Lãi suất chỉ giảm khi dòng tiền luân chuyển
(Tài chính) Trần lãi suất huy động đã hạ xuống 6%/năm nhưng lãi suất cho vay vẫn ở mức 12-13%/năm. Xem ra nguyên lý chênh lệch lãi suất huy động và cho vay 3% là ngân hàng (NH) có lãi không có ý nghĩa khi ngân hàng thương mại (NHTM) buộc phải cân đối theo cơ cấu nguồn vốn vào-ra, tỷ lệ nợ xấu, vốn “chết”… Nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất cho vay chỉ giảm khi có vòng xoay dòng tiền luân chuyển, còn hiện tại hạ trần lãi suất huy động chỉ mới tác động đến việc chuyển hướng dòng tiền.
Lãi vay chưa thể giảm ngay
Tính từ cuối năm 2011, đây là lần thứ 9 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành cắt giảm lãi suất huy động. Hiện trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2% xuống 1%/năm, kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm, lĩnh vực ưu tiên giảm từ 9%/năm xuống 8%/năm.
Dù trần lãi suất huy động hạ và NHNN cho rằng đây là cơ sở để lãi suất cho vay được kéo xuống, nhưng đến thời điểm này các doanh nghiệp (DN) vẫn khó tiếp cận nguồn vốn rẻ. Trao đổi với phóng viên, nhiều DN cho biết mức lãi suất NH thông báo với các DN vẫn ở mức 12-13%/năm, thậm chí cao hơn nếu nhu cầu vốn quá cấp thiết.
Theo lý giải của các NH, bất kỳ chính sách nào cũng có độ trễ nhất định, vì vậy không phải khi trần lãi suất huy động hạ lãi suất cho vay sẽ giảm ngay mà phải mất khoảng 3 tháng mới có thể điều chỉnh. Theo khảo sát, hiện nay tại các NHTM nhà nước, lãi suất huy động ngắn hạn từ 5-5,8%/năm trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng từ 9-10%/năm, chênh lệch khoảng 4-5%; lãi suất cho vay kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang được áp dụng ở mức từ 12-13,5%/năm, thậm chí có thể cao hơn tùy vào khách hàng và tùy vào khoản vay.
Nhiều NH đang tung ra các gói tín dụng giá rẻ nhưng thực tế ít có DN đáp ứng được yêu cầu của NH về điều kiện vay vốn; đồng thời DN cũng không dám vay vì lãi suất “khuyến mại” chỉ áp dụng trong 1 hoặc 3 tháng đầu tiên, sau đó sẽ áp dụng lãi suất theo thị trường (lấy lãi suất huy động cao nhất, cộng thêm biên độ 4-5%). Vì vậy, sau thời gian ưu đãi, DN có thể chịu lãi suất từ 12-16%/năm tùy vào từng khách hàng và món vay.
Độ trễ để hạ lãi suất cho vay như các NH nói chỉ là một vấn đề, điều quan trọng khiến lãi vay chưa thể hạ là do đầu ra mà hiện đang bị kẹt bởi tổng cầu đang rất thấp. Chừng nào tổng cầu phục hồi, xuất khẩu tăng lên, tiêu dùng trong nước tăng lên, khi đó DN cần nhiều vốn hơn mới tác động giảm lãi suất. Thời điểm này hạ lãi suất huy động chỉ để kích thích đầu tư, người dân không gửi tiền vào NH nhiều mà sẽ nghĩ đến chuyện đầu tư vào chứng khoán, bất động sản hay sản xuất kinh doanh để tạo ra cầu cho nền kinh tế.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh
Nhìn nhận về việc hạ trần lãi suất huy động, nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc làm hợp lý và phù hợp với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp, lạm phát được kiểm soát và cũng là điều kiện thuận lợi để mặt bằng lãi suất cho vay giảm xuống.
Tuy nhiên, động lực để các NH hạ mạnh lãi suất cho vay không đơn giản khi đầu ra chưa thông và hệ thống NHTM đang tái cấu trúc. Trước nay, theo nguyên lý chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay ở mức 3% là NH đã có lãi, nhưng hiện nay nguyên lý này không còn phù hợp.
Đơn cử như trước đây NH huy động lãi suất 12%/năm suốt một thời gian dài, sau đó lãi suất hạ xuống 10%, rồi 8%, 7% và hiện tại là 6%/năm. Do đó các NH không thể cân đối lãi suất cho vay dựa trên lãi suất huy động đang áp dụng. Tuy nhiên, đây chỉ là 1 trong nhiều điều kiện, chính yếu là NH đang cân đối theo mức lãi suất bình quân của dòng tiền vào-ra, nợ xấu, vốn “chết”...
Chẳng hạn, NH huy động 10 đồng nhưng chỉ cho vay ra được 3 đồng, lãi suất cho vay của 3 đồng phải bù lỗ cho 7 đồng vốn “chết”. Tức DN vay phải chịu lãi suất cao để gánh cả phần vốn “chết” của các NH.
Dòng tiền chưa thông
Theo TS. Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Tài chính Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nếu tính chênh lệch lãi suất huy động và cho vay phải tính đến vòng quay vốn của NH, cơ cấu vốn huy động, tỷ lệ nợ xấu. Nếu cơ cấu huy động vốn ngắn hạn ít nhưng cho vay trung và dài hạn nhiều sẽ ảnh hưởng tỷ lệ dự phòng. Tiền ngắn hạn chỉ cho vay ngắn hạn, về mặt nguyên tắc chỉ dành khoảng 20% cho vay trung và dài hạn.
Dòng tiền luân chuyển bình thường lãi suất huy động và cho vay khoảng 3-4% là hợp lý, nhưng khi chênh lệch được nới rộng có thể liên quan tỷ lệ nợ xấu của NH, nếu nợ xấu cao chắc chắn NH sẽ cho vay với lãi suất cao.
Hơn nữa, phải xem xét lãi suất huy động đang so sánh là lãi suất nào, nếu lãi suất huy động ngắn hạn 6% nhưng lãi suất huy động trung và dài hạn trên 12 tháng vẫn thả nổi thì các NH vẫn trả lãi suất huy động 9-10%/năm. Trần lãi suất chỉ là những kỳ hạn ngắn theo quy định của NHNN, các NH có thể lách bằng cách huy động cao cho người gửi tiền trên 1 năm nhưng được rút trước kỳ hạn.
Việc NHNN ép trần lãi suất huy động theo TS. Lê Đạt Chí là bởi mục đích của chính sách tiền tệ là kích thích nền kinh tế, kích thích tăng trưởng. Tức hạ trần lãi suất huy động để người dân đầu tư vào những kênh khác như tiêu dùng, chứng khoán, bất động sản... để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đối với hành vi của nền kinh tế, người dân và DN sẽ căn cứ trên hiệu quả đầu tư để xem xét và quyết định đầu tư hay không. Chẳng hạn nếu bất động sản tốt người dân và DN sẽ đầu tư chứ không phải vì lãi suất thấp quá buộc họ phải chuyển sang mua bất động sản; hay DN thấy dự án có hiệu quả, sức mua tăng mới sẵn sàng mở rộng sản xuất kinh doanh, vay vốn. Cho nên khi tổng cầu của nền kinh tế sụt giảm, sức mua yếu thì cơ hội kinh doanh ít đi, người dân lẫn DN vẫn chọn gửi tiền vào NH dù lãi suất thấp.
Có hay không việc NH huy động ngắn hạn để bơm vốn vào chứng khoán, đặc biệt là margin (đòn bẩy tài chính), TS. Lê Đạt Chí cho rằng, một nền kinh tế giảm lãi suất là để đi vào đầu tư thật chứ không ai khuyến khích đầu tư vào các ngành tài chính, vì các lĩnh vực tài chính có độ rủi ro cao.
Tuy nhiên lúc nào cũng có vấn đề nghịch lý này, bởi nguồn vốn của NH rất lớn buộc phải tìm nhiều đầu ra và tính toán rủi ro. Trong quy định của NHNN, đầu tư kinh doanh chứng khoán có độ rủi ro cao 250% nên yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro.
Vì vậy nếu có, lãi suất các NH kết hợp với các công ty chứng khoán cho vay rất cao vì phải gánh rủi ro và trích lập nhiều. Nếu thị trường thanh khoản tốt đó là chuyện bình thường, danh mục các cổ phiếu margin mở rộng ra, nhiều người có thể sẵn sàng lao vào. Song vấn đề là nhà đầu tư có chấp nhận mua với giá cao khi DN chưa có tình hình cải thiện hay không là chuyện khác.