Kinh tế tuần hoàn và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam
Trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm (2021 - 2030), Việt Nam đã đề ra định hướng "xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường" và "khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất".
Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ "xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn". Dưới góc độ doanh nghiệp, nền kinh tế tuần hoàn còn mang lại cách nhìn mới mẻ về mối quan hệ giữa thị trường, khách hàng và tài nguyên thiên nhiên, từ đó góp phần thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo mới, các công nghệ đột phá giúp doanh nghiệp tăng trưởng cao hơn thông qua cắt giảm chi phí; Đồng thời, giúp giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải CO2; tăng cường chuỗi cung ứng và bảo tồn tài nguyên.
Nền kinh tế tuần hoàn là một phương thức kinh doanh khác biệt rõ rệt, buộc các doanh nghiệp phải xem xét lại các khâu trong sản xuất, kinh doanh, từ thiết kế và sản xuất sản phẩm đến mối quan hệ với khách hàng.
Ưu việt của kinh tế tuần hoàn là vừa giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vừa hướng đến nền kinh tế phi phát thải và bảo vệ môi trường, từ đó, giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tới môi trường.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai các mô hình kinh doanh hướng đến phát triển bền vững dưới sự hỗ trợ từ Chính phủ, hướng đến mục đích kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm thiểu nguyên vật liệu sản xuất có tác động tiêu cực tới môi trường; ứng dụng công nghệ phát triển các dịch vụ thân thiện với môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức được trách nhiệm xã hội và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của nền kinh tế, như các trường hợp của Công ty CP Sữa Vinamilk, Công ty Nestle Việt Nam, Công ty Coca Cola, Công ty Lagom Việt Nam, Công ty CP Hoá chất Đức Giang,..
Tuy nhiên, hiện nay khái niệm về kinh tế tuần hoàn còn khá mới mẻ với các doanh nghiệp, phần lớn việc áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn tại các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là do tự phát, khó khăn thách thức đối với phát triển các mô hình kinh doanh tuần hoàn vẫn xuất hiện ở hầu hết các khía cạnh của hoạt động kinh doanh, đó là nguồn lực, công nghệ, thị trường.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh doanh tuần hoàn tại Việt Nam chưa thống nhất.
Mặt khác, khung pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ; năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; văn hoá kinh doanh, thói quen tiêu dùng và nội dung chính sách pháp luật vẫn chủ yếu dựa trên triết lý kinh doanh tuyến tính truyền thống.
Việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi các doanh nghiệp đã hoạt động trước đây phải thiết kế lại hoạt động sản xuất kinh doanh của mình từ khâu đầu vào nguyên liệu, thay vì thải ra môi trường như trước đây, chất thải được thu hồi tái sử dụng, tái chế hoặc đầu vào cho hoạt động sản xuất khác, liên quan đến mặt bằng, công nghệ, kết nối với các doanh nghiệp trong một chu trình khép kín.
Những doanh nghiệp đầu tư mới theo mô hình kinh tế tuần hoàn khâu thiết kế ban đầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, cần có những chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên môn và thiết kế giỏi. Hiện nay chưa có đào tạo lĩnh vực thiết kế mô hình kinh tế tuần hoàn, đòi hỏi sự nỗ lực của doanh nghiệp.
Ngoài ra, về nguồn vốn đầu tư, công nghệ, con người cũng là trở ngại lớn cho doanh nghiệp muốn chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn hiện nay. Bởi việc chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải thiết kế lại, đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng kéo dài vòng đời sản phẩm, thu hồi chất thải…
Như vậy doanh nghiệp sẽ có những sự thay đổi và tìm kiến công nghệ mới phù hợp, hiệu quả. Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đủ năng lực về công nghệ về tái chế, tái sử dụng các sản phẩm đã qua sử dụng; khó thay đổi ngay thói quen sản xuất và tiêu dùng của toàn xã hội hiện nay đối với nhiều sản phẩm dễ sử dụng như túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần sang chỉ sử dụng những vật liệu, sản phẩm có thể tái chế, tái sử dụng hoàn toàn; các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ khó khăn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ.