Kinh tế Trung Quốc nhận hàng loạt tin xấu
Sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ nước này tăng chậm, còn tỷ lệ thất nghiệp cũng lên cao.
heo số liệu Cục Thống kê Trung Quốc công bố hôm nay, sản lượng công nghiệp nước này chỉ tăng 5,3% trong 2 tháng đầu năm - thấp nhất trong 10 năm qua. Doanh số bán lẻ cũng tăng chậm nhất kể từ năm 2012. Còn tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 4,9% tháng 12 năm ngoái lên 5,3% trong tháng 2.
Thông tin này được công bố chỉ vài ngày sau khi Thủ tướng Trung Quốc - Lý Khắc Cường tuyên bố "ưu tiên việc làm" là mấu chốt chính sách kinh tế năm nay. Số liệu mới nhất này sẽ khiến giới chức càng phải tính toán có nên tung kích thích hay không, với quy mô bao nhiêu để vực dậy nền kinh tế lớn nhì thế giới.
"Tỷ lệ thất nghiệp tăng cho thấy sức ép từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lên lao động nước này", Tommy Xie - nhà kinh tế học tại OCBC cho biết, "Dù vậy, việc đầu tư vào tài sản cố định tăng tốc cho thấy chính sách tài khóa chủ động của Trung Quốc đang có tác dụng".
Đầu tư vào tài sản cố định tại đây tăng 6,1%. Đầu tư vào bất động sản cũng tăng 11,6% - cao nhất kể từ cuối năm 2014. Việc này sẽ đẩy cao nhu cầu tiêu dùng, Helen Qiao - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Bank of America nhận xét.
Trung Quốc gộp số liệu hai tháng đầu năm, để tránh sai lệch do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Trong thời gian này, các nhà máy và công ty nước này đều đóng cửa.
Giới chức Trung Quốc nhấn mạnh năm nay sẽ tập trung giảm thuế để kích thích kinh tế. Đầu tháng này, Trung Quốc công bố chính sách giảm thuế chưa từng có tiền lệ, với quy mô gần 2.000 tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc - Liu Kun cho biết con số thực tế có thể còn cao hơn.
Dù vậy, tăng trưởng nước này vài tháng tới có thể vẫn chịu áp lực, do xuất khẩu giảm và tâm lý doanh nghiệp yếu. Tình trạng này được dự báo còn kéo dài đến quý II, Louis Kuijs, kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Oxford Economics dự báo. Sau đó, kinh tế Trung Quốc sẽ được cải thiện nhờ các chính sách kích thích có tác dụng và căng thẳng thương mại với Mỹ được xoa dịu.