Lắm chi phí "ngoài luồng" trong lĩnh vực bất động sản

Theo CAND

Theo Luật Xây dựng thì chỉ cần có đủ 3 loại giấy tờ là đơn xin cấp phép xây dựng; giấy tờ về quyền sở hữu nhà và QSD đất; hồ sơ thiết kế công trình. Nhưng trong thực tế triển khai, có nhiều nơi lại yêu cầu tới 7 loại giấy tờ mới tiến hành cấp phép.

Ngày 18/8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và xây dựng nhà ở, thuế, hải quan, trong đó, "nóng" nhất vẫn là các thủ tục hành chính liên quan đến nhà ở và xây dựng nhà ở.

Liên quan đến lĩnh vực đất đai với hàng loạt các thủ tục như giao đất, cho thuê đất, thủ tục thu hồi đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (QSD) đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, ông Lê Tiến Dũng, đại diện đến từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã chỉ ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) do sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt, Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận (GCN) QSD đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất không thống nhất với nội dung Quyết định số 93/2007/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông"…

Còn theo đại diện của Hiệp hội các nhà thầu tỉnh Nam Định thì hiện chưa có sự thống nhất giữa nội dung lập, thẩm định dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo quy định của một số luật liên quan.

Chẳng hạn như theo Luật Xây dựng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 thì khi thẩm định dự án có thẩm định thiết kế cơ sở nhưng cùng nội dung này trong Luật Nhà ở và các văn bản liên quan lại không quy định các nội dung liên quan đến thẩm định thiết kế cơ sở. Điều này khiến nhiều chủ đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước gặp khó khăn trong việc thực hiện các quy định của luật.

Ông Lê Văn Lắm, Hiệp hội Gas Việt Nam đã thẳng thắn nêu lên một số bất cập trong việc thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực xây dựng như trong thủ tục cấp phép xây dựng.

Theo Luật Xây dựng thì chỉ cần có đủ 3 loại giấy tờ là đơn xin cấp phép xây dựng; giấy tờ về quyền sở hữu nhà và QSD đất; hồ sơ thiết kế công trình. Nhưng trong thực tế triển khai, có nhiều nơi lại yêu cầu tới 7 loại giấy tờ mới tiến hành cấp phép.

Hay như trong thủ tục cấp phép xây dựng tạm nhà ở cho những nơi đã có quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng khi cấp phép không rõ là cấp bao nhiêu năm, rồi đến khi quy hoạch không được thực hiện thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bởi những hộ dân sống trong vùng quy hoạch đó sẽ không được xây dựng nhà kiên cố…

Đáng nói hơn, trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều loại chi phí "ngoài luồng" trong việc xin cấp đất, cấp GCN quyền sử dụng đất. Cụ thể, đó là việc nhiều đơn vị tư vấn "cầm" thêm tiền ngoài hợp đồng của chủ đầu tư để làm nhanh hơn. Hay qua phản ánh của người dân, đã có người "mời chào" họ lấy GCN với giá 300 triệu đồng mặc dù về mặt lý thuyết việc cấp GCN không chỉ là quan trọng với người dân mà còn phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.

Đồng thời, ông Lê Văn Lắm cũng kiến nghị: Văn bản liên quan đến quản lý đất đã thay đổi nhiều lần, tuy nhiên các văn bản cần được xây dựng theo hướng văn bản sau phải có lợi, tốt hơn cho người dân, cũng như doanh nghiệp để tránh tình trạng "bất nhất" giữa người thực hiện trước và người thực hiện sau.

Trước những bức xúc của doanh nghiệp liên quan đến TTHC trong lĩnh vực đất đai, nhà ở và xây dựng nhà ở, ông Trần Đình Long, Phó trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH về cải cách thủ tục hành chính khẳng định: Đoàn giám sát của UBTVQH về cải cách thủ tục hành chính sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý, đề xuất của doanh nghiệp lên Quốc hội. Đồng thời tiếp tục yêu cầu các Bộ, Sở, ngành phải tiếp tục chỉ ra những vướng mắc cụ thể do sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật, tổng hợp báo cáo với đoàn giám sát để có những sửa đổi kịp thời.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện TTHC trong các cơ quan hành chính Nhà nước nhằm giảm thiểu sự sách nhiễu, phiền hà do cán bộ gây ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ.