Hội Doanh nhân trẻ Vĩnh Long- Bến Tre- Trà Vinh: Hợp tác cùng phát triển

Lê Văn

Ngay sau khi có quyết định sáp nhập địa giới hành chính 3 tỉnh Vĩnh Long- Bến Tre- Trà Vinh. Hội Doanh nhân trẻ (DNT) 3 tỉnh này đã ký văn bản ghi nhớ hợp tác cùng phát triển.

Sản phẩm từ nông nghiệp của Vĩnh Long sẽ vươn xa (ảnh: Trung tâm Xúc tiến Thương mại Vĩnh Long)
Sản phẩm từ nông nghiệp của Vĩnh Long sẽ vươn xa (ảnh: Trung tâm Xúc tiến Thương mại Vĩnh Long)

Ông Nguyễn Tấn Thụ- Chủ tịch Hội DNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân của 3 tỉnh Vĩnh Long- Bến Tre- Trà Vinh có khoảng 15.500 doanh nghiệp (DN). Trong đó, tỉnh Vĩnh Long có hơn 4.200 DN, tỉnh Bến Tre có hơn 5.500 DN và tỉnh Trà Vinh có hơn 5.800 DN.

“Với vị trí địa lý là trung tâm của ĐBSCL, việc sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long- Bến Tre- Trà Vinh sẽ tạo ra dư địa phát triển rất lớn cho cộng đồng DN của tỉnh. Hợp tác và kết nối giao thương toàn cầu là xu hướng chung, bởi không một DN nào tự kinh doanh, tự phát triển mà không cần vào cộng đồng DN. Vì vậy việc ký văn bản ghi nhớ hợp tác cùng phát triển là hết sức cần thiết”- ông Nguyễn Tấn Thụ cho biết.

Được biết, Hội Doanh nghiệp trẻ (DNT) tỉnh Vĩnh Long tiếp tục định hướng là nơi sinh hoạt của cộng đồng doanh nhân, DN, là cầu nối kinh doanh của hội viên trong hội cũng như với các hội viên hội doanh nhân các tỉnh trong và nước ngoài.

Đồng thời là cầu nối đến các cơ quan quản lý giúp hội viên hiểu rõ và hoạt động sản xuất kinh doanh đúng theo quy định pháp luật. Các DN 3 tỉnh định hướng ưu tiên sử dụng sản phẩm của nhau và tăng cường phát triển thị trường tiêu thụ nội địa cũng như đa dạng hóa thị trường quốc tế.

Nói về sự hợp tác của Hội DNT 3 tỉnh Vĩnh Long- Bến Tre- Trà Vinh, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh- ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho biết: Tỉnh Vĩnh Long (mới) nếu xét về quy mô thì kinh tế vẫn nhỏ và số lượng DN hạn chế.

Tổng số DN đang hoạt động của cả 3 tỉnh chỉ đạt khoảng trên 15.500 DN, trong đó phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ.

Quy mô trung bình về vốn, lao động, năng suất đều thấp hơn trung bình vùng. Tỷ lệ DN công nghệ cao, DN FDI còn rất ít, dẫn đến sức lan tỏa phát triển yếu.

Do đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vinh lưu ý, sau sáp nhập, những tiềm năng nổi bật về kinh tế biển, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái và năng lượng tái tạo là các trụ cột quan trọng cần được chú trọng để tạo động lực phát triển cho Vĩnh Long. 

Bên cạnh đó sau sáp nhập, chính quyền và DN tỉnh Vĩnh Long cần phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp- công nghiệp chế biến- xuất khẩu, kết hợp với chuyển đổi mô hình sản xuất bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy sản phẩm Ocop và thương mại điện tử nông sản.

Đồng thời, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt thông qua mạng lưới liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề và hợp tác quốc tế…

Theo TS Huỳnh Thanh Điền, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, sau sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long (mới) sẽ định vị được là trung tâm kinh tế sinh thái- nông nghiệp- logistics thủy nội địa của vùng ĐBSCL.

“Nếu được đề xuất, có thể sắp xếp lại các hiệp hội ngành nghề đã có của 3 tỉnh hiện tại thành các hiệp hội liên vùng như Hiệp hội Nông sản- Thực phẩm Cửu Long; Hiệp hội Du lịch- Văn hóa- Sinh thái Đồng Khởi Mekong; Hiệp hội Logistics- Giao thương sông- biển Cửu Long; Hiệp hội DN khởi nghiệp và số hóa Cửu Long…

Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho “khối ngoại” như mặt bằng, vận tải, bao bì, dịch vụ đào tạo, bảo hiểm, đóng gói… Đặc biệt là cần mạnh dạn thực hiện các dự định sáng tạo vì khi bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới, sự mạnh dạn luôn mang đến nhiều cơ hội”- TS Huỳnh Thanh Điền đề xuất.

Theo ông Nguyễn Tấn Thụ- Chủ tịch Hội DNT tỉnh Vĩnh Long, cộng đồng doanh nhân, DN của 3 tỉnh rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính để đảm bảo hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cộng đồng DN rất vui mừng khi được lãnh đạo Đảng và Nhà nước xác định phát triển kinh tế tư nhân là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng, đặc biệt là Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân.