Ngân hàng “săn” công ty tài chính

Theo dantri.com.vn

(Tài chính) Xu hướng ngân hàng “săn” công ty tài chính ngày càng nở rộ, trong bối cảnh cuộc chạy đua giành thị phần bán lẻ ngày càng khốc liệt. Bên cạnh những dự án “chưa thể tiết lộ”, thị trường đã xuất hiện những “điểm đến”…

 Ngân hàng “săn” công ty tài chính
Xu hướng ngân hàng “săn” công ty tài chính ngày càng nở rộ. Nguồn: internet

Thời điểm vàng

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại Công ty TNHH một thành viên tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF).

Hiện hai bên đang tiến hành các bước tiếp theo để hoàn tất thương vụ. “Sau khi hoàn tất việc mua lại CMF, VPBank sẽ chuyển toàn bộ hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện nay sang công ty mới, đảm bảo việc vận hành chuyên nghiệp hơn, tiếp tục mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng,” đại diện Ban lãnh đạo Ngân hàng VPBank cho hay.

Được biết, việc mua lại CMF là một phần trong chiến lược bán lẻ của VPBank để hướng tới trở thành 1 trong 3 ngân hàng thương mại cổ phần bán lẻ hàng đầu vào năm 2017.

Như vậy, thương vụ VPBank mua lại CMF được đánh giá là sự tiếp nối xu hướng mua lại công ty tài chính vừa định hình trong hệ thống các ngân hàng thương mại.

Trước VPBank, Ngân hàng HDBank cũng đã mua trọn 100% vốn của Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), một trong những công ty tài chính nước ngoài lớn nhất Việt Nam thuộc tập đoàn tài chính Société Générale của Pháp.

Trước đó, tại đại hổi cổ đông Maritime Bank diễn ra vào tháng 4/2014, lãnh đạo ngân hàng này đã úp mở việc mua lại một công ty tài chính. Và đến thời điểm này, Maritime Bank đã trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty tài chính dệt may sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần của Vinatex tại công ty này (64,1%).

Hay như tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã trình cổ đông kế hoạch mua lại toàn bộ một công ty tài chính, tiếp sau kế hoạch sáp nhập thành công Ngân hàng Habubank. Theo đồn đoán trên thị trường, nhiều khả năng “điểm đến” mà SHB đang nhắm tới là Công ty tài chính Vietel - Vinaconex. Nếu thương vụ này được "chốt" thì trong năm nay, đã có thêm 3 công ty tài chính được ngân hàng mua lại, sau trường hợp tiên phong của HDBank năm 2013.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khi ngân hàng và công ty tài chính về “một nhà” thì cả hai bên sẽ cùng có lợi. Mua công ty tài chính là cách để một ngân hàng có thêm tiềm lực kinh tế và nâng cao thương hiệu; ngược lại, công ty tài chính nhờ vào ngân hàng cũng sẽ mạnh lên nhờ tiềm lực của ngân hàng.

Công ty tài chính dễ cho vay, ăn lãi khủng?

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng ngân hàng thâu tóm công ty tài chính đang được thúc đẩy.

Thứ nhất, các ngân hàng muốn phát triển cơ sở khách hàng và đẩy mạnh hoạt động bán lẻ thông qua thâu tóm công ty tài chính. Đối tượng cho vay của các công ty tài chính khá riêng biệt, phục vụ chủ yếu các khách hàng cá nhân nhỏ lẻ với các sản phẩm cho vay tiêu dùng. Đây là phân khúc mà các ngân hàng thương mại đang muốn đẩy mạnh và điều này có thể thực hiện được thông qua mua lại công ty tài chính.

Thêm nữa, Nghị định 39 của Chính phủ đã cho phép công ty tài chính được thực hiện các hoạt động ngân hàng về phát hành thẻ tín dụng, huy động vốn của các tổ chức, bảo lãnh, bao thanh toán. Theo đó, các ngân hàng có thể tận dụng kênh này để cung cấp các sản phẩm bán lẻ và tiện ích thanh toán.

Thứ hai, đây là thời điểm thích hợp cho các ngân hàng mua lại các công ty tài chính. Phía “cung” đang ở giai đoạn tăng khi các tập đoàn Nhà nước đang được yêu cầu gấp rút hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành, trong đó có phần đầu tư vào các công ty tài chính. Phía “cầu” cũng khởi sắc khi như phân tích ở trên, các ngân hàng có nhiều động lực để mua lại công ty tài chính nhằm phát triển bán lẻ và cho vay tiêu dùng.

Ngoài ra, theo đánh giá, việc ngân hàng “săn” mua lại công ty tài chính trong thời điểm hiện nay chính là nhờ vào lợi thế sẵn có của công ty tài chính như: dễ dàng cho vay những khoản cho vay nhỏ, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng mà không cần phải có tài sản thế chấp. Cách làm này phù hợp với người có thu nhập thấp, trung bình và là điều mà ngân hàng gần như không thể làm được.

Năm 2013, trong khi nhiều ngân hàng chật vật cho vay và tìm kiếm lợi nhuận ở mức chấp nhận được thì HDBank lại dễ dàng có được mức lợi nhuận 396 tỷ đồng trước thuế sau khi đã trích lập dự phòng; trong đó Công ty tài chính HDFinance (vốn là SGVF sau khi được HDBank mua lại đổi tên) đóng góp đến 79 tỷ đồng lợi nhuận.

Và có thể kể đến trường hợp của Công ty Tài chính PPF Việt Nam (Home Crédit). Với lãi suất vay tiêu dùng cao, lợi nhuận của Home Credit vượt trội nhiều ngân hàng với vốn góp chỉ 550 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2013 của Home Credit, đến hết năm 2013, công ty đạt hơn 1.800 tỷ đồng thu nhập lãi thuần từ cho vay, còn lợi nhuận thuần đạt 711 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 530 tỷ đồng, cao gấp 5 lần kết quả năm 2012.

Con số này khá ấn tượng khi so với kết quả chung của các ngân hàng thương mại trong nước. Lợi nhuận của PPF Việt Nam bỏ xa lợi nhuận của một số ngân hàng cỡ trung như: Maritime Bank, Đông Á hay Ocean Bank.

Công ty Tài chính PPF Việt Nam là một trong những công ty tài chính tiêu dùng hàng đầu Việt Nam với thương hiệu Home Credit. Khách hàng của công ty chủ yếu là những người mua xe, mua các thiết bị điện tử, điện máy… Trong năm 2013, nguồn thu từ hoạt động cho vay tăng hơn 820 tỷ so với năm 2012 nhưng chi phí lãi chỉ tăng chỉ tăng có 45 tỷ. Đây là một trong những nguyên nhân chính giúp lợi nhuận tăng trưởng…

Do thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp nên các công ty tài chính đã “hút” được một lượng khách hàng lớn. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đã phải “ôm quả đắng”. Bởi theo phản ánh, lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường rất cao, trung bình khoảng 35%/năm, có trường hợp đặc biệt lãi suất có thể lên tới 60%/năm, do không tính lãi suất giảm dần trong thời gian vay.