Những xu hướng chủ đạo kinh tế thế giới 2019
Kinh tế thế giới 2019 được hầu hết các tổ chức dự báo tăng trưởng chậm lại, triển vọng trung hạn chưa vững chắc và một số yếu tố dưới đây được nhìn nhận sẽ là những xu hướng chủ đạo trong năm nay.
Bảo hộ sẽ tiếp tục gia tăng
Bảo hộ thương mại nhiều khả năng tiếp tục gia tăng trong khi các chính sách thuận lợi hóa thương mại giảm đi khi Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách “nước Mỹ trên hết” và thúc đẩy các chính sách bảo hộ nhằm giảm thâm hụt thương mại với các đối tác toàn cầu, đưa việc làm quay lại Mỹ. Trong khi đó, nhiều nước cũng tiếp tục đưa ra các chính sách hạn chế thương mại để đáp trả Mỹ.
Trong bối cảnh cuộc CTTM do Mỹ phát động nhiều khả năng tiếp tục kéo dài và tiến triển khó lường, tăng trưởng thương mại thế giới năm nay được dự báo giảm và sẽ chỉ tăng trong khoảng 3,5-4% so với năm 2018. Mặc dù có những dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian gần đây, CTTM Mỹ - Trung nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục kéo dài và leo thang trong năm 2019 do căng thẳng hiện nay không đơn thuần mang về thương mại mà thể hiện bản chất cạnh tranh chiến lược toàn diện.
Bên cạnh đó, đây cũng là một trong số ít các vấn đề mà chính quyền của ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nội bộ Mỹ. Hơn nữa, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc CTTM kéo dài như việc Mỹ đẩy mạnh triển khai chính sách FTA “trục – nan hoa” trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc gần đây cũng thường xuyên kêu gọi phải tự lực, giảm phụ thuộc vào bên ngoài.
Tự do hóa thương mại vẫn tiếp tục là xu thế chủ đạo
Tuy không thể loại trừ nhưng cũng ít có khả năng CTTM Mỹ - Trung sẽ leo thang thành CTTM, chiến tranh kinh tế và chiến tranh tiền tệ toàn diện. Bởi với mức độ phụ thuộc, đan xen và ràng buộc lợi ích chính trị, kinh tế giữa Mỹ với Trung Quốc và các nền kinh tế lớn (trong đó có nhiều đồng minh của Mỹ) rất chặt chẽ thì các bên đều lường thấy mức độ thiệt hại, hậu quả của CTTM và do đó đều muốn tránh xảy ra tổn thất lớn tới mức “không chịu được”.
Đơn cử, hiện rất nhiều hàng xuất khẩu của Trung Quốc là sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu được sản xuất từ nguyên liệu, máy móc, linh kiện từ nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và nhiều nước đồng minh. Do đó, khi áp thuế Mỹ cũng phải tính toán rất kỹ về phạm vi, chủng loại và quy mô sao cho mức độ thiệt hại nằm trong giới hạn có thể chấp nhận được.
Hơn nữa, nếu CTTM được đẩy lên quá mức sẽ tạo ra các “tác động ngược”, Tổng thống Trump sẽ chịu sức ép ngày càng tăng của các nhóm lợi ích, tập đoàn, cử tri chịu tác động, thiệt hại từ CTTM. Những diễn biến không thuận trong thời gian qua trên thị trường tài chính, đặc biệt là sụt giảm mạnh của TTCK Mỹ do NĐT lo ngại cũng cho thấy phần nào những tác động ngược trên.
Trong khi đó, tuy phản ứng trước các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump với mức độ khác nhau nhưng hầu hết các nước đều tìm cách đàm phán, thỏa hiệp với Mỹ bởi thực tế các nước, kể cả Trung Quốc hầu như có rất ít công cụ để “trả đũa” tương xứng. Do vậy Trung Quốc sẽ cố gắng không để leo thang thành CTTM toàn diện nhằm tránh các tác động gây bất ổn kinh tế, chính trị, xã hội.
Cải tổ thương mại đa phương, thúc đẩy liên kết mới
Hệ thống thương mại đa phương, đặc biệt là WTO, đứng trước sức ép phải điều chỉnh, thay đổi “luật chơi”. Nhiều khả năng lĩnh vực này sẽ chứng kiến cọ xát mạnh mẽ giữa các nước lớn, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc, nhằm khẳng định vai trò và bảo vệ lợi ích trong định hình hệ thống thương mại mới. Nhiều thành viên WTO chủ chốt ở mức độ, phạm vi khác nhau đã nêu vấn đề cải cách WTO. Tuy nhiên, quan điểm của các nước đến nay còn nhiều khác biệt.
Như phía Mỹ cho rằng, WTO phải hiện đại hóa để nâng cao tính minh bạch, việc tuân thủ các quy định, luật lệ, trong đó nổi bật là vấn đề quy chế kinh tế phi thị trường, các khoản trợ cấp lớn dành cho các DNNN đang tạo tình trạng cạnh tranh không bình đẳng. Mỹ cũng không cho rằng WTO giữ vai trò trung tâm trong hệ thống thương mại đa phương.
Trong khi đó về phía Trung Quốc, nước này cho biết kiên định tuân thủ và duy trì các nguyên tắc của WTO; ủng hộ hệ thống thương mại đa phương cởi mở, công khai, bao dung và không phân biệt đối xử; ủng hộ các cải cách cần thiết của WTO như hệ thống thống kê thương mại toàn cầu dựa trên chuỗi giá trị toàn cầu và giá trị thương mại gia tăng; quan tâm thúc đẩy các vấn đề mới như thuận lợi hóa đầu tư, các DN nhỏ và siêu nhỏ, thương mại điện tử…
Trong bối cảnh CTTM Mỹ -Trung được dự báo tiếp tục kéo dài là diễn biến khó lường, các biện pháp bảo hộ gia tăng, các nước sẽ tiếp tục chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa liên kết kinh tế, hình thành các trung tâm kết nối mới nhằm giảm phụ thuộc vào một thị trường nhất định.
Trong đó, các nước lớn đóng vai trò dẫn dắt, khởi xướng và xu thế hình thành các FTA giữa một khối hoặc một nhóm các nước tiếp tục được đẩy mạnh trong bối cảnh Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), EU, Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU)… đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong đàm phán FTA với các đối tác trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, các đàm phán FTA quy mô liên khu vực như FTA ba nước Đông Bắc Á hay Hiệp định RCEP ít có khả năng kết thúc được như kỳ vọng và còn phải tiếp tục kéo dài.
CMCN 4.0 tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều
Sau vài năm khởi phát, nhờ sự phát triển đột phá của nhiều công nghệ nền tảng (điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật…), CMCN 4.0 chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển bước ngoặt và trở thành một trong những đặc trưng cơ bản của thời đại.
Thời gian tới, CMCN 4.0 sẽ phát triển nhanh, tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến kinh tế thế giới và sự phát triển của các quốc gia, đặt ra nhiều vấn đề các quốc gia cần xử lý như: Cạnh tranh công nghệ trở thành mặt trận quyết định trong cạnh tranh chiến lược; làm chủ công nghệ mới là nhân tố quyết định thắng thua trong cạnh tranh chiến lược và kinh tế toàn cầu; sức mạnh chính trị - kinh tế phụ thuộc vào năng lực sáng tạo và làm chủ công nghệ mới.
Trong xu hướng này, động lực phát triển quan trọng nhất là đổi mới sáng tạo và nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tri thức và nhân lực có năng lực sáng tạo và thích ứng với công nghệ. Trong khi đó, các yếu tố tài nguyên, lao động chi phí thấp… sẽ ngày càng mất dần lợi thế.
Điều này cũng đặt các nước công nghiệp hóa đi sau sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu chỉ theo đuổi mô hình công nghiệp hóa dựa vào xuất khẩu và FDI, đồng thời đặt ra yêu cầu đánh giá lại các mô hình công nghiệp hóa truyền thống và tìm kiếm các mô hình công nghiệp hóa mới phù hợp với điều kiện của CMCN 4.0.