Kinh tế Việt Nam vì đâu nên nỗi?

Huỳnh Thế Du

(Tài chính) Sau 5 năm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và gần 7 năm kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng khá bi đát. Có ý kiến đánh giá Việt Nam đã không may vì phải chịu tác động của khủng hoảng toàn cầu...

Tuy nhiên, người viết cho rằng những rắc rối hiện nay của Việt Nam chủ yếu là do những vấn đề nội tại chứ không phải tác động từ bên ngoài.

Một trong những vấn đề chính là khu vực trong nước đã từ bỏ việc tận dụng lợi thế, tập trung cho sản xuất kinh doanh sang đầu cơ tài sản trong bối cảnh “căn bệnh Hà Lan” đã làm tổn hại nghiêm trọng sức cạnh tranh của khu vực sản xuất.

Kỳ vọng quá mức và thay đổi hành vi

Trước khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã đạt được những sự cải thiện đáng kể, nhất là sau khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA) được ký kết và có hiệu lực từ năm 2001.

Những lợi thế đã được phát huy, xuất khẩu gia tăng mạnh, nhất là những mặt hàng liên quan đến nông nghiệp và thủy sản hoặc thâm dụng lao động như da giày và dệt may.

Nhiều doanh nghiệp, nhất là khu vực dân doanh sau sự cởi mở của Luật Doanh nghiệp năm 2000, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ thực cho xã hội đã ăn nên làm ra với suất sinh lợi khá cao (vài chục phần trăm). Đây chính là nền tảng tạo ra mức tăng trưởng kinh tế 7-8% cho Việt Nam.

Khi gia nhập WTO, hầu hết người dân Việt Nam cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng các cơ hội sẽ được hiện thực hóa và Việt Nam sẽ có được tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan hơn. Những khoản tiết kiệm trong nước được mang ra cùng với một dòng vốn khổng lồ chảy vào Việt Nam đón đầu cơ hội.

Chỉ trong mấy tháng, chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng gần bốn lần và trong vòng hơn một năm, giá bất động sản cũng có mức tăng tương tự. Điều này có nghĩa rằng, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ “nở ra” nhanh chóng, trong một tương lai thấy trước.

Giá như các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội mở cửa, tiếp tục tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm thì kỳ vọng sẽ thành hiện thực. Kinh tế sẽ tăng trưởng cao hơn và giá trị chứng khoán và bất động sản tăng chóng mặt nêu trên sẽ trở nên hợp lý sau một thời gian.

Tuy nhiên, điều không may là hành vi của các doanh nghiệp và nhà đầu tư đã thay đổi. Nếu tiếp tục tập trung vào hoạt động kinh doanh hiện tại thì suất sinh lợi chỉ là hàng chục phần trăm, trong khi đầu tư vào các tài sản (cổ phiếu và bất động sản) thì con số có thể là hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phần trăm. Một số người, trên thực tế, đã có được mức sinh lợi này.

Khó có ai có thể cưỡng lại cám dỗ. Giá cổ phiếu và bất động sản tăng là thật, và lãi là thật. Thay vì tiếp tục tập trung các các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội, nhiều người đã “nhảy” vào chứng khoán và bất động sản, mà nói chính xác là đi đầu cơ tài sản.

Sự chuyển hướng đồng loạt đã tạo ra cầu đột biến cả về hàng hóa và nguồn nhân lực trong khu vực tài sản. Việc kiếm tiền quá dễ dàng làm cho việc trả lương và chi tiêu trở nên hào phóng hơn.

Từ những mức lương không đến nỗi nào trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh trước đây, nhiều người đã có được những mức lương hay thu nhập chỉ nằm mơ mới thấy.

Lúc này mọi người chỉ tập trung vào việc mua mua - bán bán, chứ không còn “chí thú làm ăn” như trước đây. Những cơ hội đã không được tận dụng, trong khi rắc rối ngày một nhiều hơn và để lại hậu quả ngày hôm nay.

Thêm dầu vào lửa

Sau khi gia nhập WTO, kinh tế Việt Nam đã bị nhiễm “căn bệnh Hà Lan” (Dutch Disease) mà nó được hiểu là dòng vốn lớn chảy vào làm đồng tiền trong nước lên giá dẫn đến hàng hóa sản xuất trong nước trở nên đắt đỏ hơn so với hàng hóa của các nước khác. Hậu quả là khu vực sản xuất trong nước trở nên kém cạnh tranh hơn.   

Nghiêm trọng ở chỗ là sự bất hợp lý trong các chính sách vĩ mô trong thời gian qua đã làm cho căn bệnh này trở nên trầm trọng hơn.

Đầu tiên phải kể đến sự bị động trong việc ứng phó với dòng vốn khổng lồ từ bên ngoài đổ vào Việt Nam trong năm 2007. Lúc bấy giờ, dường như Ngân hàng Nhà nước chỉ chú trọng làm một việc duy nhất là tung tiền đồng ra để mua USD mà “quên” mất các giải pháp trung hòa. Hậu quả là nền kinh tế bị “ngập lụt” tiền đồng. Lạm phát bắt đầu phi mã từ cuối năm 2007 và chạm mốc gần 30% vào cuối quý I/2008.

Việc thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn. Lấy lý do ứng phó với khủng hoảng tài chính thế giới và suy giảm sản xuất kinh doanh trong nước, chính sách tiền tệ đã tiếp tục được nới lỏng.  

Việc “cố gắng” ổn định tỷ giá trong bối cảnh lạm phát cao như cú đánh kép vào khu vực sản xuất trong nước. Trong gian đoạn 2006-2012, mức giá chung của cả nền kinh tế Việt Nam đã tăng gấp đôi, tỷ giá tiền đồng so với USD chỉ tăng 30% đã làm cho các sản phẩm nhập vào Việt Nam (máy tính, điện thoại của Apple chẳng hạn) rẻ hơn, trong khi gạo hay các sản phẩm khác của ta đắt đỏ hơn.

Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi mà rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam gặp khốn khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh buộc phải đóng cửa hay phá sản trong thời gian gần đây, cho dù họ không hề có những hoạt động đầu cơ tài sản.

Hơn thế, việc cho phép sở hữu các ngân hàng quá dễ dàng và thất thoát trong đầu tư và chi tiêu công do tham nhũng đã làm tăng tính “liều mạng” đầu cơ vào các tài sản. Ước muốn và khả năng giàu nhanh chóng mà không phải làm gì đã “thực tế hơn” đối với nhiều người.

Hậu quả là nhiều người trở nên “lười hơn”, chỉ muốn “ngồi mát ăn bát vàng”, chứ không còn chí thú làm ăn như trước. Hơn thế, "căn bệnh Hà Lan" đã làm cho sản xuất trong nước kém cạnh tranh hơn nên có muốn thì cũng khó mà mở rộng hoạt động.

Một nghiên cứu gần đây của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright chỉ ra rằng, ba trong bốn động cơ của cỗ máy tăng trưởng Việt Nam gồm: khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế dân doanh và khu vực nông nghiệp đang gặp trục trặc. Chỉ có một ngoại lệ là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn đang ăn nên làm ra, do họ đã tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế Việt Nam và miễn nhiễm được với những tác động tiêu cực.

Do vậy, nếu bỏ khu vực FDI sang một bên và chỉ phân tích ba khu vực còn lại thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bi đát hơn nhiều, mà nguyên nhân chủ yếu là do ta chứ không phải do tác động từ bên ngoài.

Tiến thoái lưỡng nan

Trước khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã chí thú làm ăn, tận dụng được lợi thế của Việt Nam để tập trung vào các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra của cải cho xã hội. Kết quả là các doanh nghiệp ăn nên làm ra, tăng trưởng kinh tế cao và tạo tâm lý lạc quan, hồ hởi cho toàn xã hội.

Ngược lại, sau khi gia nhập WTO, nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã quay sang đầu cơ tài sản, bỏ bê các hoạt động sản xuất kinh doanh chính, dẫn đến thua lỗ và nợ xấu tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu buông các hoạt động đầu cơ để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi (ví dụ dịch vụ taxi chẳng hạn) thì sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội. Tuy nhiên, khi đó phần mất từ hoạt động đầu cơ sẽ cao hơn rất nhiều phần được từ hoạt động kinh doanh, và chủ doanh nghiệp có khả năng sẽ trắng tay.

Do vậy, hành vi hợp lý của nhiều doanh nghiệp là tiếp tục tập trung nguồn lực để duy trì các hoạt động có tính đầu cơ với hy vọng thị trường tài sản sẽ “nóng” trong tương lai để không chỉ tránh được tán gia bại sản mà còn có cơ hội làm giàu trở lại. Lúc này, nợ xấu ở các ngân hàng khó mà giải quyết và nguồn lực không được dành cho hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự. Hậu quả là kinh tế Việt Nam tiếp tục khó khăn.

Hơn thế, còn một vấn đề rắc rối nữa là không đơn giản để một số người đã quen với mức thu nhập cao chuyển sang từ bỏ những hoạt động đầu cơ tài sản để quay lại các hoạt động sản xuất kinh doanh, với mức thu nhập thấp hơn nhiều. Một người đã khẳng định được tên tuổi trong ngành tài chính cho rằng có khi Việt Nam phải mất cả một thế hệ doanh nhân nữa may ra mới làm lại được.

Trong hoàn cảnh hiện nay, nếu tiếp tục bơm tiền thì nhiều người vẫn có cơ hội níu kéo các hoạt động đầu cơ đang thua lỗ và “mặc kệ” các hoạt động kinh doanh chính yếu có hiệu quả của mình.

Do vậy, thắt chặt tín dụng để buộc các doanh nghiệp phải cơ cấu lại có lẽ là giải pháp. Những người kinh doanh bất cẩn sẽ phải trắng tay, để những người có khả năng hơn tiếp quản và sử dụng các nguồn lực của xã hội hiệu quả hơn - đây chính là triết lý cơ bản của phá sản, hay sự phá hủy sáng tạo. Đương nhiên, đây chỉ là giải pháp cho vấn đề này và Việt Nam cần tiến hành ngay một sự cải cách sâu rộng, toàn diện và thực chất.