Điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh mới


Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 và gần đây là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến nền kinh tế thế giới liên tiếp phải đối mặt với nhiều khó khăn. Giá dầu và khí đốt tăng vọt khiến cho giá cả nhiều loại hàng hóa tăng theo và khiến nhiều nước trên thế giới đối mặt với nguy cơ lạm phát cao kỷ lục. Trước những diễn biến phức tạp trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ khôi phục và phát triển kinh tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng điều hành chính sách tiền tệ

Điều 3, Luật NHNN quy định: “CSTT quốc gia là một bộ phận của chính sách kinh tế - tài chính của Nhà Nước nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiềm chế lạm phát, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống của nhân dân”

Nghiên cứu của các nhà kinh tế học nổi tiếng như Keynes, Samuelson, Friedman… đã chỉ ra rằng, CSTT là một trong những công cụ quan trọng nhất của Nhà nước để quản lý và điều hành nền kinh tế. CSTT góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, ổn định giá cả hàng tiêu dùng, ổn định được thị trường ngoại hối, thị trường vàng… giúp từng bước phục hồi phục nền kinh tế cũng như tạo ra lợi thế trong liên kết và phân công lao động quốc tế, thích ứng với xu thế toàn cầu hóa nền kinh tế.

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Nền kinh tế các nước bị ảnh hưởng cả về mặt cung và cầu, cùng với đó là phát sinh nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 2,91% và tiếp tục giảm xuống còn 2,58% trong năm 2021. Ngoài những tác động đến nền kinh tế nói chung, đại dịch COVID- 19 cũng tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành Ngân hàng như: Suy giảm chất lượng tài sản, khó khăn trong việc thu hồi nợ và xử lý nợ xấu.

Để nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi và phát triển trong bối cảnh quốc tế có nhiều bất ổn như hiện nay, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/12/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ được xây dựng trên nguyên tắc tác động cả phía cung và phía cầu, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ để giải quyết những vấn đề cấp bách và tránh dàn trải lãng phí nguồn lực.

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2022. Trong đó, NHNN đã đề ra mục tiêu điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát mục tiêu năm 2022 bình quân 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biễn thị trường trong và ngoài. Cụ thể:

Thứ nhất, đảm bảo khả năng thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng để kịp thời cung cấp vốn cho các tổ chức tín dụng (TCTD).

NHNN luôn đảm bảo thanh khoản trên thị trường tiền tệ được thông suốt. Thông qua nghiệp vụ thị trường mở, NHNN thực hiện tăng hoặc giảm cơ số tiền tệ, từ đó làm tăng hoặc giảm lượng tiền cung ứng trên thị trường. Nếu muốn tăng lượng tiền cung ứng thì NHNN thực hiện mua giấy tờ có giá trên thị trường mở và muốn thực hiện thắt chặt tiền tệ thì NHNN sẽ bán giấy tờ có giá trên thị trường mở. Việc mua bán giấy tờ có giá sẽ giúp điều tiết thanh khoản trên thị trường đảm bảo các mục tiêu thanh khoản trong từng thời kỳ.

Thứ hai, ổn định thị trường ngoại hối.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ giá VND/USD tăng khoảng 2%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Việc NHNN ổn định tỷ giá tạo điều thuận lợi cho các DN xuất nhập khẩu, giúp giảm thiểu các tác động bất lợi của tỷ giá đến hoạt động kinh doanh của DN. Bên cạnh việc ổn định tỷ giá thì NHNN cũng đảm bảo nguồn cung ngoại tệ cho thị trường trong nước, từ đó, tạo điều kiện cho hệ thống TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đặc biệt, nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, góp phần bình ổn thị trường, hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Thứ ba, ổn định lãi suất điều hành.

Trong năm 2020, NHNN đã thực hiện 3 lần giảm các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5% - 2,0%/năm đối với lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. Cụ thể, NHNN đã giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6%/ năm xuống 4%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm, lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4%/năm xuống 2,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN giảm từ 7%/năm xuống 5%/năm.

So với các nước trong khu vực, Philippines giảm 2%, Thái Lan giảm 0,75%, Malaysia giảm 1,25%, Indonesia giảm 1,25%, Ấn Độ giảm 1,15%, Trung Quốc giảm 0,3% thì Việt Nam có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất. Không chỉ giảm lãi suất điều hành, để hỗ trợ TCTD có điều kiện giảm nhanh và mạnh lãi suất cho vay đối với DN và người dân, NHNN còn giảm 0,6-1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên của TCTD đối với khách hàng với tổng mức giảm là 1,5%/năm.

Trong năm 2021, NHNN vẫn giữ nguyên các lãi suất điều hành ở mức thấp mặc dù lãi suất điều hành của nhiều nước trên thế giới bắt đầu tăng. Tháng 7/2021, thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ, 16 TCTD lớn nhất hệ thống cam kết qua Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam từ ngày 15/7/2021 đến cuối năm 2021 tiếp tục giảm lãi suất cho vay lên đến 1%/năm với tổng số tiền lãi giảm khoảng 20.613 tỷ đồng. 04 ngân hàng thương mại nhà nước dành thêm 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, phí dịch vụ trong thời gian giãn cách tại các địa bàn phải áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg. Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến cuối tháng 9/2021, tổng số tiền lãi TCTD đã miễn, giảm cho khách hàng khoảng 27.000 tỷ đồng.

Năm 2022, một số ngân hàng trung ương của các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Anh tăng mạnh lãi suất điều hành, cụ thể: tháng 3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cơ bản lên 0,25% sau 4 năm lãi suất này đứng ở mức gần 0%. Để đối phó với lạm phát, tháng 5 và 6/2022, Fed tiếp tục nâng lãi suất. Gần đây, ngày 27/7, Fed quyết định nâng lãi suất cơ bản đồng USD với mức 0,75%, đưa lãi suất lên mức 2,25%-2,5% (mức cao nhất kể từ tháng 12/2018). Ngoài ra, dự báo, lãi suất tham chiếu của Fed có thể tăng lên mức 3,1%-3,6% vào cuối năm nay và 3,6%-4,1% vào cuối năm 2023. Ngày 21/7/2022, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản và đưa lãi suất tiền gửi của ECB lên 0%. Ngày 4/8, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, lên 1,75%. Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ 6 kể từ tháng 12/2021 và là đợt tăng mạnh nhất trong 27 năm qua, đưa lãi suất của Anh lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008.

Trước xu hướng tăng lãi suất chung của nhiều nước trên thế thế giới, NHNN tiếp tục giữ nguyên lãi suất điều hành, tạo điều kiện thuận lợi về lãi suất cho các DN và cá nhân vay vốn để phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp DN tránh những rủi ro về lãi suất khi lãi suất liên tục biến động.

Thứ tư, tăng trưởng tín dụng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.

Trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng là 12,1%. Năm 2021, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5%. Theo Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 thì định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% và có sự điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, cả nước có 89,4 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.006,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% về số DN, số DN gia nhập và quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm là 44,3 nghìn DN, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao nên nhu cầu vốn trong những tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2022 là 9,44% so với cuối năm 2021. Trong đó, ngành Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 7,52%, công nghiệp và xây dựng tăng 7,13%; Hoạt động thương mại, vận tải và viễn thông tăng 9,34%, các hoạt động dịch vụ khác tăng 11,55%.

Trong hoạt động của các TCTD, NHNN chỉ đạo TCTD tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, giảm thiểu nợ xấu, dòng vốn tín dụng hướng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; Kiểm soát chặt chẽ rủi ro trong việc cấp tín dụng với mục đích đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu DN; Kiểm soát tín dụng ngoại tệ phù hợp với lộ trình hạn chế đô la hóa nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; Kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, dự án quy mô lớn.

Thứ năm, các chính sách hỗ trợ khách hàng vay vốn.

- Cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Sau hơn 2 năm thực hiện, chính sách cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020-TTNHNN, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 04/2021/TT-NHNN đã góp phần tích cực hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đến ngày 30/06/2022, giá trị nợ được cơ cấu lũy kế là gần 710.000 tỷ đồng cho hơn 1 triệu khách hàng. Việc cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ/gia hạn lịch trả nợ phù hợp với điều kiện kinh doanh trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời, việc giữ nguyên nhóm nợ giúp khách hàng không bị lịch sử nợ xấu, tạo cơ hội cho khách hàng có thể tiếp tục vay vốn để tái sản xuất kinh doanh sau thời gian dịch bệnh.

- Tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt nam (VNA) theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

NHNN ban hành Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 05/04/2021 quy định về tái cấp vốn đối với TCTD sau khi TCTD cho VNA vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tổng số tiền tái cấp vốn đối với các TCTD tối đa là 4.000 tỷ đồng, lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, thời hạn tái cấp vốn tối đa bằng thời hạn cho vay của khoản cho vay VNA (không bao gồm thời hạn gia hạn của khoản cho vay VNA) và không vượt quá 364 ngày. Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 02 (hai) lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại, thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn, tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 03 năm..

- Hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động.

Thực hiện Chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã triển khai cho vay tái cấp vốn với lãi suất 0% và không yêu cầu tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc cho người lao động và khôi phục sản xuất, kinh doanh. Người sử dụng lao động được vay vốn một hoặc nhiều lần để trả lương ngừng việc, trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất với thời gian tối đa 03 tháng/người lao động.

Trong đó, vay vốn trả lương ngừng việc, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Vay vốn trả lương phục hồi sản xuất: mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, đợt hỗ trợ thứ nhất (kết thúc vào ngày 31/01/2021) có 245 đơn vị sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc cho 11.276 người lao động, đợt hỗ trợ thứ hai từ tháng 7/2021 đến 27/12/2021 có 2.311 đơn vị sử dụng lao động vay để trả lương cho 527.309 lượt người lao động; Thời hạn kết thúc đợt hỗ trợ này là 31/3/2022 hoặc khi số tiền giải ngân đạt 7.500 tỷ đồng.

- Miễn giảm phí dịch vụ.

Ngày 30/7/2021, NHNN ban hành Công văn số 5517 NHNN-TT về việc áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ. Cụ thể, giảm 50% phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch trên ATM, POS so với mức phí đang áp dụng, giảm tối thiểu 75% phí dịch vụ chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử cho các giao dịch chuyển khoản liên  ngân hàng 24/7 so với mức phí đang áp dụng. Thời gian áp dụng từ ngày 01/08/2021 đến 31/12/2021.

- Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%.

Trên cơ sở Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, NHNN đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-NHN hướng dẫn ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP. Các đối tượng khách hàng được hỗ trợ lãi suất 2%/ năm là các khách hàng DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc các ngành: hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin. Các khách hàng vay vốn để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% giúp DN vay được nguồn vốn giá rẻ, giảm chi phí sản xuất kinh doanh và góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, hạn chế “tín dụng đen”.

Mặc dù, NHNN đã thực hiện linh hoạt trong điều hành CSTT để đạt được những mục tiêu kinh tế như kỳ vọng, tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới trong tương lai và những vướng mắc đang cần được giải quyết thì cần phải thực hiện một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của CSTT trong thời gian tới.

Một số khuyến nghị trong điều hành chính sách tiền tệ

Trong 6 tháng đầu năm nền kinh tế Việt Nam đã đạt được các kết quả khả quan về tăng trưởng kinh tế và kiếm chế lạm phát. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, kinh tế trong nước phục hồi tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý II/2022 tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, GDP tăng 6,42%. CPI tháng 07/2022 tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy kết quả tăng trưởng kinh tế và lạm phát khả quan 6 tháng đầu năm 2022 nhưng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm khi lãi suất của nhiều nước trên thế giới có xu hướng tiếp tục tăng thì áp lực lạm phát của nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn. Do đó, CSTT trong thời gian tới cần được điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Cụ thể:

Thứ nhất, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm phục hồi và phát triển kinh tế, kiểm soát lạm phát và đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD, tập trung xử lý các TCTD yếu kém, phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng TCTD theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để thành lập các TCTD có quy mô lớn hơn và năng lực quản trị tốt hơn.

Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, giảm sát đảm bảo sự an toàn, lành mạnh trong hoạt động của hệ thống TCTD.

Thứ tư, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Thực hiện chuyển đổi số một cách có trọng tâm trọng điểm, hiệu quả và không lãng phí nguồn lực. Chuyển đổi số bắt nguồn từ nhu cầu của người dân và DN. Phát triển các hình thức vay online, mở tài khoản online, xác thực tài khoản eKYC…

Thứ năm, tăng cường vai trò của hệ thống TCTD trong việc mở rộng và đa dạng hóa các sản phẩm cho vay sản xuất và tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen, đảm bảo người dân có thể tiếp cận được với các dịch vụ tín dụng đặc biệt là tín dụng tiêu dùng.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2021), Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022;

2. Quốc hội (2022), Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;

3. Chính phủ (2022), Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình;

4. Chính phủ (2022), Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh;

5. Ngân hàng Nhà nước (2022), Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022;

6. Ngân hàng Nhà nước (2022), Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20/05/2022 hướng dẫn Ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/05/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh;

7. https://sbv.gov.vn; https://www.gso.gov.vn.

* TS. Nguyễn Thị Hiền Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 9/2022