Kinh tế - tài chính trong nước tuần từ 9-14/10/2017

Trung tâm thông tin và dịch vụ tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung


Tăng trưởng

Tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 12/10, Chính phủ dự báo một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2018: GDP tăng 6,5 - 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33 - 34% GDP...(Theo TTXVN ngày 12/10)

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia ngày 05/10 dự báo tăng trưởng kinh tế quý 4/2017 của Việt Nam đạt khoảng 7,5 - 7,7% và GDP cả năm có thể đạt hơn 6,7% nhờ những kết quả khả quan của nền kinh tế trong quý 3 và triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 4.

Bên cạnh đó, lạm phát có xu hướng ổn định do giá hàng hóa lương thực, thực phẩm ít có khả năng biến động; nếu không có sự đột biến thì lạm phát 2017 chỉ tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam bất ngờ tăng tốc 7,46% trong quý 3/2017, cao nhất trong vòng 7 năm qua, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng quý 4 ở mức 7,12%, đưa tăng trưởng cả năm lên 6,64%, cải thiện 0,27 điểm phần trăm so với dự báo VEPR đưa ra vào quý 2.

Tuy nhiên lạm phát cũng được dự đoán tăng ở mức 4,16%, phá vỡ mục tiêu Chính phủ đề ra là 4%. (Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 3/2017 của VEPR công bố ngày 11/10)

Sản xuất công nghiệp

Trong 9 tháng đầu năm 2017, EVN đã hoàn thành đưa vào phát điện 8 tổ máy với tổng công suất 1.535 MW. Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị cũng hoàn thành đóng điện 165 công trình lưới điện từ 110 - 500 kV và khởi công xây dựng 144 công trình lưới điện 110 - 500 kV. Khối lượng các công trình hoàn thành đạt 1.316km đường dây và công suất trạm biến áp là 10.475 MVA.

Hầu hết các dự án trọng điểm của EVN cơ bản bám sát tiến độ với giá trị khối lượng thực hiện các dự án đầu tư đạt khoảng 84.753 tỷ đồng và giá trị giải ngân đạt 69.439 tỷ đồng. Trong tháng 10/2017, EVN hướng đến mục tiêu hòa lưới phát điện tổ máy thứ hai của Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (600 MW); đốt than thử nghiệm tổ máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và nghiệm thu bàn giao công trình Thủy điện Trung Sơn. (Theo EVN ngày 07/10)

Trong tháng 9/2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước đạt 836.624 tấn, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 18,13% so với tháng 8. Trong đó, tiêu thụ đạt 740.565 tấn, giảm 6,5% so với tháng 8, nhưng tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Tồn kho tính tới ngày 30/9/2017 là 579.342 tấn, tăng 28% so với thời điểm cuối tháng 8. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước đạt hơn 15,4 triệu tấn, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2016; trong đótiêu thụ đạt gần 13 triệu tấn, tăng 20,5%. (Theo Hiệp hội Thép Việt Nam - VSA ngày 10/10)

Dịch vụ

Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 75.231 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2016. Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 30.167 tỷ đồng, tăng 12,2% cùng kỳ; lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 45.064 tỷ đồng, tăng 31%.

Đầu tư trở lại nền kinh tế của ngành bảo hiểm ước đạt 231.306 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 36.337 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 194.969 tỷ đồng.

Chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 21.192 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 10.338 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 10.854 tỷ đồng. (Theo Bộ Tài chính ngày 11/10)

Kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Ngày 09/10, Tổng cục Thống kê công bố kết quả tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 . Theo đó, trong 5 năm 2011 - 2016, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, nhất là kết cấu hạ tầng.

Tỷ lệ xã có điện tăng từ 99,8% (năm 2011) lên 100% (năm 2016). Cả nước có 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa điện tới tất cả các thôn. Hệ thống cung cấp nước sạch tiếp tục được đầu tư xây dựng cùng với hệ thống thoát nước thải sinh hoạt chung…

Cuộc tổng điều tra được tiến hành từ ngày 01/7/2016 có quy mô trên phạm vi cả nước liên quan tới 8.978 xã và 79.898 thôn; gần 16 triệu hộ nông thôn và hơn một triệu hộ thành thị hoạt động nông, lâm nghiệp, diêm dân và thủy sản; gần 33,5 nghìn trang trại và nhiều đơn vị điều tra khác.

Doanh nghiệp

Trong tháng 9/2017, lượng ô tô bán ra của toàn thị trường đạt gần 21.220 xe, giảm 4% so với tháng 8 và giảm 20% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó có 11.637 xe du lịch, 8.700 xe thương mại và 879 xe chuyên dụng.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2017, tổng lượng ô tô bán ra đạt hơn 198.250 xe, giảm 8% so với cùng kỳ. Trong đó, xe du lịch giảm 7% (đạt hơn 114.800 xe), xe thương mại giảm 7% (đạt hơn 73.300 xe) và xe chuyên dụng giảm 18% (đạt gần 10.150 xe). (Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô trong nước - VAMA ngày 10/10)

Tổng cầu


Niềm tin tiêu dùng

Kết quả khảo sát Niềm tin người tiêu dùng do Mastercard thực hiện và vừa công bố cho thấy, mặc dù giảm 1,5 điểm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng người tiêu dùng Việt Nam cực kỳ lạc quan với số điểm 90,8, đứng thứ hai khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Cambodia (93,1 điểm).(Theo TTXVN ngày 06/10)

Ngân sách
nhà nước

Từ năm 2008, Bộ Tài chính đã xây dựng và triển khai đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước đối với 4 loại tài sản: Đất, nhà ở, ô tô và tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng.

Đến nay, cơ sở dữ liệu đã tổng hợp được số liệu của 91.500 đơn vị, chiếm khoảng 99% các đơn vị được giao quản lý tài sản, với tổng giá trị tài sản hơn 1 triệu tỷ đồng, chưa tính tài sản của các đơn vị lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước.

Hiện có khoảng 200.000 cơ sở nhà đất thuộc sở hữu của Nhà nước; trong hơn 1 triệu tỷ đồng tài sản nhà nước tại cơ sở dữ liệu có 67% tài sản tại các đơn vị sự nghiệp công lập. (Theo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính ngày 06/10)

Xuất nhập khẩu

Kim ngạch xuất khẩu tháng 9/2017 đạt 19,3 tỷ USD, giảm 2,1% so với tháng 8. Tuy nhiên, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 154,3 tỷ USD, tăng 20%; kim ngạch nhập khẩu đạt 153,9 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Cán cân thương mại tháng 9 đạt thặng dư 1,1 tỷ USD. Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước xuất siêu 328 triệu USD. (Theo Tổng cục Hải quan ngày 09/10)

Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt hơn 240,882 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016. Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Algeria: Cà phê đạt kim ngạch hơn 91,722 triệu USD, tăng 3% về giá trị so với cùng kỳ; điện thoại và linh kiện đạt khoảng 58,77 triệu USD, giảm 8%; gạo đạt trên 13,346 triệu USD, tăng 145%...

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria tăng trưởng khá tốt nhưng sẽ khó đạt kế hoạch của năm 2017 là 300 triệu USD, do các chính sách nhập khẩu của nước này ngày càng thắt chặt và có nhiều rào cản đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Hiện Algeria đã tụt xuống vị trí thứ 3 về thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại châu Phi, sau Nam Phi và Ai Cập.

(Theo TTXVN ngày 13/10)

Thương mại song phương Việt Nam - Hàn Quốc tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng gần 87 lần, từ 0,5 tỷ USD (năm 1992) lên 43,4 tỷ USD (năm 2016). Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 43,4 tỷ USD trong năm 2016.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, thâm hụt cán cân thương mại Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng cao, với mức nhập siêu của Việt Nam đạt 23,7 tỷ USD từ Hàn Quốc. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi cần tận dụng triệt để lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc nhằm xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường này nhiều hơn nữa. (Theo Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương ngày 13/10)

Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Indonesia đã có những bước phát triển đáng khích lệ, với kim ngạch trao đổi hàng hóa hai chiều tăng từ 4 tỷ USD (năm 2012) lên 5,6 tỷ USD (năm 2016), với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 5%/năm. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch hai chiều lên 8 tỷ USD vào năm 2018. (Theo Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Indonesia Nguyễn Đăng Tiến ngày 10/10)

Cân đối vĩ mô


Lãi suất

Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) điều chỉnh mức lãi suất tham chiếu của các khoản nợ xấu đã được VAMC mua. Theo đó,lãi suất tham chiếu đượcVAMC xác định bằng đồng VND hiện ở mức 9,9%/năm; đồng USD là 4,9%/năm; đồng EUR là 4,7%/năm.

Như vậy, so với mức lãi suất đã áp dụng vào đầu năm 2016, trong quý IV/2017, VAMC sẽ tính lãi suất bằng VND ở mức tăng 0,3%/năm, lãi suất USD tăng 0,5%/năm, còn lãi suất EUR giảm 0,1%/năm. (Theo VOV ngày 09/10)

Giá vàng

Trong tuần qua, giá vàng có 5 ngày tăng và 1 ngày tăng/giảm trái chiều. Trong phiên giao dịch ngày 14/10, so với ngày 13/10, giá vàng miếng SJC được niêm yết tại một số doanh nghiệp kinh doanh vàng:

- Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn: 36,53 - 36,75 triệu đồng/lượng, tăng 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

- Bảo Tín Minh Châu: 36,61 - 36,67 triệu đồng/lượng, tăng 90 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 70 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra.

- Doji: 36,60 - 36,68 triệu đồng/lượng, tăng 80 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.

Tỷ giá

Tính chung tuần qua, tỷ giá trung tâm giảm 17 đồng so với tuần trước với 4 ngày giảm giá và 2 ngày giá không đổi. Trong phiên giao dịch ngày 14/10, tỷ giá trung tâm là 22.453 NVD/USD, không thay đổi so với tỷ giá ngày 13/10; tỷ giá tại một số ngân hàng thương mại giảm nhẹ:

- Vietcombank: 22.680 - 22.750 VND/USD, giảm 5 đồng.

- Vietinbank và BIDV: 22.685 - 22.755 VND/USD, không thay đổi.

Tín dụng

Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về tiền tệ, ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tính đến ngày 20/9, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 9,59% so với cuối năm 2016 (tăng 15,36% so cùng kỳ năm 2016). Bên cạnh đó, tín dụng đối với nền kinh tế đến ngày 20/9 đã tăng 11,02% so với cuối năm 2016 - mức tăng cao so với các năm gần đây. (Theo NHNN ngày 10/10)

Thị trường tài sản


Cổ phiếu

Tính từ đầu năm đến ngày 22/9/2017, chỉ số VN-Index đạt 807,13 điểm, tăng 21,4% so với cuối năm 2016, mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 106,52 điểm, tăng 33% so với cuối năm 2016.

Mức vốn hóa thị trường đạt 2.738 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối tháng 8, tăng 40,6% so với cuối năm 2016, tương đương 60,8% GDP, mức cao nhất từ khi thị trường mở cửa.

Trong tháng 9, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 14.000 tỷ đồng/phiên, giảm 6,3% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2017, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 13.184 tỷ đồng/phiên, tăng 39% so với bình quân cả năm trước. (Theo Bộ Tài chính ngày 11/10)

Trong tuần từ 09/10 - 13/10/2017, thị trường diễn biến trái chiều.Tính chung cả tuần:

- VN-Index có 5 phiên tăng điểm. Chốt tuần, VN-Index tăng 5,08 điểm (0,62%) lên 820,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt159,16 triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 3.447,94 tỷ đồng/ngày.

- HNX-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm. Chốt tuần, HNX-Index tăng 0,73 điểm (0,67%) lên 109,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt45,12triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 675,92 tỷ đồng/ngày.

- Upcom-Index có 3 ngày tăng và 2 ngày giảm. Chốt tuần, Upcom-Index giảm 0,27 điểm (-0,49%) xuống 53,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt11,12triệu đơn vị/ngày, tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 248,86 tỷ đồng/ngày.

Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 15,45 triệu đơn vị, trị giá 411,82 tỷ đồng; trong đó cổ phiếu mua ròng mạnh nhất là HPG với khối lượng 2,43 triệu đơn vị, trị giá 96,31 tỷ đồng; cổ phiếu được bán ròng mạnh nhất là KBC với khối lượng 4,92 triệu cổ phiếu, trị giá 66,06 tỷ đồng.

- HOSE: Khối ngoại thực hiện 3 phiên bán ròng và 2 phiên mua ròng. Tổng cộng khối ngoại bán ròng 7,1 triệu đơn vị, trị giá 67,67 tỷ đồng, tăng 1,37% về lượng nhưng giảm 66% về giá trị so với tuần trước.

- HNX: Khối ngoại bán ròng 5 phiên liên tiếp tổng cộng 10,5 triệu đơn vị, trị giá 483,58 tỷ đồng, tăng 2,56 lần về lượng và hơn 6,5 lần về giá trị so với tuần trước.

- UPCoM: Khối ngoại mua ròng 5 phiên liên tiếp tổng cộng 2,15 triệu đơn vị, trị giá 139,43 tỷ đồng, giảm 16,82% về lượng, nhưng tăng 70% về giá trị so với tuần trước.

Đàm phán - Ký kết

Vietnam Airlines và Air France

Ngày 10/10, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Hãng hàng không quốc gia Pháp (Air France) đã ký kết Hợp đồng Liên doanh (joint venture) mang tính toàn diện nhằm mang lại nhiều lợi ích cho hành khách trên mạng đường bay của hai hãng giữa Việt Nam, Pháp và châu Âu. Hợp đồng Liên doanh giữa hai hãng dự kiến sẽ bắt đầu được triển khai từ ngày 01/11/2017.

Hợp đồng liên doanh giữa Vietnam Airlines và Air France không chỉ tạo ra cầu nối bằng đường hàng không thuận tiện giữa hai nước, mà còn hỗ trợ thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với Pháp và châu Âu, mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp và người dân.

Chính sách

Nghị quyết số 100/NQ-CP

Ngày 06/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) cho 7 lĩnh vực, trong đó có thương mại quốc tế.

- Hoạt động của cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất: Lược bớt thông tin về người đại diện doanh nghiệp trong các mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ, sửa đổi thông tin đăng ký hoặc quy mô của cơ sở; chỉ giữ lại họ tên, nơi ở hiện tại (nếu khác địa chỉ thường trú).Riêng trường hợp bổ sung hoạt động hoặc cấp lại giấy phép lập cơ sở bán lẻ theo mẫu MĐ-5 và MĐ-3 chỉ giữ lại thông tin họ tên.

- Thủ tục về cấp lại, điều chỉnh giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động trực tiếp liên quan đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp: Sửa đổi mẫu MĐ-2, MĐ-3 theo hướng thay thế một số thông tin người đại diện bằng số định danh cá nhân, chỉ giữ lại phần họ tên.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 06/10/2017.

Quyết định số 2018/QĐ-BTC

Ngày 09/10/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2018/QĐ-BTC bổ sung Danh mục Bảng giá tính lệ phí trước bạ ô tô, xe máy ban hành kèm theo Thông tư số 304/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016.

-Bổ sung vào Danh mục giá tính lệ phí trước bạ của 177 loại ô tô, xe máy cụ thể như sau: 67 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu; 39 loại ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống lắp ráp trong nước; 2 loại ô tô điện nhập khẩu; 43 loại xe máy hai bánh nhập khẩu; 26 loại xe máy hai bánh sản xuất, lắp ráp trong nước.

Giá tính lệ phí trước bạ đối với một số loại xe được quy định như sau:

- Đối với ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống: Lamborghini Aventador S: 40 tỷ đồng; Lexus GX460 Luxury: 5.350 triệu đồng; Mercedes-Benz Sprinter 313CDI: 802 triệu đồng;

- Đối với xe máy hai bánh: Ducati Monster 1200 S: 860 triệu đồng; Honda Wave125i: 39.500.000 đồng; Honda JF791 Lead: 39.300.000 đồng; Yamaha Sirius FI-1FCC: 19.500.000 đồng…

Quyết định có hiệu lực từ ngày 12/10/2017.

Thông tư số 13/2017/TT-NHNN

Ngày 29/9/2017, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 13/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 07/2015/TT-NHNN về họat động bảo lãnh ngân hàng.

Quy định ngân hàng sẽ không thực hiện bảo lãnh thanh toán trái phiếu đối với doanh nghiệp phát hành với mục đích cơ cấu lại nợ và trái phiếu phát hành bởi công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng khác.

Đồng thời, quy định chi tiết về việc xác định số dư bảo lãnh đối với chủ đầu tư khi các ngân hàng thương mại bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai như sau:

- Số dư bảo lãnh là tổng số tiền chủ đầu tư đã nhận ứng trước của các bên mua theo tiến độ đã thỏa thuận trước khi nhà ở được bàn giao và giảm dần khi nghĩa vụ bảo lãnh đối với bên mua chấm dứt.

- Ngân hàng thương mại và chủ đầu tư thỏa thuận về thời gian thông báo số tiền đã nhận ứng trước của các bên mua nhưng tối thiểu phải thông báo một lần vào ngày cuối cùng hằng tháng để làm cơ sở xác định số dư bảo lãnh.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/11/2017.