225 tỷ đồng (trong đó bao gồm cả số thoái trong năm 2016 của Vinamilk với giá trị sổ sách 783,7 tỷ đồng, thu về 11.286,4 tỷ đồng).

(Theo Bộ Tài chính ngày 09/6)

Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa công bố danh sách 72 doanh nghiệp nợ thuế, phí và tiền thuê đất với tổng số nợ gần 86 tỷ đồng. Trong đó, về nợ tiền thuê đất có 6 đơn vị với số tiền hơn 27 tỷ đồng, 5 doanh nghiệp nợ số tiền từ vài chục triệu đồng cho tới hơn 3 tỷ đồng; về nợ thuế, phí có 66 doanh nghiệp nợ tổng cộng hơn 58 tỷ đồng.

Trong danh sách có 13 doanh nghiệp nợ thuế trên 1 tỷ đồng, còn lại là những đơn vị có số nợ từ vài chục triệu đồng tới vài trăm triệu đồng.

Từ đầu năm tới nay, Cục Thuế Hà Nội đã có 3 đợt công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn. Danh sách công bố gần nhất vào tháng 02/2017, có 134 doanh nghiệp nợ thuế với tổng số tiền gần 162,5 tỷ đồng. (Theo Báo Đấu thầu ngày 14/6)

Hãng Xếp hạng tín nhiệm Moody's đã hạ xếp hạng nợ dài hạn và tiền gửi của Sacombank từ B3 xuống Caa1, chủ yếu là do vị thế thanh toán của ngân hàng này bị suy yếu, đồng thời có 1 lượng lớn tài sản có vấn đề; triển vọng xếp hạng được đánh giá là “tiêu cực” do Sacombank đối mặt với rủi ro thanh khoản khá cao; hạ bậc đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) từ Caa1 xuống Caa2, đánh giá rủi ro hợp tác dài hạn từ B2 xuống B3 phản ánh vị thế tài chính độc lập của ngân hàng này phải đối mặt với rủi ro tăng cao; xếp hạng nợ và tiền gửi ngắn hạn, đánh giá rủi ro hợp tác ngắn hạn được giữ nguyên. (Theo Báo Trí thức trẻ ngày 15/6)

Tăng trưởng

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hồ Chí Minh đạt 7,76%; cao hơn mức tăng cùng kỳ của hai năm gần đây(tăng 7,47%). Với đà tăng trưởng này, thành phố Hồ Chí Minh có thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2017 là 8,4 - 8,7%.

Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 173 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% so với kế hoạch năm, có cơ sở đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm 2017. (Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/6)

Môi trường kinh doanh

Theo Báo cáo xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017 được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cùng hai trường đại học danh tiếng, Việt Nam vươn lên vị trí 47 trên 127 quốc gia/nền kinh tế, vượt 12 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 59), nhờ những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực canh tranh những năm qua.

Trong nhóm nước thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã được xếp thứ nhất, tăng 2 bậc so với năm 2016. Ở Đông Nam Á, Việt Nam vượt trên Thái Lan.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam được đánh giá có thế mạnh trong 7 trụ cột, gồm: Đầu ra tri thức và công nghệ; chỉ số phức tạp/đa dạng của thị trường; chỉ số phức tạp/đa dạng kinh doanh; chỉ số đầu ra sáng tạo và chỉ số tăng trưởng đầu tư cho giáo dục.

(Theo Báo cáo xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017 được Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cùng hai trường đại học danh tiếng công bố ngày 15/6)

Tổng cầu


Đầu tư

Tính đến hết năm 2016, đầu tư của các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam đã vượt mốc 50 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tính từ năm 1988, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư 50,5 tỷ USD vào Việt Nam, chiếm 30,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với 5.773 dự án.

Có 71% tổng số vốn đầu tư được chi cho lĩnh vực chế tạo, 14,8% cho công tác điều hành bất động sản và 5,4% cho lĩnh vực xây dựng. Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc Kim Doo-hee nhận định, nền kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng tăng trưởng bền vững là một trong những yếu tố thu hút mạnh các nhà đầu tư nước ngoài "rót vốn" vào Việt Nam

(Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc - KOTRA ngày 12/6)

Ban Giám đốc WB vừa phê duyệt khoản tài trợ trị giá 53 triệu USD cho dự án cải tạo hạ tầng đô thị tại Lào Cai và Phủ Lý - Hà Nam, hai thành phố loại vừa mới nổi ở khu vực miền Bắc Việt Nam.

Khoản đầu tư bổ sung này được sử dụng để bù đắp khoản ngân sách dự án bị thiếu hụt phát sinh từ biến động tỷ giá hối đoái so với thời điểm dự án bắt đầu triển khai, được phân bổ cho Dự án Phát triển các đô thị loại vừa, giúp cải tạo hạ tầng về xử lý nước và thu gom nước thải, phòng chống lụt tại các khu vực trũng, cải tạo hạ tầng giao thông tại các khu vực chưa có đường giao thông hoặc đã có nhưng kém chất lượng và các khu vực chưa kết nối được với mạng lưới giao thông, qua đó mang lại cơ hội kinh tế cho cộng đồng và giúp nhiều người dân được hưởng điều kiện môi trường tốt hơn tại các thành phố. (Theo VOV ngày 13/6)

Xuất - nhập khẩu

Trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu than đạt 877.137 tấn, trị giá 128,09 triệu USD, tăng 2,5 lần về khối lượng so với cùng kỳ năm 2016. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu than đá lớn nhất với 477.946 tấn, tăng 91,8% so với cùng kỳ năm 2016, chiếm hơn 50% tổng lượng than đá xuất khẩu với kim ngạch 62,5 triệu USD.

Việt Nam nhập khẩu 5,5 triệu tấn than đá, trị giá 2,6 triệu USD, giảm 4,7% về lượng, nhưng lại tăng 58,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Thị trường nhập khẩu chính là Indonesia, Australia, Nga, Trung Quốc.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 12/6)

Trong tháng 5/2017, Trung Quốc nhập khẩu 30.640 tấn trong tổng số 60.957 tấn cao su xuất khẩu của Việt Nam, trị giá gần 49,5 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2016.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2017, tổng lượng cao su Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 220.622 tấn, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 12/6)

Trong 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu hàng dệt may và xuất khẩu mặt hàng giầy dép đã đóng góp 15 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước (tổng xuất khẩu đạt 79,98 tỷ USD), cụ thể:

- Xuất khẩu hàng dệt may đạt 9,39 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2016.Năm 2017, ngành dệt may đặt kế hoạch tốc độ tăng trưởng 6,5 - 7%, đạt trên 30 tỷ USD trong năm 2017, cao hơn so với năm 2016 (đạt khoảng 23,8 tỷ USD, chỉ tăng 4,5% so với năm 2015).

Các thị trường nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 4,58 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU (28 nước) với kim ngạch 1,3 tỷ USD, tăng 4,9%; thị trường Nhật Bản với 1,14 tỷ USD, tăng 10,3%…

- Xuất khẩu mặt hàng giầy dép đạt 5,65 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016. Dự báo trong năm 2017 sản xuất và xuất khẩu sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với năm 2016, với chỉ số sản xuất của ngành dự kiến đạt 5%, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 18 tỷ USD, tăng trên 10%.

Các thị trường nhập khẩu giầy dép các loại của Việt Nam chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 1,99 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước; EU đạt 1,8 tỷ USD, tăng 8,7%; Trung Quốc với 418 triệu USD, tăng 29,1%.

(Theo Tổng cục Hải quan ngày 14/6)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 2 ngày giảm giá, 1 phiên tăng và 3 phiên tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 17/6), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,16 - 36,38 triệu đồng/lượng, giảm 70 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 16/6.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,28 - 36,34 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với ngày 16/6.

- Doji: 36,26 - 36,34 triệu đồng/lượng, giảm 10 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 16/6.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã tăng 5 đồng với 2 ngày tăng giá, 1 ngày giảm giá và 3 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 17/6), tỷ giá trung tâm là 22.410 NVD/USD giá không đổi so với tỷ giá ngày 16/6, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại có nhiều biến động, một số ngân hàng không thay đổi so với ngày 16/6 như sau:

- Vietcombank: 22.655 - 22.725 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- BIDV: 22.650 - 22.720 VND/USD, giảm 10 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank: 22.660 - 22.730 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

Lao động

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBAV), việc tăng lương tối thiểu sẽ khiến Việt Nam mất đi khả năng cạnh tranh tương đối so với các nước láng giềng.

Năm 2016, tiền lương tối thiểu ở Việt Nam đã tăng bình quân 7,3%, cao hơn so với tỷ lệ tăng 2,6% của CPI, làm mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam (ở khu vực 1) cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Philippines, trong khi Malaysia và Thái Lan đã hạn chế tăng lương tối thiểu. Nếu bao gồm cả những chi phí về phúc lợi xã hội và công đoàn thì chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan.

Việc tăng lương giúp người Việt có đời sống thịnh vượng hơn và cũng là nhân tố cần thiết để khuyến khích nhu cầu nội địa. Tuy nhiên, những ngành đầu tàu trong nền kinh tế Việt Nam (may mặc, da giầy, gia công xuất khẩu) lại chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự gia tăng này. (Theo JBAV ngày 16/6)

Tín dụng

Tính đến tháng 5/2017, tổng số tiền cho vay doanh nghiệp theo Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đạt trên 124.327 tỷ đồng cho 4.138 khách hàng vay, bằng 44,2% so với năm 2016.

Trong đó, 16 ngân hàng thương mại tham gia gó itín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp trên địa bàn đã giải ngân cho vay với số tiền 74.399 tỷ đồng cho 3.599 khách hàng vay. Trong năm 2017, gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh của 16 ngân hàng thương mại cam kết cho vay đạt 226.177 tỷ đồng và 10 triệu USD.

Mức lãi suất cho vay ưu đãi ngắn hạn không quá 7%/năm, cho vay trung dài hạn xoay quanh mức 9%/năm và cho vay ngoại tệ để hỗ trợ xuất khẩu. (Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hồ chí Minh ngày 16/6)

Theo Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu tăng trưởng tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế bình quân khoảng 16%/năm, dự kiến nợ xấu phát sinh thêm trong giai đoạn 2017 - 2022 là khoảng 350.000 tỷ đồng.

Nếu duy trì mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 3%, tổng nợ xấu cần xử lý trong 5 năm tới là khoảng 640.000 tỷ đồng; bình quân mỗi năm phải xử lý gần 130.000 tỷ đồng. (Theo Ngân hàng Nhà nước ngày 12/6)

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Tính đến ngày 31/5/2017, vốn hóa thị trường chứng khoán đạt hơn 2.400 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với cuối năm 2016, tương đương 53% GDP - mức cao nhất từ khi thành lập thị trường. VN-Index đạt 739,35 điểm, tăng 11% so với cuối năm 2016.

HNX-Index đóng cửa ở mức 93,64 điểm, tăng 17% so với cuối năm 2016. Bên cạnh đó, trong tháng 5/2017, trên sàn HOSE, tổng giá trị giao dịch đạt 104,5 nghìn tỷ đồng, tăng 36,6% so với tháng 4; tại sàn HNX, tổng giá trị giao dịch tăng 18% và đạt 14,3 nghìn tỷ đồng. (Theo Bộ Tài chính ngày 09/6)

Trái phiếu

Ngày 14/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng, khối lượng trúng thầu 4.950 tỷ đồng (đạt 99%), ngoài ra còn huy động được 1.500 tỷ đồng trong phiên thầu phụ cho 4 loại kỳ hạn: 5 năm, 7 năm, 10 năm và 30 năm:

- 5 năm: Huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 450 tỷ đồng.

- 7 năm: Huy động được 1.450 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,29%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 450 tỷ đồng.

- 10 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 5,79%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 300 tỷ đồng.

- 30 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 7,38%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 300 tỷ đồng.

Kể từ đầu năm đến ngày 14/6/2017, Kho bạc Nhà nước đã huy động được gần 115.975 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thông qua đấu thầu tại HNX.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 12 - 16/6/2017, thị trường diễn biến trái chiều trong tuần qua.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 0,67 điểm lên 761,24 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt201,92 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.404,33 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,53 điểm (0,55%) lên 98,31 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt53,9triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 550,55 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 1 phiên tăng và 4 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,14 điểm (-0,25%) xuống 56,75 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt6,94triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 82,65 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 5.016.000 đơn vị, trị giá 456,26 tỷ đồng so với tuần trước; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là ROS với khối lượng đạt 3,35 triệu đơn vị, trị giá 355,17 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là SSI với khối lượng đạt 3,68 triệu cổ phiếu, trị giá 97,63 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 16/6. Tổng cộng, khối ngoại đã bán ròng 4,07 triệu đơn vị (trong khi tuần trước mua ròng 6,08 triệu đơn vị). Tuy nhiên, xét về giá trị họ vẫn mua ròng 483,24 tỷ đồng, tăng 94,39% so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 4 phiên mua ròng và 1 phiên bán ròng duy nhất vào ngày 16/6. Tổng cộng, khối ngoại bán ròng 1,71 triệu đơn vị (tăng 70,19% so với tuần trước). Tổng giá trị bán ròng 52,59 tỷ đồng (trong khi tuần trước mua ròng 6,63 tỷ đồng).

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 701.000 đơn vị, trị giá 25,61 tỷ đồng, tăng 33,71% về lượng nhưng giảm 62,3% về giá trị so với tuần trước đó.

Bảo hiểm

Tính đến hết tháng 5/2017, tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 256.2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 66 nghìn tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 190.2 nghìn tỷ đồng.

Ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế khoảng 208.98 nghìn tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2016. Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 10.9 nghìn tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Bộ Tài chính ngày 09/6)

Đàm phán - Ký kết

Trong tháng 5/2017, Việt Nam đã thực hiện ký kết 2 hiệp định vay với tổng trị giá 254,3 triệu USD, nâng số hiệp định vay lũy kế đến hết tháng 5/2017 lên 10 hiệp định với giá trị đạt 750,59 triệu USD, tương đương hơn 17 nghìn tỷ đồng. (Theo Bộ Tài chính ngày 09/6)

Chính sách

Nghị định số 71/2017/NĐ-CP

Ngày 06/6/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2017/NĐ-CP hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.

- Nghị định này đã có những quy định chặt chẽ về việc báo cáo và công khai thông tin của công ty đại chúng: Ngoài việc công bố đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin định kỳ và bất thường về tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, tài chính và tình hình quản trị công ty cho cổ đông và công chúng, công ty đại chúng phải công khai tiền lương của Giám đốc (Tổng Giám đốc) và người quản lý khác của công ty đại chúng.

- Công ty đại chúng phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán và công bố thông tin về mô hình tổ chức quản lý và hoạt động công ty.

- Công ty đại chúng phải có ít nhất một nhân viên công bố thông tin; nhân viên này phải có trách nhiệm: Công bố các thông tin của công ty với công chúng đầu tư; công khai tên, số điện thoại làm việc để cổ đông liên hệ.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/8/2017.

Quyết định số 03/TT-NHNN

Ngày 06/6/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 03/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo đó, thành phần hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng gồm có: Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; danh sách các địa điểm đăng ký làm địa điểm kinh doanh mua, bán vàng miếng (trụ sở chính, chi nhánh, địa điểm kinh doanh); giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh; xác nhận của cơ quan thuế về số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng trong 2 năm liền kề trước đó.

So với trước đây, doanh nghiệp sẽ không còn phải nộp Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của 2 năm liền kề trước đó khi làm thủ tục cấp Giấy phép kinh doanh vàng miếng.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22/7/2017.