Lãi suất giảm mạnh nên mang tiền đi đâu?
(Tài chính) Ngân hàng thừa vốn và đang có xu hướng giảm lãi suất huy động. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn đã về mức 7,5%/năm. Nhiều người dân có tiền nhàn rỗi gửi trong ngân hàng hiện nay đang dao động trước các kênh đầu tư.
Cuối năm khi các ngân hàng thương mại đang dư thừa vốn vì vậy các nhà băng này đang có xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất chỉ còn 6%/năm cho kỳ hạn ngắn từ 5 tháng trở xuống và kỳ hạn dài cũng chỉ dao động 7-7,5%/năm.
Cụ thể tại ngân hàng BIDV lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm chỉ còn 4,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 5,75%/năm và mức lãi suất huy động cao nhất là 7,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Còn tại Vietcombank lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng giảm chỉ còn 4,8%/năm, với các kỳ hạn từ 2 - 9 tháng, mức cao nhất cũng chỉ 5,7%/năm. Khi các ngân hàng lớn tiến hành điều chỉnh lãi suất huy động thì kéo theo đó các ngân hàng nhỏ cũng đồng loạt điều chỉnh theo.
Với mức lãi suất thấp như vậy liệu nguồn tiền tiết kiệm sẽ chảy sang các kênh đầu tư nào khác có mức sinh lợi cao hơn?
So với việc gửi tiết kiệm thì rõ ràng chứng khoán và bất động sản lại có độ rủi ro cao hơn, tuy nhiên khi đầu tư vào 2 kênh này thì tỷ suất lợi nhuận tốt hơn nên kênh này cũng thu hút khá nhiều nhà đầu tư. Theo thống kê từ đầu năm đến nay VN Index đã tăng trưởng khoảng 15-20% và nhiều mã chứng khoán có mức sinh lời cao hơn… Trong ngắn hạn, có nhiều khả năng chỉ số VN Index sẽ tiếp tục tăng và đạt mốc trên dưới 650 điểm. Chỉ số HNX cũng sẽ theo xu hướng này và có thể tăng thêm 7-9% trong thời gian còn lại của năm.
Về trung hạn, thị trường cũng được đánh giá tốt, theo thông lệ, thị trường thường tăng điểm vào quý I và quý IV. Quý IV là thời điểm tín dụng tăng trưởng mạnh, dòng tiền đẩy ra nền kinh tế tăng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mức tăng trưởng nhất định. Đây cũng là mùa kinh doanh của nhiều ngành hàng. Do đó, trong giai đoạn cuối năm này dự báo sẽ có nhiều biến động lớn cho thị trường.
Mặc dù lãi suất huy động đã giảm xuống mức thấp tuy nhiên kênh đầu tư vào vàng lại không thu hút được giới đầu tư bởi nó được nhận định là có nhiều rủi ro.
Theo thống kê, giá vàng tháng 8 so với tháng 12/2013 đã tăng 2,31%. Đây là tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng giá tiêu dùng (tăng 1,84%), tốc độ tăng giá USD (tăng 0,42%) trong cùng thời gian. Tuy nhiên, so với đỉnh điểm đã đạt được trước đây (trên 49 triệu đồng/lượng), thì giá vàng đã giảm rất sâu.
Hiện giá vàng thế giới đang giảm khá mạnh ngay sau khi biên bản cuộc họp của Ủy ban thị trường mở (FOMC) thuộc Quỹ dự trữ liên bang FED được công bố - cho thấy dấu hiệu về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất sớm hơn so với dự kiến. Giá vàng trong nước cũng chịu ảnh hưởng khá mạnh mẽ từ giá vàng thế giới bởi hầu như vàng trong nước có từ nhập khẩu. Mặt khác việc giảm mạnh giá vàng trong năm 2013 ít nhiều vẫn ám ảnh nhiều nhà đầu tư vào loại hàng hóa đặc biệt này. Việc mua vàng hiện nay chủ yếu là do thói quen để dành.
Đối với thị trường bất động sản, nhu cầu có nhưng do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng trước kinh tế khó khăn nên mãi lực chưa thể tăng, rủi ro cũng khá cao, đòi hỏi khoản vốn lớn vì thế rất ít nhà đầu tư chọn kênh này để đầu tư.
Mặc dù lãi suất giảm sâu nhưng nhiều khách hàng vẫn chọn kênh đầu tư gửi tiết kiệm.
Đại diện một số ngân hàng cho biết, sau thời điểm giảm lãi suất huy động, lượng người gửi tiền không giảm mà chỉ thay đổi từ gửi ở các kỳ hạn ngắn sang kỳ dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn.
Hay như anh Nguyễn Quốc Tuấn (ở Đống Đa - Hà Nội) một khách hàng gửi tiết kiệm cho biết : "Lãi suất huy động xuống thấp khiến người gửi tiền như tôi không hài lòng. Thay vì gửi ngắn hạn, mới đây, khi khoản tiết kiệm đáo hạn, tôi đã chuyển sang gửi với kỳ hạn 1 năm. Lãi suất của kỳ hạn này cũng không cao nhưng cơ bản chấp nhận được khi tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào đâu".
"Đầu tư bất động sản đòi hỏi một khoản vốn lớn, chứng khoán phải có kiến thức đầu tư nhất định cũng như kinh nghiệm, còn vàng và USD hiện tương đối ổn định nên không mang lại chênh lệch cao. Chính vì vậy, gửi ngân hàng vẫn là cách mà tôi chọn lựa”.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương (Minh Khai,Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Hiện tại tôi có khoảng 2 tỷ đồng để dành cho con đi học. Thật sự đôi khi tôi không biết giữ tiền bằng cách nào hiệu quả nhất. Gửi tiền tiết kiệm bằng VND nhưng lãi suất cứ giảm liên tục nên cũng thấy băn khoăn. Do đó, tôi đã dành một phần nhỏ mua vàng, còn phần lớn thì gửi tiết kiệm bằng VND”.
Theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế thì hầu hết người dân đã quen với ý nghĩ gửi tiền tiết kiệm là kênh đầu tư, mà đầu tư thì luôn đòi hỏi lợi nhuận cao. Có giai đoạn lãi suất tiền gửi cao 14-15%/năm làm người gửi tiền nghĩ rằng bỏ tiền vào ngân hàng để đầu tư, trong khi ở các nước gửi tiền tiết kiệm được xem là khoản để dành, mang ý tính bảo toàn vốn.
Tuy nhiên với mức lãi suất đang giảm mạnh như hiện nay, các nhà đầu tư nên thận trọng nghiên cứu kỹ thị trường trước khi quyết định kênh đầu tư cho mình.