Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 26/6-01/7/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Trong 6 tháng đầu năm 2017, GDP ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, quý I tăng 5,15%; quý II đạt 6,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (tăng 5,78%).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 32,76%; khu vực dịch vụ chiếm 41,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,34%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/6)

Doanh nghiệp

Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã chính thức công bố Top 10 ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2017, gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, VPBank, Techcombank, Agribank, MB, Maritime Bank và SHB.

Cũng theo khảo sát, trên 95% các ngân hàng cho biết doanh thu và lợi nhuận sau thuế có xu hướng tăng lên trong những tháng đầu năm 2017; hơn 90% đại diện ngân hàng cho biết họ kỳ vọng tốc độ tăng trưởng toàn ngành ngân hàng sẽ đạt trên 10%, thể hiện sự lạc quan tăng trưởng trong cả năm 2017.(Theo Vietnam Reportngày 26/6)

Sản xuất công nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2017, lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống của EVN đạt 95,7 tỷ kWh, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2016. Điện thương phẩm toàn Tập đoàn cũng đạt 84,1 tỷ kWh, bằng 47,3% kế hoạch năm và tăng 10,05% so cùng kỳ năm 2016. Sản lượng điện xuất khẩu khoảng 0,7 tỷ kWh.

Tính đến hết tháng 6/2017, tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc là 43.010 MW, trong đó các nguồn điện do EVN quản lý khoảng 61,5%. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 30 của thế giới.

Dự kiến điện sản xuất và mua ngoài cả năm 2017 đạt hơn 196 tỷ kWh, tăng 11,1% so với năm 2016. Điện hương phẩm năm 2017 đạt hơn 177 tỷ kWh, tăng 11,3% so với năm 2016.

(Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN ngày 25/6)

Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá hạt tiêu giảm mạnh. So với cuối năm 2016, giá hạt tiêu trong nước giảm tới 57.000-61.000 đồng/kg. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, giá tiêu hiện đã sụt giảm 50%, là mức giảm kỷ lục trong vòng 5-6 năm trở lại đây, do xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản bị chững lại, trong khi diện tích trồng hạt tiêu trên cả nước vượt quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu.

Sản lượng hạt tiêu đạt khoảng 207,7 nghìn tấn, tăng 18,2%. Kim ngạch xuất khẩu tiêu đạt khoảng 126 nghìn tấn và 714 triệu USD, tăng 18,3% về khối lượng nhưng giảm 16,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 29/6)

Dịch vụ

Trong tháng 6/2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 949 nghìn lượt, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2016 .Tính chung 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 6,2 triệu lượt, tăng 30,2%.

Trong đó, lượng khách đến bằng đường hàng không đạt 5,2 triệu lượt, tăng 33%; khách đến bằng đường biển đạt hơn 170 nghìn lượt, tăng 26%; khách đến bằng đường bộ đạt 823 nghìn lượt, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đông Bắc Á vẫn là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam khi chiếm 58,5% tổng số khách quốc tế.

Trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 1,887 triệu lượt, Hàn Quốc đạt 1,066 triệu lượt, Nhật Bản đạt 379 nghìn lượt lượt, Đài Loan đạt 298 nghìn lượt.Lượng khách nội địa trong 6 tháng đầu năm đạt 40,7 triệu lượt, trong đó có 19,2 triệu lượt khách lưu trú. Tổng thu từ du lịch ước đạt 254.700 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 27/6)

Tổng cầu


Đầu tư

Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đã phê duyệt một khoản tài trợ 300 triệu USD giúp Việt Nam tăng cường kết nối giao thông ở những vùng nông thôn và bảo vệ rừng tại 8 tỉnh ven biển.

Hai dự án mới sẽ nhận khoản tài trợ này gồm: Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên và Dự án hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển.

Trong đó: (i) 150 triệu USD sẽ dành cho dự án tăng cường kết nối giao thông để cải tạo 142 km đường quốc lộ 19, nâng cao an toàn giao thông và khả năng ứng phó thiên tai; (ii) 150 triệu USD còn lại sẽ giúp quản lý rừng ven biển tại 8 tỉnh (Quảng Trị, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ninh và Hải Phòng).

Công tác phục hồi và bảo vệ rừng sẽ tạo việc làm mới cho người dân tại hơn 900 cộng đồng thuộc 257 xã của 8 tỉnh trong địa bàn dự án. (Theo WB ngày 23/6)

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 19,22 tỷ USD, tăng 54,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Tính đến ngày 20/6/2017, có 1.183 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 11,83 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2016; 549 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,14 tỷ USD, tăng 35,8%; 2.501 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 2,25 tỷ USD, tăng 97,6% so với cùng kỳ 2016. Các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân được 7,72 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng trong tháng 6/2017, có 2 dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện được cấp phép đầu tư, gồm: (i) Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 có tổng vốn 2,793 tỷ USD do Nhật Bản đầu tư tại Thanh Hóa, nhằm thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất (thuần) khoảng 1.200 MW; (ii) Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1 có tổng vốn 2,07 tỷ USD do Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than với công suất thuần khoảng 1.109,4 MW. Qua đó nâng tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong tháng 6 đạt 7,09 tỷ USD.

(Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 26/6)

Trong 6 tháng đầu năm 2017,vốn đầu tư toàn xã hội thực hiệntheo giáhiện hànhước đạt674,8nghìn tỷ đồng, tăng10,5% so với cùng kỳ năm trước và bằng32,8%GDP, baogồm:Vốn khu vực nhà nướcđạt 242,4nghìn tỷ đồng (35,9% tổng vốn) và tăng6,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài nhà nướcđạt 260,9nghìn tỷ đồng (38,7%) và tăng14,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoàiđạt 171,5nghìn tỷ đồng (25,4%) và tăng9,6%. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/6)

Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt một khoản tín dụng ưu đãi trị giá 153 triệu USD để trợ giúp Chương trình mục tiêu quốc gia của Việt Nam trong công cuộc giảm nghèo và phát triển nông thôn, góp phần cải thiện hạ tầng cơ sở nông thôn, tạo cơ hội việc làm, nâng cao năng lực lập kế hoạch và cung cấp dịch vụ, đặc biệt hướng tới đối tượng là người dân tộc thiểu số.

18 tỉnh sẽ được hưởng lợi từ chương trình này bao gồm: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Kon Tum, Đắc Lắc, Sóc Trăng, Trà Vinh.

(Theo TTXVN ngày 29/6)

Xuất - nhập khẩu

Tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trung bình của cả nước trong giai đoạn 2018 - 2022 đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO. Trong khi đó, công suất thiết kế của các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn từ năm 2018 tổng nguồn cung xăng cả nước sẽ đạt khoảng gần 6 triệu tấn/năm và tổng nguồn cung dầu khoảng gần 7 triệu tấn/năm (tương ứng khoảng 92% và 82% nhu cầu nội địa).

Do vậy, trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu xăng dầu do thiếu hụt trung bình khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO mỗi năm. (Theo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn ngày 26/6)

Trong tháng 6/2017, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 2,97 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó: Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính đạt khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 15,4%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 14,1%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 12,8%.

Hầu hết các ngành hàng đều có sự gia tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị như gạo,thủy sản, hàng rau quả, chè, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ…

(Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 28/6)

Ngân sách nhà nước

- Tính đến ngày 25/6/2017,Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã huy động vào ngân sách nhà nước trên 122.417 tỷ đồng từ trái phiếu chính phủ, bằng 66,8% kế hoạch năm (183.300 tỷ đồng).

- Tính đến ngày 30/6: (i) Hệ thống KBNN đã thực hiện kiểm soát khoảng 360.065 tỷ đồng, đạt 39,9% dự toán; (ii) Lũy kế vốn đầu tư giải ngân qua hệ thống KBNN đạt khoảng 97.006,2 tỷ đồng, bằng 30,7% kế hoạch Nhà nước giao, trong đó: Vốn xây dựng cơ bản giải ngân được 85.454,1 tỷ đồng, vốn trái phiếu chính phủ 1.100 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu 1.185,4 tỷ đồng, nguồn vốn khác 9.266,7 tỷ đồng.

(Theo KBNN ngày 29/6)

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

Trong tháng6/2017,tổng mức bán lẻhàng hóavà doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt khoảng326,6nghìn tỷ đồng, tăng10,6% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt243,5nghìn tỷ đồng, tăng10,3%; doanh thudịch vụ lưu trú, ăn uống đạt41,4nghìn tỷ đồng,tăng 14,2%; doanh thu du lịch lữ hành đạt3nghìn tỷ đồng,tăng4,8%; doanh thu dịch vụ khác đạt 38,7nghìn tỷ đồng,tăng9,2%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt1.924,1nghìn tỷ đồng, tăng10,1% so với cùng kỳ nămtrước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng8,4% (cao hơn mức tăng 8,1% của cùng kỳ năm 2016).

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/6)

Cân đối vĩ mô


Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 3 ngày giảm giá, 3 phiên tăng. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 01/7), giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,18 - 36,40 triệu đồng/lượng, tăng 20 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với ngày 30/6.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,28 - 36,34 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 20 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày 30/6.

- Doji: 36,27 - 36,35 triệu đồng/lượng, tăng 40 nghìn đồng/lượng chiều mua vào và 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày 30/6.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm đã giảm 1 đồng với 1 ngày tăng giá, 4 ngày giảm giá và 1 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 01/7), tỷ giá trung tâm là 22.431 NVD/USD giá không đổi so với tỷ giá ngày 30/6, tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại có nhiều biến động, một số ngân hàng biến động nhẹ so với ngày 30/6 như sau:

- Vietcombank: 22.700 - 22.770 VND/USD, tăng 5 đồng ở cả hai chiều.

- Vietinbank và BIDV: 22.700 - 22.770 VND/USD, không thay đổi.

Lạm phát

Trong tháng 6/2017, CPI giảm 0,17% so với tháng 5 - tháng thứ hai giảm liên tiếp, chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh. CPI tháng 6 tăng 0,2% so với cuối năm 2016 và tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2016. Bình quân 6 tháng đầu năm 2017, CPI tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016; lạm phát cơ bản tăng 1,52% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. (Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/6)

Tín dụng

Tính đến ngày 20/6/2017:

- Tổng phương tiện thanh toán tăng 5,69% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng trưởng 8,07%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89%, thấp hơn mức tăng 8,23% của cùng kỳ năm 2016. Tăng trưởng tín dụng đạt 7,54%, thấp hơn so với mức tăng 8,16% của cùng kỳ năm 2016 và 7,86% cùng kỳ năm 2015.

- Mặt bằng lãi suất huy động tương đối ổn định. Lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6,4-7,2%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng.

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản ngắn hạn; 9-11%/năm đối với khoản vay trung và dài hạn; 4-5%/năm đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch.

(Theo Tổng cục Thống kê ngày 29/6)

Lãi suất

Trong quý II/2017, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn liên tục giảm. Tính đến thời điểm ngày 23/6/2017, lãi suất 1 tuần ở mức 1,47%; lãi suất 1 tháng là 1,67%, giảm 3-3,5 điểm phần trăm so với thời điểm cuối quý I/2017, chủ yếu do tính thời vụ, nhu cầu tín dụng đã giảm, không cao như quý I. Đồng thời, lợi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn cũng đã giảm 0,4-0,8 điểm phần trăm các kỳ hạn so với quý I. (Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia ngày 29/6)

Thị trường tài sản


Chứng khoán

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã cấp mã chứng khoán cho Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt với tên VCI. Số lượng chứng khoán đăng ký là 103,2 triệu cổ phiếu tương ứng với 1.032 tỷ đồng và được lưu ký tại VSD từ ngày 26/6/2017.

Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu là 360 tỷ đồng. Kết thúc năm 2016, tổng doanh thu của VCSC đạt 899 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 415 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 27% và 38% so với thực hiện năm 2015. Năm 2017, VCSC đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu trên 10% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng vượt mức 30%.

(Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số ra ngày 26/6)

Bất động sản

Trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển được 4,92 triệu m2 sàn nhà ở, nâng tổng diện tích nhà ở thành phố lên 157 triệu m2, bình quân đạt 18,47 m2/người. Thị trường nhà ở thương mại có 32 dự án hình thành trong tương lai được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện huy động vốn, với tổng số 16.500 căn (trong đó có hơn 14.700 căn hộ chung cư, hơn 1.700 căn nhà thấp tầng), trị giá cần huy động gần 30,6 tỷ đồng.

Phân khúc cao cấp có hơn 5.100 căn, chiếm tỷ lệ 31,3%; phân khúc trung cấp trên 5,1 căn, chiếm tỷ lệ 31,1%; phân khúc bình dân có hơn 6,2 căn, chiếm tỷ lệ 37,6%. Như vậy, tỷ lệ căn hộ có giá vừa túi tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất (68,7%) trong tổng số căn hộ đưa ra thị trường trong 6 tháng đầu năm. (Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh - HoREA ngày 23/6)

Trái phiếu

Ngày 28/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước (KBNN) phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 5.000 tỷ đồng cho 4 loại kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 30 năm, khối lượng trúng thầu 3.227 tỷ đồng (đạt 64,5%), ngoài ra còn huy động được 100 tỷ đồng trong phiên thầu phụ:

- 5 năm: Huy động được 400 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 4,9%/năm.

- 7 năm: Huy động được 1.050 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 5,2%/năm.

- 10 năm: Huy động được 1.000 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 5,65%/năm. Phiên thầu phụ huy động được 100 tỷ đồng.

- 30 năm: Huy động được 777 tỷ đồng, với lãi suất trúng thầu 7,1%/năm.

Kể từ đầu năm 2017 đến ngày 28/6, KBNN đã huy động thành công gần 125.745 tỷ đồng TPCP qua đấu thầu tại HNX.

(Theo HNX ngày 28/6)

Trong tháng 6/2017:

- Trên thị trường sơ cấp: HNX đã tổ chức 16 phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP), huy động được tổng cộng 22.348 tỷ đồng trái phiếu (do Kho bạc Nhà nước - KBNN phát hành), giảm 6,2% so với tháng 5. Tỷ lệ giá trị trúng thầu so với giá trị gọi thầu đạt 90,1%.

Lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm khoảng 4,9 - 5,05%/năm, 7 năm khoảng 5,18 - 5,33%/năm, 10 năm khoảng 5,65 - 5,79%/năm, 15 năm là 6,3%/năm, 20 năm khoảng 6,67 - 7%/năm, 30 năm khoảng 7,1 - 7,5%/năm.

So với tháng 5, lãi suất trúng thầu của trái phiếu KBNN giảm khá mạnh trên tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, TTCP kỳ hạn 5 năm giảm 0,15%/năm, 7 năm giảm 0,14%/năm, 10 năm giảm 0,26%/năm, 15 năm giảm 0,34%/năm, 20 năm giảm 0,33%/năm, 30 năm giảm 0,45%/năm.

- Trên thị trường thứ cấp: Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch thông thường (outright) đạt hơn 912,5 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 97.800 tỷ đồng, tăng 5,9% về giá trị so với tháng 5/2017.

Tổng khối lượng giao dịch TPCP theo phương thức giao dịch mua bán lại (repo) đạt hơn 917,8 triệu trái phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt hơn 90.300 tỷ đồng, tăng 0,3% về giá trị so với tháng 5.

(Theo HNX ngày 29/6)

Cổ phiếu

Trong tuần từ 26/6 - 30/6/2017, thị trường diễn biến trái chiều trong tuần qua.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, VN-Index tăng 4,72 điểm (0,61%) lên 776,47 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt215,84 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 3.139,1 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,34 điểm (0,35%) lên 99,14 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt41,11triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch đạt 501,99 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Chốt tuần, Upcom-Index tăng 0,25 điểm (0,43%) lên 57,57 điểm. So với tuần trước, tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt6,17triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 75,36 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 21.198.231 đơn vị, trị giá 850,1 tỷ đồng so với tuần trước; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là HPG với khối lượng đạt 5,41 triệu đơn vị, trị giá 170,62 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là PVD với khối lượng đạt 2,3 triệu cổ phiếu, trị giá 32,29 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 5 phiên mua ròng liên tiếp. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 19,49 triệu đơn vị, trị giá 781,76 tỷ đồng, tăng 144,15% về lượng và 91,51% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại tiếp tục thực hiện 3 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Tổng cộng, khối ngoại mua ròng 608.231 đơn vị, trị giá 9,27 tỷ đồng, trong khi tuần trước bán ròng 2,87 triệu đơn vị, trị giá 26,12 tỷ đồng.

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 4 phiên và 1 phiên bán ròng duy nhất ngày 30/6. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng 1,1 triệu đơn vị, trị giá 59,07 tỷ đồng, tăng 30,62% về lượng và 50,69% về giá trị so với tuần trước đó.

Đàm phán - Ký kết

Liên doanh BCG Băng Dương (BCG Băng Dương) đã ký kết hợp tác đầu tư với Tập đoàn Hanwha - Hàn Quốc (Hanwha) về thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời tại Long An.

Theo đó, BCG Băng Dương cùng hợp tác với Hanwha phát triển dự án nhà máy năng lượng mặt trời tại huyện Thanh Hóa, Long An với mức đầu tư gần 100 triệu USD, công suất 100MW, được xây dựng trên diện tích 125 héc-ta, dự kiến xây dựng trong năm 2018 và sẽ phát điện trong năm 2019.

BCG sẽ thu xếp nguồn vốn trong nước, thực hiện thủ tục giấy phép thành lập dự án, nghiên cứu và triển khai dự án, đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN. Hanwha sẽ tham gia cùng đầu tư với vai trò cung cấp thiết bị công nghệ, kỹ thuật, lắp đặt và thu xếp nguồn vốn quốc tế tài trợ dự án.

(Theo Tạp chí điện tử Nhịp sống số ngày 25/6)

Nhận định

chuyên gia

Theo TS. Phạm Văn Đại, Trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của Savills Việt Nam (27/6):

Thị trường bất động sản là thị trường tài sản có quy mô lớn và đặc biệt quan trọng tại các quốc gia như Việt Nam khi thị trường tài sản tài chính chưa phát triển; giữ vị trí trung tâm trong tổng cầu khi chi phí cho nhà ở (thuê nhà, tiết kiệm mua nhà, trả góp mua nhà) chiếm khoảng 30 - 40% thu nhập hộ gia đình. Do vậy, sự biến động của thị trường bất sộng sản có thể tác động mạnh đến các biến số vĩ mô.

Tính riêng 2 thành phố là Hồ Chí Minh và Hà Nội đã tiêu thụ khoảng 50.000 căn hộ chung cư trong năm 2016, giá trị khoảng 6 tỷ USD, tương đương với với gần 9% GDP của hai thành phố.

Hiệp hội bất động sản thành phố Hồ Chí Minh - HoREA (29/6):

Thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2017 khó có thể xảy ra tình trạng bong bóng, do có sự can thiệp, điều chỉnh ngày càng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước. Các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cơ cấu đầu tư, định hình lại sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường.

Nhà đầu tư thứ cấp ngày càng tỉnh táo, am hiểu thị trường hơn. Tuy nhiên, thị trường cũng sẽ tiềm ẩn một số rủi ro như hiện tượng lệch pha cung - cầu, có sự gia tăng mạnh các nhà đầu tư thứ cấp hoặc nguồn cung tín dụng có xu hướng tập trung vào một số tập đoàn lớn đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng.

Luật sư Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng thành phố Hồ Chí Minh (27/6):

Với nguồn lực của các ngân hàng thương mại và các tín hiệu của thị trường như: Thị trường chứng khoán, bất động sản, các chỉ số về kinh tế vĩ mô cũng như sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp và chiến lược thu hút khách hàng của các ngân hàng, trong 6 tháng cuối năm 2017, nếu VND ổn định thì lãi suất có thể giảm 0,5 - 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016.

Chính sách

Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg

Ngày 22/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg kèm theo Quy chế hoạt động bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX).

Các HTX, liên hiệp HTX được xemxét, cấp bảo lãnh tín dụng cho các dự án vay vốn tại tổ chức tín dụng (TCTD) khi đáp ứng các điều kiện sau: (i) HTX, liên hiệp HTX thuộc đối tượng được bảo lãnh tín dụng; (ii) Dự án vay vốn được thẩm định và đánh giá là có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; (iii) Vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư dự án; (iv) Tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, HTX, liên hiệp HTX là chủ đầu tư dự án không có nợ xấu.

Quỹ hỗ trợ phát triển HTX có thể cấp bảo lãnh tối đa 100% giá trị khoản vay của bên được bảo lãnh tại TCTD, nhưng không quá 80% tổng vốn đầu tư của dự án, không bao gồm vốn lưu động.

Quyết địnhcó hiệu lực từ ngày 15/8/2017.