Lại lộ lỗ hổng từ chỉ định thầu
Từ vụ khám xét công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường ở Hà Nội lại lộ ra chuyện được chỉ định thầu nhiều gói thầu dịch vụ công với những dấu hỏi về chất lượng, tính minh bạch. Lỗ hổng trong chỉ định thầu ở nhiều trường hợp đòi hỏi các cơ quan quản lý nên tìm cách bịt kín.
Vụ việc Bộ Công an khám xét nhiều cơ sở của công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (công ty Nhật Cường) ở Hà Nội hồi tuần qua vẫn đang trong vòng điều tra về các hành vi vi phạm pháp luật.
Nhưng bên cạnh đó, câu chuyện doanh nghiệp (DN) này được chỉ định thầu ở hàng loạt gói thầu dịch vụ công trực tuyến công nghệ với giá trị hàng tỷ đồng cho các dự án tại Hà Nội cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Chọn nhầm mặt "gửi vàng"
Dư luận không khỏi thắc mắc ở một đơn vị thành viên của công ty Nhật Cường là Nhật Cường Software dù mới chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016 nhưng thời điểm đó đã được chỉ định thầu dự án công lên tới 10,7 tỷ đồng.
Một loạt dự án lớn về công nghệ của Hà Nội như Cơ sở dữ liệu dân cư, phần mềm Lưu trú trực tuyến, phần mềm Hộ chiếu Online, đặc biệt là giải pháp Dịch vụ công trực tuyến liên thông 3 cấp… trong các năm 2016, 2017 và 2018 đã được chấm trúng thầu, chỉ định thầu cho Nhật Cường.
Điều đáng nói, dù được "chọn mặt gửi vàng" nhưng chất lượng thực hiện các gói thầu được chỉ định của công ty Nhật Cường lại không như kỳ vọng: sản phẩm hỏng hóc, bị than phiền về tính hiệu quả thấp của công nghệ rẻ tiền, kém tác dụng, khó sử dụng…
Không ít ý kiến đặt dấu hỏi với việc được chỉ định thầu cho công ty Nhật Cường nhiều gói thầu như vậy với tổng số tiền đầu tư không hề nhỏ nhưng chất lượng chưa đạt như mong đợi thì liệu có minh bạch, có hay không vấn đề lợi ích nhóm, sân sau? Do đó, dư luận bày tỏ cần mổ xẻ tận gốc rễ việc chỉ định thầu, "chọn nhầm mặt gửi vàng" đối với DN này.
Lỗ hổng của đấu thầu, chỉ định thầu cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong kết luận thanh tra hồi tháng 4/2019 vừa qua với việc chấp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến CTCP Phát triển Đầu tư Thái Sơn (công ty Thái Sơn) – Bộ Quốc Phòng.
Theo đó, trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, công ty Thái Sơn có dấu hiệu giả mạo hồ sơ, tài liệu (như: Báo cáo tài chính, xác nhận của đơn vị kiểm toán, năng lực máy móc, thiết bị, nhân công, kinh nghiệm…) để xin vay vốn ngân hàng, tham gia dự thầu tại các dự án được thanh tra (như: Cầu Việt Trì mới, Quốc lộ 20…).
Tuy nhiên, công ty này vẫn được các chủ đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền trình, thẩm định, phê duyệt chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, trúng thầu thi công xây lắp nhiều gói thầu, dự án với giá trị lớn. Sau khi được lựa chọn là nhà thầu, công ty Thái Sơn đã chuyển nhượng thầu trái quy định cho các DN khác để hưởng lợi.
Đầy tính móc ngoặc?
Ở TP. Hồ Chí Minh, việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu, nhà đầu tư các khu đất vàng, hoặc theo hình thức BT, PPP, BOT khá phổ biến trong thời gian qua.
Điều này đã bộc lộ những mặt hạn chế, do nguồn vốn chủ sở hữu của nhiều nhà thầu, nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10%, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vốn vay ngân hàng nên có tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình và có thể dẫn đến phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội, trong lúc thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ ba.
Một báo cáo từ cách đây hai năm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy chỉ tính riêng hồi năm 2017, các bộ ngành của Việt Nam có 221.469 gói thầu, trong đó có tới 153.280 gói thầu được chỉ định thầu, chiếm 69% với 72.600 tỷ đồng.
Cũng cần nhắc thêm, trong Điều 15.10, Chương 15 của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đang thực thi có quy định về chỉ định thầu, cơ quan mua sắm có thể áp dụng hình thức chỉ định thầu với điều kiện là việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu này không nhằm mục đích hạn chế sự cạnh tranh giữa các nhà thầu, bảo hộ nhà thầu trong nước hoặc phân biệt đối xử đối với nhà thầu của các nước thành viên khác.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số DN cho biết, qua những gì mà họ chứng kiến thì thực tế quá trình đấu thầu, chỉ định thầu đối với các gói thầu dịch vụ công vẫn còn đầy tính móc ngoặc. Có rất nhiều DN thắng thầu, được chỉ định thầu mặc dù hoàn toàn không có khả năng, rồi sau đó bán thầu cho các DN khác có năng lực tốt hơn.
Nên nhớ, trong một nghiên cứu khảo sát của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) với Thanh tra Chính phủ về kiểm soát xung đột lợi ích trong khu vực công ở Việt Nam, có nhận định cán bộ công chức và DN cảm nhận hoạt động quản lý đấu thầu và cấp phép, phê duyệt dự án xảy ra các tình huống xung đột lợi ích phổ biến nhất.
"Trong hoạt động quản lý đấu thầu, 100% số DN được hỏi khẳng định việc tặng hoặc nhận quà là phổ biến và không có DN nào trả lời không biết về tình huống này. Kết quả này cũng tương đồng với kết quả Khảo sát DN của WB, trong đó 57% DN cho biết họ phải tặng quà cho cán bộ công chức để có được hợp đồng chính phủ", bản nghiên cứu chỉ ra.