Kinh tế thế giới ảnh hưởng sau bi kịch MH17
(Tài chính) Ngành chứng khoán và bảo hiểm đều tuột dốc sau khi máy bay số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị rơi ở phía đông Ukraina.
Chứng khoán giảm mạnh
Ngay sau vụ tai nạn, cổ phiếu của hãng hàng không Malaysian Airlines - vốn đang bị chỉ trích về vụ máy bay mất tích MH370 hồi tháng 3/2014 - trong năm nay đã “bốc hơi” 35%. Đồng Ringgit giao dịch ở mức 3,1885 Ringgit/USD.
Cổ phiếu Malaysia giảm 0,4%, trong đó cổ phiếu hàng không giảm mạnh. Malaysia Airlines là cổ phiếu giao dịch nhiều nhất tại Kuala Lumpur, sụt giảm 11%. Malaysia Airports cũng trượt gần 5%.
Sự cố cũng khiến chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm 1% và chỉ số DAX của Đức giảm 0,35%. Chứng khoán Mỹ chứng kiến tuột dốc hôm thứ 5 tuần qua, khi chỉ số Dow Jones đóng cửa giảm gần 1%, chỉ số S&P 500 đã giảm khoảng 1,2% và chỉ số Nasdaq trượt 1,4%. Đây là mức giảm lớn nhất đối với chỉ số Dow Jones trong vòng hai tháng và của S&P giảm mạnh nhất trong ba tháng.
Cổ phiếu Nga cũng đi xuống sau khi Mỹ công bố biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công ty năng lượng và các ngân hàng hàng đầu của Nga. Đức cũng thiệt hại nặng nề bởi mối quan hệ thương mại chặt chẽ với Nga.
Bảo hiểm lao đao
MH17 sẽ khiến các hãng bảo hiểm phải bồi thường hàng trăm triệu USD, đồng thời phát sinh hàng loạt vụ tranh chấp pháp lý kéo dài giữa hãng hàng không, hãng bảo hiểm, chính phủ và gia đình nạn nhân.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành bảo hiểm, việc phạm vi các bên nằm trong diện có thể đòi bồi thường của gia đình các nạn nhân có thể làm vụ việc thêm phức tạp không kém việc xác định ai là thủ phạm bắn hạ máy bay tại khu vực giao tranh ác liệt.
“Đây sẽ là một vụ bồi thường kéo dài, liên quan đến nhiều bên và cả các cáo buộc chính trị. Về quy mô của tổn thất, nó sẽ vào khoảng vài trăm triệu USD”, Joseph Wheeler, một luật sư hàng không của công ty luật Shine Lawyers, tại Brisbane, Australia cho biết.
Những khoản bồi thường ban đầu cho gia đình các nạn nhân sẽ do hãng Malaysia Airlines tự chi trả. Số tiền mà hãng này phải bồi thường sẽ tuân thủ thỏa thuận về hàng không quốc tế thuộc Công ước Montreal, với mức tối đa khoảng 170.000 USD/hành khách. Malaysia Airlines phải thực hiện những chi trả ban đầu này, bất kể tai nạn có phải do lỗi của họ hay không.
Ngoài ra, gia đình các nạn nhân có thể khởi kiện ở bất kỳ quốc gia nào có liên quan tới máy bay bị bắn hạ. Họ có thể sẽ được bồi thường hàng triệu USD trên cơ sở nguồn thu nhập bị mất và những hỗ trợ cho gia đình, John Ribbands, một luật sư hàng không tại Melbourne, Australia khẳng định.
Lộ trình bay thay đổi ồ ạt, hàng không Việt Nam thiệt hại không nhỏ
Ngay sau khi chuyến bay MH17 của Malaysia gặp nạn, các hãng hàng không trên thế giới ồ ạt công bố sẽ thay đổi lộ trình chuyến bay để tránh không phận Ukraine.
Các hãng hàng không đầu tiên ra quyết định thay đổi đường bay gồm: hãng hàng không Lufthansa của Đức, hãng hàng không Aeroflot, UTair và Transaero của Nga, hãng hàng không Pháp Air France và hàng không Turkish Airlines của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hãng hàng không Air France và Virgin của Pháp đã quyết định tạm thời thay đổi đường bay để tránh vùng trời Ukraine. Hãng hàng không Alitalia của Ý cũng đã thông báo sẽ chuyển hướng các chuyến bay khỏi miền đông Ukraine.
Trong khi đó, các hãng hàng không Qantas Airways của Australia, hãng Korea Air Lines Co Ltd và Asiana Airlines của Hàn Quốc cho biết họ đã tránh bay qua không phận Ukraine từ vài tháng trước do tình hình bất ổn ở đất nước này.
Tại Việt Nam, ngày 17/7, sân bay Nội Bài có 3 chuyến bay của Vietnam Airlines đang chờ cất cánh đi châu Âu, với tuyến đường cũng qua khu vực giao tranh tại Ukraine. Ngay khi thông tin chuyến bay MH17 gặp nạn, Tổng công ty Vietnam Airlines đã cho dừng 3 chuyến bay đó, chờ thu thập thông tin, phản ứng của dư luận và các nhà chức trách. Cả 3 chuyến bay bị chậm hơn 3 giờ nhưng tất cả đều đến các sân bay ở châu Âu một cách an toàn tuyệt đối.
Sau khi xem xét tất cả các vấn đề, xem các hãng hàng không khác xử lý như thế nào, đặc biệt xem xét khuyến cáo của Eurocontrol, Vietnam Airlines đã nắn đường bay, tránh không phận của Ukraine, hiện tạm thời tránh qua phía Bắc.
Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines, cho biết, bay theo đường bay mới sẽ khiến máy bay phải bơm thêm nhiên liệu và thời gian bay tăng thêm 10 phút đối với các đường bay đến London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức).
Mỗi chuyến bay phải giảm tải thương mại khoảng 500kg để nạp thêm khoảng gần 3 tấn nhiên liệu, tương đương 60 triệu đồng.
Mỗi tuần hãng có 22 chuyến bay sang các điểm ở châu Âu. Chỉ tính riêng tiền nhiên liệu nạp thêm trung bình một tháng hãng sẽ phải chi thêm hơn 5,3 tỉ đồng nhiên liệu cho việc bay tránh vùng nguy hiểm trên không phận Ukraine. Tổng thiệt hại do việc bay vòng tránh Ukraine có thể lên đến 10 tỷ đồng/tháng./.
Chuyến bay MH17 chở gần 300 người đã gặp nạn ngày 17/7 ở miền đông Ukraine khi đang trên đường từ Hà Lan về Kuala Lumpur, Malaysia.
Đây là bi kịch thứ 2 xảy ra đối với hãng hàng không này trong năm nay, chỉ bốn tháng sau khi chuyến bay MH370 biến mất.
Mỹ cho rằng, chuyến bay MH17 đã hạ bởi một tên lửa đất đối không bắn ra từ khu vực giao tranh ác liệt giữa quân nổi dậy ủng hộ của Nga và lực lượng chính phủ Ukraina, tuy nhiên cả Kiev và lực lượng ly khai đều bác bỏ trách nhiệm.
Nguồn tham khảo:
http://money.cnn.com/2014/07/17/investing/malaysia-air-stocks/index.html?hpt=ibu_c2
http://vov.vn/kinh-te/bay-tranh-ukraine-vietnam-airlines-mat-it-nhat-10-ti-dongthang-339963.vov
http://vov.vn/kinh-te/tham-hoa-mh17-khien-cac-nha-bao-hiem-lao-dao-340017.vov