Lãi suất huy động tăng là mối lo của cả ngân hàng và doanh nghiệp?
Lãi suất huy động đang tăng lên khiến người gửi tiền hào hứng hơn, nhưng ngân hàng lại phải đối mặt với vấn đề chi phí vốn tăng, còn doanh nghiệp lo ngại lãi suất cho vay sẽ nhích lên trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh còn khó khăn.
Ông Trần Ngọc Báu - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup, cho rằng diễn biến lãi suất huy động tăng trở lại không có nhiều bất ngờ với giới chuyên môn và đã được dự báo từ cách đây 3 - 6 tháng. Khả năng cao, lãi suất huy động sẽ chỉ tăng khoảng 0,5 - 1%/năm, sau đó duy trì hoặc giảm trở lại vào năm sau. Tuy nhiên, nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng chậm hơn lãi suất huy động và đây sẽ là một yếu tố gây áp lực nhất định lên biên lãi thuần (NIM) của cả hệ thống.
Tăng lãi suất để đảm bảo cân đối nguồn vốn
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần tư nhân chia sẻ, lãi suất huy động vẫn trong xu hướng tăng giúp vốn huy động của các ngân hàng dồi dào hơn so với thời điểm đầu năm, nhưng chủ yếu là tiền gửi ngắn hạn. Trong khi đó, Chính phủ mong muốn tín dụng trong 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng mạnh nhằm đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Để dư nợ cho vay bứt phá đi lên, ngân hàng cần phải cho vay trung dài hạn. Theo đó, không ít ngân hàng đã tăng lãi suất huy động vốn, trong đó có việc phát hành chứng chỉ tiền gửi nhằm kích thích người dân chuyển đổi gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài. Đồng thời, đẩy mạnh phát hành trái phiếu.
Thống kê của FiinRatings trong báo cáo trái phiếu phát hành mới đây cho thấy, trong tháng 5 và tháng 6, lãi suất tiết kiệm 12 tháng trung bình của các ngân hàng tư nhân đã tăng lần lượt 19 và 17 điểm phần trăm so với tháng liền trước.
Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh (nhóm Big 4) vẫn đi ngang. Theo số liệu của Công ty chứng khoán Maybank, các ngân hàng khác ngoài nhóm “Big 4” đã tăng lãi suất tiền gửi 0,1-1,7% ở các kỳ hạn khác nhau, kéo lãi suất tiền gửi tăng trung bình 40 điểm cơ bản so với mức dự báo 100 điểm cơ bản mà tổ chức này dự báo trước đó.
Để chuẩn bị nguồn vốn dài hạn, đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong những tháng cuối năm, nhiều nhà băng tăng huy động từ kênh trái phiếu. Theo FiinRatings, trong tháng vừa qua, các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành trái phiếu lớn nhất thị trường với 19 đợt phát hành trị giá 16.500 tỷ đồng. Trong đó, BIDV và Techcombank lần lượt chiếm tỷ trọng lớn nhất.
“Tận dụng môi trường lãi suất thấp, các tổ chức tín dụng tăng cường phát hành trái phiếu để củng cố các tỷ lệ về an toàn vốn, vốn trung dài hạn và đáp ứng nhu cầu vốn chuẩn bị cho tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14-15% cả năm”, báo cáo của FiinRatings đánh giá.
Có thể nói, lãi suất huy động tăng là niềm vui đối với những người gửi tiền trong bối cảnh dòng tiền nhàn rỗi vẫn tiếp tục chảy vào hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi tăng cũng khiến ngân hàng phải đối mặt với vấn đề chi phí vốn tăng.
Chi phí vốn của các ngân hàng không chỉ tăng lên ở thị trường tiền gửi mà còn ở trên thị trường liên ngân hàng khi sức ép tỷ giá vẫn còn lớn. Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu can thiệp vào giữa tháng 3/2024, lãi suất liên ngân hàng tiệm cận ngưỡng 5%, trong khi lãi suất các kỳ hạn khác từ 1-4 tuần cũng quanh mức 3,6-4,5%. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường đã thiết lập mặt bằng mới khi nhu cầu về thanh khoản gia tăng.
Có lo lãi vay cao?
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng các ngân hàng nâng lãi suất xuất phát từ chính lợi ích của họ, nhằm đảm bảo chỉ số an toàn vốn, hệ số thanh khoản… Điều này giúp người dân hưởng lợi gián tiếp khi kênh đầu tư tiền gửi bắt đầu hấp dẫn trở lại. Tuy nhiên, các ngân hàng trong thời gian tới sẽ phải chịu thiệt về lợi nhuận do chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra không lớn.
Đối với người đi vay, hiện không ít khách hàng lại thường trực nỗi lo lãi suất huy động tăng sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng theo.
Theo các chuyên gia, nỗi lo này là có cơ sở, bởi lãi vay được xác định dựa trên lãi đầu vào cộng với biên độ của từng ngân hàng. Tuy nhiên, tinh thần của Thủ tướng Chính phủ và NHNN đặt ra với ngành ngân hàng là phấn đấu ổn định và giảm tiếp 1 - 2 điểm % lãi suất cho vay qua những chính sách giảm chi phí, ứng dụng công nghệ thông tin.
Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, việc giữ mặt bằng lãi suất thấp nhằm ổn định để phục hồi nền kinh tế ở thời điểm hiện tại rất quan trọng, vì thế, lãi suất cho vay sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp và lãi suất tiết kiệm sẽ điều chỉnh tăng nhẹ.
Nhìn tổng thể bối cảnh chung của nền kinh tế, ông Bình cũng cho rằng trong vài tháng tới, lãi suất cho vay sẽ không tăng, bởi phía doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp nhiều khó khăn, thể hiện qua số liệu doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay có 97.299 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều doanh nghiệp không đảm bảo được tỷ lệ kinh doanh có lãi.
Hơn nữa, nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn tương đối yếu. Điều này dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng chưa cao so với mục tiêu tăng trưởng 15% của năm nay. Do đó, các ngân hàng cũng sẽ khá lưỡng lự khi tăng lãi suất cho vay do phải đảm bảo việc lãi suất cần hấp dẫn các doanh nghiệp.
Các ngân hàng cũng cho biết, họ đã cân đối chi phí vốn đầu vào, tiết kiệm chi phí hoạt động để có mức lãi suất cho vay cạnh tranh nhằm giữ chân khách hàng và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.