Lãi suất tăng cao: Người mua nhà thấp thỏm
Lãi suất cho vay tăng cao đã khiến thanh khoản thị trường nhà ở chững lại và người mua nhà khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Việc tính toán lại kế hoạch sử dụng "đòn bẩy" tài chính là điều cần thiết ở thời điểm này.
“Cuộc đua” lãi suất của các ngân hàng
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành và trần lãi suất tiền gửi vào ngày 23/9 thì các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động thêm 0,5 - 1,5%/năm, đưa lãi suất trên thị trường trở về với mặt bằng trước đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm không ngừng “nóng” thì lãi suất cho vay nhích lên cũng là điều khó tránh khỏi, điều này đã được giới chuyên gia dự báo từ trước đó.
Tính đến thời điểm hiện tại, có 3 ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay mua nhà, trong khi một số khác vẫn giữ nguyên mức lãi suất cũ. Cụ thể, BIDV đã nâng lãi suất cho vay mua nhà từ 6,2%/năm lên 7,7%/năm trong tháng này, tăng tới 1,5%. HSBC cũng tăng lãi suất thêm 0,8% so với hồi đầu tháng trước, lên mức 7%/năm.
Đáng chú ý, Techcombank là ngân hàng có mức điều chỉnh tăng “mạnh tay” nhất, lên đến 3,9%/năm, nâng mức lãi suất vay mua nhà lên tới 10,59%/năm. Tuy ngân hàng này đã đưa ra chính sách ưu đãi giảm trừ lãi suất vay đến 1,2%/năm trong giai đoạn thả nổi đối với từng nhóm khách hàng nhưng 10,59%/năm vẫn là con số khiến nhiều người mua nhà phải e dè vì sợ “bỏng tay”.
Về mặt bằng chung, lãi suất vay mua nhà tại các ngân hàng đang dao động trong khoảng từ 4,99%/năm đến 10,59%/năm. Việc lãi suất huy động tăng đã đẩy lãi suất cho vay xác lập mặt bằng mới.
Một số ngân hàng tuy vẫn giữ nguyên lãi suất vay mua nhà bằng với tháng trước nhưng trên thực tế vẫn còn cao hơn cả các ngân hàng có động thái điều chỉnh tăng trong tháng 10/2022. Điển hình như lãi suất vay mua nhà hiện tại của VIB là 9%/năm, của Shinhan Bank là 8,2%/năm; đều cao hơn đáng kể so với BIDV hay HSBC.
Chị T.A, nhân viên quầy giao dịch tại một chi nhánh của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trên địa bàn Hà Nội cho hay: “Thực tế hiện nay người có nhu cầu vay tiền để mua nhà vẫn rất lớn. Nhiều người đến ngân hàng để tìm hiểu thủ tục nhưng sau khi được thông báo mức lãi suất hiện tại thì đã đắn đo và quyết định ra về. Trong khi trước đây, chỉ cần các cá nhân có nhu cầu muốn vay và đáp ứng đủ điều kiện tài chính là gần như sẽ chốt được giao dịch nhanh chóng. Lãi suất cao khiến người dân khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên lượng khách hàng cũng giảm đi trông thấy”. Được biết hiện tại, lãi suất vay mua nhà tại LienVietPostBank trong thời gian ưu đãi là 7,5%/năm và biên độ lãi suất sau ưu đãi sẽ bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng thêm 3,5%.
Những động thái mới của các ngân hàng không khỏi khiến người có ý định vay tiền mua nhà trở nên bối rối, đắn đo khi đưa ra quyết định. Chị Thùy Linh, kế toán một công ty vận tải trên địa bàn quận Đống Đa đã quyết định gác lại ước mơ được sở hữu căn nhà của riêng mình trước biến động của thị trường. Chị Linh cho hay: “Giá nhà lập đỉnh liên tục thời gian qua, bây giờ lại cộng thêm việc các ngân hàng nâng mức lãi suất cho vay thì số tiền tiết kiệm gần 700 triệu đồng suốt 6 năm đi làm vẫn là quá ít để mình có thể mua được nhà ở Hà Nội. Trước mắt, mình vẫn sẽ tiếp tục đi thuê nhà trọ, đợi khi nào thấy lãi suất ổn hơn thì tính tiếp vậy”.
Giải pháp tiền tệ được kỳ vọng khi thị trường “sốt” giá
Chia sẻ với Reatimes, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định động thái tăng lãi suất của các ngân hàng chính là một giải pháp tiền tệ trong bối cảnh thị trường bất động sản có biểu hiện sốt giá.
“Hiện nay giá bất động sản trên thực tế vẫn đang quá cao, nó không phù hợp với việc phát triển kinh tế thì chắc chắn phải có giải pháp tiền tệ. Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng thế, người ta quyết định phải tăng lãi suất tiền gửi để ngân hàng thu hút tiền từ thị trường về. Nói theo cách khác là người dân khi ấy sẽ cảm thấy việc gửi tiền vào ngân hàng an toàn hơn nhiều so với việc đưa vào kinh doanh bất động sản nên họ sẽ cân nhắc”, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ cho hay.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng ở thời điểm hiện tại, người có nhu cầu thực về nhà ở nên “hạ nhịp” để chờ tới lúc giá bất động sản xuống vừa túi tiền hơn. Còn đối với người có nhu cầu mua để đầu tư thì cũng nên cân nhắc, xem xét một cách thận trọng. Vị chuyên gia đưa ra lời cảnh báo: “Không phải lúc nào chuyện kinh doanh bất động sản cũng diễn ra suôn sẻ, cho dù đúng là lợi nhuận kiếm được từ nó có thể rất cao. Không ít người đã phải sạt nghiệp vì bỏ quá nhiều tiền vào bất động sản”.
Nhiều người đã đưa ra lo ngại rằng việc ngân hàng tăng lãi suất cho vay sẽ có tác động xấu, khiến thị trường xảy ra tình trạng bán tháo các bất động sản do một số nhà đầu tư không thể duy trì "gồng" lãi được. Tuy nhiên, theo quan điểm của GS.TSKH. Đặng Hùng Võ thì mọi người đừng quá lo lắng mà nên có cái nhìn lạc quan hơn: “Nó chưa tiêu cực đến mức đó. Giả sử bây giờ mà diễn ra tiếp việc đánh thuế cao vào những người sở hữu nhiều bất động sản thì mới chắc chắn chuyện hạ giá ồ ạt sẽ xảy ra”.
Dự báo về những biến động tiếp theo của lãi suất ngân hàng trong khoảng thời gian từ giờ đến cuối năm, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ cho rằng còn phải tùy thuộc theo diễn biến thị trường. Nếu như thời gian tới, giá bất động sản vẫn còn quá cao thì Nhà nước vẫn phải tiếp tục xử lý hai công cụ là tiền tệ và tài khóa. Mà trong đó, xử lý công cụ tiền tệ thì chủ yếu thông qua các động thái siết tín dụng và tăng lãi suất ngân hàng để thu hút nguồn tiền.
“Vấn đề bây giờ là phải làm sao để mọi người đều có thể mua được nhà. Nhìn vào thị trường hiện nay, người dân bình thường đa phần là không mua được nhà và bất động sản chủ yếu để đáp ứng giới đầu cơ. Muốn nền kinh tế đất nước phát triển tốt thì bắt buộc phải loại bỏ thực trạng này”, GS.TSKH. Đặng Hùng Võ nhận định.