Kinh tế Triều Tiên - Đây mới là sự thật?
(Tài chính) Không giống như vẻ bề ngoài được phác họa hiện nay, Triều Tiên đang có nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, bất chấp nỗ lực che đậy và cản trở của chính phủ Triều Tiên.
Hãng tin Al-Jazeera đã đăng tải một bài bình luận của ông Andrei Lankov, giáo sư chuyên nghiên cứu Triều Tiên tại trường đại học Kookmin, Hàn Quốc để chứng minh quan điểm trên.
Ông cho rằng, nhiều người thường bỏ qua thực tế rằng Triều Tiên đã từng có tới 20 năm tư bản chủ nghĩa. Và hiện tại, mặc dù triều đại này luôn nỗ lực để duy trì diện mạo của nền kinh tế bao cấp nhưng thực chất Triều Tiên đang trải qua nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hay nền kinh tế thị trường.
Chủ nghĩa tư bản của Triều Tiên được sinh ra trong cái nôi của cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội trong đầu những năm 1990 khi Liên Xô và Trung Quốc đột ngột ngừng viện trợ cho nước này.
Bị ngắt nguồn viện trợ nhiên liệu, điện và phụ tùng thay thế, nền kinh tế Triêu Tiên sụp đổ khi nhiều nhà máy phải dừng hoạt động hoàn toàn. Mùa màng giảm sút kéo theo việc chính phủ không có đủ lương thực để cung cấp cho người dân. Trong nhiều thập kỷ, người dân Tiều Tiên sống bằng ngũ cốc do nhà nước cung cấp (với giá cực rẻ). Tuy nhiên, khoảng từ năm 1994, nguồn cung cấp này không còn nữa. Kết quả là nạn đói đã xảy ra, giết chết ít nhất 500.000 người dân Triều Tiên trong những năm 1996-1999.
Đối mặt với nạn đói, người dân Triều Tiên đã phản ứng theo một cách tự nhiên nhất là: Họ khai phá lại nền kinh tế tư nhân. Gọi là khai phá lại bởi vì trong những năm 1960 và 1970, Triều Tiên được cho là một nước tư bản nhất trên thế giới.
Để tồn tại, người dân đã làm mọi thứ có thể. Về mặt lý thuyết, nền nông nghiệp tư nhân vẫn bị cấm và tất cả đất canh tác đều là tài sản của nông trường quốc doanh, nhưng người dân ở nông thôn vẫn bắt đầu canh tác tư nhân. Họ đã khai hoang để tạo ra các cánh đồng trên các sườn núi. Họ trồng những gì có thể để tiêu dùng và bán lại cho những người khác.
Trong khi đó, nhiều công nhân bắt đầu ăn cắp các thiết bị, vật tư của các nhà máy, sau đó bán làm phế liệu, và xuất lậu sang Trung Quốc hoặc dùng phế liệu đó để tự làm ra một số đồ dùng để bán lấy tiền mua thức ăn.
Từ đó, các loại hình thương mại bắt đầu phát triển. Buôn lậu sang Trung Quốc và từ Trung Quốc về Triều Tiên, cũng như thương mại hợp pháp với Trung Quốc cũng đã đem lại nhiều lợi nhuận.
Từ khoảng năm 2000, xuất hiện thêm nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau. Ngày càng có nhiều người mở xưởng để sản xuất hàng may mặc, thuốc lá, giày dép và nhiều mặt hàng tiêu dùng đơn giản khác. Các nhà hàng tư nhân vốn bị coi là bất hợp pháp vẫn xuất hiện, cạnh tranh với các cửa hàng ăn uống của nhà nước. Tất nhiên là chủ sở hữu phải đăng kí nhà hàng của mình là tài sản của chính phủ.
Xe tải tư nhân cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho các thương gia trên toàn quốc. Các cửa hàng tạp hóa tư nhân và văn phòng đổi tiền tệ cũng bắt đầu mọc lên. Nhiều loại hình kinh doanh tư nhân khác cũng bắt đầu xuất hiện.
Tới đầu những năm 2000, Triều Tiên đã có một nền kinh tế thị trường không chính thức, nhưng bùng nổ mạnh mẽ. Cũng nhờ đó, nạn đói đã được xóa bỏ trong khoảng từ năm 1999 đến 2000.
Theo ước tính, vào thời điểm đó, trung bình mỗi gia đình Triều Tiên đã kiếm được 80% thu nhập từ các hoạt động kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, chính phủ Triều Tiên vẫn cảm thấy khó chịu với tình trạng trên và chưa bao giờ thực sự chấp nhận các hoạt động kinh tế thị trường. Trong khoảng thời gian từ năm 2004 và 2009, chính phủ Triều Tiên thậm chí còn cố loại bỏ nền kinh tế tư nhân và quay trở lại mô hình kinh tế bao cấp cũ. Tuy nhiên những nỗ lực này đã thất bại và sau năm 2010, Triều Tiên đã quyết định ‘từ bỏ’ mục tiêu này.
Tuy nhiên, chính phủ vẫn kiên quyết không thừa nhận thực tế rằng Triều Tiên hiện nay là một nền kinh tế thị trường.
Kết quả là, những người đi đầu trong ngành công nghiệp tư nhân mới nổi của Triều Tiên ở trong một trạng thái pháp lý lấp lửng. Một nhà ngoại giao Nga giàu kinh nghiệm và các nhà quan sát lâu năm về Triều Tiên gần đây đã nói về tình trạng khó khăn của những người này: “Tầng lớp thương nhân mới nổi của Triều Tiên đang làm việc tốt, họ có một cuộc sống tốt đẹp và đang hưởng thụ nó. Vấn đề là, họ có khả năng bị bắt, bị xét xử theo pháp luật Triều Tiên”.
Hầu hết doanh nhân giàu có đều kiếm tiền với hình thức hợp tác chặt chẽ với nhà nước, dù thực tế là các doanh nghiệp của họ, nói đúng ra theo luật Triều Tiên là bất hợp pháp. Trong những năm gần đây, các công ty nhà nước thậm chí còn bắt đầu khai thác các nguồn lực tài chính của những người giàu có.
Ví dụ, một công ty ngoại thương của chính phủ có thể có độc quyền thu hoạch nấm thông trong một khu vực nhất định và sau đó xuất khẩu nấm sang Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay, công nhân chỉ đồng ý thu hoạch nấm cho một công ty như vậy nếu họ được trả bằng ngoại tệ đáng tin cậy như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hay USD. Vì công ty này không có đủ ngoại tệ nên phải kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân.
Do vậy, ranh giới giữa thành phần kinh tế nhà nước và tư nhân ngày càng trở lên mờ nhạt.
Tuy nhiên, tại sao các hoạt động kinh tế tư nhân phát triển lại không thể khiến toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên phát triển. Lý do chính được cho là do chính phủ và các quan chức Triều Tiên đã tìm mọi cách để cản trở sự tăng trưởng của thành phần kinh tế này. Họ cố ngăn chặn tầng lớp doanh nhân trở lên mạnh mẽ.
Thành phần kinh tế tư nhân không bao giờ được đề cập trong các phương tiện truyền thông của Triều Tiên. Nước này vẫn tuyên truyền rằng Triều Tiên đang ở thời kì giống như những năm 1980 khi tất cả thực phẩm đều được sản xuất bởi các nông trại do nhà nước quản lý và tất cả các mặt hàng tiêu dùng đều được sản xuất bởi các công ty quốc doanh và được phân phối dưới sự chỉ đạo của nhà nước.
Thực tế là: Nền kinh tế của Triều Tiên đang bị chi phối bởi một tầng lớp các doanh nhân và thị trường của họ bất chấp nỗ lực che đậy và cản trở của chính phủ Triều Tiên.