Kinh tế Việt Nam: Nhận diện thâm hụt thương mại
(Tài chính) Trong 2 thập niên qua, Việt Nam đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. Tuy nhiên, bên cạnh tăng trưởng cao, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với thâm hụt thương mại kéo dài và có xu hướng ngày càng tăng. Nếu không có giải pháp đúng đắn hóa giải, tất yếu sẽ tiếp tục dẫn đến sự bất ổn kinh tế tầm vĩ mô.
Ai xuất siêu, ai nhập siêu?
Nhìn vào số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ 2000-2013 cho thấy thâm hụt thương mại đỉnh điểm vào năm 2008 (hơn 18 tỷ USD), sau đó giảm liên tiếp và đến năm 2012-2013, thặng dư thương mại trở thành dương, tương ứng 749 triệu USD và 863 triệu USD.
Điều này thực ra không hoàn toàn tốt, đặc biệt nhìn vào cấu trúc về sở hữu của xuất nhập khẩu. Nếu năm 2000 tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chiếm 53% tổng giá trị xuất khẩu, đến năm 2013 chỉ còn 33%, trong khi tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 47% lên 67%. Thực tế này phần nào phản ánh nền sản xuất trong nước đang dịch chuyển sở hữu một cách mạnh mẽ. Riêng khu vực FDI, do không chịu ảnh hưởng của cơ chế, đang nhanh chóng chiếm lĩnh “trận địa”.
Năm 2012 thặng dư thương mại 749 triệu USD và luồng tiền chi trả sở hữu thuần (chi trả sở hữu - thu nhập sở hữu) ra nước ngoài 6,9 tỷ USD. Đến năm 2013 ước tính các con số này tăng lên tương ứng 864 triệu USD và 8 tỷ USD.
Ngoài ra cần lưu ý, tuy 2 năm 2012 và 2013 xét về tổng quát thặng dư thương mại về hàng hóa dương nhưng xét về từng khu vực sở hữu, khu vực kinh tế trong nước luôn nhập siêu. Năm 2000 khu vực kinh tế trong nước nhập siêu khoảng 3 tỷ USD, năm 2013 tăng lên 13 tỷ USD, tăng 362%, trong khi khu vực FDI có thặng dư thương mại luôn luôn dương.
Khi khu vực FDI lấn lướt khu vực kinh tế trong nước, mặt trái của nó không chỉ là sự chuyển giá mà còn là chuyển đổi sở hữu giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI. Nhìn trong ngắn hạn, dường như thặng dư thương mại dương và GDP tăng trưởng do khu vực FDI đóng góp là điều tốt, nhưng về dài hạn sẽ ra sao khi nền sản xuất trong nước bị nước ngoài khống chế.
Năm 2000 thặng dư thương mại khu vực FDI 2,4 tỷ USD và đến năm 2013 thặng dư xấp xỉ 14 tỷ USD, tăng 568%. Đó là chưa kể khu vực kinh tế trong nước cơ bản là kinh tế gia công và xuất khẩu về bản chất là xuất khẩu hộ khu vực có vốn nước ngoài và nước khác.
Thực tế trên cho thấy không thể vì lợi ích nhỏ trước mắt mà không nghĩ đến thiệt hại về lâu dài do đẩy nền kinh tế vào tay nhà đầu tư nước ngoài. Việc nới room cho doanh nghiệp FDI cần tính toán rõ ràng và kỹ lưỡng. Ngoài ra để tạo đà cho doanh nghiệp trong nước xác lập lại địa vị của mình, việc tái cấu trúc nền kinh tế, thể chế và thay đổi thái độ ứng xử của chính sách đối với doanh nghiệp trong nước (đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp có hàm lượng sáng tạo) cần phải được thực hiện quyết liệt.
Có vị “tư lệnh” một ngành đã phát biểu trên truyền hình trong mục “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”, đại ý “không nên chê trách FDI mà cần công bằng với khu vực này...”. Đó dường như một sự ngược đời! Bởi lẽ điều cần được cư xử công bằng chính là khu vực kinh tế tư nhân, khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế nhưng luôn bị lép vế từ chính sách đến thái độ của các cơ quan công quyền.
Trong khi đó khu vực FDI được ưu đãi đủ thứ, từ chính sách đất đai, thuế đến thái độ của chính quyền. Khi hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu luôn thấp và ngày càng thấp, các chính sách ưu đãi xuất khẩu dường như đã góp phần nới rộng thêm khoảng cách về sự phân biệt giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước.
Những con số nhảy múa
Sự lấn lướt của khu vực FDI đối với khu vực kinh tế trong nước rất rõ ràng và sự tái cấu trúc về mặt sở hữu đang diễn ra mạnh mẽ đối với nền kinh tế Việt Nam. Vấn đề ở đây không phải là cấm đoán hoặc có biện pháp gì đó với khu vực này, mà cần tạo điều kiện, tạo cơ chế thuận lợi để kinh tế trong nước, đặc biệt kinh tế tư nhân cùng phát triển bình đẳng với khu vực FDI.
Tuy nhiên điều ngạc nhiên nữa khi nhìn vào tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI so với GDP trong Niên giám Thống kê, cho thấy tỷ trọng này thay đổi không đáng kể. Theo đó, năm 2006 tỷ trọng này 16% GDP và năm 2012 là 18% GDP. Nếu loại trừ yếu tố giá, tỷ trọng giá trị gia tăng của khu vực FDI so với GDP suốt từ năm 2007 đến năm 2012 vẫn loanh quanh 17%. Vậy một câu hỏi đặt ra, GDP khu vực FDI tạo ra chạy đi đâu? Hoặc số liệu này có phản ánh đúng thực trạng của tình hình kinh tế đất nước?
Số liệu thống kê ngày nay thường mang lại nhiều rủi ro cho các kết quả nghiên cứu kinh tế. Chẳng hạn, từ khoảng nửa đầu năm 2013 trở về trước, các nghiên cứu, chính sách của Quốc hội và Chính phủ như tỷ lệ nợ công/GDP, tỷ lệ bội chi/GDP... đều dựa trên các số liệu trong Niên giám Thống kê 2011.
Nhưng tất cả các chính sách và nghiên cứu trở nên lạc hậu kể từ cuối năm 2013 đến nay khi cuốn Niên giám 2012 ra đời, khi GDP từ năm 2009 bất ngờ được tính tăng lên, đặc biệt nhóm ngành hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm mỗi năm được tính tăng lên đều đặn so với số cũ 309%.
Phải chăng khi tính thêm cho ngành kinh doanh bất động sản ở phía cung nhưng lại “quên” tính thêm cho tiêu dùng ở phía cầu? Song nếu giữa tổng mức bán lẻ và tiêu dùng cuối cùng có tỷ lệ như trước đây (khoảng 75-80%) có thể suy giảm về cầu tiêu dùng cực kỳ mạnh mẽ và GDP cũng không thể là số như đã công bố?
Khuyến khích đầu tư chệch hướng
Thông qua nghiên cứu cho thấy tình trạng nhập siêu kinh niên do sự không hiệu quả và chỉ phát triển về số lượng nhưng mang nặng tính gia công của nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo gây ra. Điều này có thể dẫn đến nhận định nếu vẫn phát triển công nghiệp chế tạo như 10 năm qua, tình trạng nhập siêu không thể chấm dứt.
Xuất khẩu của nhóm ngành này thực chất là xuất khẩu hộ nước khác và càng xuất càng phải nhập. Nghiên cứu cũng cho rằng trong suốt 10 năm qua, nền kinh tế Việt Nam không có bất kỳ chỉ số kích thích của lĩnh vực dịch vụ nào lớn hơn chỉ số trung bình của nền kinh tế, không có sự thay đổi và/hoặc không tương ứng với đóng góp vào GDP. Bên cạnh đó, những năm gần đây hiệu quả sản xuất thấp, tạo được ít giá trị gia tăng và tỷ lệ giá trị tăng thêm trên giá trị sản xuất liên tục giảm qua các năm do đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu.
Vấn đề gây nhức nhối là hiệu quả đầu tư của Việt Nam đang ở mức thấp và các chính sách nhà nước khuyến khích các ngành kinh tế phát triển đang đi chệch hướng. Chính điều này đã gây nên những bất ổn vĩ mô như tình trạng lạm phát và nợ nước ngoài thời gian qua.
Do đó, điều cần làm hiện nay là tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng đầu tư có hiệu quả hơn. Trong đó, việc định hướng lại cơ cấu đầu tư là rất cần thiết để đưa vốn vào các ngành có độ lan tỏa kinh tế cao (chỉ số lan tỏa kinh tế lớn hơn 1) và ít kích thích nhập khẩu (chỉ số kích thích nhập khẩu nhỏ hơn 1).
Nguyên nhân chính của tình trạng nhập siêu không phải do nhu cầu tiêu dùng cuối cùng, bởi nhu cầu tiêu dùng cuối cùng hàng nhập khẩu chiếm chưa tới 10% trong tổng số nhập khẩu. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này do nền công nghiệp chế biến chế tạo ngày càng yếu kém, năng suất thấp, công nghệ lạc hậu và liên tục gia tăng đầu vào trung gian trên mỗi sản phầm đầu ra trong nền kinh tế.
Các ngành sản xuất tại Việt Nam được công nhận là "nhà máy của thế giới", nghe thì oai nhưng càng phát triển khu vực này càng làm tăng mức độ nhập khẩu. Vì thế các sản phẩm có thương hiệu "sản xuất tại Việt Nam" và thậm chí được bán tại thị trường trong nước, nhưng trong thực tế, tất cả bộ phận của sản phẩm là nhập khẩu, một loại nhập khẩu trá hình.
Để đạt được tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm 50% trong GDP và chỉ số lan tỏa lớn hơn 1 cần thiết phải giảm đầu tư trong các lĩnh vực sản xuất. Điều này có thể bị sốc với nhiều người, tuy nhiên, đó là một thực tế phải chấp nhận!
Kết quả từ nghiên cứu cũng khuyến cáo các ngành công nghiệp chế biến chế tạo không phải là lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Nói theo cách khác, nhóm ngành I (nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản) là lĩnh vực quan trọng nhất, không nên bị thu hẹp.
Nhóm ngành này đóng vai trò quan trọng như một điểm tựa cho các lĩnh vực khác phát triển. Các sản phẩm của khu vực này được sử dụng như là đầu vào cho các lĩnh vực nhóm II và quan trọng hơn, nhằm mục đích đảm bảo an ninh lương thực, ổn định cuộc sống cho 2/3 người dân Việt.