Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 25-30/6/2018

Trung tâm nghiên cứu và khảo sát thị trường Bảo Tín Minh Châu

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Tăng trưởng

GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm 2017 (quý I tăng 7,45% và quý II tăng 6,79%), ghi nhận mức tăng cao nhất trong 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây.

Trong đó, khu vực nông, lâm, thuỷ sản tăng 3,39%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; dịch vụ tăng 6,9%, đóng góp 41,4%.

Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 14,15% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,78%, dịch vụ chiếm 41,82%, thuế sản phẩm trừ nợ cấp sản phẩm chiếm 10,25%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/6)

Dự kiến GDP khu vực nông, lâm, thủy sản trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,95 - 4,05%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng trưởng 4,2%; trong đó, trồng trọt tăng 4,12%, chăn nuôi tăng 2,04%, lâm nghiệp tăng 5,21%, thuỷ sản tăng 6,49%. (Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/6)

Sản xuất công nghiệp

Liên Bộ Tài chính - Công Thương ngày 22/6 quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Theo đó, việc chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu như sau:

- E5 RON92: 870 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 1.270 đồng/lít).

- RON95: 198 đồng/lít (kỳ trước chi sử dụng 698 đồng/lít).

- Dầu diesel: Ngừng chi sử dụng (kỳ trước chi sử dụng 156 đồng/lít); Dầu hỏa: Ngừng chi sử dụng (kỳ trước chi sử dụng 31 đồng/lít).

- Dầu mazut: 186 đồng/kg (kỳ trước chi sử dụng 375 đồng/kg).

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường điều chỉnh như sau: E5 RON92 giảm 329 đồng/lít (không cao hơn 19.611 đồng/lít);RON95-III giảm 334 đồng/lít (không cao hơn 21.177 đồng/lít);dầu diesel 0.05S giảm 234 đồng/lít (không cao hơn 17.460 đồng/lít); dầu hỏa giảm 386 đồng/lít (không cao hơn 16.054 đồng/lít);dầu mazut 180CST 3.5S giữ ổn định giá (không cao hơn 14.437 đồng/kg).

Doanh nghiệp

Từ ngày 01/01 - 15/5/2018, có 299 nghìn bộ hồ sơ của gần 3.200 doanh nghiệp tham gia cơ chế một cửa quốc gia (NSW).

Một số bộ, ngành đã tích cực vào cuộc, như Bộ Khoa học và Công nghệ có 4 thủ tục hành chính qua NSW, gồm: Kiểm tra về đo lường đối với phương tiện đo, lượng của hàng đóng gói sẵn khi nhập khẩu; phê duyệt phương tiện đo nhập khẩu; cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do; kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của bộ.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN thực hiện chính thức NSW cùng với Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan. (Theo số liệu của Tổng cục Hải quan ngày 24/6)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 15,65 tỷ USD bao gồm cả dầu thô và xuất siêu 14,63 tỷ USD không kể dầu thô, cụ thể:

- Xuất khẩu kể cả dầu thô đạt 80,86 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 71% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 79,84 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 70,1% kim ngạch xuất khẩu.

- Nhập khẩu đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2017 và chiếm gần 58,6% kim ngạch nhập khẩu.

(Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/6)

Cả nước có 98,25% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký tham gia nộp thuế điện tử, với tổng số tiền thuế đã nộp trong năm 2018 là 236.038 tỷ đồng. Tính đến ngày 04/6/2018, số chi hoàn từ dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng trên 39.900 tỷ đồng.

Trong đó, hoàn cho quyết định hoàn thuế năm 2017 chuyển sang là 2.189 tỷ đồng; hoàn cho quyết định hoàn thuế năm 2018 là 37.713 tỷ đồng (gần 90% số tiền hoàn thuế được thực hiện bằng phương thức điện tử). (Theo Tổng cục Thuế ngày 25/6)

Trong 6.500 doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra, đại diện cho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 82,6% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cho rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh quý II/2018 so với quý I/2018 tốt lên và giữ ổn định (45% doanh nghiệp đánh giá tốt lên và 37,6% doanh nghiệp đánh giá giữ ổn định); có 17,4% doanh nghiệp cho rằng, sản xuất - kinh doanh khó khăn hơn.

Dự báo quý III lạc quan hơn so với quý II khi có 88,5% doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên (52,5%) và giữ nguyên (36%); 11,5% doanh nghiệp vẫn dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh khó khăn hơn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh bao gồm: Tính cạnh tranh của hàng trong nước, nhu cầu thị trường trong nước thấp với 46,2% doanh nghiệp, khó khăn về tài chính, khó khăn về nguồn nhân lực… (Theo báo cáo Dự báo xu hướng sản xuất - kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý II, quý III và 6 tháng cuối năm 2018 của Tổng cục Thống kê ngày 28/6)

Tổng cầu

Đầu tư

Ban Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt khoản tín dụng trị giá 80 triệu USD nhằm hỗ trợ dự án phát triển tổng hợp đô thị động lực tại Thái Nguyên (kết nối giao thông, hệ thống thoát nước và thu gom nước thải, không gian công cộng và hệ thống trường mầm non).

Tổng chi phí dự án khoảng 100 triệu USD, trong đó 80 triệu USD được tài trợ từ nguồn vốn IDA của Hiệp hội Phát triển quốc tế hỗ trợ giai đoạn chuyển đổi và 20 triệu USD từ nguồn vốn đối ứng của chính quyền tỉnh. (Theo WB tại Việt Nam ngày 24/6)

Tính đến ngày 22/6 đã có 16 trong số 126 cơ quan bộ, ngành trung ương và địa phương gửi báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng đầu năm.

Theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt 33,72% kế hoạch (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giải ngân được 58,788 tỷ đồng, tương đương 58,21% kế hoạch được giao; Bộ Giao thông vận tải hơn 9.361 tỷ đồng, tương đương 49,86% kế hoạch; Quảng Ninh gần 4.286 tỷ đồng, bằng 30,14% kế hoạch; Nam Định hơn 1.914 tỷ đồng, bằng 64,11%; Lâm Đồng hơn 1.039 tỷ đồng, bằng 33,01% kế hoạch). (Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 24/6)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 20,33 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Kết quả này có thể được lý giải qua thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Hà Nội và sự quay trở lại của các dự án tỷ USD. Tính đến ngày 20/6/2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Một số dự án nổi bật gồm: Dự án thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư; Lotte Mall Hà Nội với tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư; Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,201 tỷ USD do Hyosung Corporation (Hàn Quốc) đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Công ty TNHH Laguna (Việt Nam), do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018.

(Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/6)

Trong 6 tháng đầu năm 2018 cả nước có 1.366 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 11,8 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2017; 507 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,43 tỷ USD, bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017; 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017. (Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/6)

Xuất nhập khẩu

Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 225,29 tỷ USD, tăng 13%, so với cùng kỳ năm 2017 (trong đó xuất khẩu đạt khoảng 113,93 tỷ USD, tăng 16% và nhập khẩu đạt khoảng 111,36 tỷ USD, tăng 10,2%).

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 6/2018 thâm hụt khoảng 100 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung trong nửa đầu năm 2018, cả nước thặng dư hơn 2,57 tỷ USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 28/6)

Từ ngày 15 - 21/6/2018, có 1.431ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu, trị giá gần 30 triệu USD, gấp gần 9 lần so với tuần trước (tuần 08/6 - 14/6 có 162 chiếc, trị giá hơn 6,4 triệu USD).

Trong tuần qua, ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam có tới 97% xe xuất xứ từ Thái Lan.

Cụ thể: Xe dưới 9 chỗ có 557 chiếc, trị giá 10,6 triêu USD (xe xuất xứ Thái Lan là 542 chiếc, chiếm 97%); xe tải 857 chiếc, trị giá 3,37 triệu USD (xe xuất xứ Thái Lan là 836 chiếc, chiếm 97%); xe chuyên dụng 17 chiếc, trị giá gần 1,7 triệu USD, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 25/6)

Xuất khẩu cà phê trong 15 ngày đầu tháng 6 đạt khoảng 82 nghìn tấn, trị giá 156,9 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ tháng trước, tăng 37,3% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu cà phê đạt 959.500 tấn, trị giá 1,852 tỷ USD, tăng 10,3% về lượng nhưng giảm 5,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017.

Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê trong 15 ngày đầu tháng 6 đạt 1.914 USD/tấn, giảm 3% so với cùng kỳ và giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6, giá xuất khẩu cà phê bình quân đạt 1.931 USD/tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 22/6)

Trong 15 ngày đầu tháng 6/2018 kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 169,9 triệu USD, giảm 10,8% so với nửa cuối tháng 5/2018, nhưng tăng 20,6% so với nửa đầu tháng 6/2017.

Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/6/2018, kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả đạt 1,83 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2017. (Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương ngày 25/6)

Trong 6 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu lâm sản chính đạt khoảng 4,15 tỷ USD (bằng 46% kế hoạch năm), tăng gần 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Ðây là kết quả của quá trình cơ cấu lại ngành lâm nghiệp trong thời gian qua với sự chuyển biến của nhiều mô hình sản xuất lâm nghiệp giá trị cao, kinh doanh gỗ lớn.

Nhất là lĩnh vực sản xuất, chế biến lâm sản xuất khẩu đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường gỗ trong nước có những chuyển biến và khởi sắc, tạo động lực cho sản xuất phát triển; thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đầu tư vào sản xuất lâm nghiệp. (Theo Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 25/6)

Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng hơn 12 lần, từ 4,1 tỷ USD trong năm 2000 lên hơn 50,4 tỷ USD vào năm 2017; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 13,6 lần (từ 2,8 tỷ USD lên hơn 38,3 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 9 lần (1,3 tỷ USD lên 12,1 tỷ USD). Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giầy dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản.

EU cũng là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến năm 2017, đã có 24 trong số 28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với khoảng 2.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt hơn 21,5 tỷ USD.

Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp, xây dựng và một số ngành dịch vụ.

(Theo Bộ Công Thương ngày 26/6)

Nam Phi là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại châu Phi. Trong 10 năm qua, tổng kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn 5 lần, từ 192 triệu USD năm 2007 lên 920 triệu USD năm 2013, đạt 1,03 tỷ USD vào năm 2016 và khoảng 1,2 tỷ USD trong năm 2017.

Hai quốc gia hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương từ 1,2 tỷ USD lên 1,5 tỷ USD vào năm 2020. (Theo Bộ Công Thương ngày 27/6)

Cân đối vĩ mô

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày giảm giá và 2 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 29/6 so với ngày 28/6, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,61 - 36,80 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Doji: 36,61 - 36,71 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Công ty vàng bạc đá quý Bảo tín Minh Châu: 36,62 - 36,70 triệu đồng/lượng, giảm 60 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm tăng 30 đồng so với tuần trước với 3 ngày tăng và 2 ngày giảm. Trong phiên giao dịch ngày 29/6, tỷ giá trung tâm là 22.650 VND/USD giảm 5 đồng so với tỷ giá ngày 28/6; tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại tăng so với ngày 28/6 như sau:

- Vietcombank: 22.915 - 22.985 VND/USD, tăng 15 đồng.

- BIDV: 22.920 - 22.990 VND/USD, tăng 15 đồng.

- Techcombank: 22.900 - 22.990 VND/USD, tăng 20 đồng.

Thị trường tài sản

Chứng khoán

Trên sàn giao dịch Upcom ngày 22/6 có ba công ty đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch với tổng giá trị đạt 647,6 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty cổ phần Môi trường đô thị Quảng Ngãi, với giá tham chiếu là 35.100 đồng/cổ phiếu (1,59 triệu cổ phiếu, trị giá 15,9 tỷ đồng), Công ty cổ phần Thương mại Kiên Giang, với giá tham chiếu là 11.000 đồng/cổ phiếu (36,47 triệu cổ phiếu, trị giá 364,7 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Điện 1, với giá tham chiếu là 13.800 đồng/cổ phiếu (26,69 triệu cổ phiếu, trị giá 267 tỷ đồng).

Trái phiếu

Ngày 27/6, Kho bạc Nhà nước đã phát hành 6.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 7 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (2.000 tỷ đồng), 15 năm (2.000 tỷ đồng), 20 năm (500 tỷ đồng) và 30 năm (500 tỷ đồng).

- Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phiên thầu phụ gọi thầu 600 tỷ đồng và đã huy động thành công. Lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn 10 năm là 4,37%/năm, tăng 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 20/6).

- Kỳ hạn 15 năm: Huy động được 1.200 tỷ đồng. Phiên thầu phụ cũng gọi và huy động thành công 600 tỷ đồng cho một nhà đầu tư, lãi suất trúng thầu 4,7%/năm, tăng 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 20/6).

- Trái phiếu kỳ hạn 20 năm: Huy động được 500 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 5,2%/năm, tăng 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 13/6).

- Kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 30 năm: Không trúng thầu.

Kể từ đầu năm đến nay, KBNN đã huy động 74.581 tỷ đồng thông qua đấu thầu tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 18/6 - 22/6/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm trên cả ba sàn. Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 2 ngày tăng điểm và 3 ngày giảm điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 3,43 điểm (0,36%) lên 960,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 158,46 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 4.214,79 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 1 ngày tăng điểm và 4 ngày giảm điểm. Chốt tuần, HNX-Index giảm 0,55 điểm (-0,52%) xuống 106,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 32,6 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 413,95 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng điểm và 2 ngày giảm điểm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,33 điểm (0,63%) lên 51,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt 11,72 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 244,2 tỷ đồng/ngày.

Đàm phán - Ký kết

Việt Nam và EU

Theo Bộ Công Thương ngày 25/6, Việt Nam và EU đã chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) được tách ra từ Hiệp định EVFTA trước đây.

Hai hiệp định sẽ được trình các cơ quan có thẩm quyền để có thể sớm đi đến ký kết và phê chuẩn theo đúng quy trình pháp luật của hai bên.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA) được lãnh đạo Việt Nam và EU tuyên bố kết thúc đàm phán vào ngày 02/12/2015 và hai bên đã rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết. Tuy nhiên, sau đó có thay đổi liên quan đến quy trình phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do của EU.

Theo các quy định mới của EU, tương tự như đối với các đối tác khác của EU như: Nhật Bản và Singapore, EU đã đề xuất tách riêng nội dung bảo hộ đầu tư và cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (ISDS) ra khỏi Hiệp định EVFTA thành một hiệp định riêng (gọi là Hiệp định Bảo hộ đầu tư - IPA).

Nhận định

chuyên gia

Ông Changyong Rhee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF (27/6):

Trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả nổi bật, mặc dù IMF dự báo tăng trưởng năm 2018 chỉ đạt 6,6%. Tính đến nay, kết quả hoạt động kinh tế vẫn duy trì mạnh mẽ, đặc biệt tăng trưởng cao nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp.

Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao nhờ các yếu tố bên ngoài thuận lợi như kinh tế thế giới phục hồi, thương mại thế giới được tăng cường; các yếu tố nội tại như sự cải thiện trong công tác đổi mới quản lý chính sách kinh tế của Việt Nam, thể hiện qua một số nỗ lực cải cách như các chính sách giảm thâm hụt tài khóa (thâm hụt tài khóa đã giảm xuống dưới 4%), các nỗ lực cải cách công tác quản trị doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa.