Kịp thời gỡ khó trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu
“Hiện nay, toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty gần như ngưng trệ, chỉ có một số cửa hàng bán lẻ, cửa hàng của công ty tại trung tâm TP. Cà Mau do thực hiện “3 tại chỗ” nên vẫn hoạt động; còn việc phân phối hàng về các huyện thì ngưng hoàn toàn, do nhân viên của công ty không được cấp giấy đi đường. Tuy nhiên, đã có 2 cửa hàng bán lẻ cũng phải đóng cửa do có liên quan đến ca bệnh”, bà Trần Thị Trúc Linh, Trưởng phòng Kinh doanh, CTCP Thương nghiệp Cà Mau chia sẻ, sau khi tỉnh Cà Mau thực hiện trở lại Chỉ thị 16 trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá cũng là phản ảnh của nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá thiết yếu khác.
Ghi nhận tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trong tỉnh, do người dân hạn chế ra đường theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cộng với việc phát phiếu đi chợ “3 ngày đi 1 lần”, nên sức mua giảm gần 50% trên hệ thống Bách Hóa Xanh toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Sony - Phụ trách kinh doanh hệ thống cửa hàng Bách Hóa Xanh tại tỉnh Cà Mau (thuộc CTCP Thương mại Bách Hoá Xanh) cho biết: “Trước đây, chúng tôi chủ động thực hiện triển khai dự án giao hàng online, tiếp cận gần 7.000 khách hàng qua tài khoản Zaloshop của Bách Hóa Xanh trong tỉnh, nhưng hiện tại vướng ở khâu giao hàng”.
Theo ông Nguyễn Hữu Sony thì trước đó doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với huyên, thành phố để xin cấp giấy đi đường giao hàng, nhưng hiện tại có nhiều văn bản nên UBND các huyện, thành phố không biết thực hiện như thế nào để cấp giấy, vì thế đơn vị gặp khó khăn ở khâu giao hàng. Hiện chỉ có vài siêu giao hàng nhưng cũng chỉ giao được trong địa bàn khóm nơi siêu thị hoạt động.
Ông Nguyễn Hữu Sony cũng phản ảnh: “Hàng hóa từ ngoài tỉnh vận chuyển đến hệ thống Bách Hóa Xanh trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Do tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn biến phức tạp, các chỉ đạo ở từng huyện không đồng nhất. Chẳng hạn như Đầm Dơi quản lý theo cách này, Cái Nước thì quản lý theo cách khác,… dẫn đến vận chuyển hàng hóa quá khó khăn”.
Ông Nguyễn Hữu Sony dẫn chứng, tại huyện Đầm Dơi, Bách Hóa Xanh có 3 cửa hàng nhưng 3 ngày qua hàng hóa không vào được siêu thị, do vướng tại các chốt kiểm dịch của huyện. Cũng cùng 1 chốt, nhưng ca trực buổi sáng thì cho xe chở hàng đi qua, còn ca trực buổi chiều thì không cho. Theo chỉ đạo của huyện Đầm Dơi thì tất cả các xe chở hàng vào huyện được tập kết tại bến xe thị trấn Đầm Dơi, nhưng các cửa hàng Bách Hóa Xanh trên địa bàn huyện nằm xa nhau (ở thị trấn Đầm Dơi và 2 xã Quách Phẩm, Tân Tiến) nên việc vận chuyển rất khó khăn và phát sinh thêm nhiều chi phí.
“Do đó, Bách Hóa xanh đã đề xuất và được huyện đồng ý phương án cho đơn vị vận chuyển hàng vào siêu thị từ 22 giờ ngày hôm trước đến 4 giờ sáng ngày hôm sau. Thế nhưng, khi đơn vị vận chuyển hàng theo phương án này thì cũng vẫn không vào được, lúc này hàng hóa tươi sẽ bị hư hỏng nên buộc phải bỏ, mà còn tốn chi phí vận chuyển. Đã qua, Bách Hóa Xanh có rất nhiều chuyến hàng hóa tươi sống phải bỏ vì không vận chuyển vào được siêu thị.
Ngoài ra, việc đi lại làm việc của nhân viên Bách Hóa Xanh cũng gặp khó khăn do nhà ở của nhân viên thuộc địa bàn huyện khác với nơi hoạt động của siêu thị. Như tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh huyện Cái Nước, có nhiều nhân viên nhà tại huyện Đầm Dơi”, ông Nguyễn Hữu Sony nói.
Đối với Siêu thị Co.opmart Cà Mau thì lượng hàng dự trữ hiện nay tồn quá nhiều. Giám đốc Siêu thị Co.op mart Cà Mau Lê Văn Khoa cho biết sức mua giảm mạnh, siêu thị vắng khách. Tuy có nhiều khách hàng đặt mua online, nhưng mới đây có công văn chỉ đạo của UBND tỉnh không được giao hàng nên hiện nay lượng hàng hóa tồn nhiều, siêu thị đang có kế hoạch để chuyển hàng hóa sang địa phương khác.
Tình trạng này tại Bách Hóa Xanh, ông Nguyễn Hữu Sony cho biết, hiện nguồn hàng dự trữ không còn đảm bảo. Do đặc thù của Bách Hóa Xanh là vận hành hàng hóa tươi sống nên hàng về mỗi ngày, nếu địa bàn nào chốt không cho xe vào thì siêu thị địa bàn đó không có mặt hàng tươi sống để bán và chuyến hàng đó bị hư hỏng nên phải bỏ. Hiện lượng hàng hóa khô tại chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh chỉ còn khoảng 60% số lượng hàng, còn lượng hàng hóa tươi chưa đến 50%.
Vấn đề này được Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, ông Dương Vũ Nam cho biết: “Sở đã tiếp nhận những phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp trong khâu vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa thiết yếu và cũng đã có báo cáo đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử để sớm có giải pháp tháo gỡ. Và ngay sau đó UBND tỉnh đã ban hành công văn chỉ đạo việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý hoạt động di chuyển của người và phương tiện”.
Cụ thể, tại Công văn số 2848/UBND-KT được ký vào chiều ngày 26/8, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Đối với việc đi lại của nhân viên hành chính làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (nhà máy sản xuất công nghiệp; các chi nhánh giao dịch ngân hàng;...), thì doanh nghiệp sắp xếp cho từ 70% trở lên số nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà; tối đa 30% số nhân viên được đến cơ quan làm việc (chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp có khu hành chính tách biệt với khu sản xuất của công nhân). Trường hợp doanh nghiệp không có khu hành chính tách biệt với khu sản xuất, phải thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”.
Theo đó, trong số 30% nhân viên đến cơ quan làm việc, doanh nghiệp lập danh sách những người có nhiệm vụ bắt buộc phải đi ra đường (như nhân viên đi giao dịch với ngân hàng, nhân viên đi thu mẫu, xét nghiệm mẫu nông sản; nhân viên đi chợ mua thực phẩm nấu ăn cho công nhân...; ghi rõ lý do ra đường cụ thể của từng người), gửi đến UBND cấp xã nơi có trụ sở của doanh nghiệp để xem xét, cấp giấy đi đường.
Theo công văn, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND cấp xã cấp giấy đi đường cho tất cả nhân viên của doanh nghiệp có trụ sở trên địa bàn, kể cả nhân viên có nơi cư trú ngoài địa bàn cấp huyện; giấy đi đường phải xác định phạm vi, cung đường và thời gian hoạt động cụ thể. Sau khi cấp giấy đi đường cho nhân viên cư trú ngoài địa bàn cấp huyện, phải thông báo cho địa phương có liên quan biết ngay sau khi cấp để phối hợp quản lý.
Các ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã kịp thời ghi nhận phản ảnh và đã nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho các đơn vị mua bán hàng hóa thiết yếu giao hàng đến người dân, nhằm đảm bảo lưu thông hàng hoá thông suốt, đáp ứng nhu cầu về hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân trong thời gian thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh “ai ở đâu ở yên đó” để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19.