Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 21-26/8//2017
KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM |
Nội dung |
Tổng cung |
|
Quỹ bình ổn - Giá xăng dầu |
- Số dư Quỹ bình ổn (BOG) của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tính đến 15h ngày 19/8 còn dư 2.900 tỷ đồng, tăng 91 tỷ đồng so với kỳ công bố gần nhất (ngày 04/8). Trước đó, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã công bố giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu áp dụng từ 15h ngày 19/8. Theo đó, giá xăng RON 92 có mức trần mới là 17.486 đồng/lít, tăng 461 đồng/lít; xăng E5 là 17.254 đồng/lít, tăng 431 đồng/lít và dầu mazút 3,5S là 11.105 đồng/kg, tăng 8 đồng/kg so với kỳ công bố ngày 4/8. Trong khi dầu diesel 0,05S và dầu hỏa vẫn giữ nguyên và mức giá lần lượt là 13.795 đồng/lít và 12.398 đồng/lít. (Theo Petrolimex ngày 19/8) - Tổng số tiền trích Quỹ bình ổn giá trong quý II/2017 là trên 1.405 tỷ đồng. Số dư Quỹ bình ổn giá tới hết quý II đạt gần 3.976 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với đầu năm.Theo thống kê tại 27 doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu, số dư quỹ lớn nhất là Petrolimex với hơn 2.552 tỷ đồng. Đứng thứ hai là Tổng công ty Xăng dầu Quân đội với xấp xỉ 358 tỷ đồng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp có số dư lớn như: Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) dư trên 305 tỷ đồng; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Petro) dư trên 290 tỷ đồng… (Theo Bộ Tài chính ngày 24/8) |
Doanh nghiệp |
- Bộ Tài chính vừa chính thức công bố danh sách 747 doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng chưa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, chủ yếu do công ty không đủ số lượng cổ đông cần thiết để trở thành công ty đại chúng hoặc công ty có vốn điều lệ không đủ điều kiện. Trong đó có nhiều công ty thuộc tập đoàn lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam có 9 công ty thuộc diện trên, Tổng công ty Xây dựng số 1; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam… (Theo TTXVN ngày 21/8) - Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam diễn ra ngày 21/8 ở Tokyo (Nhật Bản), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản tham gia làm đối tác chiến lược trong các doanh nghiệp cổ phần hóa của Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung: (i) Thực hiện cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ngoài ngành theo kế hoạch, đặc biệt là cổ phần hóa các DNNN có quy mô lớn; (ii) Áp dụng nguyên tắc quản trị hiện đại và công bố thông tin công khai, minh bạch; (iii) Bảo đảm hoạt động của các DNNN theo cơ chế thị trường; (iv) Tăng cường giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; (v) Giảm mạnh tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các DNNN cổ phần hóa; (vi) Cho phép dành tỷ lệ lớn để bán cho đối tác chiến lược nước ngoài; (vii) Yêu cầu các DNNN cổ phần hóa niêm yết trên TTCK. Theo kế hoạch sẽ hoàn thành cổ phần hóa 44 doanh nghiệp trong năm 2017; 64 doanh nghiệp trong năm 2018 và 18 doanh nghiệp trong năm 2019. |
Tổng cầu |
|
Đầu tư |
Ngày 24/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị kết nối nhà đầu tư với ngân hàng, tổ chức tín dụng tham gia thực hiện 7 chương trình đột phá của thành phố. Nhu cầu vốn của 7 chương trình này trong giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 850.000 tỷ đồng; trong đó lĩnh vực hạ tầng giao thông, môi trường, ngập nước chiếm 60%. Tuy nhiên ngân sách thành phố chỉ mới đáp ứng được 20% tổng vốn đầu tư. Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết biên bản thỏa thuận cho vay vốn của 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư với tổng mức đầu tư dự kiến 26.000 tỷ đồng. |
Xuất nhập khẩu |
- Tính đến hết ngày 15/8/2017, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt gần 250,32 tỷ USD, tăng 20,8% (tương ứng tăng hơn 43,17 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Cán cân thương mại hàng hóa trong 15 ngày đầu tháng 8/2017 thâm hụt 3 triệu USD, đưa cán cân thương mại hàng hóa của cả nước từ đầu năm đến hết ngày 15 tháng 8/2017 thâm hụt gần 2,45 tỷ USD, bằng 2% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó: + Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu trong 15 ngày đầu tháng 8/2017 đạt gần 8,63 tỷ USD, giảm 8,4% (tương ứng giảm 789 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2017. Từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2017, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 123,94 tỷ USD, tăng 18,8% (tương ứng tăng hơn 19,65 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. + Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 8/2017 đạt gần 8,63 tỷ USD, giảm 4% (tương ứng giảm 356 triệu USD) so với 15 ngày cuối tháng 7/2017. Từ đầu năm đến hết ngày 15/8/2017, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 126,38 tỷ USD, tăng 22,9% (tương ứng tăng gần 23,52 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/8) - Trong 7 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu 188.034 tấn hạt điều, trị giá 1,85 tỷ USD, giảm 1% về lượng nhưng tăng trên 25% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2016. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2017 đạt 9.842 USD/tấn, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016. Hạt điều của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hoa Kỳ, với tổng kim ngạch đạt 679,67 triệu USD, chiếm 36,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của cả nước, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là thị trường Hà Lan chiếm 15,6% tổng kim ngạch , đạt 288,02 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ; thị trường Trung Quốc chiếm 11,7%, đạt 215,92 triệu USD, tăng 11,5%. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 21/8) - Tại cuộc hội đàm ngày 23/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim đã trao đổi về các chủ trương, biện pháp để thúc đẩy thương mại và đầu tư, đồng thời khẳng định cam kết phấn đấu đưa kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 4 tỷ USD vào năm 2020 thông qua tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại. Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận giữa Bộ Tài chínhViệt Nam và Bộ Hải quan và Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác và hỗ trợ hành chính trong lĩnh vực hải quan; ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác trong lĩnh vực khu tự do/khu chế xuất/khu kinh tế/khu kinh tế đặc biệt; kế hoạch triển khai hợp tác 2017 - 2018 giữa Viện Tiêu chuẩn Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Việt Nam. (Theo TTXVN ngày 23/8) - Bộ Công Thương đã tổ chức buổi đấu thầu để chọn các doanh nghiệp nhập khẩu 89.500 tấn đường trong hạn ngạch nhập khẩu của năm 2017 vào ngày 23/8. Trong đó 45.500 tấn đường tinh luyện có mức giá trúng thầu thấp nhất là 1.820.000 đồng/tấn; cao nhất là 4.550.000 đồng/tấn; 44.000 tấn đường thô có giá trúng thầu 2.500.000 đồng/tấn. Như vậy, chỉ riêng số tiền thu về từ việc đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch nhập khẩu 44.000 tấn đường thô trong năm nay là 110 tỷ đồng. 15 trong số 28 doanh nghiệp gửi hồ sơ tham gia đấu giá đã trúng thầu. (Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 23/8) |
Cân đối vĩ mô |
|
Lao động |
Mặc dù Việt Nam đang trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15 - 64 tuổi đạt 69,4% (số liệu thống kê năm 2014), nhưng đứng trong nhóm 5 quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu lớn về công tác chăm sóc sức khỏe dân số cũng như chính sách về dân số trong hiện tại và tương lai. (Theo Tổng Cục dân số ngày 23/8) |
Lãi suất |
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014. Đây đã là lần thứ hai Thông tư 36 được sửa đổi. Theo quy định lộ trình của Dự thảo sửa đổi lần trước, đến ngày 01/01/2018, các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn xuống còn 40%, sau khi đã thực hiện giảm giới hạn từ 60% xuống 50% từ đầu năm 2017. Tuy nhiên theo định hướng điều chỉnh lần này, việc thực hiện giảm giới hạn sẽ được giãn thêm: Giảm từ 50% xuống 45% từ ngày 01/01/2018 và giảm xuống 40% từ ngày 01/01/2019. Với lộ trình dự kiến như trên, áp lực sử dụng và cân đối lại cơ cấu vốn của các tổ chức tín dụng được giảm tải. (Theo TTXVN ngày 24/8) |
Giá vàng |
Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày giảm, 2 ngày tăng và 1 ngày không thay đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 26/8), so với ngày 25/8, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng: - Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,28 - 36,50 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều. - Bảo Tín Minh Châu: 36,37 - 36,43 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 70 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra. - Doji: 36,36 - 36,44 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều. |
Tỷ giá |
Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 4 đồng với 3 ngày giảm giá và 3 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 26/8), tỷ giá trung tâm là 22.446 NVD/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 25/8; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại so với ngày 25/8 khá ổn định: - Vietcombank, Vietinbank: 22.695 - 22.765 VND/USD, giảm 5 đồng ở cả hai chiều. - BIDV: 22.700 - 22.770 VND/USD, không thay đổi. |
Thị trường tài sản |
|
Chứng khoán |
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa quyết định đưa 8 cổ phiếu (PCG, SDP, DCS, CT6, LM7, BED, BKC, CMC) vào danh sách không được ký quỹ. Quyết định có hiệu lực từ ngày 21/8 và 22/8, do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối ngày 30/6/2017 tại báo cáo tài chính bán niên 2017 là số âm hoặc có báo cáo tài chính bán niên soát xét năm 2017 không có ý kiến chấp thuận toàn phần của tổ chức kiểm toán. (Theo Tạp chí Điện tử Nhịp sống số ngày 22/8) |
Cổ phiếu |
Trong tuần từ 21/8 - 25/8/2017, thị trường diễn biến trái chiều. Tính chung cả tuần: - VN-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 1,86 điểm (0,24%) lên 771,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 185,32 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.227,34 tỷ đồng/ngày. - HNX-Index có 4 ngày tăng và 1 ngày giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,35 điểm (0,34%) lên 102,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 42,66triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 493,41 tỷ đồng/ngày. - Upcom-Index có 2 ngày tăng và 3 ngày giảm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,09 điểm (0,17%) lên 54,35 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 5,36triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 96,19 tỷ đồng/ngày. |
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 411.110 đơn vị, trị giá 182,08 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất là HSG với khối lượng 3,65 triệu đơn vị, trị giá 105,22 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là HT1 với khối lượng 2,75 triệu cổ phiếu, trị giá 43,69 tỷ đồng. - HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 4 ngày mua ròng và 1 ngày bán ròng duy nhất vào ngày 21/8. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 2,8 triệu đơn vị (tuần trước mua ròng 3,33 triệu đơn vị). Tuy nhiên xét về giá trị họ vẫn mua ròng 150,96 tỷ đồng (giảm 89,81% về so với tuần trước). - HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 2 ngày bán ròng và 3 ngày mua ròng. Tổng cộng khối ngoại mua ròng 2,82 triệu đơn vị, trị giá 12,92 tỷ đồng, tăng 276,24% về lượng và 195,65% về giá trị so với tuần trước. - UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 ngày liên tiếp tổng cộng 391.110 đơn vị, trị giá 18,2 tỷ đồng, giảm 29,1% về lượng và 30,93% về giá trị so với tuần trước đó. |
|
Đàm phán - Ký kết |
Indonesia và Việt Nam Theo Tạp chí Nhịp cầu đầu tư ngày 24/8, Công ty PT Intra Asia Indonesia ngày 23/8 đã ký một bản ghi nhớ với đối tác tại Việt Nam, liên quan đến kế hoạch xây dựng một cảng nhập than ở miền Nam Việt Nam trị giá 1 tỷ USD. Năng lực dự kiến của cảng sẽ đạt 15 - 20 triệu tấn than mỗi năm và sẽ giúp cắt giảm chi phí hậu cần cho nhập khẩu than từ Indonesia, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của hoạt động xuất khẩu than từ Indonesia và cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện than tại Việt Nam. |
Chính sách |
Nghị quyết số 79/NQ-CP Ngày 18/8/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 79/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường. - Đơn giản hóa TTHC về đất đai trong việc: Đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) lần đầu; cấp Giấy chứng nhận (GCN) QSDĐ, quyền sở hữu (QSH) nhà và tài sản gắn liền với đất cho người đã đăng ký QSDĐ lần đầu; đăng ký, cấp GCN QSDĐ, QSH nhà và tài sản gắn liền với đất lần đầu; đăng ký, cấp GCN QSDĐ, QSH nhà và tài sản gắn liền với đất lần đầu mà chủ sở hữu không đồng thời là người sử dụng; đăng ký bổ sung tài sản vào GCN đã cấp; đăng ký đất đai lần đầu trường hợp được giao đất để quản lý; đăng ký, cấp GCN QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng trong dự án phát triển nhà ở. - Thay đổi mẫu đơn và tờ khai tại Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT: + Mẫu 04a/ĐK: Thay thế cụm từ “số CMND” và “số chứng minh nhân dân” bằng “số định danh cá nhân”; + Mẫu 04b/ĐK: Thay thế cụm từ “ghi thông tin về CMND” bằng “số định danh cá nhân”. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 18/8/2017. Quyết định số 1232/QĐ-TTg Ngày 17/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn và tỷ lệ thoái vốn tối thiểu theo từng năm của doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020. - Tổng số lượt doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ thoái vốn là 406 lượt doanh nghiệp, được chia ra theo từng năm để các bộ, địa phương thực hiện thoái vốn. Cụ thể, năm 2017 phải thoái ở 135 doanh nghiệp, năm 2018 thoái ở 181 doanh nghiệp, năm 2019 thoái ở 62 doanh nghiệp và năm 2020 thoái ở 28 doanh nghiệp. - Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (thuộc Bộ Công Thương) phải thoái 52,47% tỷ lệ vốn tối thiểu (so với vốn điều lệ) trong năm 2017 và tới năm 2020doanh nghiệp này sẽ phải thoái tiếp 36%. Ở Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng phải thoái vốn hai lần. Lần đầu tiên sẽ thoái 20% tỷ lệ vốn tối thiểu vào năm 2018 và tới năm 2020 sẽ thoái tiếp 10,40%. Còn Tổng công ty Hàng không Việt Nam sẽ thoái một lần, tối thiểu 35,16% vào năm 2019… Quyết định có hiệu lực từ ngày 17/8/2017. Quyết định số 1255/QĐ-TTg Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 8/2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo, hoàn thành vào tháng 6/2019… Quyết định có hiệu lực từ ngày 21/8/2017. Thông tư số 87/2017/TT-BTC Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 87/2017/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính. Theo kế hoạch, thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ, nghiệp vụ mới, điển hình như: Các sản phẩm chứng khoán phái sinh, chứng quyền bảo đảm, công cụ đầu tư tài chính nước ngoài, lập chi nhánh nước ngoài... - Bổ sung công thức tính vốn khả dụng phù hợp với những hoạt động kinh doanh mà công ty chứng khoán được phép thực hiện trong thời gian tới; hệ số rủi ro cho một số tài sản tài chính mới; cập nhật lại phụ lục tính toán chỉ tiêu an toàn tài chính theo chế độ kế toán mới. - Các tổ chức kinh doanh chứng khoán phải đáp ứng nghiêm ngặt chế độ báo cáo bất thường. - Quy định chi tiết hơn về các mức độ cảnh báo (cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt), đồng thời bổ sung thêm nhiều quy định về trách nhiệm của các bên liên quan. Thông tư có hiệu lực từ ngày 10/10/2017, thay thế Thông tư số 226/2010/TT-BTC và Thông tư số 165/2012/TT-BTC. |
Nhận định chuyên gia |
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực (18/8): Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển sẽ tác động tới nhiều ngành nghê như: Dịch vụ giản đơn, bán hàng, quản trị, văn phòng, sản xuất, lắp đặt và giao thông vận tải… Có gần 50% công việc tại Hoa Kỳ, Bắc Âu và Anh có thể bị thay thế do tự động hóa và người máy. Đối với Việt Nam, sự phát triển của công nghệ 4.0 sẽ làm 86% lao động chân tay bị ảnh hưởng. Ông Alexander Fox, chuyên gia đấu thầu cao cấp của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB: ADB đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy áp dụng đấu thầu qua mạng và đặc biệt khuyến khích Việt Nam hiện đại hóa hệ thống đấu thầu điện tử. Tuy nhiên đến nay, đấu thầu qua mạng chưa được quan tâm áp dụng đúng mức, do nhà thầu, nhà cung cấp chưa quen với đấu thầu qua mạng, những hạn chế về kỹ thuật của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Điều này làm giảm lợi ích của đấu thầu qua mạng và động lực tham gia của các bên liên quan sử dụng hệ thống. Vì vậy, ADB sẽ cùng Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cả về chuyên môn và tài chính nhằm cải tiến và thúc đẩy việc sử dụng hệ thống mạng đấu thầu quốc gia của Việt Nam.(Theo báo Đấu thầu ngày 23/8) Bà Hoàng Diệu Trang, Công ty bất động sản Savills (24/8): Phân khúc co-working - mô hình phát triển từ thị trường mặt bằng văn phòng dịch vụ- phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đang lan ra các thành phố khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu… và tiếp tục thu hút vốn đầu tư. Phân khúc này còn nhiều tiềm năng phát triển nhờ những lợi thế như chi phí thấp hơn, môi trường văn phòng mở hơn, thân thiện hơn với các doanh nghiệp mới khởi nghiệp và người làm việc độc lập… Chủ tịch Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Philippines Ho Ik Lee: Nhiều công ty Hàn Quốc đang hoạt động tại Philippines chuẩn bị rời khỏi nước này và chuyển đến Việt Nam, do chi phí sản xuất tại Philippines cao gần gấp 3 lần so với Việt Nam, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất; các quy định của Chính phủ Philipines đối với việc đầu tư khá chặt chẽ và giới hạn về tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. (Theo tờ PhilStar Global ngày 23/8) |