Kinh tế thế giới phục hồi bấp bênh, không đồng đều

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn

Kinh tế thế giới có thể sẽ trở lại quy mô trước đại dịch vào khoảng tháng 3 đến tháng 5 năm sau, đánh dấu sự phục hồi “phi thường” từ mức giảm sâu kỷ lục trong nhiều thập kỷ, nhưng những đứt gãy trong chuỗi cung ứng do đại dịch vẫn là rủi ro lớn.

Khách hàng mua sắm ở Latvia, nước nằm trong khu vực đồng euro. Ảnh: Unsplash
Khách hàng mua sắm ở Latvia, nước nằm trong khu vực đồng euro. Ảnh: Unsplash

Đây là nhận định của các nhà kinh tế Phố Wall, theo Wall Street Journal. Các biến thể mới của virus Corona là thách thức lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và sự phục hồi kinh tế không đồng đều đang nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia.

Ở châu Âu và Bắc Mỹ, kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ khi chương trình tiêm chủng rộng rãi được triển khai tốt nhất trên thế giới. Trong khi đó, nhiều khu vực ở châu Á vẫn vật vã với các biện pháp hạn chế xã hội và các kế hoạch chi tiêu mới, nhằm chống lại các biến thể mới đang lan rộng. Tỷ lệ tiêm chủng thấp của châu Phi cho thấy phục hồi kinh tế của khu vực này sẽ tụt lại phía sau các khu vực khác.

Theo nhận định của Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tăng trưởng toàn cầu không đồng đều là một đặc điểm nổi bật của sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Mỹ

Kinh tế Mỹ quý 2 tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng trên mức trước đại dịch. Theo Wall Street Journal, động lực đến từ sự “gia tăng bất thường trong chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh”. Bộ Thương mại nước này cho biết con số phản ánh kinh tế Mỹ đã thoát khỏi “xiềng xích” của đại dịch nhưng vẫn còn “nhiều việc phải làm”. Kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,8% trong quý 1/2021, chỉ thấp khoảng 1% so với đỉnh đạt được ở quý 4/2019, thời điểm dịch chưa bùng phát.

Paul Ashworth, kinh tế trưởng của Capital Economics, nhận định: “Tin tốt là nền kinh tế hiện đã vượt qua mức trước đại dịch. Nhưng do tác động từ kích thích tài khóa đang giảm dần, giá cả tăng cao làm suy yếu sức mua, biến thể Delta hoạt động mạnh ở phía Nam và tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn dự báo, chúng tôi cho rằng tăng trưởng GDP sẽ chậm lại còn 3,5% trong nửa cuối năm”.

Nhiều ngành trong kinh tế Mỹ vẫn gặp khó khăn do thị trường lao động chưa trở lại trạng thái bình thường. Số liệu chính thức cho thấy khoảng 8,7 triệu người đang tìm kiếm việc làm ở Mỹ và được tính vào số thất nghiệp. Tuy nhiên, có tới 9,8 triệu vị trí đang tìm người, tính đến ngày 16 tháng 7.

Khu vực đồng euro

Khu vực đồng euro tăng trưởng 2% trong quý 2 sau hai quý tăng trưởng âm, khi các nền kinh tế trong khối mở cửa trở lại một cách thận trọng. Theo ước tính sơ bộ của Eurostat, cơ quan thống kê của EU, kinh tế khu vực này, gồm 19 nước, tăng trưởng âm 0,3% trong quý 1/2021 và âm 0,6% trong quý 4/2020, tình trạng được định nghĩa là “suy thoái kỹ thuật” khi kinh tế suy giảm hai quý liên tiếp. Eurostat cho biết 2% là con số cao hơn mức dự báo 1,5%.

Tuy nhiên, triển vọng kinh tế khu vực này “vẫn còn mong manh”, theo CNBC. Biến thể Delta có khả năng lây truyền cao khiến số ca vẫn tiếp tục tăng ở nhiều nước. Claus Vistesen, kinh tế trưởng châu Âu tại Pantheon Macro, một đơn vị tư vấn, nghiên cứu kinh tế của Mỹ, cho biết: “Chúng tôi giữ quan điểm quý 3 sẽ tốt hơn nữa, khi động lực tăng trưởng tiếp tục duy trì, nhưng rủi ro vẫn hiển hiện”.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt (Đức) dự báo tăng trưởng GDP khu vực đồng euro năm nay sẽ ở mức 4,6%.

Theo Eurostat, lạm phát tháng 7 của khu vực ước ở mức 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức 1,9% của tháng 6. Giống như ở Mỹ, có những tranh cãi đợt tăng giá tiêu dùng gần đây ở khu vực đồng euro có tính tạm thời hay không. Một giai đoạn lạm phát cao hơn kéo dài có thể khiến kích thích tiền tệ phải giảm. Mục tiêu của ECB là hỗ trợ tỷ lệ lạm phát 2%. Trong khi đó, các quan chức EU kỳ vọng nền kinh tế của khối sẽ trở lại quy mô trước đại dịch trong quý cuối cùng của năm nay.

Trung Quốc

GDP của Trung Quốc tăng 7,9% trong quý 2, thấp hơn một chút so với kỳ vọng, trước đó ước tính mức tăng trưởng là 8,1%.

Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, cho biết kinh tế Trung Quốc đang trên đà phục hồi, mục tiêu tăng trưởng 6% cả năm là trong tầm tay. “Tuy nhiên, rủi ro cơ cấu và rủi ro đi xuống của nhu cầu nội địa là đáng ngại”. Quý 1, GDP Trung Quốc tăng 18,3% so với quý 1/2020 là giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.

Giữa tháng 7, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho phép tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 0,5 điểm phần trăm đối với tất cả các ngân hàng, động thái được cho là báo hiệu kinh tế nước này sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tiếp theo.

Chỉ số Caixin PMI (trên mức 50 thể hiện sự mở rộng kinh tế, dưới mức 50 là thu hẹp) vào tháng 7 chỉ ở mức 50,3, tức sản xuất mở rộng không đáng kể so với tháng 6. Đây là chỉ số thấp nhất trong vòng 15 tháng qua. Chi tiêu của người tiêu dùng, vốn vẫn chưa phục hồi về mức trước đại dịch, có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn khi các ổ dịch từ biến thể Delta được phát hiện tại hơn một chục thành phố Trung Quốc gần đây, dẫn tới các biện pháp phong tỏa chặt chẽ.

Đông Nam Á

Trong khi tiêm chủng rộng rãi ở các nước phương Tây tạo ra sự bùng nổ kinh tế thì ở châu Á dịch bùng phát trong mùa hè cùng với tiến độ tiêm vaccine chậm gây bất ổn cho chuỗi cung ứng sản xuất của khu vực và tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng ở nhiều quốc gia. ADB mới đây dự báo tăng trưởng của Đông Nam Á năm nay khoảng 4%, giảm so với mức dự báo trước đó (4,4%), do làn sóng lây nhiễm dẫn đến những đợt phong tỏa mới.

Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là tâm chấn của đợt bùng phát dịch mới ở châu Á, hiện được dự báo sẽ tăng trưởng 4,1% trong năm 2021, thay vì 4,5%. Tổ chức này hạ mức tăng trưởng dự báo cho Việt Nam từ 6,7% xuống còn 5,8%.

Nhiều khu công nghiệp phải giảm sản xuất do dịch bệnh, làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Theo dữ liệu do IHS Markit, chỉ số PMI sản xuất của Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam ở mức dưới 50 trong tháng 7, cho thấy hoạt động của các nhà máy bị thu hẹp.

Thế giới và biến thể Delta

Trong một báo cáo mới đây, tổ chức OECD nhận định: “Đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc nhất trong gần một thế kỷ, đe dọa sức khỏe, làm gián đoạn hoạt động kinh tế, gây tổn hại đến hạnh phúc và việc làm”.

Kinh tế toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng hành trình để phục hồi hoàn toàn còn nhiều gian nan. Cuối tháng 7, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay và 4,9% trong năm tới. “Sự phục hồi kinh tế là không chắc chắn, thậm chí ở những nước hiện có lây nhiễm rất thấp, khi virus vẫn lây lan ở các nơi khác”, Báo cáo của IMF viết.

Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cảnh báo các đợt bùng phát dịch mới từ biến thể Delta là rủi ro hàng đầu đối với sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Theo tiến sỹ Larry Brilliant, nhà dịch tễ học nổi tiếng thế giới, mới có 15% dân số thế giới được tiêm phòng và tới hơn 100 quốc gia mới tiêm chủng cho dưới 5% người dân của họ, tính đến đầu tháng 8. “Chúng ta cần tiêm chủng cho tất cả mọi người, vì vẫn sẽ có các chủng virus mới”.