Lãi suất không phải lợi thế cạnh tranh

Theo Thời báo Ngân hàng

Theo ông Dương Đức Hùng, Giám đốc khối ngân hàng bán lẻ - ANZ tại Việt Nam, lợi thế của một ngân hàng nằm ở rất nhiều yếu tố, chẳng hạn các giải pháp tài chính, sản phẩm dịch vụ, sự thuận tiện, nhân sự… chứ không chỉ là lãi suất.

Lãi suất không phải lợi thế cạnh tranh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các ngân hàng ngoại lâu nay thường có lãi suất cạnh tranh hơn ngân hàng nội, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Lợi thế của một ngân hàng nằm ở rất nhiều yếu tố, chẳng hạn các giải pháp tài chính, sản phẩm dịch vụ, sự thuận tiện, nhân sự… chứ không chỉ là lãi suất.

Ở góc nhìn của tôi, nền kinh tế Việt Nam đang trải qua những thách thức nhất định, nhu cầu vốn rất lớn, trong khi hầu hết người đi vay và dư luận xã hội hay nhìn vào khía cạnh lãi suất để đánh giá ngân hàng.

Tuy nhiên không phủ nhận những ngân hàng ngoại đang hoạt động tại Việt Nam có lợi thế nguồn vốn từ ngân hàng mẹ ở nước ngoài đang hoạt động trong một thị trường có chi phí thấp.

Với nguồn vốn đó, chúng tôi tạo ra tiêu chí cho vay tại Việt Nam theo các sản phẩm có thể đáp ứng đúng nhu cầu của người vay với lãi suất cạnh tranh và quy trình thẩm định minh bạch thuận tiện, dịch vụ thiết thực nhất.

Tại sao lại nói tính minh bạch, sự rõ ràng cẩn trọng trong thẩm định một khoản vay có thể sẽ tạo cảm giác khó chịu ban đầu đối với người đi vay tiền sản xuất kinh doanh. Nhưng sau đó người vay tiền của ngân hàng sẽ nhận ra sự chặt chẽ là cần thiết trong một quy trình cung cấp vốn lại thấy yên tâm hơn với khoản nợ.

Chẳng hạn, như ANZ cho vay tín chấp tối đa 500 triệu đồng, cho vay mua nhà có tài sản đảm bảo đến 70% giá trị tài sản thế chấp đó. Hoặc cho vay mua nhà có thế chấp đối với người lao động ở thành thị lãi suất 4%/năm trong ba tháng đầu, hoặc cho vay qua thẻ với lãi suất thấp nhất vào khoảng 1,5%/tháng trên dư nợ giảm dần được nhiều người có kinh tế tốt ở Việt Nam ưa chuộng.

Thế nhưng tất cả những điều đó không bằng việc ngân hàng quản lý dòng tiền ra, vào có hợp lý hay không mới là yếu tố quan trọng, đặc biệt cho vay tiêu dùng cá nhân dưới dạng tín chấp càng phải chú trọng lĩnh vực quản lý tài sản. Nói như thế không có nghĩa là các ngân hàng Việt Nam không có lợi thế, họ có mạng lưới phủ khắp và am hiểu thị trường, tập tục văn hóa người Việt hơn hẳn các ngân hàng ngoại đang hoạt động song song.

Vậy lợi thế nhất của các ngân hàng ngoại hoạt động tại Việt Nam?

Tôi có thể khẳng định lợi thế của các ngân hàng ngoại tại Việt Nam là mảng kinh doanh dịch vụ bán lẻ, nền tảng quản trị rủi ro, nhân sự và sự hỗ trợ vững chắc của các tập đoàn ở nước ngoài (ngân hàng mẹ), đặc biệt tính kết nối quốc tế của ngân hàng ngoại tốt hơn.

Từ đó có thể đưa ra những giải pháp tài chính tổng thể cho doanh nghiệp, cá nhân, cung cấp các sản phẩm có tính quốc tế và chúng tôi đang cố gắng kết hợp giữa tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế với kinh nghiệm tích lũy hơn 20 năm qua tại Việt Nam.

Khi khách hàng đến tìm hiểu về một sản phẩm dịch vụ của ngân hàng mình, phải tính toán được sao cho khép kín, không vì thiếu sản phẩm này một chút khách hàng lại phải tìm đến ngân hàng khác, rất bất tiện cho khách hàng đã tìm đến với mình.

Điều khác biệt của ANZ là nhóm khách hàng có thu nhập cao và những khách hàng có triển vọng ở Việt Nam, điều này chứng minh như trên đây tôi có nói đến lợi thế bán lẻ của ngân hàng ngoại.

Thứ nhất, mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng của người Việt Nam hiện còn rất thấp, đây là tiềm năng lớn cho kinh doanh dịch vụ cá nhân đối với tất cả các ngân hàng.

Thứ hai, lượng người trung lưu và người giàu có ở trong nước đang tăng lên mạnh mẽ trong 10-15 năm gần đây, sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng và sử dụng dịch vụ tài chính tăng theo. Điều này thấy rõ hiệu quả là trong 3 tháng đầu năm 2013 ANZ tại Việt Nam dư nợ cho vay trong lĩnh vực bán lẻ tăng đến 36% so với cùng kỳ năm 2012, mặc dù sức mua trên thị trường đang có những khó khăn nhất định.

Ngoài tập trung vào khách hàng cá nhân để tăng dư nợ cho vay tiêu dùng, chúng tôi tập trung vào nhóm khách hàng DNNVV ở Việt Nam đang lớn lên.

Ông có cho rằng sự thành công xuất phát từ thương hiệu ngân hàng hay sản phẩm dịch vụ?

Thương hiệu luôn là sự sống còn của người làm kinh doanh, chẳng hạn chúng tôi được nhận giải thưởng “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất tại Việt Nam năm 2013” do Tạp chí Asian Banker trao tặng. Ban điều hành ANZ đặt ra một loạt câu hỏi, danh hiệu này được gì cho ANZ, danh hiệu này có xứng với cung cách phục vụ và cung ứng các sản phẩm tài chính cho người Việt Nam không… Tất cả đều phải đặt ra.

Sau đó chúng tôi đưa ra một quan điểm “danh hiệu bán lẻ tốt nhất tại Việt Nam” làm cho ANZ tự tin hơn để hoạt động tại Việt Nam, để hướng đến một chiến lược kinh doanh dài hơi tại đất nước với 90 triệu dân mà hơn 60% là người trẻ.

Từ đó chúng tôi có một kế hoạch triển khai có trọng điểm cho thị trường Việt Nam và tiếp tục đầu tư mới vào nhân sự, công nghệ và các quy trình nghiệp vụ để tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ khác biệt.

Những hoạt động đầu tư đó của ANZ nhằm tăng thêm sức hấp dẫn đối với các sản phẩm tiết kiệm, tín dụng, đầu tư… triển khai tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!