Lãi suất tiết kiệm: Nơi miệt mài tăng, chỗ âm thầm giảm
Cuối tháng 3 này, nhiều chương trình ưu đãi của các ngân hàng đi vào giai đoạn cuối nên lãi suất có thể điều chỉnh về một mặt bằng khác thấp hơn...
Trong tuần trước, nhiều ngân hàng đã áp dụng biểu lãi suất huy động mới bắt đầu từ tháng 3. Theo quan sát, xu hướng điều chỉnh vẫn chủ yếu là tăng lên, mức tăng phổ biến từ 0,1-0,3 điểm phần trăm. Trong khi đó, ở một số ngân hàng lại ngược chiều điều chỉnh giảm nhẹ ở các kỳ hạn ngắn.
Techcombank và ACB vừa áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 4/3, trong đó chỉ thay đổi ở một số kỳ hạn và xu hướng thay đổi khá trái chiều.
Tại ACB, lãi suất kỳ hạn 12 tháng áp dụng cho khách hàng ngoài khu vực TP.HCM tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên mức 7%-7,3%/năm. Cụ thể, khách hàng gửi dưới 200 triệu được hưởng lãi suất 7%; từ 200 triệu đến 500 triệu là 7,1%/năm; từ 1 tỷ đến 5 tỷ là 7,15%/năm, …; trên 10 tỷ là 7,3%/năm. Còn ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, lãi suất kỳ hạn 12 tháng của ACB dao động từ 6,8-7,1%/năm, tăng 0,2 điểm phần trăm. Trong khi đó, Techcombank điều chỉnh lãi suất trái chiều giữa các kỳ hạn.
Cụ thể, ở kỳ hạn 3 tháng, ngân hàng điều chỉnh tăng 0,1-0,3 điểm phần trăm, trong đó với khoản tiền gửi dưới 1 tỷ, kỳ hạn 3 tháng tăng từ 5,1% lên 5,3%/năm; khoản tiền trên 3 tỷ có lãi suất tăng từ 5,3% lên 5,4%/năm. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm 0,1-0,3 điểm phần trăm. Khách hàng thường gửi tiết kiệm dưới 1 tỷ kỳ hạn 6 tháng được hưởng lãi suất 5,9%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với hồi tháng 2 còn khách VIP gửi tiền dưới 1 tỷ cũng chỉ được hưởng lãi suất 6%, giảm 0,3 điểm phần trăm.
Ngoài ra, lãi suất cao nhất của kỳ hạn 19 tháng, 20 tháng (áp dụng cho khách hàng ưu tiên có khoản tiền gửi trên 3 tỷ) giảm 0,1% xuống mức 6,9%/năm. Với hình thức tiết kiệm online, khách hàng tiết kiệm phát lộc kỳ hạn 6 tháng tại Techcombank được hưởng lãi suất 6,2%/năm, giảm 0,3 điểm phần trăm so với tháng 2.
Không chỉ Techcombank điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất ở 1 số kỳ hạn, một ngân hàng nữa cũng giảm lãi suất trong thời gian gần đây là GPBank, giảm đồng loạt 0,2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn trên 6 tháng. Còn lại các kỳ hạn ngắn không thay đổi.
Trước đó, cuối tháng 2, BacABank cũng giảm lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng 0,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại nhà băng này giảm từ 8,2%/năm xuống mức 8,1%/năm.
Nhìn trên thị trường cho thấy việc giảm lãi suất diễn ra khá cục bộ, xu hướng chính lãi suất huy động trong nửa đầu tháng 3 vẫn là đi lên.
Chẳng hạn ở LienVietPostBank, biểu lãi suất áp dụng từ tháng 3/2019 có nhiều thay đổi so với trước đó. Đáng chú ý, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này tăng từ 7,6% lên 8%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 48 tháng trở lên.
Ở MBBank, lãi suất huy động cũng vừa được điều chỉnh tăng ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng – 9 tháng tăng 0,2 điểm phần trăm lên mức 6,5%/năm. Ngoài ra, ở kỳ hạn 10 tháng, 11 tháng cũng tăng 0,2 điểm phần trăm lên mức 6,6%/năm. Kỳ hạn 13 tháng, 18 tháng tăng từ 7,2%/năm lên 7,4%/năm. Lãi suất cao nhất tại MBBank vẫn là 7,5%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi 24-36 tháng.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng lãi suất nhiều khả năng khó giảm trên diện rộng trong thời gian tới, mặc dù Chính phủ có lời kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên từ tháng 3.
Theo SSI Retail Research, bên cạnh yêu cầu đáp ứng các chỉ tiêu về vốn của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ 1/1/2019 thì tháng 3 thường là tháng tăng tốc giải ngân tín dụng để thực hiện mục tiêu quý 1 nên nhu cầu huy động vốn cao, mặt bằng lãi suất khả năng vẫn được duy trì ổn định ở mức hiện tại.