Phát triển chuỗi nông sản an toàn - Hướng đi tất yếu cho nông nghiệp
Đối mặt với những khó khăn và thách thức của tiến trình hội nhập, nông sản Việt Nam đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo quy trình an toàn thực phẩm (ATTP) trong từng công đoạn, liên kết tạo thành một chuỗi nông sản an toàn. Đây cũng chính là xu hướng tất yếu cho nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề bất cập như: việc tiếp cận vốn, dồn điền đổi thửa, liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với những người nông dân tại vùng nguyên liệu...
Tiếp cận vốn ngân hàng - Nút thắt cần tháo gỡ
Hiện nay, việc doanh nghiệp và người dân tham gia chuỗi cung ứng nông sản an toàn khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng hay hạn chế về mặt đất đai, thủ tục… là những rào cản khiến cho việc phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn trở nên khó khăn.
Đứng từ góc độ của doanh nghiệp tham gia kinh doanh nông sản an toàn theo chuỗi, ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Công ty TNHH BigGreen Việt Nam đánh giá: Hiện nay, một trong những khó khăn điển hình khi đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh sản phẩm nông nghiệp nói chung và rau quả an toàn nói riêng là doanh nghiệp cần lượng vốn lớn trong thời gian dài. Trong khi đó, các doanh nghiệp khá chật vật để có thể tiếp cận nguồn vốn vay.
Đồng tình với quan điểm này, theo đại diện Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại: Với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm an toàn theo chuỗi, chỉ cần xây dựng được một điểm tập kết hàng hóa chung với hệ thống máy móc sơ chế, bảo quản… cũng đã mất nhiều tỷ đồng rồi. Trong khi đó, doanh nghiệp đi vay ngân hàng sẽ phải có tài sản thế chấp. Điều kiện có tài sản thế chấp này cũng là “nút thắt” gây khó khăn cho các hộ nông dân tham gia chuỗi.
Bên cạnh đó, chi phí cho bao bì, tem nhãn cao, trong khi giá bán chưa như mong đợi, đồng thời việc xác nhận sản phẩm kiểm soát theo chuỗi chưa có văn bản quy định nên cơ quan chức năng còn chậm triển khai cũng là những khó khăn nổi cộm.
Đại diện Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại phân tích: Ngoài vốn, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong dồn điền đổi thửa để có vùng nguyên liệu ổn định cũng như tạo dựng, duy trì mối liên kết dọc với nông dân, hợp tác xã và những doanh nghiệp tại địa phương tổ chức sản xuất nông sản an toàn.
Làm thế nào để phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn
Thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, nhưng để từng người dân được hưởng thụ lợi ích của các chính sách này đòi hỏi sự chủ động vào cuộc của các cơ quan quản lý tại địa phương. Bởi, chính quyền tại các địa phương chính là người có thể hài hòa lợi ích trong chuỗi giá trị. Cụ thể, cần có sự quyết liệt của chính quyền địa phương trong quá trình dồn điền đổi thửa để có vùng nguyên liệu ổn định, đủ để ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất.
Đặc biệt là, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ tín dụng bằng cách bảo đảm quyền sử dụng đất lâu dài để doanh nghiệp có tài sản để định giá vay vốn.
Trong chuỗi sản xuất nông sản an toàn, các địa phương thể hiện được vai trò đầu mối. Bởi lẽ, doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ dân. Vai trò của HTX rất quan trọng, nhưng hiện nay các HTX đứng ra thu mua nông sản còn hiếm. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu địa phương đứng ra để huy động bà con làm nông sản sạch thì doanh nghiệp sẽ có một đầu mối bảo đảm nguồn hàng để tiêu thụ.
Đồng bộ về chính sách để tạo các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn giống như việc tạo ra một cây giống tốt. Việc áp dụng các chính sách ở mỗi địa phương mới là khu vườn với thổ nhưỡng, chất đất khác nhau. Chính quyền địa phương càng minh bạch, quyết tâm để phát triển nông sản an toàn thì các chính sách tạo nông sản sạch mới thực sự đơm hoa thơm, trái ngọt.
Đồng thời, Nhà nước nên tạo cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản an toàn như xe ô tô chở nông sản an toàn được lưu thông trong thành phố, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian đầu, miễn thuế Giá trị gia tăng các sản phẩm nông sản an toàn…
Xung quanh câu chuyện liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm với những người nông dân tại vùng nguyên liệu trong chuỗi cung ứng, đại diện Công ty CP VietRAP Đầu tư thương mại cho biết: Doanh nghiệp không thể ký hợp đồng với từng hộ dân mà phải thông qua các hợp tác xã. Hiện nay, chỉ các hợp tác xã kiểu mới mới có thể đảm bảo cơ chế hoạt động như doanh nghiệp, tuy nhiên hình thức hợp tác xã này còn ít, chưa có liên kết với các doanh nghiệp.