Cuộc đua huy động vốn vẫn đang khốc liệt, lãi suất sẽ thế nào trong thời gian tới?

Theo Diệp Trần/ttvn.vn

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi đó, cuộc đua huy động tiền gửi trên thị trường 1 của các ngân hàng vẫn còn gay gắt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trong 2 tuần cuối tháng 2/2019, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất theo xu hướng tăng. Chẳng hạn, ngày từ ngày 21/2/2019, ngân hàng Hàng Hải MSB áp dụng biểu lãi suất mới, theo đó, ngân hàng đã điều chỉnh tăng đột biến từ 6,6%/năm lên 7,4%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn dài 24 tháng trở lên. Lãi suất các kỳ hạn 1 và 2 tháng cũng tăng nhẹ từ 4,85% và 4,95% lên 4,9% và 5%/năm. Kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng có lãi suất tăng từ 6,7%/năm lên lần lượt là 6,8%/năm và 6,9%/năm.

Đối với khách hàng gửi tiết kiệm online, lãi suất đươc hưởng cao hơn mức lãi suất trên từ 0,1-0,2%/năm tùy từng kỳ hạn. Mức lãi suất cao nhất áp dụng với các khoản tiền gửi này hiện là 7,9%/năm.

Trước đó, hồi đầu tháng 2/2019, nhiều ngân hàng lớn như Sacombank, MBBank, Techcombank, ACB,…đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động. Như Techcombank từ ngày 11/2 áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng là 6,3%/năm thay vì mức 6%/năm trước đó; kỳ hạn 7-11 tháng áp dụng lãi suất 6-6,1%/năm trong khi biểu lãi suất triển khia trước Tết là 5,8%-5,9%/năm.

Mặc dù thanh khoản thị trường đã được cải thiện hơn sau Tết Nguyên đán khi lãi suất liên ngân hàng có lúc hạ nhiệt, cuộc chiến huy động dường như vẫn còn rất khốc liệt, bên cạnh điều chỉnh lãi suất, một số nhà băng đã tìm đến các phương thức huy động khác. Chẳng hạn, BIDV vừa phát đi thông báo cho biết từ nay đến 31/3, ngân hàng triển khai chương trình chứng chỉ tiền gửi trung dài hạn với lãi suất lên tới 7,6%/năm. Mức lãi suất huy động này cao hơn nhiều so với gửi tiền thông thường ở nhà băng này, với lãi suất cao nhất chỉ 6,9%/năm.

Áp lực huy động lại bất ngờ có dấu hiệu hạ nhiệt ở một số ngân hàng khi lãi suất rục rịch giảm, tuy nhiên ghi nhận mức giảm còn khá khiêm tốn. Trong số đó, BacABank vừa áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 25/2/2019, theo đó, giảm lãi suất ở các kỳ hạn trên 12 tháng 0,1%/năm. Lãi suất cao nhất tại nhà băng này giảm từ 8,2%/năm xuống mức 8,1%/năm. Trên thực tế, mặc dù giảm nhưng lãi suất tại BacABank hiện vẫn còn cao hơn trước Tết. 

Lãi suất liên ngân hàng trong nửa cuối tháng 2 bắt đầu có xu hướng hạ nhiệt so với 2 tháng trước đó. Báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong tuần 18-22/2/2019, đối với các giao dịch bằng VND, so với tuần trước, lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần có xu hướng giảm ở hầu hết các kì hạn. Cụ thể lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt 0,5%/năm, 0,48%/năm và 0,16%/năm xuống mức 4,17%/năm, 4,22%/năm và 4,75%/năm. 

Theo nhận định của Chứng khoán Bảo Việt BVSC, diễn biến hạ nhiệt của lãi suất liên ngân hàng là do lượng tiền nhàn rỗi có xu hướng quay trở lại hệ thống sau Tết. Nhóm phân tích này cũng dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 3. 

Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trong tháng 2 tăng ở hầu hết các ngân hàng, cả ở nhóm ngân hàng thương mại gốc Nhà nước lẫn cổ phần. Nguyên nhân có thể do các ngân hàng đang gấp rút huy động vốn nhằm đáp ứng hoạt động thanh tra của NHNN liên quan đến tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 40%. Tuy nhiên, BVSC cho rằng sang tháng 3, khi thanh khoản hệ thống tích cực dần lên, động thái điều chỉnh lãi suất huy động có thể sẽ diễn ra tại một số ngân hàng có quy mô lớn.

So với lãi suất, tỷ giá trong thời gian gần đây có diễn biến khá ổn định. Cụ thể, so với tháng 1, tỷ giá trung tâm trong tháng 2 tăng nhẹ 0,2% trong khi tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại gần như không đổi.

Trên thị trường thế giới, chỉ số USD tăng mạnh trong nửa đầu tháng 2 nhưng đã giảm trở lại trong nửa cuối tháng 2. Sự chuyển hướng trong chính sách tiền tệ của FED: từ thắt chặt quyết liệt sang xem xét không tăng lãi suất nữa nhiều khả năng sẽ khiến đồng USD khó tăng giá mạnh trong năm 2019. Kể từ đầu năm 2019 đến nay, hầu hết đồng tiền của các nước mới nổi tại châu Á đều hồi phục trở lại so với USD, trong đó mạnh nhất là Rupiah của Indonesia (2,7%), tiếp đến là CNY Trung Quốc (2,5%), Bath của Thái Lan (2,3%).