Lạm phát có làm đảo chiều xu hướng thị trường chứng khoán?

Theo Minh Khuê/vnbusiness.vn

Áp lực lạm phát đang gây ra sự hoang mang cho thị trường chứng khoán Mỹ thông qua những biến động mạnh trên Phố Wall. Tại thị trường chứng khoán trong nước, dù những số liệu CPI vẫn khá bình ổn nhưng cũng khó tránh khỏi những lo âu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ mà Bộ Lao động nước này công bố vào hôm 12/5 rõ ràng đã gây nên một cơn chấn động trên thị trường tài chính.

Theo đó, CPI tháng 4 của Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2008, sau khi tăng 2,6% trong tháng 3. Nỗi lo lạm phát đã khiến chứng khoán Mỹ bán tháo 3 phiên liên tiếp từ phiên giao dịch ngày thứ Hai đến ngày thứ Tư của tuần trước, trong đó chỉ số Dow Jones giảm tổng cộng 3,4%; chỉ số S&P 500 trượt 4%; chỉ số Nasdaq sụt 5,2%.

Sự “dửng dưng” của Fed. Trong bối cảnh này, nhà đầu tư lo ngại việc giá hàng hóa nguyên liệu thô tăng sẽ làm suy giảm lợi nhuận. Ngoài ra, lạm phát giá tiêu dùng cao quá sẽ có thể khiến cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) buộc phải rút chính sách nới lỏng tiền tệ - chính sách vốn đã giúp cổ phiếu tăng điểm đáng kể trong thời gian qua.

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, ngoài nỗi lo về lạm phát của Mỹ còn là xu hướng tăng giá tiêu dùng trong nước trong những tháng còn lại của năm nay, khi Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit xác nhận việc các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu phải đẩy chi phí vào sản phẩm có thể ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Lạm phát đang gây ra sự hoang mang cho thị trường chứng khoán toàn cầu.  
Lạm phát đang gây ra sự hoang mang cho thị trường chứng khoán toàn cầu.  
 

Tuy nhiên, trong một chia sẻ mới đây, ông Huỳnh Minh Tuấn - Giám đốc môi giới hội sở Công ty chứng khoán Mirae Asset cho biết, Fed vẫn cho rằng lạm phát hiện tại chỉ là một lần, có nghĩa là sự gia tăng tạm thời và sẽ bình ổn trở lại, nên chưa có điều chỉnh gì về lãi suất hay lượng tiền bơm ra hàng tháng (120 tỷ USD), đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục mạnh vào hai phiên giao dịch cuối tuần trước.

Sự “dửng dưng” này của Fed bắt nguồn từ một chiến lược mang tên “Lạm phát trung bình mục tiêu” (AIT - Average Inflation Target), có nghĩa chấp nhận một mức lạm phát cao hơn lạm phát trung bình mục tiêu tại một số thời điểm nào đó trong chu kỳ thi hành chính sách, miễn là con số lạm phát trung bình của cả chu kỳ vẫn xoay quanh mức lạm phát trung bình mục tiêu đề ra.

Ông Tuấn lấy ví dụ, Fed bơm tiền từ đầu năm 2020 và lấy chu kỳ 5 năm cho sự phục hồi kinh tế. Trong 5 năm này, Fed đặt ra lạm phát trung bình mục tiêu của Mỹ là 2%. Vào quý I/2021, lạm phát đã lên đến 4,2%, tuy nhiên qua các quý sau và các năm sau nếu lạm phát giảm dẫn đến lạm phát trung bình của 5 năm này vẫn xoay quanh 2%, thì coi như họ đã đạt được mục tiêu về lạm phát trung bình.

Trong cuộc họp gần đây nhất diễn ra hồi tháng 4, Fed dự báo sẽ không tăng lãi suất trước cuối năm 2023. Điều này đồng nghĩa với việc Fed vẫn tiếp tục bơm tiền cho đến khi có những số liệu mang tính thật sự bền vững như tiêu dùng, sản xuất, việc làm,... tăng lên.

Độ “trơ” của chứng khoán Việt Nam. Theo ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược thị trường Công ty chứng khoán KB Việt Nam, lạm phát và tình hình dịch Covid-19 là 2 yếu tố rủi ro hàng đầu tác động đến xu hướng thị trường chứng khoán trong nước và trên thế giới trong bối cảnh hiện tại.

Các dự báo mới nhất của các tổ chức, trung tâm nghiên cứu hiện đều đang đồng thuận lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ chưa đáng lo ngại và nằm dưới mức mục tiêu 4% do Chính phủ đề ra. Điều này hoàn toàn tương đồng với mức biến động thấp của lạm phát trong 4 tháng đầu năm.

Các yếu tố hỗ trợ kiềm chế lạm phát trong năm nay có thể kể đến như nhu cầu tiêu thụ trong nước chưa phục hồi trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa hoàn toàn được kiểm soát; giá một số loại lương thực thực phẩm như thịt lợn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ CPI hạ nhiệt; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ tập trung vào các ưu đãi thuế, không làm cung tiền tăng đột biến như các nước khác; nền tảng vĩ mô, tỷ giá ổn định…

Dù giá nguyên vật liệu cơ bản (dầu, đồng, thép…) đã trải qua nhịp tăng mạnh và tiềm ẩn rủi ro gây ra lạm phát do chi phí đẩy, ông Đức Anh duy trì dự báo lạm phát Việt Nam trong năm nay sẽ nằm trong tầm kiểm soát và chưa phải là yếu tố làm đảo chiều xu hướng tăng của thị trường chứng khoán.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết, gần đây thị trường cho thấy những dấu hiệu về sự chảy ào ạt tiền vào các lĩnh vực như bất động sản hay chứng khoán. Tuy nhiên, bất động sản đang có nhiều rủi ro nên các cơ quan chức năng sẽ có những chính sách điều hướng dòng tiền phù hợp.

Hiện, tổng dư nợ của thị trường chứng khoán tính cả dòng tiền bơm từ ngân hàng là 110.000 tỷ- một con số quá nhỏ so với tổng dư nợ nền kinh tế là 9,4 triệu tỷ.

“Vậy nên sự định hướng có thể sẽ thiên về giúp phát triển hơn thị trường chứng khoán, tạo ra nền tảng cho tâm lý ổn định”, ông Tuấn chia sẻ.

Cũng theo ông Tuấn, trong thời gian gần đây, có thể những tín hiệu về lạm phát tại Mỹ đã khiến các nhà đầu tư bán ròng nhiều hơn, nhưng dòng tiền F0 đã hấp thụ rất tốt tạo ra tính “trơ” cho thị trường chứng khoán Việt Nam với những yếu tố biến động vĩ mô toàn cầu.

Do đó, “số liệu lạm phát tại Mỹ chưa ảnh hưởng nhiều đến thị trường Việt Nam, bởi cơ địa hoàn toàn khác biệt của chúng ta, bởi các chính sách điều hành kiên định của Chính phủ và khả năng kiểm soát lạm phát, cùng với đó là dòng tiền rất mạnh từ nhà đầu tư F0”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Ngô Quốc Hưng - Chuyên gia cao cấp Chiến lược thị trường MBS cũng cho rằng, ngay cả khi thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo vì câu chuyện lạm phát thì thị trường trong nước cũng không bị ảnh hưởng, sự trỗi dậy của dòng tiền nội tiếp tục là động lực đưa các chỉ số duy trì ở mức cao mới.