Kinh tế Việt Nam: Sau cơn mưa trời lại sáng

Theo Ngô Hải/thitruongtaichinhtiente.vn

Dù triển vọng tăng trưởng còn nhiều khó khăn, tuy nhiên trong báo cáo vừa công bố, HSBC vẫn lạc quan về khả năng phục hồi của Việt Nam, với dự báo tăng trưởng đạt 6,1% cho năm 2021.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong báo cáo định kỳ Vietnam At A Glance mang tên “Thách thức vẫn còn đó: Sau cơn mưa trời lại sáng” vừa công bố, các chuyên gia của HSBC cho rằng, do hiệu ứng cơ sở thấp, tăng trưởng GDP đạt mức 6,6% phần nào che mờ những thách thức Việt Nam đang đối mặt: Đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ tư đang gây ra những tác động nặng nề nhất từ đầu mùa dịch tới nay. Trong đó, ngành dịch vụ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, nhất là trong bối cảnh các ngành liên quan đến du lịch vẫn tiếp tục ảm đạm. Các chỉ số vĩ mô đang cho thấy điểm yếu trong tương lai gần khi chỉ số PMI chạm mức thấp nhất trong vòng một năm.

Lợi thế trong nghịch cảnh

Trong bối cảnh nhiều thách thức do COVID-19, HSBC vẫn lạc quan về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam. Vẫn còn đó nhiều yếu tố tích cực thuận lợi như tăng trưởng vốn FDI và việc mở rộng phát triển công nghệ toàn cầu.

Dù còn đi sau nhiều nước về triển khai tiêm vắc-xin, Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy đặt mua vắc-xin. Dựa trên nhiều thông tin công khai, HSBC ước tính, tới cuối năm 2021, Việt Nam sẽ nhận được 62 triệu liều, đủ để tiêm phòng cho khoảng 30% dân số.

“GDP quý II/2021 của Việt Nam tăng mạnh lên 6,6% so với cùng kỳ năm trước, đúng như dự báo của chúng tôi nhưng vẫn chưa đạt kỳ vọng của thị trường (HSBC: 6,7%; Bloomberg: 7,2%). Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng này cao phần lớn là do kết quả cùng kỳ năm trước rất thấp”, báo cáo của HSBC viết.

Thực tế, các chỉ số kinh tế chi tiết phản ánh cụ thể những thách thức Việt Nam gặp phải trong bối cảnh diễn ra đợt bùng dịch nặng nề nhất từ trước tới giờ. Tổng ca nhiễm COVID-19 vượt qua mốc 20.000 ca theo thống kê mới nhất, 85% trong đó xuất hiện trong vòng hai tháng gần đây. Số ca mắc mới mỗi ngày vẫn tăng đều. Với diễn biến này, HSBC dự báo: “Nền kinh tế sẽ còn chững lại ít nhất tới quý III/2021”.

Quan sát ban đầu cho thấy, ngành dịch vụ rõ ràng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đóng góp của ngành này cho tăng trưởng kinh tế giảm từ 45% trước đại dịch xuống còn khoảng 20% trong quý 2/2021. Các ngành liên quan đến du lịch, đặc biệt là vận tải và lưu trú, tiếp tục tình trạng ảm đạm. Ngành hàng không đã bị ảnh hưởng rõ rệt với số lượng chuyến bay ở sân bay Hà Nội giảm 50% từ quý I/2021. Đồng thời, ngành dịch vụ ăn uống cũng bị thu hẹp, nguyên nhân chủ yếu là do lệnh cấm bán hàng ăn uống tại chỗ tại các thành phố lớn.

Trong khi đó, nhu cầu trong nước bắt đầu có dấu hiệu trồi sụt. Mặc dù không có dữ liệu về tiêu dùng cá nhân trong quý nhưng báo cáo của HSBC cho biết, có thể xem xét doanh số của ngành bán lẻ để tham chiếu. Trong quý II/2021, ngành bán lẻ tăng trưởng tích cực ở mức 3,4%, tuy nhiên, nếu xét kỹ thì tăng trưởng của ngành đạt mức thấp nhất kể từ sau đợt giãn cách toàn xã hội trong quý II/2020.

Thực tế, kể từ đợt bùng dịch COVID-19 thứ tư, số liệu tháng 5&6/2021 cho thấy tăng trưởng bán lẻ giảm liên tiếp hai tháng so với cùng kỳ năm trước. Dữ liệu này phản ánh mức độ ảnh hưởng của đợt bùng dịch lần thứ tư nghiêm trọng hơn nhiều so với hai đợt trước. Nói chung, khả năng đi lại của người dân ở Việt Nam đã giảm mạnh tương đương 30% so với trước đại dịch, mức giảm cao thứ hai so với các nước ASEAN.

Ngoài ra, đợt bùng dịch này khiến điểm yếu của thị trường lao động càng trầm trọng thêm. Theo đánh giá chung, tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 2,4% trong quý I/2021 lên 2,6% trong quý II/2021, với tổng số lượng việc làm giảm 65.000 so với quý trước, hoặc thấp hơn 9% so với trước đại dịch. HSBC cho biết, khác với các nước phát triển đã áp dụng giải pháp trợ cấp tiền mặt trực tiếp cho hộ gia đình, những nước đang phát triển như Việt Nam có khả năng phải chờ một thời gian khá dài mới chứng kiến tiêu dùng trong nước tăng rõ rệt cho đến khi thị trường việc làm phục hồi hoàn toàn và bền vững.

Trong bối cảnh cầu trong nước đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, thì hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục bền vững đáng ngạc nhiên trong quý II/2021. Xuất khẩu tăng 33% trong quý II/2021 so với cùng kỳ năm trước, một phần là nhờ hiệu ứng cơ sở thuận lợi. Đáng lưu ý, Việt Nam vẫn hưởng lợi từ nhu cầu tăng cao đối với sản phẩm liên quan đến dịch bệnh, bao gồm điện tử và máy móc. Thêm vào đó, ngành sản xuất truyền thống giúp tăng trưởng xuất khẩu ổn định nhờ nhu cầu toàn cầu được cải thiện và lượng tiền lớn người tiêu dùng các nước phương Tây nhận được.

Kim ngạch nhập khẩu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại lớn trong quý II/2021 tương đương 4,3 tỷ USD. HSBC cho rằng, thâm hụt cán cân thương mại lớn không nhất thiết là dấu hiệu suy giảm vị thế thương mại. Trong khi Việt Nam vươn mình trở thành một đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới, hoạt động sản xuất trong nước đương nhiên đòi hỏi một khối lượng nhập khẩu lớn. Khi phần lớn hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian dùng trong sản xuất để xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu ổn định báo hiệu một chu kỳ xuất khẩu mạnh mẽ ổn định.

Mặc dù “bức tranh” xuất nhập khẩu khá tươi sáng, các chỉ số dự báo vẫn chỉ ra những nguy cơ ngắn hạn của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Chỉ số PMI tháng 6 lao dốc xuống 44,1 chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm, với các chỉ số trọng yếu cùng giảm mạnh. Nói chung, các khu công nghiệp lớn đều bị ảnh hưởng và tác động lên sản xuất sẽ còn tiếp tục gia tăng khi tâm dịch giờ đây chính là TP. Hồ Chí Minh - trung tâm thương mại của cả nước.

Việt Nam vẫn có thể tiếp tục là điểm sáng trong khu vực

“Bất kể những thách thức trước mắt do đại dịch COVID-19, chúng tôi tin rằng triển vọng phục hồi của Việt Nam vẫn tươi sáng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có những dấu hiệu cải thiện tích cực”, báo cáo của HSBC nhấn mạnh.

Để minh chứng cho dự báo trên, HSBC đưa ra một số ví dụ như: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ số phản ánh mức độ tin tưởng dài hạn của nhà đầu tư, đã vượt qua những thách thức gần đây. Vốn FDI đăng ký cấp mới tăng 13% trong nửa đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước (Biểu đồ 9), trong khi vốn FDI giải ngân tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, Việt Nam vẫn đang ưu tiên kiểm soát đại dịch càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo lấy lại đà tăng trưởng.

“Chúng tôi đã giảm dự báo tăng trưởng cả năm 2021 từ 6,6% xuống còn 6,1% (báo cáo Asian Economics Quarterly: Back in the game, 29/06). Tuy nhiên, thay đổi này chỉ đơn thuần phản ánh tác động của đợt bùng dịch mới nhất và Việt Nam vẫn có thể tiếp tục là điểm sáng trong khu vực sau khi lấy lại tiến độ phục hồi bền vững. Mức tăng trưởng này hoàn toàn nằm trong giới hạn mục tiêu phấn đấu chính phủ đề ra là từ 6 - 6,5%, vừa được kiến nghị giữ nguyên”, các chuyên gia của HSBC nhấn mạnh.

Ngoài nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, báo cáo của HSBC cũng nhấn mạnh một ưu tiên quan trọng khác Việt Nam cần làm là tăng tốc mua vắc-xin và triển khai tiêm phòng cho người dân. Dù đi sau các nước trong khu vực về chích ngừa (chỉ khoảng 3% dân số đã được tiêm phòng ít nhất một mũi) nhưng các cơ quan chức năng đã có những nỗ lực lớn trong triển khai tiêm phòng gần đây.

Dự kiến, Việt Nam sẽ nhận 1 triệu liều vắc-xin AstraZeneca mỗi tuần kể từ tháng 7 (theo CNA, ngày 22/6), và 31 triệu liều BioNTech-Pfizer trong 6 tháng cuối năm 2021. Như vậy, tính đến cuối năm nay, Việt Nam sẽ nhận được 62,4 triệu liều, đủ để tiêm phòng cho 30% dân số.

Cuối cùng, về lạm phát. Lạm phát toàn phần tăng 2,4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm trước, góp phần đẩy tỷ lệ lạm phát quý II/2021 tăng bình quân 2,7%. Trong bối cảnh thị trường lao động còn yếu, HSBC không kỳ vọng tình trạng này có thể tác động tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo đó, kỳ vọng lạm phát trung bình năm 2021 đạt mức 2,8%, khá thấp so với mức lạm phát trần 4%. Điều này cho phép NHNN có thể linh hoạt trong vận dụng chính sách tiền tệ thích ứng nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Đánh giá về năm 2022. HSBC cho rằng, Việt Nam vốn đã có thể lấy lại tiến độ để bình thường hóa chính sách sớm, tuy nhiên, những hạn chế gần đây đã làm chậm quá trình phục hồi và đồng thời trì hoãn điều chỉnh lãi suất. “Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh lãi suất 50 điểm cơ sở trong quý IV/2022, từ đó tăng lãi suất tái cấp vốn lên 4,5% vào cuối năm 2022”.