Kinh tế toàn cầu suy thoái tồi tệ nhất trong 100 năm qua
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào thời kỳ suy thoái thời bình tồi tệ nhất trong một thế kỷ.
Ngày 10/6, cơ quan có trụ sở tại Paris này cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 6% trong năm nay trước khi hồi phục vào năm 2021. Đây là một trong những dự đoán ảm đạm nhất được đưa ra bởi các tổ chức tài chính.
Bên cạnh đó, OECD cũng cảnh báo rằng một làn sóng nhiễm Covid-19 thứ hai sẽ dẫn đến sự gián đoạn và gây ra nhiều vết sẹo cho nền kinh tế hơn nữa.
World Bank dự báo hồi đầu tuần này rằng, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 5,2% trong năm 2020, trong khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính đã giảm 3% trong tháng 4.
“Vào cuối năm 2021, việc mất thu nhập sẽ vượt qua bất kỳ cuộc suy thoái nào trước đây trong 100 năm qua ngoài thời chiến, với những hậu quả tàn khốc và lâu dài đối với người dân, các công ty và chính phủ”, nhà kinh tế trưởng của OECD, Laurence Boone nói.
OECD, đại diện cho các nền kinh tế lớn nhất thế giới, cho biết sự suy thoái có thể còn tồi tệ hơn nếu một đợt bùng phát Covid-19 toàn cầu thứ hai xảy ra trong những tháng tới. Điều đó sẽ khiến GDP toàn cầu giảm 7,6% trong năm nay.
OECD không thể hình dung được sự phục hồi kinh tế nhanh chóng ngay cả khi tránh được một đợt nhiễm thứ hai. Một số ngành công nghiệp sẽ bị giảm hoạt động trong một thời gian dài mặc dù các chương trình kích thích khổng lồ được chính phủ và ngân hàng trung ương áp dụng.
“Sự gián đoạn do đại dịch có thể để lại những vết sẹo lâu dài ở nhiều nền kinh tế. Mức sống đã giảm đáng kể, thất nghiệp đang được đẩy lên trên mức trước khủng hoảng”, cơ quan này cho biết trong một báo cáo.
Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Trong trường hợp tránh được làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, OECD dự kiến nền kinh tế Anh sẽ giảm 11,5% trong năm nay, trong khi Tây Ban Nha, Pháp và Ý sẽ phải gánh chịu hơn 11%. Sản lượng của Mỹ dự kiến sẽ giảm 7,3% trong năm 2020.
OECD khen ngợi các chính phủ đã triển khai một lượng lớn kích thích để đối phó với khủng hoảng, nhưng cũng cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ không thể hỗ trợ tiền lương, việc làm và hoạt động kinh doanh trong thời gian dài.
OECD nói rằng các chính phủ phải cho phép các công ty tái cấu trúc nhanh chóng, cung cấp hỗ trợ tiền lương và đào tạo cho người lao động. Song song đó cũng cần phải chuyển từ các bộ phận bị hư hại của nền kinh tế sang các lĩnh vực đang phát triển. Mặc dù điều này sẽ không xảy ra đủ nhanh để ngăn thất nghiệp gia tăng.
“Trước đây, chúng tôi đã kêu gọi tăng đầu tư công vào công nghệ số và công nghệ xanh để thúc đẩy tăng trưởng bền vững lâu dài và nâng cao nhu cầu ngắn hạn. Điều này thậm chí còn cấp bách hơn với các nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề”, OECD cho biết.