Lâm Đồng: Đầu tư ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh xuất khẩu rau quả
Thời gian qua, nông dân và doanh nghiệp ở Đà Lạt không ngừng ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất rau, hoa để cho ra sản phẩm chất lượng cao, mang lại thu nhập mỗi năm gấp nhiều lần so với phương thức canh tác truyền thống.
Ứng dụng công nghệ
Nói đếntrang trại sản xuất rau quy mô và kỹ thuật sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao thì phải kể đến trang trại sản xuất rau của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (TP Đà Lạt).
Toàn bộ diện tích sản xuất rau của HTX đã đạt chuẩn VietGAP, trong đó 220ha rau trong nhà kính và nhà lưới được sản xuất theo cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ màng phủ nông nghiệp, kỹ thuật tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt. Sản phẩm sau thu hoạch về đến kho được bảo quản trong phòng lạnh, vận chuyển tiêu thụ bằng xe chuyên dùng để giảm thiểu hao hụt, đảm bảo được chất lượng và giá trị hàng hóa.
Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào, cho biết: “ Hiện nay, chúng tôi có 60 mặt hàng rau ăn củ, ăn quả, ăn lá, ăn bông được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hàng năm, HTX cung cấp ra thị trường bình quân hơn 40.000 tấn rau sạch, trong đó 80% phục vụ nhu cầu trong nước thông qua chuỗi cửa hàng và hệ thống siêu thị Co.op Mart. Nhờ sản xuất rau sạch áp dụng công nghệ cao nên HTX luôn có thị trường ổn định với giá cao hơn từ 10% - 15% so với rau sản xuất kiểu truyền thống, thu nhập bình quân đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm”.
Cùng với việc sản xuất trong nhà kính, sử dụng màng phủ nông nghiệp, thời gian gần đây, trồng rau bằng phương pháp thủy canh theo công nghệ châu Âu cũng được phát triển mạnh tại Đà Lạt.
Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt GAP, rau trồng bằng phương pháp thủy canh với hệ thống ống dẫn cung cấp nước chứa chất dinh dưỡng liên tục chảy từ đầu này ống thủy canh ra đầu kia, sau đó được máy bơm bơm chảy ngược trở lại. Cách thức này giảm được công chăm sóc và trong môi trường khép kín, sâu bệnh không xâm nhập được, hạn chế tối đa việc sử dụng chất bảo vệ thực vật. Còn ở khu vực đóng gói tại trang trại của Công ty Rừng hoa Bạch Cúc, các nhân công lần lượt xếp từng cây xà lách vẫn còn nguyên bộ rễ và giá thể được bó lại cẩn thận bằng bao ni lông.
Bà Phạm Thị Thu Cúc, Giám đốc Công ty Rừng hoa Bạch Cúc, cho biết: “Sản phẩm theo mô hình thủy canh rất sạch và an toàn. Cách làm này giúp xà lách tươi lâu hơn. Thu hoạch xong, chúng tôi giữ nguyên toàn bộ sản phẩm rồi đóng gói chuyển thẳng ra siêu thị, cung cấp cho người tiêu dùng”.
Không chỉ ở các đơn vị có nguồn vốn lớn, nhiều hộ dân tại Đà Lạt cũng tự bỏ tiền ra nước ngoài học tập kinh nghiệm, nhập khẩu công nghệ tiên tiến về áp dụng vào sản xuất, như: ứng dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới trong sản xuất rau, hoa; mô hình tưới tiết kiệm...
Xuất khẩu còn khiêm tốn
Theo ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Lâm Đồng, rau, hoa Đà Lạt những năm gần đây có mặt ở hầu khắp các siêu thị, hệ thống cửa hàng nông sản trong cả nước; riêng thị trường TP.HCM tiêu thụ hơn 60%, bên cạnh đó cũng từng bước chinh phục được một số thị trường quốc tế. Làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đang triển khai nhiều mô hình sản xuất rau, hoa công nghệ cao tại phố núi sẽ góp phần đưa giá trị của rau, hoa Đà Lạt ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay lượng rau, hoa xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn, ngay cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tỷ lệ xuất khẩu mới chỉ đạt 10% - 20%. Trong khi đó, thị trường trong nước còn bấp bênh, thiếu ổn định; ở các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường.
Nguyên nhân do việc đầu tư hạ tầng sản xuất rau, hoa chưa đồng bộ, diện tích áp dụng công nghệ mới còn chiếm tỷ lệ thấp, thiếu tập trung, gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý và giảm sức hút đối với doanh nghiệp, chưa tạo được động lực phát triển công nghiệp chế biến sau thu hoạch.
Với hướng nhìn nhận thị trường cởi mở nhưng cũng yêu cầu chất lượng đảm bảo, ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt GAP, cho rằng, hiện nay chất lượng nông sản ở nước ta phần lớn không đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu, chỉ sản xuất tự phát phục vụ thị trường nội địa nhưng không ổn định. Muốn tháo gỡ nút thắt này, người làm nông nghiệp phải tạo ra sản phẩm có giá trị, chất lượng tốt bằng cách ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, khi đó năng suất sẽ tăng từ 4 - 6 lần so với canh tác truyền thống, đáp ứng thị trường khó tính.
“Hiện nay thị trường Nhật Bản đang nhập khẩu trên 50% lượng rau, củ, quả từ châu Âu, các thị trường gần với Việt Nam như Đài Loan, Singapore, Malaysia... cũng đang có nhu cầu rất lớn, đồng thời thị trường trong nước người dân cũng đang hướng đến nguồn nông sản có chất lượng, thương hiệu. Đây là cơ sở để chúng ta chuyển dần sang hướng sản xuất rau, hoa công nghệ cao”, ông Lê Văn Cường phân tích.
Để sản phẩm rau, hoa Đà Lạt ngày càng vươn ra thị trường thế giới, ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, xác định cần có những đầu tư trọng điểm công nghệ cao, như: phát triển công nghệ sinh học (gen, chọn tạo và nhân giống, xử lý môi trường), công nghệ nano, công nghệ nhà kính, nhà lưới gắn với kiểm soát môi trường, tưới tiết kiệm nước, công nghệ thông tin, sử dụng robot, tự động hóa, điều khiển từ xa…