Trung Quốc dùng "Vành đai và Con đường" để lấy lòng Nepal

Theo Thái Duy/doanhnhansaigon.vn

Các dự án cao tốc, cầu đường và đập thủy điện đang đổ về khu vực hẻo lánh phía bắc của Nepal nhờ đầu tư từ Trung Quốc.

 Vùng đồi núi Mahabharat của Nepal. Nguồn: internet
Vùng đồi núi Mahabharat của Nepal. Nguồn: internet

Theo Nikkei Asian Review, khoảng 140 km về phía bắc thủ đô Kathmandu của Nepal, kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc đang triển khai hết tốc lực.

Các dự án hạ tầng từ kế hoạch này đang mọc lên như nấm tại gần biên giới Nepal và Tây Tạng, tại vùng Rasuwagadhi-Jilong. Để đổi lấy sự hỗ trợ ngoại giao này của Trung Quốc, lãnh sự quán Nepal tại thủ đô Lhasa của Tây Tạng, gần đây liên tục ủng hộ các yêu sách của Bắc Kinh đối với Tây Tạng và Đài Loan.

Theo Cục Thống kê Trung ương Nepal, tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người tại đây chỉ khoảng 1.000 USD, trong khoảng 2017-2018.

Một trận động đất năm 2015 đã làm sập trạm biên phòng cũ của Nepal tại Tatopani-Zhangmu, cũng như làm hư hại nặng tổ hợp thủy điện chưa hoàn thành Rasuwagadhi. Dự án thủy điện này được ngân hàng China Exim tài trợ và được xây dựng bởi công ty con của Three Gorges Corporation – cả hai đều là doanh nghiệp Trung Quốc.

Sau trận động đất, quân đội cường quốc châu Á trên dọn dẹp đường xá, tổ chức cứu hộ và di tản người sống sót của nước họ khỏi khu công nghiệp trên. Kể từ đó, sự có mặt của chính quyền Bắc Kinh tại khu vực này đã tăng lên, phần lớn dưới danh nghĩa của sáng kiến Vành đai và Con đường.

Dự án thủy điện cũ được khởi động lại vào năm 2016, mặc cho phàn nàn từ người dân địa phương, rằng phần lớn cá tại sông Trishuli gần đó đã chết. Hàng trăm hộ dân ở quận Rasuwa phải bán đất để mở đường cho các cơ sở thủy điện và dự trữ lương thực được xây dựng nhờ kế hoạch hỗ trợ phát triển của Trung Quốc.

Theo Nikkei, không hề thiếu những chỉ trích từ phía quốc tế nhằm vào quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Nepal.

Tổ chức phi chính phủ International Rivers của Mỹ, chuyên về các vấn đề môi trường và quyền con người, từng kêu gọi đánh giá lại rủi ro và lợi ích từ những dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc chống lưng tại quận Rasuwa.

Với hơn 6.000 dòng sông chảy qua, tiềm năng thủy điện được Nepal xem như nguồn tài nguyên xuất khẩu chủ lực, và nguồn thu hút đầu tư nước ngoài quan trọng. Hiệp hội Thủy điện Quốc tế  (IHA) đánh giá tổng công suất tại đây có thể đạt khoảng 84.000 mW về lý thuyết, so với mức công suất được khai thác 753 mW hiện tại.

Quốc gia này còn muốn tận dụng lợi tế địa chiến lược của mình như cửa ngõ để tiếp cận thị trường Ấn Độ, từ biên giới phía Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD vào các dự án hạ tầng tại Tây Tạng, trong đó bao gồm đường tàu cao tốc nối Bắc Kinh và Lhasa, được khánh thành vào năm 2006. Tháng 6/2018, Nepal và Trung Quốc khởi động lại một dự án nhằm nối dài tuyến đường sắt trên tới Jilong, dự tính hoàn thành vào năm 2020.

Đến năm 2027, dự án sẽ tiếp tục nối dài tới Kathmandu và đi qua Timure, kết thúc tại Lumbini, gần biên giới của Nepal và Ấn Độ.

Nepal và Trung Quốc cũng ký các thỏa thuận về thủy điện, nhà máy xi măng và kho thực phẩm nông nghiệp với tổng trị giá 2,4 tỷ USD vào tháng 6/2018. Theo Bộ Công nghiệp Nepal, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại đây liên tục đứng đầu trong suốt ba năm liên tục, tính tới tháng 7/2018. Đầu tư từ Trung Quốc chiếm 84% trong tổng số 515 triệu USD FDI mà Nepal nhận được.

Cả Mỹ và Ấn Độ đều lên tiếng cảnh báo Nepal về các khoản đầu tư và điều kiện tài chính béo bở mà Trung Quốc đưa ra. Giới phê bình cho rằng những động thái này là nhằm dẫn dụ các quốc gia đang phát triển vào bẫy nợ, cho phép Trung Quốc nắm quyền kiểm soát nhiều tài sản trọng yếu.