Kinh tế toàn cầu gặp nguy nếu chiến tranh thương mại leo thang
Kết quả cuộc khảo sát của Reuters với hơn 500 nhà kinh tế được thực hiện trong tháng này cho thấy, kinh tế toàn cầu đang chậm lại đồng bộ và có thể giảm tốc mạnh hơn nếu cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang.
Đó là một sự thay đổi lớn trong cảm nhận của các nhà kinh tế khi mà chỉ một năm trước thôi họ tỏ ra vô cùng lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên căng thẳng thương mại leo thang cộng thêm các điều kiện tài chính được thắt chặt lại đã làm tổn thương tới hầu hết các nền kinh tế và kéo tăng trưởng của Trung Quốc xuống mức thấp trong 28 năm vào năm ngoái.
Các cuộc khảo sát của Reuters được thực hiện trong 2 năm qua đã nhiều lần nhấn mạnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại là một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó tại cuộc khảo sát lần này, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 3,5% trong năm nay thay vì mức 3,6% như dự báo trước đó. Đây là lần thứ 2 liên tiếp triển vọng tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 bị cắt giảm. Con số 3,5% cũng phù hợp với dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế được công bố trước Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos.
Cụ thể, các nhà kinh tế đã hạ dự báo tăng trưởng của 33 trong số 46 nền kinh tế được hỏi, trong khi chỉ có 3 nền kinh tế được nâng nhẹ dự báo tăng trưởng và giữ nguyên dự báo đối với 10 nền kinh tế còn lại. Triển vọng lạm phát năm nay cũng được cắt giảm cho hầu hết các nền kinh tế.
Đặc biệt, hơn một nửa trong số gần 270 nhà kinh tế đã trả lời một câu hỏi bổ sung cho biết, sự leo thang hơn nữa của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh hơn trong năm nay.
Những lo ngại này trùng hợp với cảm giác bất an ngày càng tăng của các chuyên gia thị trường tham gia cuộc khảo sát của Reuters, những người đã liên tục hạ dự báo về giá của nhiều loại tài sản khác nhau trong mấy tháng qua, từ chỉ số chứng khoán đến lợi suất trái phiếu cũng như giá dầu thô.
“Bất luận “cuộc đình chiến” giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập tại cuộc họp tháng 12 của họ, những xung đột thương mại có thể sẽ “đè nặng” lên các hoạt động (kinh tế) trong năm 2019”, Janet Henry - Nhà kinh tế trưởng toàn cầu của HSBC lưu ý. “Việc tăng thuế suất đang được tạm hoãn, nhưng không đề cập đến việc dỡ bỏ thuế quan hiện tại và khả năng Mỹ sẽ áp thuế đối với ôtô vẫn đang để ngỏ”.
Mặc dù Mỹ - Trung đã đạt được thỏa thuận đình chiến trong vòng 90 ngày vào đầu tháng 12 và ông Trump nói rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, nhưng nỗi lo ngại về cuộc xung đột vẫn tiếp tục.
“Không nên nói với tôi rằng sắp có “một thỏa thuận tuyệt vời” về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh mới”, Jan Lambregts - Trưởng bộ phận thị trường tài chính toàn cầu tại Rabobank nói.
“Tăng trưởng toàn cầu có vẻ sẽ giảm xuống mức yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính khi sự chậm lại của khu vực đồng euro và Trung Quốc vẫn tiếp tục và Mỹ có thể sớm gia nhập vào tình trạng này”, Andrew Kenningham - chuyên gia kinh tế về khu vực đồng euro của Capital econom nói.
Các NHTW lớn cũng được dự báo sẽ thay đổi chiến lược bình thường hóa chính sách tiền tệ của mình. Với Fed, mặc dù vẫn được dự đoán sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, song các nhà kinh tế hiện đang kỳ vọng cơ quan này sẽ thực hiện lần tăng lãi suất đầu tiên vào quý 2 thay vì thực hiện ngay trong quý đầu năm. Đáng chú ý là một số nhà kinh tế còn dự báo Fed chỉ tăng lãi suất 1 lần thậm chí là không tăng.
Tại khu vực đồng tiền chung, sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng ngày càng rõ rệt hơn sau khi Đức – nền kinh tế lớn nhất khu vực hầu như đã rơi vào suy thoái trong nửa cuối năm ngoái. Điều đó đã làm tăng khả năng ECB sẽ trì hoãn việc bình thường hóa chính sách tiền tệ.
Không chỉ tại các nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng tại các thị trường mới nổi cũng được dự báo sẽ đạt đỉnh trong năm nay và điều đó cũng làm thay đổi chính sách tiền tệ tại các nền kinh tế này. Đơn cử một “bước ngoặt bất thường” về chính sách, NHTW Ấn Độ được dự báo sẽ cắt giảm lãi suất vào giữa năm nay, thay vì tăng lãi suất như dự báo đưa ra chỉ một tháng trước.
Điểm tích cực duy nhất đó là áp lực lạm phát dịu bớt. “Mặc dù các thị trường vẫn đang cảnh giác với khả năng tăng trưởng sẽ đạt đỉnh do xung đột thương mại, nhưng những lo ngại về lạm phát đã giảm bớt kể từ đầu tháng 10”, Henry của HSBC nói thêm.