Lãi suất “nhấp nhổm” tăng
Mặt bằng lãi suất đang có xu hướng tăng trên cả thị trường 1 lẫn thị trường 2, mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng chưa có dấu hiệu căng thẳng khiến cộng đồng doanh nghiệp lo ngại.
Liệu đây chỉ là hiện tượng nhất thời vào giai đoạn cuối năm hay sẽ bắt đầu cho một xu hướng mới của lãi suất?
Diễn biến tương đồng
Đầu tháng 11, Vietcombank giảm nhẹ khung lãi suất huy động sau hơn một năm duy trì ổn định, khiến thị trường kỳ vọng vào một đợt giảm lãi suất của các ngân hàng khác. Tuy nhiên quyết định của Vietcombank đã không ảnh hưởng đến chính sách của các ngân hàng khác như từng xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái.
Thậm chí 2 ngân hàng thương mại khác là Vietinbank và BIDV còn có động thái ngược lại khi quyết định tăng lãi suất tiền gửi. Cụ thể, trước đó Vietinbank đã sớm tăng 0,4 - 0,5% lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng và 0,1% đối với tiền gửi trung dài hạn, trong khi BIDV gần đây tăng từ 0,2 - 0,5% tùy kỳ hạn đối với tiền gửi ngắn hạn. Một loạt ngân hàng khác như Bắc Á, Tiên phong, Techcombank, VIB cũng đã tăng lãi suất huy động vốn trong tháng 11.
Thanh khoản đã thôi dồi dào?
Theo thông lệ, thanh khoản của hệ thống ngân hàng càng về cuối năm càng chịu nhiều áp lực trước nhu cầu vốn giải ngân tăng lên trong khi lượng tiền gửi có xu hướng bị rút ra nhiều hơn. Điều này xuất phát từ tín dụng có xu hướng tăng nhanh hơn, nhất là khi nhiều ngân hàng đã tăng mục tiêu tín dụng cho thời gian còn lại của năm nên càng muốn tận dụng cơ hội để đẩy vốn ra nhiều hơn để gia tăng lợi nhuận.
Trong khi đó, tăng trưởng huy động vốn lại khó có thể theo kịp, một phần đến từ nhu cầu sản xuất, kinh doanh cao điểm trong dịp cuối năm cũng như nhu cầu tiêu dùng lẫn đầu tư tăng. Sự tăng nóng của thị trường chứng khoán cũng như hiện tượng nhà đất có dấu hiệu sốt trở lại càng gây áp lực lên huy động vốn của các ngân hàng, nhất là khi thông tin bảo hiểm tiền gửi chỉ chi trả 75 triệu đồng bất chấp số tiền gửi là bao nhiêu gần đây được truyền thông khai thác theo hướng tiêu cực càng khiến người gửi tiền hoang mang.
Thống kê gần nhất cho thấy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối tháng 10 là 13,66%, cao hơn mức tăng trưởng huy động vốn là 12%. Trong 3 tuần của tháng 11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng qua thị trường mở gần 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, trong khi lãi suất tín phiếu gia tăng đáng kể, càng cho thấy nhu cầu tín dụng đang tăng cao và thanh khoản của hệ thống đã thôi dồi dào. Đáng chú ý là điểm hoán đổi lãi suất VND - USD gần đây đã dương trở lại, càng cho thấy nhu cầu tiền đồng của các ngân hàng đã tăng.
Nhất thời hay mở đầu cho xu hướng mới?
Diễn biến lãi suất trên tất cả các thị trường nhấp nhổm đi lên đang khiến cộng đồng doanh nghiệp và người vay lo ngại. Hậu quả của việc lãi suất tăng nhanh trong giai đoạn 2008 - 2012 khiến nợ xấu gia tăng và nhiều doanh nghiệp, cá nhân lâm vào tình trạng phá sản, nợ nần hiện nay vẫn còn là nỗi ám ảnh.
Tuy nhiên, với kinh tế vĩ mô vẫn ổn định qua các biến số kinh tế quan trọng như lạm phát mục tiêu và tỷ giá, thì khả năng hiện tượng áp lực lãi suất gia tăng hiện nay chỉ là nhất thời, do đó kỳ vọng mặt bằng lãi suất trong trung dài hạn vẫn ổn định.
Lạm phát trong năm nay dự kiến thấp hơn kế hoạch đặt ra và lạm phát mục tiêu năm 2018 tiếp tục được duy trì ở mức 4%. Trong khi đó, thị trường ngoại hối đang trải qua giai đoạn ổn định nhất từ trước đến nay, mà việc Ngân hàng Nhà nước liên tiếp gia tăng lượng dự trữ ngoại hối là một dấu hiệu tích cực.
Xu hướng chuyển dịch ngoại tệ sang VND được kỳ vọng sẽ tiếp tục trở lại trong năm sau khi tỷ giá cho thấy sự ổn định và nằm trong sự chủ động kiểm soát của nhà điều hành, bất chấp lãi suất cơ bản đồng USD đã tăng đáng kể trong thời gian qua.
Điều này sẽ giúp thanh khoản tiền đồng của các ngân hàng tiếp tục tăng, tạo điều kiện ổn định lãi suất. Điều quan trọng nhất là ở góc độ tăng trưởng kinh tế, rõ ràng lãi suất tăng không tốt cho đầu tư để kích thích tăng trưởng nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng, khi mà chính sách tài khóa đang bị nhiều hạn chế.