Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật
Theo chương trình dự kiến, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết; xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác.
Chiều 20/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Thông tin tại Họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 03 nghị quyết quy phạm pháp luật, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật, bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Cùng với các nội dung trên, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác như: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn…
Phát biểu tại Họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay, số lượng luật, nghị quyết của công tác lập pháp tại Kỳ họp thứ 8 là lớn nhất từ trước đến nay. Dự kiến, tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành họp cả ngày thứ Bảy.
Kỳ họp này cũng sẽ có nhiều điểm đổi mới, trong đó sẽ thống nhất giảm thời gian đọc các báo cáo và dành thêm thời gian để Quốc hội thảo luận. Đồng thời, Quốc hội cũng tăng thảo luận ở tổ. Từ các ý kiến tại phiên họp tổ, cơ quan thẩm tra, soạn thảo tiếp thu giải trình và các đại biểu sẽ không nêu lại những nội dung đã được tiếp thu giải trình tại phiên thảo luận tại hội trường.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, với tính chất quan trọng của Kỳ họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc.
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay của Quốc hội nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước và bảo đảm đời sống của Nhân dân.