Kinh tế Việt Nam 2013 điểm nhấn và những điều chỉnh cần thiết

Ts. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Với các chính sách ổn định vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) từ phía Chính phủ và với những kinh nghiệm ứng phó khó khăn thời gian qua, hy vọng rằng nền kinh tế và nhiều DN Việt Nam sẽ có thêm động lực, sự tự tin, năng động thích ứng và tận dụng cơ hội để bước vào giai đoạn phát triển bền vững hơn…

Kinh tế Việt Nam 2013 điểm nhấn và những điều chỉnh cần thiết
Năm 2013 kinh tế Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ “bắt đáy” do chịu tác động của cuộc khủng hoảng muộn hơn và có một số khó khăn riêng, phức tạp hơn. Nguồn: internet

Điểm nhấn kinh tế thế giới 2013

Về tổng thể, năm 2013 là năm chạm đáy khó khăn chung của cả nền kinh tế thế giới. Các dự báo kinh tế của hầu hết các tổ chức và quốc gia vẫn thường xuyên bị điều chỉnh theo hướng giảm xuống, xu hướng cải thiện nhẹ về tăng trưởng kinh tế sẽ đậm dần ở hầu hết các khu vực, khối và quốc gia, nhất là Mỹ và Nhật, trước khi đạt mức bình thường trong giai đoạn 2014 - 2015 và tiếp theo. 

Khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu lên tới đỉnh điểm vào nửa cuối năm 2012, đầu năm 2013 và sẽ sáng sủa dần từ nửa cuối 2013 do tác động tích cực lan tỏa của các chính sách nới lỏng, kích thích kinh tế của các nước, nhưng với một số nước lại dường như xấu đi rõ rệt nếu không kịp thời tiến hành những giải pháp và phương án chủ động ứng phó hữu hiệu với nguy cơ này.

Trọng tâm ưu tiên kinh tế của thế giới năm 2013 vẫn là giải quyết cuộc khủng hoảng tại Eurozone, duy trì niềm tin vào đồng Euro, củng cố và khai thác tiềm năng đổi mới, phối hợp vượt qua  khủng hoảng của mỗi nước và trên toàn cầu. Đặc biệt, gói QE3 của FED đang có hiệu ứng tích cực kích thích sự phục hồi kinh tế Mỹ, từ đó có tác động tích cực tới kinh tế toàn cầu. Với mức tăng truởng cả  năm ước trên 2%, kinh tế Mỹ và Nhật Bản có nhiều kỳ vọng trở lại vị trí tạo nguồn động lực phát triển cho thế giới thay và bổ sung cho sự suy giảm ít nhiều vai trò này của các nước BRICs, kể cả Trung Quốc.

Đồng thời, APEC đã, đang và sẽ vẫn là khu vực kinh tế động lực ổn định của thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn phát triển khiến thị trường các quốc gia đều thu hẹp do người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, cũng như do sự gia tăng  hàng rào bảo hộ kỹ thuật, thì năm 2013 tiếp tục ghi nhận nhiều nỗ lực khởi động đàm phán thành lập các FTA ở khu vực châu Á -Thái Bình dương nhằm tăng cường quan hệ đối tác của một loạt nước; đáng chú ý là khả năng kết thúc đàm phán vào cuối tháng 10.2013 và triển vọng ký thỏa thuận thành lập Khu vực tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 12 nước, trong đó có Việt Nam.

Năm 2013 và thời gian tới sẽ chứng kiến sự gia tăng khá mạnh mẽ các hoạt động dịch chuyển các dòng vốn quốc tế cả trực tiếp và gián tiếp, trong đó có các hoạt động M&A quốc tế. Các quỹ đầu tư nước ngoài đang tích cực điều chỉnh định hướng đầu tư của mình theo hướng gia tăng nguồn vốn đổ vào các thị trường Đông Nam Á. Đầu tư vào các nước đang phát triển thông qua hình thức M&A giữa các tập đoàn kinh tế sẽ tăng thêm.

Ngay trong từng quốc gia, hoạt động M&A cũng gia tăng. Các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia (TNC) sẽ tăng thêm không chỉ về số lượng, mà cả về quy mô và tiếp tục chi phối các xu hướng kinh tế thế giới lớn. Các liên kết kinh tế song phương, khu vực và đa phương tiếp tục mở rộng, trở thành một trong những nhân tố chủ yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế và khu vực. Các vấn đề phát triển được giải quyết trên phạm vi toàn cầu, song lợi ích quốc gia đều được các nước coi trọng và đặt lên hàng đầu…

Điểm nhấn kinh tế và những điều chỉnh cần thiết

Năm 2013 kinh tế Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ “bắt đáy” do chịu tác động của cuộc khủng hoảng muộn hơn và có một số khó khăn riêng, phức tạp hơn. Về cơ bản, Việt Nam vẫn kiểm soát được lạm phát, ổn định vĩ mô,  duy trì động lực tăng trưởng ổn định và cải thiện khá rõ trong ngành công nghiệp. Điểm sáng nhất là khu vực kinh tế đối ngoại, bao gồm cả mức tăng trở lại và cơ cấu FDI thu hút, hoạt động công nghiệp và tăng trưởng xuất khẩu, ODA, kiều hối (đứng thứ 9 thế giới với khả năng tổng cộng 11 tỷ USD), khách du lịch quốc tế, cũng như hoạt động M&A…

Đặc biệt, thu hút FDI có khởi sắc, lần đầu tiên có sự đảo chiều kể từ 2008 đến nay, đến 20.9.2013 đạt 15.005,3 triệu USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn đăng ký của 872 dự án được cấp phép mới đạt 9.294,1 triệu USD, giảm 7,3% về số dự án và tăng 34,9% về số vốn; vốn đăng ký bổ sung của 340 lượt dự án là 5.711,2 triệu USD. Vốn FDI thực hiện ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2012. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 12.969,3 triệu USD, chiếm 86,4% tổng vốn đăng ký; ngành kinh doanh bất động sản đạt 588,1 triệu USD, chiếm 3,9%. Khu vực FDI tiếp tục đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 9 tháng  năm 2013 của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng tới 12,4 tỉ USD (đóng góp hơn 95% kim ngạch tăng thêm). Song, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2013 của khu vực này cũng tăng tới 24,8% cao hơn so với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu chung (15,5%) của cả nước.

Năm 2013, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể nhờ Việt Nam mạnh dạn điều chỉnh giảm thuế, áp lại trần lãi suất cho vay tín dụng ngân hàng thương mại, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp, tiếp cận tín dụng cho DN. Trong báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Toàn cầu (Global Competitiveness Index - GCI) vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, Việt Nam xếp vị trí thứ 70/148 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 5 hạng so với năm ngoái, với tiến bộ rõ về môi trường kinh tế vĩ mô (hạng 87, tăng 19 bậc); cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng, dù còn ở mức thấp (hạng 82, tăng 13 bậc); tiến bộ về hiệu quả thị trường hàng hóa (hạng 74, tăng 17 bậc). Theo WEF, nền móng của nền kinh tế Việt Nam còn yếu, trong đó Việt Nam bị tụt hạng ở một số yếu tố đánh giá như hiệu quả thị trường lao động, phát triển thị trường tài chính, mức độ sẵn sàng công nghệ…

Đồng thời, Việt Nam đang đứng trước áp lực đầu tư xã hội tăng chậm, mất cân đối ngân sách nhà nước gia tăng và nhu cầu bảo đảm an sinh xã hội lớn. Nhập siêu được cải thiện nhờ giảm nhập khẩu và tăng xuất khẩu, chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, nhưng nhiều mặt hàng xuất chủ lực gặp khó khăn. Lạm phát tăng nhanh vào cuối năm. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính trong 9 tháng chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 31,2% GDP. Tổng dư nợ tín dụng ngân hàng cũng chỉ tăng khoảng 6%. Đặc biệt, vốn của các DN đăng ký mới giảm tới 21,6% dù so với cùng kỳ năm 2012 số DN đăng ký thành lập mới tăng 10,8%. Thị trườâng chứáng khoán tiếp tục trì trệ, 2 công ty chứáng khoán đầu tiên đã bị khai tử và một số tự dừng hay chuyển hoạt động khác. Nợ xấu ngân hàng còn khoảng gần 6%, giảm chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại giãn nợ và chưa đánh giá, phân loại nợ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tiếp tục đối diện với những nút thắt về nợ xấu, tháo gỡ khó khăn cho DN, cải cách doanh nghiệp nhà nước, quản lý đầu tư công và nợ công, hâm nóng trở lại thị truờng bất động sản, trong khi nhu cầu về nguồn lực để đáp ứng các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp thiết về quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... ngày càng nhiều và cấp thiết.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ kế hoạch năm 2013, các ngành, các cấp và địa phương đã và đang tiếp tục tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trong Nghị quyết 01, Nghị quyết số 02; đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 – 2020 (ban hành theo Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19.2.2013 được Thủ tướng ký phê duyệt và Chỉ thị 09/CT-TTg ngày 24.5.2013 của Thủ tướng về tăng cường chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013; quán triệt và bước đầu triển khai Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô bảo đảm phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa các bộ, cơ quan liên quan trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô…

Tình trạng hiện nay của nền kinh tế một phần cũng do các chính sách vẫn loay hoay với mục tiêu ngắn hạn mà thiếu một chiến lược dài hạn. Hiện nay, Việt Nam vẫn còn can thiệp vào nền kinh tế bằng khá nhiều biện pháp hành chính, được thể hiện qua một số điểm: Thứ nhất, một số chính sách thay đổi đột ngột, tạo rủi ro chính sách cao. Chính sách quản lý hoạt động kinh doanh vàng là một biểu hiện rất rõ. Thứ hai, sự bất cập của chính sách quản lý giá một số mặt hàng và dịch vụ còn do Nhà nước quản lý... Thứ ba, “lạm phát” về luật “dưới chuẩn”, chất lượng thấp, thậm chí chưa ban hành đã lạc hậu; nhưng lại “thiểu phát” về các văn bản dưới luật, hướng dẫn thực hiện luật, nên luật không phát huy tác dụng và dẫn tới tình trạng lạm dụng các biện pháp điều hành bằng hành chính.

Việc lạm dụng điều hành nền kinh tế bằng nhiều giải pháp hành chính kéo dài sẽ gây ra sự thay đổi đột ngột về môi trường pháp lý, bất cập với xu hướng và yêu cầu hội nhập thể chế và phát triển kinh tế thị trường, khiến kinh tế vĩ mô dễ bị tổn thương, các DN gặp nhiều khó khăn, không dám đầu tư dài hạn, đặc biệt niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế cũng bị giảm sút. Yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư đòi hỏi đột phá mạnh hơn nữa về hoàn thiện thể chế, kiện toàn bộ máy quản lý, căn cứ vào công việc để bố trí nhân lực trình độ và chất lượng cao, phát triển chính phủ điện tử; công khai hóa các quy định và tăng trách nhiệm, chế tài cá nhân để tránh sự nhũng nhiễu của các cán bộ thừa hành trong cơ quan Nhà nước.

Điều đáng mừng là Việt Nam đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế tư nhân, kể cả kinh doanh xuyên quốc gia; khu vực tư nhân ngày càng là động lực và ưu tiên chủ yếu của phát triển kinh tế; được tạo mọi điều kiện về vốn, hạ tầng, nhân lực và thể chế cần thiết... Thực tế cho thấy, cần có nhiều đột phá hơn nữa để tạo môi trường hoạt động cho DN; đặc biệt là về cơ chế, luật pháp giúp cho DN nâng cao được năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Với các chính sách ổn định vĩ mô, hỗ trợ DN từ phía Chính phủ và với những kinh nghiệm ứng phó khó khăn thời gian qua, hy vọng rằng nền kinh tế và nhiều DN Việt Nam sẽ có thêm động lực, sự tự tin, năng động thích ứng và tận dụng cơ hội để bước vào giai đoạn phát triển bền vững hơn…