Lãi suất giảm: Thị trường có đổi hướng?
(Tài chính) Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo các công bố mới nhất, đạt cao hơn dự đoán của giới chuyên môn. Lạm phát đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây là những yếu tố giúp duy trì tương quan sức mạnh giữa VND với USD, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tránh được việc bị rút vốn như các thị trường khác.
Trong bối cảnh trên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng công bố một loạt thông tin tích cực như cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn với VND và USD; giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa dành cho các lĩnh vực ưu tiên; tăng trưởng tín dụng hồi phục nhanh hơn. Đồng thời, NHNN cũng đề cập đến việc lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm…
Theo sau quyết định của NHNN về việc hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, 4 ngân hàng lớn là Agribank, VietinBank, BIDV và Vietcombank cũng công bố sẽ giảm trần lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực trên.
Giới chuyên gia cho rằng, động thái hạ lãi suất lần này của NHNN có thể là một tuyên bố chung để các NHTMCP tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay về mức hợp lý hơn. Xu hướng trên cộng với việc tăng trưởng tín dụng nhỉnh hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái được đánh giá là sẽ giúp đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay (12-14%).
Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), xu hướng lãi suất giảm dần cũng được giới đầu tư kỳ vọng sẽ kéo dòng tiền từ kênh tiền gửi chảy sang, giúp chứng khoán thay đổi xu hướng đi ngang tích lũy như hiện nay.
Ở khía cạnh khác, theo các chuyên gia CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc thị trường đi ngang hiện nay khởi phát từ tình hình giao dịch của tháng 10/2014. Cụ thể là tâm lý NĐT đã bị thử thách bởi nhiều thông tin tốt (giảm lãi suất) và xấu (vụ việc của Oceanbank) lẫn lộn, khiến giao dịch càng về cuối tháng càng trở nên thận trọng.
Do đó, nếu không có thông tin tích cực nào mới, NĐT sẽ khó mạnh tay hơn giải ngân trong tháng 11 này và thị trường sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang tích lũy như hiện nay.
Tuy nhiên, có 2 yếu tố cần được lưu tâm. Thứ nhất là các chuyển biến về thanh khoản chính là dấu hiệu về sự thay đổi trong tâm lý của NĐT. Thứ hai là giao dịch của khối ngoại. Bởi thông qua động thái mua vào, bán ra sẽ cho biết mức độ quan tâm cũng như khả năng tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, trước những thay đổi quan trọng trong chính sách tiền tệ ở các quốc gia lớn.
Một yếu tố khác cũng cần lưu ý là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngừng bơm vốn vào nền kinh tế và sự mạnh lên của đồng USD sẽ đặt các TTCK mới nổi trước nguy cơ bị rút vốn, do tỷ suất sinh lời sẽ giảm đi. Đối với xu hướng này, TTCK Việt Nam lại có một số lợi thế nhất định so với các thị trường khác.
Đó là, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, theo các công bố mới nhất, đạt cao hơn dự đoán của giới chuyên môn. Bên cạnh đó, lạm phát đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tăng trưởng kinh tế cải thiện và lạm phát thấp đều là những yếu tố giúp duy trì tương quan sức mạnh giữa VND với USD, giúp TTCK Việt Nam tránh được việc bị rút vốn như các thị trường khác.
Dài hạn hơn, các gói kích thích kinh tế của Nhật Bản và EU nếu kéo dài sẽ tiếp tục có tác động tích cực đến các TTCK mới nổi, trong đó có Việt Nam, khi lượng tiền được bơm vào nền kinh tế chảy qua biên giới các nước này để tìm cơ hội đầu tư sinh lời. Điều này sẽ làm đảo ngược tác động của xu hướng rút vốn do việc kết thúc gói QE3 và sự mạnh lên của đồng USD.
Trở lại với diễn biến thị trường, 3 phiên đầu tuần này VN-Index và HNX-Index dao động nhẹ; thanh khoản thị trường vẫn yếu và giao dịch của khối ngoại cũng chưa cho thấy xu hướng cụ thể với lượng mua vào bán ra gần như ngang nhau. Theo VDSC, thị trường cho thấy sự ổn định và phù hợp để NĐT tích lũy những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, có triển vọng dài hạn khả quan.
“Trong bối cảnh giá hàng hóa thế giới giảm đang tạo điều kiện thuận lợi cho những ngành sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, NĐT nên nhắm đến các ngành chăn nuôi, thủy sản, vận tải, dệt may và ngành nhựa như bao bì, ống nhựa”, VDSC khuyến nghị.