Kinh tế Trung Quốc: Tìm lại đòn bẩy tăng trưởng
Nền kinh tế thứ hai thế giới đang chứng kiến tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong gần ba thập kỷ và sức ép ngày càng gay gắt từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ hai Quốc hội Trung Quốc Khóa XIII khai mạc vào sáng 5/3 và sẽ kết thúc vào 15/3. Đại hội lần này quy tụ gần 3.000 đại biểu đến từ các tầng lớp khác nhau trong xã hội, thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi nó diễn ra vào năm Trung Quốc kỷ niệm 70 năm lập nước, nhưng cũng là thời điểm Bắc Kinh đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng thấy.
5 quyết sách quan trọng
Tại Lễ Khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thay mặt Quốc Vụ viện trình bày Báo cáo Công tác Chính phủ trong năm qua, nhấn mạnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chính đã được hoàn thành. Tuy nhiên, bản Báo cáo còn gây chú ý bởi 5 vấn đề nổi cộm.
Trong đó, viễn cảnh không chắc chắn đã khiến Bắc Kinh hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 từ 6,0 - 6,5%, tạo “độ trễ” cần thiết nhằm đối phó với những bất ổn. Bản Báo cáo cho thấy rõ, Bắc Kinh đang chuẩn bị cho một “cuộc chiến” trong năm 2019, khi các dự báo đều cho thấy những rủi ro sâu sắc và phức tạp hơn, song hành với những thách thức cả dự đoán được và không dự đoán được.
Năm nay, Bắc Kinh cũng đã tuyên bố cắt giảm 3 điểm phần trăm thuế VAT áp dụng cho các nhà sản xuất xuống còn 13%. Chính sách cắt giảm thuế đáng kể này là một phần của nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, nhất là ngành chế tạo, vốn đóng vai trò thiết yếu cho sự ổn định xã hội, cũng như tạo công ăn việc làm.
Vấn đề tiếp theo được Thủ tướng Lý đề cập là nỗ lực cải thiện các dịch vụ xã hội, nhất là chăm sóc sức khỏe và giáo dục vốn đều đang vấp phải làn sóng chỉ trích từ xã hội. Bắc Kinh khẳng định, đảm bảo các lợi ích cho người dân kể cả khi Chính phủ thắt chặt chi tiêu và đang đối mặt với các thách thức lớn.
Người ta cũng nói tới việc, Bắc Kinh đã chính thức khai tử kế hoạch “Made in China 2025” khi cụm từ này đã không xuất hiện trong báo cáo công tác chính phủ 2019. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là tham vọng của Bắc Kinh đối với việc củng cố ngành công nghiệp chế tạo đã hết. Bởi nếu “Made in China 2025” từng khiến cả Mỹ và châu Âu nghi ngờ, thì nay Thủ tướng Lý nói tránh rằng, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh quá trình “xây dựng một đất nước sản xuất hùng mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp cơ bản và tiến bộ công nghệ.” Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang nỗ lực hướng tới một luật đầu tư nước ngoài sửa đổi, tìm cách tăng cường bảo vệ tài sản trí tuệ và hạn chế chuyển giao công nghệ, dự kiến sẽ bỏ phiếu vào ngày cuối cùng của Đại hội.
Cuối cùng, chính sách cắt giảm thuế kèm theo tình hình kinh tế tăng trưởng giảm tốc và chi tiêu “khủng” cho xây dựng cơ sở hạ tầng, khiến “núi nợ’ của Trung Quốc ngày càng phình to. Đối phó với tình trạng này, năm 2019, Bắc Kinh sẽ cho phép các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu “có mục đích đặc biệt” trị giá tương đương 320 tỷ USD, song loại trái phiếu này lại không được tính là nợ chính phủ. Như vậy, giới chức địa phương sẽ tiếp tục được phép phát hành trái phiếu – một loại nợ mới, thay thế các hình thức nợ khác, để trả lãi những khoản nợ mà địa phương nợ trước đây.
Mạo hiểm hay thay đổi về chất
Trước thềm Kỳ họp, một lần nữa, các nhà đầu tư thế giới lo lắng cho “sức khỏe” của nền kinh tế Trung Quốc. Những lo lắng này không phải không có cơ sở, khi tốc độ tăng trưởng của nước này đã giảm xuống 6,6% - trong năm 2018. Người ta nói rằng, không cần đến cuộc chiến thương mại, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có dấu hiệu bước vào một cuộc khủng hoảng “mang màu sắc Trung Quốc”, không giống hầu hết các các cuộc khủng hoảng tài chính khác.
Thay vì sự sụp đổ hàng loạt như những quân cờ domino, phiên bản khủng hoảng Trung Quốc sẽ kéo dài, diễn ra chậm đến mức khó có thể nhận thấy. Thế nhưng, hệ quả sẽ tương tự - và thậm chí còn tồi tệ hơn tất cả các cuộc khủng hoảng từng từ trước đến nay.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết, tổng số nợ so với sản lượng quốc gia của Trung Quốc đã tăng từ mức 140% năm 2008 lên tới mức 253% vào giữa năm 2018. Trong khi đó, kể từ thập niên 90 đến nay, không nền kinh tế mới nổi nào trải qua một quá trình tăng nợ quá mức như vậy, mà lại thoát khỏi được một thảm họa tài chính.
Nhiều quan điểm cho rằng, Chính phủ Trung Quốc có rất nhiều đòn bẩy trong việc kiểm soát các ngân hàng, các tập đoàn lớn và dòng vốn và Bắc Kinh có thể ngăn chặn khủng hoảng theo cách mà một nền kinh tế tự do hơn không thể ngăn chặn. Mục tiêu này cũng đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh khi ông yêu cầu nền kinh tế Trung Quốc cần duy trì tăng trưởng ở mức ổn định, đồng nghĩa với việc áp dụng trở lại các biện pháp đòn bẩy kinh tế vốn đã ngừng thực hiện vào năm 2018.
Như vậy, Trung Quốc có thể đã quyết định áp dụng trở lại các biện pháp đòn bẩy tài chính nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nhưng câu hỏi được đặt ra là, nỗ lực của Trung Quốc có bao nhiêu phần thành công? Theo phân tích từ Bloomberg, sức chịu đựng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không còn nhiều dư địa, nếu không muốn nói là đã đến giới hạn.
Nhận định về các quyết sách mới, chuyên gia Nicholas Borst của Seafarer Capital Partners cho rằng, “Các nhà điều hành kinh tế Trung Quốc đang triển khai một quyết sách mạo hiểm thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng bằng cách gia tăng các khoản vay tín dụng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng từng xảy ra trong quá khứ”. Giải pháp thực sự duy nhất, là thay đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế, “cân bằng lại” - chuyển động lực tăng trưởng từ “đầu tư” sang “tiêu dùng”.
Theo chuyên gia Dinh Shuang của Standard Chartered Bank, cùng với việc điều đình với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, việc xác định người tiêu dùng Trung Quốc là động lực kinh tế quan trọng trong quyết sách mới là minh chứng cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc đang có sự thay đổi về chất, đặc biệt là thay đổi về mô hình sản xuất, giảm tải cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.