Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

PV.

Thời gian qua, nhằm hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, điều hành lãi suất linh hoạt, nắn dòng tiền vốn vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển.

NHNN sẽ tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Nguồn: Internet
NHNN sẽ tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Nguồn: Internet

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động điều hành chính sách tiền tệ, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, ngày 10/07/2017, trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% của Quốc hội, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành, 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Thêm vào đó, NHNN cũng đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Với động thái này của NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nắn dòng tiền ngân hàng vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngay sau chỉ đạo của NHNN, các tổ chức tín dụng đã tích cực giảm lãi suất, hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. Theo báo cáo của NHNN, trong 3 quý đầu năm 2017, mặt bằng lãi suất được giữ ổn định và giảm. Các tổ chức tín dụng đã đồng loạt giảm lãi suất, điển hình ngân hàng thương mại tiên phong thực hiện giảm lãi suất như: Vietcombank, VPBank, SeABank... giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Các tổ chức tín dụng cũng tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm, triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, như: Cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Cho vay ngành cấp nước sạch; Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu; Hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ; Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; Thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Trong báo cáo công bố hôm 31/10, Moody's Investors Service đã nâng triển vọng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực” trong vòng 12-18 tháng tới. Đồng thời, tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 của Ngân hàng Thế giới công bố mới đây cũng cho thấy, chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100, tăng 5 điểm so với năm 2017 và cao hơn trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (57/100 điểm).