Lãi suất giảm: Khó thay đổi cục diện thị trường nhà đất
Hiện nay, lãi suất cơ bản bằng tiền đồng Việt Nam đã giảm từ 13 xuống còn 12% một năm. Riêng lãi cho vay các tổ chức tín dụng từ 18-19,5% đã hạ dần xuống còn 15-16%. Đây được coi là động thái tích cực của ngân hàng, sẽ tác động sâu rộng đến doanh nghiệp, ngành nghề. Và lãi suất được dự báo sẽ giảm thêm do xu hướng cạnh tranh của các ngân hàng song theo nhiều chuyên gia, tín hiệu này khó có thể thay đổi cục diện thị trường nhà đất vốn trầm lắng trong nhiều tháng qua.

Khảo sát một vòng thị trường nhà đất Sài Gòn, nhiều sàn giao dịch tại quận 2 chỉ nhận được lèo tèo vài cuộc điện thoại trong 1 tuần. Các sàn ở quận 4, 6, 7 cũng rơi vào tình trạng tương tự, ngay cả khách tìm hiểu giá cả cũng không tới lui nhiều. Thống kê của sàn địa ốc ACBR, lượng giao dịch thành công mảng nhà đất dự án hầu như không có người quan tâm.
Để giải "hạn" cho thị trường nhà đất, theo các chuyên gia, chỉ hạ lãi suất không chưa đủ mà phải cấp bách giãn nợ vì tính thanh khoản của bất động sản đang mất dần đi.
Ông Lê Chí Hiếu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức cho biết: "Nới lỏng tín dụng và hạ lãi suất trên thực tế chỉ ủng hộ về mặt tinh thần chứ không kéo doanh nghiệp ra khỏi khó khăn hiện tại". “15%/ năm vẫn còn rất cao so với ngưỡng lãi suất mà ngành bất động sản có thể vay. Khi thị trường bị nghẽn đầu ra, sức mua giảm, bất động sản mất tính thanh khoản (cầm cố, thế chấp không được) thì càng vay chỉ càng lún sâu vào "quỹ đạo" thua lỗ” – ông Hiếu nói.
Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức Lâm Văn Chúc chia sẻ "đang lúc dầu sôi lửa bỏng bán không được hàng, lãi suất 12% cũng gây khó cho doanh nghiệp bất động sản huống hồ 15-16% một năm". Ông Chúc cũng dự báo đến năm 2011 thị trường mới có thể sôi động lại, đầu năm 2009 bất động sản mới hy vọng chuyển biến dần. Thêm vào đó, sức mua hiện nay gần bằng 0, giá nhà đất vẫn giảm nên vay với lãi suất 15% là thất sách. Hơn nữa, ông khẳng định thêm, hiện nay ngân hàng không hề ưu tiên cho các đơn vị kinh doanh bất động sản vay mà chỉ tập trung vào các ngành sản xuất khác. Vì vậy, mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản trong thời điểm này là giãn nợ.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM cho biết, lãi suất phải điều chỉnh phù hợp đối với từng ngành nghề chứ không nên ấn định khung đại trà. Bởi lẽ, có những ngành nghề chỉ cần vay trong ngắn hạn vẫn chịu được lãi suất cao nhưng đặc thù của ngành bất động sản phải vay trung và dài hạn mới kinh doanh hiệu quả.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường để có sự điều chỉnh linh hoạt, nhằm giảm áp lực về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, đáp lại các đề xuất này, trong cuộc gặp hiệp hội các ngành nghề và lãnh đạo UBND TP HCM hôm 7/11, Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu chỉ dự báo tới đây sẽ có làn sóng cạnh tranh hạ lãi suất từ các nhà băng. Các kiến nghị giãn nợ, hạ thêm lãi suất cho ngành bất động sản vẫn còn bỏ ngỏ. Theo số liệu báo cáo, tính đến hết tháng 10/2008, vốn cho vay của các ngân hàng trên địa bàn vào lĩnh vực bất động sản đạt 61.000 tỷ đồng, bao gồm 9 nhóm bất động sản khác nhau. Trong đó, cho vay để xây dựng cơ sở hạ tầng là 5.647 tỷ đồng; khu công nghiệp - khu chế xuất: 1.380 tỷ đồng; khu đô thị mới: 6.093 tỷ đồng; cao ốc cho thuê: 5.773 tỷ đồng; trung tâm thương mại: 2.439 tỷ đồng; xây dựng, sửa chữa nhà ở: 18.000 tỷ đồng; xây dựng nhà để bán: 9.587 tỷ đồng; sử dụng đất: 5.571 tỷ đồng; kinh doanh bất động sản khác: 6.237 tỷ đồng. Quan điểm của ông Giàu, địa ốc dù giảm giá vẫn còn xoay quanh trục giá trị và cần phải phát triển chậm lại để hướng tới sự bền vững.
Theo Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản cần ngồi lại để xem xét điều chỉnh giá nhà đất cho phù hợp với nhu cầu của người dân. Ông Quân cho biết, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp bất động sản đã đẩy giá lên quá cao. "UBND TP. HCM lo đền bù giải tỏa đến đâu, doanh nghiệp bất động sản tăng giá bán đến đó. Vì vậy, nếu có thành viên nào trong Hiệp hội bất động sản TP. HCM có hành vi đẩy giá lên, cần phải xem xét loại bỏ" - ông Quân nhấn mạnh.
Theo Hanoimoi