Xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương
Đầu tháng 11, Ngân hàng Trung ương Anh quốc (BoE) đã tăng lãi suất lên gấp đôi sau khi duy trì mức 0,25% suốt từ tháng 8/2016. Như vậy, sau Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), BoE là ngân hàng trung ương lớn thứ hai trên thế giới đã thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại.
Ngày 2/11, BoE đã quyết định tăng lãi suất cơ bản đồng bảng Anh từ 0,25% lên 0,5%. Đây là lần tăng lãi suất trở lại đầu tiên trong 10 năm qua của BoE sau khi liên tiếp giảm lãi suất từ mức cao 5,75% hồi tháng 11/2007 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái từ năm 1929 đến đầu thập kỷ 1940.
Xu hướng giảm lãi suất của BoE chỉ chấm dứt vào tháng 8 năm ngoái khi lãi suất rớt về mức thấp kỷ lục tại 0,25% và duy trì cho đến tháng 10/2017.
Mức lãi suất công bố của BoE là rất quan trọng đối với nền kinh tế khi được sử dụng để định giá cho các khoản vay ngân hàng và vay thế chấp. Giới đầu tư hầu hết mong đợi BoE tăng lãi suất từ lâu, tuy nhiên sau những ảnh hưởng từ Brexit, tháng 8/2016 ngân hàng này đã hành động ngược lại khi bất ngờ giảm lãi suất từ 0,5% về 0,25% và giờ đây mới tăng trở lại về mức ban đầu 0,5%, vốn đã được duy trì kể từ tháng 3/2009.
BoE cũng cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ nền kinh tế Anh quốc để có thể tăng dần lãi suất trong 3 năm tới. Những dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy dù chịu ảnh hưởng từ Brexit nhưng nền kinh tế Anh vẫn có dấu hiệu tăng trưởng trong khi tỷ lệ thất nghiệp chạm mức thấp trong nhiều thập kỷ. BoE dự báo kinh tế Anh sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% vào năm 2018 và 1,7% vào năm 2019.
Động thái của BoE cho thấy dường như các ngân hàng trung ương trên thế giới đã bắt đầu bước vào giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại. Trước đó, FED đã sớm tăng lãi suất vào tháng 12/2015 và cho đến nay đã có 4 lần tăng lãi suất từ mức 0,25% lên mức 1,25% như hiện nay. Dù cuộc họp trong tháng 11 vừa qua của cơ quan này quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản 1,25% nhưng một đợt tăng lãi suất nữa vào tháng 12 tới được kỳ vọng sẽ xảy ra.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ bắt đầu từ cuối năm 2007 mà bắt nguồn từ sự sụp đổ của thị trường nhà đất Mỹ, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ với việc giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, thậm chí ở mức âm như Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ hay cả Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB).
Đồng thời, ngân hàng trung ương nhiều nước cũng tung ra các gói nới lỏng định lượng qua các chương trình mua tài sản của hệ thống ngân hàng để bơm tiền vào nền kinh tế và kích thích tăng trưởng, thúc đẩy lạm phát.
Tuy nhiên, xu thế trên dường như đã kết thúc và đang đảo chiều. Cụ thể, cùng với quyết định tăng lãi suất, BoE tuyên bố đã đến thời điểm sẵn sàng nới lỏng tiền tệ. FED cũng đã bắt đầu thu hẹp bảng cân đối tài sản kể từ tháng 10/2017, trong khi ECB cho biết sẽ cân nhắc đến việc thu hẹp chính sách nới lỏng tiền tệ khi đưa ra lộ trình bắt đầu thu hẹp cung tiền kể từ tháng 10/2017. Theo đó, ECB có thể sẽ giảm 1/3 quy mô của chương trình mua trái phiếu từ 60 tỷ euro/tháng xuống còn 40 tỷ euro/tháng.
Việc tăng lãi suất thông thường sẽ làm tăng giá của một đồng tiền, tuy nhiên dù BoE tăng lãi suất nhưng đồng bảng vẫn giảm giá mạnh so với đô la Mỹ sau khi tin tức được công bố do hầu hết giới đầu tư đã đoán trước được. Cụ thể, cặp tỷ giá GPB/USD giảm nhanh, từ 1,32464 về mức 1,30427, tương ứng mức giảm 1,5%.
Trong khi đó, đồng USD thời gian qua tăng mạnh trở lại so với các đồng tiền khác, cụ thể chỉ số USD Index sau khi rớt về mức thấp dưới 91 điểm giữa tháng 9, đã duy trì đà đi lên cho đến nay, hiện đã tăng lên mức gần vùng 95 điểm - mức cao nhất trong gần 4 tháng qua.