Kinh tế Việt Nam có tận dụng được cơ hội 2 năm?

Theo Vietstock

Thời gian hồi phục của kinh tế Hoa Kỳ tất yếu sẽ kéo theo ánh sáng cuối đường hầm cho nhiều nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng nếu không tự giải quyết những vấn nạn kinh niên như nợ xấu, hàng tồn kho và nạn suy thoái sức mua, Việt Nam sẽ không thể nào tận dụng được cơ hội mà xu thế chung mang lại.

Kinh tế Việt Nam có tận dụng được cơ hội 2 năm?
Chỉ cần lệch về một bên là toàn bộ nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái mất thăng bằng. Nguồn: Internet

Lạc quan hơn

Nouriel Roubini lại một lần nữa xuất hiện trên diễn đàn phỏng vấn của hãng truyền thông CNBC. Nhưng vào lần này, người được xem là “chuyên gia tận thế” lại đưa ra một cái nhìn khá tươi hồng về nền kinh tế Mỹ và thị trường chứng khoán.

“Thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục tăng điểm trong hai năm tới, cho đến khi khoảng cách giàu nghèo giữa phố Wall và phố Chính lên đến đỉnh điểm” - người đoạt giải Nobel kinh tế chia sẻ với CNBC.

Nếu đúng như dự báo của Roubini, nền kinh tế của những quốc gia đang chìm trong suy thoái như Việt Nam sẽ có ít ra một cơ hội nào đó để phục hồi.

Nhưng tất nhiên chỉ là phục hồi trong ngắn hạn.

Đó cũng là câu hỏi đánh đố đối với các thị trường đầu cơ hạng nặng ở Việt Nam như chứng khoán và bất động sản.

Một điều khá ngạc nhiên là từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam lại được xếp vào nhóm quốc gia của chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Tất nhiên khi nói về độ tăng mạnh này, người ta kể đến chỉ số VNI chứ không phải HNX.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, đã có một hiệu ứng đồng pha nào đó giữa VNI và Dow Jones của Mỹ.

Vào đầu tháng 5/2013, thị trường chứng khoán Mỹ đã được giới chuyên gia đánh giá là chính thức trở thành “con bò”, khi chỉ số Dow Jones vượt qua ngưỡng 15.000 điểm, còn chỉ số S&P 500 cũng chinh phục ngưỡng 1.600 điểm.

Đó là một điều kỳ diệu mà vào cuối năm 2011, ít ai có thể tin được, khi thị trường tưởng như còn nằm trong giai đoạn “con gấu”.

Cách đây không quá lâu, cả hai chỉ số chứng khoán chủ chốt trên đều chinh phục được đỉnh lịch sử của chúng lập vào tháng 10/2007. Riêng chỉ số Nasdaq còn làm hơn thế nhiều khi đã vượt mốc kỷ lục 2007 từ hàng năm nay.

Ngay cả Roubini, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng với cái nhìn bi quan về thị trường và nền kinh tế, cũng đã phải lắng tiếng trong thời gian qua trước nhiều cố gắng của đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ.

Khoảng cách

Lần đầu tiên kể từ thời điểm nhậm chức tổng thống thứ 44 của Mỹ, Obama đã kéo được tỷ lệ thất nghiệp về mức thấp kỷ lục trong thời buổi  khủng hoảng như hiện thời: 7,5%. Con số này tuy không là gì nếu so với mức độ ổn định thất nghiệp 4-5% dưới thời tổng thống dân chủ Bill Clinton, nhưng thật có ý nghĩa nếu đối chiếu với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt đến gần 10% vào thời của tổng thống cộng hòa George Bush.

GDP của nước Mỹ cũng làm nên một cú biến đổi ngoạn mục khi tăng trên 3%, thay cho những dự đoán bi quan chỉ hơn 1% hay chưa đầy 2% trước đó. Tình hình này, khách quan mà xét, có thể xem là một thành công lớn trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang hành hạ các nền kinh tế Sip, Hy Lạp và cả Ý, Tây Ban Nha và Pháp.

Bối cảnh kỳ diệu như thế diễn ra cùng với một hiện tượng đặc biệt không kém: bất chấp sự đe dọa từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ về việc chấm dứt Chương trình nới lỏng định lượng, các thị trường chỉ chao đảo không đáng kể. Ngược lại, mặt bằng cổ phiếu tiếp tục tăng tiến.

Điều đặc biệt hơn là thị trường cổ phiếu lại tăng tiến trong thời điểm tháng Năm của “Sell in May and go away” (bán tháng Năm rồi đi chơi) mà giới kinh doanh tài chính phương Tây đã tổng kết và vẫn thường lo sợ.

Theo nhận định của Roubini, mặc dù thị trường đang lo lắng Cục dự trữ liên bang sẽ thu hẹp chương trình kích thích kinh tế, điều này sẽ không xảy ra sớm và do đó thị trường sẽ tăng điểm trong thời gian tới. Nhà đầu tư quá hấp tấp khi lo lắng về khả năng này trong khi thị trường lại quá phụ thuộc vào chương trình mua 85 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng của FED.

Rõ ràng, đã không xảy ra một trận bán tháo dữ dội nào như một số đại gia chứng khoán, trong đó có cả tỷ phú Warrent Buffet lo ngại. Không những thế, lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ đã chính thức bước sang một trang mới, khi kỷ lục của nó là cao nhất tính từ năm 1929 đến nay.

Điều từng được ví là “Vách đá tài chính” cũng vì thế đã tạm lùi về phía sau. Chủ đề nâng trần nợ công hay còn gọi là “sự vỡ nợ của nước Mỹ” đã không còn được nhiều người nhắc đến.

Chỉ có điều, Roubini không quên cảnh báo “Nền kinh tế còn quá yếu ớt và thị trường chứng khoán không muốn bước vào đợt điều chỉnh”. Rõ ràng ông đang muốn nói đến một khoảng cách đặc biệt giữa giá trị thực của nền kinh tế với đà tăng tiến quá nhanh của chứng khoán.

Đi dây

Khoảng cách trên cũng có thể đang hiện ra ở Việt Nam, giữa chỉ số chứng khoán đã tăng đến gần 40% từ đầu năm 2013 đến nay với nền kinh tế còn đang trong quá trình dò đáy.

Dù Quỹ tiền tệ quốc tế vừa có đánh giá về khả năng kinh tế Việt Nam đã thoát đáy từ quý I/2013 và một số chuyên gia trong nước cũng lạc quan như thế, nhưng tất cả vẫn còn ở phía trước.

Thời gian hồi phục của kinh tế Hoa Kỳ tất yếu sẽ kéo theo ánh sáng cuối đường hầm cho nhiều nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam. Nhưng nếu không tự giải quyết những vấn nạn kinh niên như nợ xấu, hàng tồn kho và nạn suy thoái sức mua, Việt Nam sẽ không thể nào tận dụng được cơ hội mà xu thế chung mang lại.

Cứ cho là thời điểm giữa năm nay là cận biên của đáy kinh tế và từ đó các chỉ số công nghiệp, xuất khẩu và nhìn toàn cục là GDP sẽ tăng lại, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thời gian để phục hồi có thể đến cuối năm 2014. Tuy nhiên, gia tốc phục hồi còn phụ thuộc rất lớn vào những chính sách điều hành tài chính và tín dụng của Ngân hàng nhà nước và những cơ quan liên quan.

Bài toán đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam giờ đây không phải là bung tiền để kích thích kinh tế như những gói QE của Mỹ. Hơn nữa, so với năm 2007 và 2009, hiện nay tiềm lực tài chính và ngân sách của kinh tế Việt Nam đã yếu hơn hẳn. Do vậy, việc chọn lựa phương án tối ưu giữa cơ chế bung tiền với chủ trương kềm giữ lạm phát vẫn là một thế đi dây nhạy cảm.

Trong tình thế đó, người đi dây chỉ cần lệch về một bên là toàn bộ nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái mất thăng bằng.