Kỳ vọng gói cấp bù lãi suất 2% sớm đi vào thực tiễn

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Doanh nghiệp và cả phía ngân hàng đều kỳ vọng gói cấp bù lãi suất 2% sớm có cơ chế cụ thể để dễ đi vào thực tiễn, bởi chẳng có ngân hàng nào dám cho vay nếu không có hướng dẫn rõ ràng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mới đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã có kiến nghị tới Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với NHNN để triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo triển khai sớm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

Gói hỗ trợ lãi suất dự kiến triển khai trong năm 2022 và 2023 với mức hỗ trợ lãi suất 2% một năm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, theo nghị quyết của Quốc hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ. Ngoài ra, NHNN cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo sớm tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, tạo điều kiện cho các ngân hàng này tăng cường năng lực tài chính, phát huy vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các chính sách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng lớn của Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Lê Thị Thương, đại diện công ty Cổ phần Đào tạo Du lịch Việt Nam bày tỏ, tín hiệu khởi sắc đối với ngành du lịch đã khá rõ nét kể từ dịp Tết Nguyên Đán, các gia đình đặt tour đi du lịch Tết rất nhiều và các nhóm cũng quan tâm đến đặt tour trong nước cho các tháng sau Tết vì sợ giá vé may bay và khách sạn có thể tăng khi kinh tế trên đà phục hồi. Tuy nhiên, do suốt hai năm qua bị dịch Covid-19 hoành hành làm kiệt sức các doanh nghiệp du lịch lữ hành, nên lần quay trở lại này có nhiều vấn đề còn lúng túng, như bố trí nhân sự, kết nối liên thông các dịch vụ, vốn mồi để chuẩn bị lượng hàng hoá dồi dào cho khách hàng. Chắc chắn việc vay tiền ngân hàng là rất khó, câu hỏi cho người đi vay vẫn là có tài sản bảo đảm không, doanh thu ba năm gần đây thế nào...?

“Vì vậy, gói hỗ trợ 2% lãi suất trị giá 40.000 tỷ đồng nằm trong chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế rất được chúng tôi hoan nghênh, nhưng cũng nửa mừng nửa lo. Mừng là có nguồn vốn giá rẻ, mang lại hy vọng cho doanh nghiệp, nhưng lo là cơ chế, thủ tục tiếp cận có khắt khe hay không, đòi hỏi những gì để doanh nghiệp lượng sức.

Còn nếu ngành ngân hàng vẫn giữ quan điểm chỉ cho vay với những công ty có tài sản thế chấp, làm ăn hiệu quả thì các đơn vị kinh doanh lữ hành, du lịch chẳng thể nào tiếp cận gói hỗ trợ này được. Để gói hỗ trợ 2% lãi suất đi vào thực tế thì cần có quy định chi tiết, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng. Chẳng hạn, nếu chúng tôi không có gì để cầm cố, thì cần có chính sách riêng như dựa vào báo cáo thuế, số lượng nhân sự, có bao nhiêu hợp đồng trong thời gian tới, giá trị hợp đồng ra sao để cho vay”, bà Thương chia sẻ.

Thực tế, đã có nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại về gói hỗ trợ lãi suất này không thực sự hiệu quả, vì theo các chuyên gia, doanh nghiệp hiện đang cần “tiền tươi thóc thật”, cần được “bơm máu” trực tiếp để nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn về dòng tiền. Còn việc cấp bù lãi suất không dễ như kỳ vọng vì công tác triển khai khá khó khăn cho các ngân hàng thương mại về cả thủ tục, những phát sinh về sau, chưa kể câu chuyện về tính minh bạch, công bằng, rủi ro nợ xấu,...

Một lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, thực chất, quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp chính là sự cộng sinh, đôi khi không thể một lúc mà cứu được tất cả, giống như người ốm, có người nặng, người nhẹ, người không qua khỏi. Cho nên, với những khách hàng không có tiềm năng trả nợ, phương án kinh doanh không khả thi thì sẽ rất khó áp dụng gói cấp bù lãi suất. “Đặc biệt, nếu thiếu cơ chế rõ ràng, cụ thể thì dù gói hỗ trợ có hấp dẫn đến đâu đi chăng nữa cũng không dễ đi vào thực tiễn, chẳng có ngân hàng nào dám cho vay nếu không có hướng dẫn rõ ràng”.

Để đảm bảo tính công khai minh bạch, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia đã đề xuất, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng doanh nghiệp nào được cấp bù lãi suất, bởi Bộ Tài chính rất hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp thông qua tình hình nộp thuế, giúp ngân hàng yên tâm cho vay và tránh nguy cơ cho vay "sân sau".

Trong thời gian qua, áp lực về lạm phát, nợ xấu có phần đè nặng lên nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Do đó, để ổn định được tài chính và vấn đề nợ xấu, NHNN cũng đồng thời kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội gia hạn thời gian áp dụng nghị quyết 42 để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025, song song với việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng một luật về xử lý nợ xấu của nền kinh tế. Ngoài ra, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro kỳ hạn thanh khoản trong trung hạn.

Tại buổi tới tới thăm, động viên đội ngũ cán bộ, người lao động NHNN và ngành ngân hàng đầu xuân Nhâm Dần, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu "NHNN tập trung giải quyết một số vấn đề như kiểm soát nợ xấu, áp lực lạm phát, kiểm soát dòng tiền vào các lĩnh vực. Đồng thời, làm tốt công tác nghiên cứu chiến lược, dự báo, phân tích, bám sát tình hình, có giải pháp phù hợp, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa nhằm góp phần giúp nền kinh tế phục hồi nhanh, phát triển bền vững”.